Hiến pháp 2013 quy định Việt Nam theo chế độ chính trị nào?
LS Đào Tăng Dực
I. Dẫn nhập:
Thông thường hiến pháp của một quốc gia dân chủ chân chính quy định rất rõ chế độ chính trị của quốc gia đó, ngoại trừ các chế độ độc tài.
Trong trường hợp các quốc gia dân chủ thì câu trả lời rất đơn giản và trong sáng.
Chẳng hạn Hiến Pháp của Hoa Kỳ, Brasil, Argentina, Indonesia quy định rằng họ theo mô hình tổng thống chế. Các quốc gia như Canada, Úc Đại Lợi, Anh Quốc, Tân Tây Lan theo mô hình Quốc Hội Chế.
Các quốc gia như Pháp, Nam Hàn, Đài Loan, Ukraine theo một mô hình hỗn hợp giữa quốc hội chế và tổng thống chế.
Tuy nhiên trong trường hợp các chế độ độc tài, thì câu trả lời rất phức tạp.
Lý do là chế độc độc tài nào cũng “làm ra vẻ” dân chủ cả. Phương pháp chung của các chế độ độc tài là sử dụng một mô hình dân chủ, nhưng “làm bẩn” hay “làm ô uế” mô hình này, bằng một số thủ thuật “ma giáo”
nhằm các mục đích sau đây:
1. Bên trong, nắm giữa độc quyền chính trị tuyệt đối và vĩnh viễn
2. Bên ngoài, biện minh với quốc tế rằng mình là một chế độ dân chủ khả kính
Như vậy trước khi phân tích các chế độ độc tài thì chúng ta phải am hiểu các mô hình chính trị dân chủ, và sau đó, tìm hiểu các chế độ độc tài sử dụng các thủ thuật nào, hầu làm bẩn hay làm ô uế các mô hình dân chủ
chân chính.
II. Nhận diện các chế độ Dân chủ khác nhau:
Như vậy, có bao nhiêu mô hình chế độ dân chủ chân chính, Câu trả lời là có 2 mô hình chính và một mô hình phụ.
Hai mô hình chính là:
1. Quốc hội chế khi quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao (supremacy of parliament)
2. Tổng thống chế với tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp và tư pháp).
Mô hình phụ là hỗn hợp giữa tổng thống chế và quốc hội chế.
A. Quốc hội chế (còn gọi là Nội Các chế hoặc Đại Nghị chế) (Parliamentary democracy) có những yếu tính sau đây:
1. Có quốc trưởng hoặc vua nhưng chỉ là biểu tượng, không có thực quyền chính trị (khi có vua thì còn gọi là quân chủ lập hiến)
2. Thủ tướng có thực quyền chính trị
3. Chỉ có nhị quyền phân lập (một bên là Quốc Hội và nội các, bên kia là tư pháp độc lập)
4. Có đối lập chính thức trong quốc hội (official opposition)
5. Đại diện cho mô hình này là Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom hay Great Britain), Canada, Úc, Tân Tây Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hòa Lan, Đan Mạch, Bỉ quốc…
B. Tổng thống chế (Presidential democracy, presidential regime)
1. Tổng thống là quốc trưởng và lãnh đạo thực quyền hành pháp, tổng tư lệnh quân lực.
2. Tam quyền phân lập theo mô hình của tư tưởng gia chính trị Montesquieu
3. Có đối lập chính thức trong Quốc Hội (hoặc đơn viện hoặc lưỡng viện)
4. Đại diện cho mô hình này là Hoa Kỳ , các quốc gia châu Mỹ La Tinh (Nam Mỹ Châu), Phi Luật Tân, Indonesia….
C. Các mô hình tổng hợp
a. Dung hòa giữa Tổng thống chế và quốc hội chế
b. Đứng đầu hành pháp có cả tổng thống lẫn thủ tướng
c. Có 2 mô hình theo 2 khuynh hướng khác nhau
(1) Tổng hợp nhưng thiên về tổng thống chế (Pháp, Nam Hàn, Đài Loan, LB Nga, Ukraine…)
i. Tổng thống được bầu trực tiếp và có thực quyền nhất là về quốc phòng và ngoại giao
ii. Là tổng tư lệnh quân lực
iii. Chủ tọa Nội các
iv. Bổ nhiệm thủ tướng
(2) Thiên về quốc hội chế (Đức, Singapore, Ấn Độ)
i. Tổng thống là quốc trưởng nhưng chỉ là biểu tượng
ii. Thủ tướng nắm thực quyền chính trị
iii. Tại Đức thì tổng tư lệnh quân lực thời bình là bộ trưởng quốc phòng còn thời chiến là thủ tướng
III. Việt Nam theo mô hình chính trị nào?
Hay chính xác hơn, câu hỏi phải là, đảng CSVN đã “làm ô uế” mô hình dân chủ nào hầu lừa gạt nhân dân và quốc tế?
Chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác khi phân tích bản Hiến Pháp 2013.
A. Việt Nam theo quốc hội chế:
Chương V của HP 2013 về Quốc Hội quy định quyền lực bao trùm của QH và xác định trên nguyên tắc rằng VN theo mô hình chính trị quốc hội chế tương tự với Anh Quốc, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Đan Mạch …
Nhất là điều 69 HP quy định:
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”
Thêm vào đó, đoạn 7 Điều 70 HP chi tiết hóa cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của quốc hội bao trùm như sau:
“7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;”
B. CSVN sử dụng các thủ thuật nào để “làm ô uế” mô hình quốc hội chế?
Thủ thuật họ sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên một số thủ thuật chính sau đây nổi bật:
1. Hiến định hóa điều 4 HP hầu độc quyền cai trị qua việc đồng hóa đảng với nhà nước và kiểm soát tuyệt đối xã hội dân sự.
2. Thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân 2015 và các tiền thân của bộ luật này, quy định Mặt Trận Tổ Quốc (Cơ quan ngoại vi của đảng) quyền chọn ứng cử viên vào quốc hội và các hội đồng nhân dân địa phương. Kết quả là chỉ có đảng viên và một số rất ít cảm tình viên của đảng được quyền ứng cử vào cơ quan quyền lực tối cao này.
3. Sau khi đạt được kết quả khoảng 90% dân biểu quốc hội là đảng viên thì chiếu theo Điều 70, đoạn 7, CSVN bổ nhiệm nào là Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội, Chánh Án Tòa Án Tối Cao Nhân Dân… và kết quả là nhìn thoáng qua thì có cả tam quyền (hành pháp, tư pháp và lập pháp) nhưng trong bản chất không hề có phân lập vì đảng lãnh đạo và phân phối tất cả.
C. Tại sao không những đảng CSVN mà hầu như tất cả các đảng CS đều sử dụng mô hình quốc hội chế để thực thi độc tài đảng trị?
Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải phân tích những ưu và khuyết điểm khác nhau của 2 mô hình dân chủ chính là quốc hội chế và tổng thống chế:
1. Ưu và khuyết điểm của quốc hội chế:
a. Ưu điểm là một chế độ dân chủ chân chính
b. Khuyết điểm:
- Không có tam quyền phân lập
- Một cá nhân hay tập thể chỉ cần nắm đa số trong Quốc Hội là thống trị cả lập pháp, hành pháp và có thể cả tư pháp.
- Yếu tố check và balance không đầy đủ bằng tam quyền phân lập
- Đòi hỏi một truyền thống dân chủ sâu dày như Anh Quốc, Úc, Canada , Tân Tây Lan thì dân chủ mới thật sự bền vững.
2. Ưu và khuyết điểm của tổng thống chế:
i. Rất ít khuyết điểm. Có chăng là khi cả quốc hội lẫn Tổng Thống cùng một chính đảng thống trị thì có thể chuyên quyền hơn.
ii. Ưu điểm rất nhiều:
- Nhờ tam quyền phân lập rõ rệt nên có checks và balance giữa hành pháp. Lập pháp và tư pháp
- Khi trình độ dân chủ chưa cao thì tổng thống chế có khả năng giảm thiểu khuynh hướng độc tài hơn
- Trình độ dân chủ càng sâu dày thì chế độ càng ổn định và bền vững
3. Lịch sử chứng minh:
Các chế độ độc tài trên thế giới, nhất là CS, phần lớn phát xuất từ quốc hội chế (CSLX, CSTQ, CSVN, CS Bắc Hàn, Cuba…) Đức Quốc Xã tuy nguyên thủy có tổng thống lẫn thủ tướng (chancellor) nhưng thiên về quốc hội chế và đảng Quốc Xã của Hitler chuyên quyền trong quốc hội.
Các quốc gia trên đà dân chủ hóa theo tổng thống chế lần lược thoát khỏi độc tài tương đối nhanh hơn các quốc gia theo quốc hội chế (các quốc gia châu Mỹ La Tinh, Indonesia, Phi Luật Tân theo tổng thống chế, khi đối chiếu với Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Pakistan, theo quốc hội chế).
Một cách tóm tắc, theo tổng thống chế, ngoài tam quyền phân lập, còn đòi hỏi ít nhất 2 cuộc bầu cử: bầu cử tổng thống (hành pháp) và bầu cử quốc hội (lập pháp).
Trong khi đó, theo quốc hội chế thì ngoài việc không có tam quyền phân lập rồi, thì chỉ cần bầu cử quốc hội (lập pháp). Chính vì thế, các chế độ CS như Việt Nam, TQ, Cuba, Bắc Hàn, Liên Xô …một khi qua những thủ
thuật chọn lọc ứng cử viên (phải là đảng viên hay cảm tình viên) thì sẽ nắm trọn đa số trong quốc hội và quyền lực tối cao.
Chỉ cần có đa số trong quốc hội thì toàn thể nhân dân của quốc gia sẽ như baba nằm trong rọ của đảng.
Đó là một lý do quan trọng tại sao các đảng CS yêu mến và bình chọn mô hình quốc hội chế để thi hành độc tài đảng trị.