Trí thức tàu hủ đá
VietTuSaiGon
RFA Blog
Tàu hủ, còn gọi là đậu hủ hay tàu phớ là một loại sữa đậu nành cô đặc gần với đậu hủ miếng nhưng chưa đến nỗi đông đặc như đậu hủ, người ta thoa một ít thạch cao trên thành hủ và đổ thứ nước lỏng lỏng nấu từ đậu nành đó vào, đậy nắp, chừng 30 phút sau thì nó đông lại thành tàu phớ, tàu hủ. Người miền Nam ăn món này bằng cách múc ra, để nguội và cho đá vào, có người thêm nước cốt dừa. Khi ăn, nó cho cảm giác rất đặc biệt về cái lưng chừng giữa cô đặc và lỏng lẽo, giữa cái có thật và không có thật, giữa cái có nghĩa và vô nghĩa, giữa cái nghiêm túc và tào lao… Có vẻ như nói về món ăn chứa nhân sinh quan của người miền Nam trước thế cuộc, món tàu hủ đá là đặc trưng nhất. Và, khi nói đến một thứ gì đó vừa ngu xuẩn lại vừa đeo mác oách, ví như trí thức ngu, người ta chỉ cần xếp vào “trí thức tàu hủ đá” là đủ!
Vậy trí thức tàu hủ đá, chắc không cần bàn thêm về nó. Nghiệt ở chỗ không cần bàn nhưng lại đáng bàn bởi nó xuất hiện ngày càng nhiều, từ ông nghị nghĩ ra chuyện “phí chia tay để cán bộ và dân cùng cười” hay “giá điện tăng, xăng tăng mọi người dân đều được lợi” hay gần đây nhất là Huỳnh Thế Du, một tay trí thức tàu hủ đá cấp tiến nổi tiếng với câu góp ý: “Việt Nam có thể áp dụng giải pháp để các nhà thầu Trung Quốc xây dựng và mời tư vấn Nhật bản giám sát. Khả năng hai anh này bắt tay với nhau là rất thấp vì đang là đối thủ cạnh tranh một mất một còn… Khi đó, Trung Quốc có khả năng xây đường chi phí thấp và chất lượng cao và Nhật Bản giám sát thì con muỗi cũng không thể chui lọt. Việt Nam sẽ là ngư ông đắc lợi…”.
Đã có nhiều người chửi (phải nói toạc móng heo là chửi chứ không gọi là phản biện hay phản ánh gì!) trên các trang mạng xã hội vì kiểu phát biểu ngu xuẩn của ông ta. Và lý lẽ người ta đưa ra khi chửi cũng rất sắc sảo, chuẩn xác. Bởi nói Trung Quốc làm đường giá rẻ mà chất lượng cao thì chỉ có thằng ngu mới dám nói vậy, bài học đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn sờ sờ ra đó. Nói nhà thầu Trung Quốc và nhà thầu Nhật Bản không thể bắt tay với nhau là một loại tư duy tham nhũng, đã quen ăn không chùi mép, bởi khi đưa ra một dự án kinh tế, người ta chỉ cần tính đến chuyện các thông số kĩ thuật, thông số kinh tế, chỉ số lợi tức tối thiểu và tối ưu có tính đến trượt giá, chỉ số thông minh đầu tư bên trong dự án có đủ cập thời với khoa học hiện tại và tương lai, chỉ số an toàn của hệ thống qui ước và qui chế thực hiện, phát triển dự án, chỉ số an toàn quốc gia. Khi các chỉ số này đạt đủ thang ứng dụng thì dự án đó được thực hiện và đi vào hoạt động, mọi kiểu bắt tay dưới gầm bàn sẽ không bao giờ thực hiện được một khi dự án có đủ các chỉ số này.
Ở đây, Du lại cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản không thể bắt tay vì họ đang cạnh tranh khốc liệt là một kiểu tư duy bần cố nông, nhiều chuyện và đâm bị thóc thọc bị gạo. Làm ăn trên bình diện quốc gia và ký hợp đồng trên phương diện quốc tế mà còn mang lối tư duy này thì chỉ có ăn cám! Hơn nữa, Du còn cho rằng khi hai nhà thầu này cạnh tranh khốc liệt thì Việt Nam sẽ “ngư ông đắc lợi”.
Thuê nhà thầu xây dựng và thuê nhà thầu giám sát, cả hai nhà đều phải thuê và phải trả tiền. Một khi thiết chế xây dựng, qui chế hợp đồng và các qui chuẩn về an toàn quốc gia đảm bảo thì tại sao phải sợ hai nhà này bắt tay nhau? Mà bắt hay không bắt thì Việt Nam cũng phải trả tiền cho cả hai nhà thầu. Một khi Du nghĩ rằng hai nhà này sẽ không bắt tay nhau được là Việt Nam “ngư ông đắc lợi” thì rõ ràng kiểu tư duy thọc mạch, luồn cửa sau, ngồi lê buôn dưa ngoài chợ vẫn chưa được gột bỏ. Mà một khi thứ tư duy này còn tồn tại trong não trạng thì e rằng khó mà thoát khỏi tâm thức nô lệ. Bởi anh chưa vượt qua được cái chợ đầu làng thì đừng mơ ra biển lớn!
Hơn nữa, đã là một trí thức, là người hiểu biết thì chí ít anh phải biết về lịch sử suốt gần hai ngàn năm nay người phương Bắc đã âm mưu thôn tính nước Nam ra sao? Ngay cả một kẻ lên ngôi chính thống như Lê Chiêu Thống, để đảm bảo ngai vàng đã chạy sang cầu cạnh nhà Thanh và trả giá cho việc ngu xuẩn này nặng nề, nhục nhã ra sao, đến một người nông dân cũng biết. Và cái vết nhơ của Lê Chiêu Thống còn khiến người đời bụm mũi, nhăn mặt mãi mãi về sau. Đã có bao nhiêu máu xương của con dân Việt đã đổ xuống vì âm mưu xâm lăng của Trung Quốc, vì giấc mơ Đại Hán của nhiều đời, nhiều triều đại Trung Hoa? Đã có bao nhiêu người sống dở chết dở bởi người bạn “bốn tốt, mười sáu vàng” này? Đã có bao nhiêu ngư dân Việt Nam bỏ mình trên biển, để lại biết bao đau khổ và khoảng trống hụt hẫng cho gia đình cũng chỉ vì kẻ ngoại bang phương Bắc hung hăng và tàn ác này?
Bắt tay với kẻ xâm lăng, kẻ nuôi mộng nuốt chửng Việt Nam chẳng khác nào nộp thân cho quỉ dữ. Rước kẻ nói láo, không giữ lời hứa và làm ăn cẩu thả, xả bừa, gây ô nhiễm môi trường như Trung Quốc với Formosa, bauxite Tây Nguyên, nhiệt điện Vĩnh Tân, đường sắt Hà Đông – Cát Linh… vào nhà là rước họa. Là một trí thức, là người hiểu biết, việc đầu tiên cần làm là phải yêu nước thương nòi, phải yêu lấy quê hương, môi trường, yêu từng giọt mồ hôi của nhân dân đã đổ xuống để có ngày hôm nay. Rước kẻ ăn phàm, dối trá và bịp bợm như nhà thầu Trung Quốc vào làm một tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia thì đích thị là phản động, không thể nói khác đi được.
Và đương nhiên, đáng trách hơn không phải là Huỳnh Thế Du hay những con người mang danh trí thức như anh ta vốn nhan nhản trong hệ thống nhà nước. Mà là cả một hệ thống báo chí nhà nước, cái hệ thống mang danh báo chí nhưng chưa bao giờ hoạt động báo chí, chỉ hành sự như những trạm, những trung tâm bồi bút cho các nhóm lợi ích. Các trạm, các trung tâm này viết và phổ biến ý đồ của nhóm lợi ích bằng những bài viết thoa son trét phấn và che đậy để đạt mục đích của các nhóm lợi ích này. Hậu quả của việc này là các nhóm lợi ích ngày càng tác oai tác quái, trí thức thì phát biểu như đứa đần độn, nhân dân bị tung hỏa mù và ngân sách quốc gia khủng hoảng, nợ công ngập đầu vì rước phải nhà thầu Trung Quốc, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ngày càng xấu đi, chạm mức đen tối.
Và sở dĩ đất nước lâm vào thảm cảnh này là do, không ai khác, chính những trí thức tàu hủ đá, những kẻ người ngợm khó lường, những kẻ trắng đen lẫn lộn, những kẻ phản động giả danh yêu nước, những kẻ đặc lỏng không rõ nét, những kẻ ngọt không ra ngọt mặn không ra mặn với cái mác “trí thức thời đại vừa hồng vừa chuyên” này gây ra. Và nếu không sớm loại bỏ nhóm này ra khỏi hệ thống quyền lực, thì nhất định hệ thống đó phải đi đến hệ quả sụm bà chè. Và một khi nó sụm bà chè, nhân dân cũng điêu đứng vì cái món nợ nó gây ra và cái xác trương sình của nó.