Nhân Quyền Làm Gì?
Nguồn hình Pngtree
Trần Công Lân
Trong cuộc chiến giữa người Việt tự do với chế độ cộng sản thì mặt trận nhân quyền là chính. Những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước thường bị cộng sản Việt Nam (CSVN) bắt giam để làm con cờ thương lượng với quốc tế mà thường là những quyền lợi chính trị hay kinh tế để giúp chế độ tồn tại.
Vậy chúng ta nhận định mặt trận nhân quyền như thế nào?
Ưu điểm
Nhân quyền là nhu cầu tất yếu của con người. Nó là tự phát từ mỗi cá nhân có ý thức về tương quan giữa con người và xã hội. Cho dù là những người chưa hề sống dưới chế độ tự do dân chủ cũng sẽ nhận thức được. Và sau bao năm sống dưới chế độ kềm kẹp, ngu dân của cộng sản thì người dân cũng sẽ nhận thức được. Khác nhau là có người lên tiếng phản đối và có người im lặng chịu đựng hay tìm lối thoát khác.
Khuyết điểm
Vì là ý thức từ mỗi cá nhân và phương cách, thái độ phản đối với bạo quyền nên những người đấu tranh cho nhân quyền thường là cô thế. May mắn lắm là có gia đình yểm trợ nhưng nhà nước và công an sẽ cô lập họ để tránh sự bất ổn xã hội mà họ cho là giữ an ninh trật tự. CSVN biết rằng nhân quyền là ý thức tự phát. Một ngày nào còn có người đấu tranh cho nhân quyền trong nước là hiểm họa có thể bộc phát thành cuộc cách mạng có thể lật đổ chế độ như đã xảy ra tại Tunisia, Libya, Egypt. Đẩy các nhà đấu tranh nhân quyền ra khỏi nước như cá lên cạn. Trước hết là con cờ trao đổi với thế giới (Mỹ) về chính trị hay kinh tế, sau đó là ngăn chận nguy cơ chống đối lan rộng.
Vậy thì các nhà đấu tranh nhân quyền nghĩ gì? Và làm gì?
Tương lai
Nhân quyền là tự phát vì đó là yếu tố tự nhiên nơi con người. Khác nhau là có đủ can đảm để đứng lên, lên tiếng vì biết rằng sẽ ảnh hưởng đến gia đình, thân nhân. Nhưng nếu không lôi cuốn hay tạo ảnh hưởng quần chúng thì kết quả sẽ không đạt. Tất cả mấu chốt là sự lan rộng, ảnh hưởng quần chúng. Vậy khi bị đẩy ra nước ngoài thì các nhà đấu tranh nhân quyền trở nên lưu vong. Làm sao để tiếp tục cuộc đấu tranh là chính yếu. Kết hợp thành tổ chức để vận động quốc tế cho nhân quyền tại VN là cần thiết nhưng chưa đủ. Vì sao?
Đấu tranh cho nhân quyền chỉ là khởi đầu của những người dân sống dưới chế độ độc tài đảng trị. Họ ước mơ tự do, dân chủ nhưng chưa hề nghĩ, biết nó sẽ như thế nào. Khi có người đứng ra kêu gọi nhân quyền thì họ sẽ tự hỏi rồi sẽ đi về đâu? Do đó ý thức về nhân quyền sẽ dẫn đến ý thức về đấu tranh chính trị và cuối cùng là cuộc cách mạng thay đổi chế độ.
Như chúng ta đã thấy suốt dòng lịch sử của các cuộc cách mạng thế giới có rất ít khi đạt kết quả là một thể chế chính trị-kinh tế vững bền như cuộc cách mạng Mỹ. Tuy vậy cho đến nay, nền dân chủ Mỹ đang bị thử thách trầm trọng vì những kẻ thách đố pháp luật và trật tự. Đó là câu trả lời mà những người đấu tranh cho nhân quyền phải nắm vững.
Vai trò và trách nhiệm của họ là khởi xướng ý thức nhân quyền (cơ năng & bản vị). Để trả lời câu hỏi "cái gì kế tiếp" (what's next) là của các tổ chức chính trị muốn thực hiện cuộc cách mạng cho VN tương lai.
Để củng cố cuộc cuộc đấu tranh nhân quyền trong và ngoài nước thì cần có tiếng nói của quốc tế (Mỹ, Pháp) và đó là vai trò của các cộng đồng Việt Nam (CĐVN) địa phương có tham dự qua các mùa bầu cử để có tiếng nói và thiết lập mối liên hệ với các đại diện dân cử từ cấp quận, tiểu bang, liên bang rồi từ đó qua chính sách đối ngoại tạo áp lực với CSVN.
Điều các nhà đấu tranh nhân quyền có thể làm là thiết lập hồ sơ cá nhân để ghi nhận sự đối xử của CSVN trong từng trường hợp (công an, tòa án, luật sự tham dự), tiến trình đàn áp, đe dọa, khủng bố... để các tổ chức về luật pháp ghi nhận tội ác CSVN và có biện pháp trừng trị sau này (phong toả tài chính, truy tố trước tòa án quốc tế). Khi tội ác liên quan đến các viên chức nhà nước, đảng thì (khi có hồ sơ) sau này chúng có chạy ra nước ngoài sống cũng có thể bị truy nã.
(Để tìm hiểu tội ác và tâm lý CSVN xin đọc "Bạo Luận" của GS Lê Hữu Khóa.)
Một khi chận lối thoát của các viên chức CSVN vi phạm nhân quyền thì chính các kẻ hành xử sẽ phải suy nghĩ lại, cũng như thân nhân, gia đình.
Đó cũng là bài học cho những người đấu tranh trong nước: phải tìm hiểu kẻ thù đang đối diện, danh tánh, tên tuổi, hình ảnh, tội ác...cần được ghi nhận và gửi ra tới các CĐVN, tổ chức đấu tranh hải ngoại để lập hồ sơ theo dõi.
Nhìn vào cuộc chiến tranh Nga và Ukraine thì Mỹ đã phong tỏa tài chính các nhân vật trong chính quyền Nga. Đối với Trung Cộng cũng vậy, các công ty do đảng CS giựt dây bị Mỹ cấm vận về tài chính, kỹ thuật....
Vậy thì CĐVN cũng có thể theo hướng đó để đánh vào mặt tài chính của đảng CSVN làm yếu đi sức mạnh của chế độ vì CSVN tham quyền cũng chỉ vì lợi qua sự bóc lột dân tộc, bán rẻ đất nước.
Kết
Chúng ta cần củng cố mặt CĐVN qua các kỳ bầu cử. Tổ chức nhân quyền cho VN là gạch nối giữa CĐVN và các tổ chức đấu tranh chính trị cho VN. Một khi viễn ảnh của VN sau cách mạng hình thành thì đó là yếu tố thúc đẩy người dân trong nước tham dự vì ít nhất họ biết tương lai là gì, đi về đâu và như thế nào. Có như vậy sự hy sinh của các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại VN mới không bị phí phạm.