Theo Dân Trí thì đây là “kiểm tra đột xuất” vì phim đang chiếu (Mai) thuộc loại “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”.
Trân Văn
VOA Blog
Tuần này, video clip ghi lại cảnh công an và một số viên chức hữu trách của ngành văn hóa xộc vào một rạp chiếu phim trong cụm rạp của Cinestar tọa lạc ở quận 1, TP.HCM để kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người đang xem phim, đã khuấy động sự bất bình trong công chúng.
Theo Dân Trí thì đây là “kiểm tra đột xuất” vì phim đang chiếu (Mai) thuộc loại “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Kết quả “kiểm tra đột xuất” không phát hiện khán giả nào dưới tuổi quy định và dù bộ phận điều hành cụm rạp này bảo rằng, đó là “quy trình bình thường, có thể xảy ra ở bất kỳ cụm rạp nào” (1) nhưng công chúng không xem đó là bình thường!…
Video clip, hình ảnh ghi lại cảnh buổi chiếu phải tạm dừng để các viên chức hữu trách xem xét giấy tờ tùy thân của khán giả, “thanh lọc trẻ dưới 18” là lý do khiến nhiều người nêu thắc mắc như Lê Đình Thắng: Đang thời chiến ư? Nghe nói hòa bình từ 1975 rồi mà (2)!
Hoặc nêu những nhận xét như Đỗ Ngọc Giàu: Nghe nói nơi chiếu phim Mai bị kiểm tra vụ để trẻ em dưới 18 vô rạp. Làm như vậy nếu là tui, tui cũng ngại đi coi phim. Sợ đang coi bị kiểm tra. Chuyện trẻ dưới 18 vào xem phim gắn nhãn phải trên 18 chắc không chỉ mỗi phim Mai và không chỉ mới đây, không hiểu sao phim Mai lại được “mở hàng” như thế (3). Hay thở dài như Hoàng Lêquang: Thời của các chú mà (4)!
Cũng có những người dựa vào các diễn biến gần đây, than như Facebooker Bị Cạo Râu: Cảnh sát không bao giờ giăng dây giữa đường để dồn dân lái xe bắt thổi nồng độ cồn. Cảnh sát không bao giờ đột kích vào quán bar để xét nghiệm người dân có dương tính với ma túy hay không. Cảnh sát không bao giờ vào rạp chiếu phim quấy rối khán giả bằng cách xét căn cước để xem họ trên hay dưới 18 tuổi. Cảnh sát luôn được lệnh phải tôn trọng nhân quyền.… Đó là tôi nói về cảnh sát Hàn, cảnh sát Nhật, cảnh sát Mỹ và cảnh sát châu Âu nha (6)…
Bên cạnh đó còn có những người phản ứng hết sức gay gắt như Chanh Tam: Để công an vô rạp xét tuổi người xem thì nước non này thành của công an cả rồi! Ai chủ trương và cấp nào quyết định chuyện tày trời đó? Trong khi Tiến Hưng – một thân hữu của Chanh Tam – đùa: Phải mang theo còng số tám nữa cho oai. Đứa nào dưới 18 hốt về đồn. Pháp quyền XHCN phải nghiêm thế giới mới nể… thì Cuong Nguyen phán đoán “có thể vì chủ quản các rạp chưa nộp phế hoặc nộp ít quá”, còn Tran Q. Dai – một thân hữu khác – bình: Thời đại công an trị mà, hiến pháp, luật pháp là cai đinh gì (7)!
Tương tự, Nguyen Dan nhấn mạnh: Phải xem việc giữa buổi chiếu phim công an xông vào rạp, kiểm tra có khán giả nào dưới 18 không là một việc tày đình. Một đất nước (tự xưng) tự do dân chủ không thể có việc công an ngang nhiên hành xử thô bạo như vậy. Trên lý thuyết, quan hệ giữa khán giả và rạp chiếu phim là một giao dịch dân sự và giao dịch này là một giao dịch đặc biệt vì có liên quan đến cảm xúc nhưng lại không thành vì có sự cản trở của công an và cơ quan ban ngành. Khán giả hoàn toàn có thể kiện rạp đòi bồi thường tiền vé và tổn thất tinh thần. Còn rạp có thể kiện ngược lại công an hoặc sẽ có các định chế “trị” sự lộng quyền của các cơ quan này. Nhưng đây là ở Việt Nam! Vỹ Đặng – một thân hữu của Nguyễn Dân – gọi đó là chuyện “quái dị” của “kiêu binh” (8).
***
Theo một luật sự tên Đặng Huỳnh Lộc thì: Cảnh báo độ tuổi là để người xem cân nhắc, không phải là quy định pháp luật mang tính cấm đoán. Nhóm người kiểm tra tuổi trong rạp chiếu phim nhằm cấm người xem phim là trái pháp luật, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng (9). Không phải tự nhiên Chanh Tam yêu cầu: Chính quyền TPHCM phải trả lời cho dân biết, việc công an vào rạp kiểm tra tuổi người xem phim có đúng pháp luật không, do cấp nào chủ trương, quyết định (10)?
Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của quý vị về nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và về công an nhân dân, quý vị nghĩ yêu cầu dẫu chính đáng đó có được đáp ứng không?
Chú thích