Một phiên bản khác của Formosa tại Ninh Thuận?
Mặc Lâm
Biên tập viên RFA
Có phải thảm họa chưa chấm dứt?
Trong khi thảm họa Formosa đang còn là vấn đề chưa có lời giải thì Tập đoàn Hoa Sen lại khuấy động dư luận về dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná.
Có phải thảm họa chưa chịu chấm dứt trên các vùng biển Việt Nam?
Đó là câu hỏi mà người dân và báo chí đưa ra khi đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hoa Sen Group khẳng định với hội nghị cổ đông của Tập đoàn rằng sẽ tiến hành dự án nhà máy thép Cà Ná vì đây là dự án chắc chắn sẽ có lợi cho tập đoàn này.
Ông Lê Phước Vũ cho biết dự án đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép hoạt động, được miễn thuế trong 4 năm đầu và sẽ được cung cấp cơ sở hạ tầng mà không phải trả tiền đền bồi cho người dân. Nhà máy được cấp phép 70 năm và quan trọng hơn hết là đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương đầu tư vào ngày 27 tháng 8 tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa qua.
Có thể nói đây là một chuyện khủng khiếp đối với tôi bởi vì Cà Ná nằm trên trục đường giữa Tuy Phong và Ninh Phước, Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận và Ninh Phước thuộc tình Ninh Thuận hai vùng này là vùng văn hóa Chăm cổ truyền từ lâu đời.
-Inra Sara
Căn cứ trên những tuyên bố của ông Lê Phước Vũ, thì mọi sự xem như đã an bài từ tỉnh tới trung ương, bất kể câu chuyện của Formosa vẫn còn nằm yên thử thách các chính sách hậu Formosa của nhà nước.
Là người dân tộc Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inra Sara cho biết sự quan ngại của ông khi nghe tin này:
“Có thể nói đây là một chuyện khủng khiếp đối với tôi bởi vì Cà Ná nằm trên trục đường giữa Tuy Phong và Ninh Phước, Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận và Ninh Phước thuộc tình Ninh Thuận hai vùng này là vùng văn hóa Chăm cổ truyền từ lâu đời. Vùng Ninh Thuận Cà Ná từ xưa giờ từ trước hay sau 75 cũng vậy điều bức thiết nhất của đồng bào là nhu cầu nước, nếu có nước thì người ta giải quyết được rất nhiều vấn đề ở đó như dân sinh, vấn đề kinh tế, văn hóa… Nếu chặn đường nước của người dân là tàn phá môi trường, mà đây là môi trường sống, môi trường xã hội, văn hóa làng của người Chăm thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa. Hai vùng văn hóa Chăm lâu đời mà nhà máy lại đặt ở giữa thì sự ảnh hưởng của nó cực kỳ nặng.”
Trong hội nghị cổ đông của tập đoàn Hoa Sen ông Vũ khẳng định dự án hiện đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi và vì vậy vấn đề nước không còn là lớn nữa.
Về mặt kinh tế và môi sinh cũng như nước sinh hoạt cho người dân TS Lê Đăng Doanh hiện là thành viên của UB chính sách phát triển LHQ, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết những quan ngại của ông:
“Cái dự án của Tôn Hoa Sen về làm thép thì hiện nay đang gây tranh cãi lớn, tôi chỉ có mấy ý kiến thế này. Một là cần phải giám định thật chặt chẽ bảo vệ môi trường và Ninh Thuận là tỉnh khô hạn rất nghiêm trọng, rất thiếu nước. Người dân hiện nay không có đủ nước để sinh hoạt bình thường và cây cỏ ở đấy không đủ nước để sống vậy một nhà máy thép lớn như vậy lấy nước ở đâu và giải quyết thế nào? Nghe nói là làm ngọt nước biển để sản xuất thép thì đó là một điều chưa hề có tiền lệ và nếu có thì giá thành có thể lên cao.
Điểm thứ hai nữa là hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do và Trung Quốc hiện nay đang quá thừa thép. Công suất thép của họ là 1.200 triệu tấn/năm và họ có nhu cầu phải xuất khẩu một năm là 600 triệu tấn thép vậy thì thép của ông Tôn Hoa Sen này có cạnh tranh được với thép của Trung Quốc hay không và trong bối cảnh không cạnh tranh được thì viễn cảnh sẽ như thế nào?”
Lấy nước ở đâu cho nhà máy thép?
Với tình trạng thiếu nước trầm kha của tỉnh Ninh Thuận việc cung cấp nước từ một nhà máy nước cỡ nhỏ không thể thỏa mãn hết nhu cầu nước cho nhà máy thép này. Và câu hỏi đặt ra liệu ý tưởng lấy nước biển để làm có khả thi không và nếu không thì tại sao ông Lê Phước Vũ lại dám khẳng định một quy trình chưa từng xuất hiện trên thế giới như vậy, phải chăng còn điều gì phía sau?
Trong một văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế của Trung Quốc sẽ tư vấn thiết kế cho Tôn Hoa Sen tại Cá Ná. Danh sách những chuyên gia Trung quốc này có trong văn bản đính kèm.
CISDI cũng chính là công ty tư vấn thiết kế cho nhà máy Formosa Vũng Áng và dĩ nhiên toàn bộ máy móc thiết bị mà công ty mang vào đều đã quá hạn và do Trung Quốc sản xuất.
TS Lê Đăng Doanh cho biết sự lo ngại của ông về chi tiết này:
Mới xảy ra chuyện Formosa vừa rồi lại vào đây lần nữa thì tôi rất tha thiết xã hội dân sự các chuyên gia và nhà nước phải giám sát chặt chẽ để tránh một tai họa mới cho đất nước.
-TS Lê Đăng Doanh
“Hóa ra công ty tư vấn đã tư vấn xây dựng nhà máy thép Formosa lại tư vấn thiết kế cho Lê Phước Vũ và đấy là điều làm cho tôi rất lo ngại bởi vì công ty này đã xây dựng công nghệ làm lò cao ướt lẽ ra phải làm công nghệ khô để bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thế bây giờ ông này làm như thế này, mới xảy ra chuyện Formosa vừa rồi lại vào đây lần nữa thì tôi rất tha thiết xã hội dân sự các chuyên gia và nhà nước phải giám sát chặt chẽ để tránh một tai họa mới cho đất nước.”
Điểm mà báo chí quan tâm nhất chính là Hoa Sen không hề có điều khoản cam kết nào về môi trường và UBND tỉnh Ninh Thuận cũng không đề cập đến vấn đề này. Bài học Formosa đang làm chính phủ khó xử vì vậy khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao dự án này phải chăng còn có gì đó khuất tất qua tuyên bố của ông Lê Phước Vũ?
Quan ngại về vấn đề này PGS-TS Hồ Uy Liêm Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết:
“Nói quá sâu vào vấn đề công nghệ thì tôi không nói được nhưng nhìn chung nhiều chuyên gia đã nói môi trường chắc chắn là ảnh hưởng. Tuy nó không hại bằng anh Formosa nhưng nói chung nền công nghiệp nặng hiện nay trên thế giới người ta cứ đẩy máy móc phế thải cho các nước kém phát triển như Việt Nam. Chúng ta lại hứng lấy nền công nghiệp cần nhiều người, nhiều nguyên liệu và gây ô nhiễm. Từ trong thâm tâm tôi thấy không nên cấp phép cho Tôn Hoa Sen là dự án này.
Cho đến nay tôi thấy hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn thì rất khó cạnh tranh với nước ngoài. Khi anh thép này ra thì cũng không cạnh tranh được mà không biết phải xử lý thế nào. Đó là chưa nói anh Tôn Hoa Sen này kiếm đâu ra số tiền như vậy, thế có cần phải bảo lãnh chính phủ hay không? Có rất nhiều câu hỏi đặt ra mà tôi nghĩ là không nên cho phép.”
Về vấn đề tài chánh, siêu dự án thép Cà Ná có quy mô lên đến 10,6 tỉ USD hoặc hơn trong khi vốn tự có của Hoa Sen chỉ có 2.500 tỉ đồng chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư.
Báo Gia đình và Pháp luật ngày 7 tháng 9 cho biết tính đến ngày 30 tháng 06 năm 2016, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 5.834 tỷ đồng, trong đó tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng, chiếm tới 80% tổng nợ vay và chiếm gần 50% nguồn vốn.
Hàng chục ngân hàng nổi tiếng của Việt Nam đang là chủ nợ của Tôn Hoa Sen và mới đây nhất báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán thành phố HCM tiết lộ Tập đoàn Hoa Sen sẽ không phát hành cổ phiếu. Vậy tiền đầu tư vào dự án Cà Ná hoặc sẽ đến từ các ngân hàng trong nước hoặc từ đối tác Trung Quốc. Ngân hàng trong nước đang gặp khủng hoảng niềm tin từ Formosa liệu có đủ can đảm bỏ tiền cho Hoa Sen đánh bạc với dự án lỗ nhiều hơn hòa vốn này hay không?
Người ta còn nhớ vụ người dân xuống đường do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc vận hành trước đây xả khói gây ô nhiễm và hàng ngàn người dân đã khóa quốc lộ 1 không thể lưu thông, nếu nhà máy Cà Ná lập lại thì hậu quả sẽ ra sao, nhà nghiên cứu Inra Sara cho biết:
“Nhà máy điện Vĩnh Tân nó cũng nằm gần Cà Ná vừa rồi xảy ra vụ khói độc nó cũng gây tắt đường rất nghiêm trọng mà Vĩnh Tân so với nhà máy sắp tới nó chỉ là một dự án nhỏ thôi. Cà Ná là một vùng hiểm trở vừa nhỏ vừa hẹp mà nếu xảy ra sự cố thì nó càng tác động rất lớn nếu tắt đường thì không phải một hay hai ngày hay một hai tuần mà có thể cả tháng nếu xảy ra sự cố nhà máy như ở Formosa.”
Dư luận vẫn theo dõi trong tâm trạng hết sức bâng khuâng, không những vì sự nguy hiểm mà người dân ba tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Thuận đang lo lắng mà còn nỗi lo rồi đây sẽ còn nhà máy nào nữa xuất hiện tại các vùng ven biển miền Nam?