Tổ chức phi chính phủ Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) xếp Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về số nhà văn bị cầm tù trong năm 2023, tăng thêm ba bậc so với năm trước đó cho thấy tình trạng bắt bớ những người cầm bút ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong báo cáo tựa đề 2023 Freedom to Write Index (Chỉ số tự do Viết lách năm 2023) công bố ngày 01/5, PEN America nói Việt Nam hiện đang giam giữ 19 nhà văn và Youtubers/Facebookers trong khi 30 người khác đang bị đe doạ.
Trong số những người đang bị cầm tù được liệt kê có nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang, hai blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) Trương Duy Nhất và Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Youtuber Đường Văn Thái…
“Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong Chỉ số, với 19 nhà văn bị cầm tù, khi Chính phủ ngày càng siết chặt quyền tự do ngôn luận vào năm 2023. Việt Nam đã sử dụng nhiều luật bao gồm Bộ luật hình sự năm 2015, Luật An ninh mạng và các nghị định khác để bỏ tù các nhà văn và nhà bất đồng chính kiến cũng như trấn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng,” báo cáo viết.
Báo cáo cũng chỉ trích việc Chính phủ Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự như Điều 117- tuyên truyền chống nhà nước, Điều 109- hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, hay Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ, để bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Theo tổ chức có trụ sở ở New York, các điều luật này vi phạm các luật nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, do vậy cần phải bị xoá bỏ.
Báo cáo cũng nói sau khi bị kết án bằng những bản án nặng nề, các nhà văn và nhà bình luận trực tuyến bị đày đoạ trong trại giam, thường không được tiếp cận dịch vụ y tế. Điển hình là trường hợp Lê Hữu Minh Tuấn, biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Ông bị mắc nhiều bệnh do điều kiện nhà tù không hợp vệ sinh. Dù gia đình đã nhiều lần đề nghị nhưng ông Tuấn vẫn không được chăm sóc y tế đầy đủ, khiến sức khoẻ của ông bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi bỏ tù các nhà văn là một trong những hình thức đàn áp cực đoan nhất, Chính phủ Việt Nam lại đàn áp quyền tự do biểu đạt hàng ngày bằng nhiều cách khác, bao gồm việc độc quyền kiểm soát các hình thức truyền thông truyền thống như đài phát thanh, TV, báo và tạp chí.
Báo cáo nói Internet và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube là một số không gian còn lại mà người dân Việt Nam có thể thảo luận và bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, những không gian này cũng ngày càng bị Chính phủ Việt Nam kiểm duyệt.
Lực lượng 47, lực lượng kỹ thuật số của chính phủ, vũ khí hóa các tiêu chuẩn cộng đồng trên nền tảng bằng cách báo cáo nội dung hàng loạt, nhằm mục đích thao túng các thuật toán và giảm khả năng hiển thị của những tiếng nói bất đồng chính kiến trên nền tảng truyền thông xã hội. Chiến lược này, kết hợp với các chiến thuật như quấy rối những người bất đồng chính kiến, nhằm làm im lặng phe đối lập và kiểm soát các nền tảng trực tuyến.
Ngoài việc sử dụng lực lượng dư luận viên tấn công trên mạng, các yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu và khai báo ID bắt buộc khiến cho việc ẩn danh trực tuyến gần như không thể thực hiện được, khiến việc thực quyền tự do biểu đạt trở nên khó khăn, báo cáo nói.
PEN America hôm 11/4 công bố giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang phải thụ án tù chín năm tại Việt Nam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Nhà hoạt động nhân quyền này đã được nhận nhiều giải thưởng quốc tế như Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).