GNsP (06.07.2016)
Ngay sau khi các lãnh đạo Khu công nghiệp Formosa “nhận tội” xả các chất độc tố làm ô nhiễm môi trường biển các tỉnh Miền Trung trong ngày họp báo vào ngày 30.06, ngay lập tức trên các báo mạng kể cả báo giấy -ngay trên trang nhất- chạy các dòng chữ “Formosa nhận tội”, bồi thường thiệt hại 500 triệu USD, hứa sẽ khắc phục hậu quả…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại Formosa, và để “né tránh” hoặc “bao che” cho hành vi phạm tội hình sự pháp nhân thương mại Formosa này, nên Quốc hội đã buộc phải tạm hoãn thi hành Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015). Vì lẽ, chỉ có BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01.07.2016 mới qui định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Nếu như BLHS 2015 có hiệu lực, trong trường hợp của Formosa là pháp nhân thương mại nhận tội “ô nhiễm môi trường” (Điều 235 BLHS 2015) đã là một trong những căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để xử lý hình sự thì đòi hỏi pháp nhân phải có điều kiện được quy định tại Điều 75 BLHS 2015:
“1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;… 2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”
Ngoài ra, một tình tiết cũng cần được xem xét là thời hiệu. Nếu xem hành vi “xả thải” gây ô nhiễm của Formosa đã xẩy ra và chấm dứt trước đây 3 tháng, thì trong trường hợp này, theo điểm i khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội: “Về việc thi hành Bộ luật hình sự” không thể xử lý hình sự đối với pháp nhân Formosa. BLHS 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1/7/2016.
Truy tố Formosa, nhiều “tội phạm” thoát tội
Mục đích của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh được thành lập để sản xuất gang thép, việc Formosa thực hiện xúc rửa ống thải chỉ là một công đoạn của cả quá trình này. Tuy nhiên, chắc chắn có “người” đã quyết định công đoạn xả thải độc tố ra biển. Vậy “ai” là người đã cho phép Formosa xả chất độc ra biển? Sâu xa hơn phải đặt lại vấn đề “ai” là người đã cấp phép cho Formosa xây dựng và hoạt động tại VN – trong khi đó Formosa đã bị khước từ hoạt động tại Campuchia và ngay tại nước sở tại là Đài Loan? “Ai” là người đã cho phép Formosa xây dựng ống xả thải dưới lòng biển? “Ai” là người có chức năng kiểm tra chất lượng chất xả thải có đủ điều kiện để thoát ra ngoài môi trường? “Ai” là người đã làm trái với các quy định pháp luật khi quyết định cho Formosa xả thải không đúng quy định của nhà nước?…
Chính vì vậy, cần truy tố và khởi tố hình sự những “ai” có nhiệm vụ và trách nhiệm trong mỗi công đoạn sản xuất gang thép của Formosa vì đã “thiếu trách nhiệm” khi quyết định cho Formosa xả thải các độc tố ra biển, “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với môi trường, hệ sinh thái biển Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại nguồn lợi thủy sản… khiến hàng triệu ngư dân Miền Trung lao đao, khốn khổ vì “mất nghiệp” truyền thống từ cha ông để lại, và phải mất vài chục năm hệ sinh thái biển Miền Trung VN mới có thể hồi sinh. Cả một giống nòi VN sẽ sinh trưởng “còi cọc”, suy dinh dưỡng trong tương lai.
Không những vậy, khi xảy ra hiện tượng cá biển tại các tỉnh Miền Trung chết hàng loạt trong những ngày tháng 4.2016 bắt đầu từ khu vực biển Hà Tĩnh, xuống Quảng Bình và lan nhanh đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… nhà chức trách đã nhanh chóng lên tiếng “bênh”, vội vã “cứu” Formosa khi công bố nguyên nhân là do “thủy triều đỏ” trong khi phải mất gần 3 tháng để tìm nguyên nhân cá chết. Nhà chức trách còn “bao che” ngụy biện rằng, Formosa xả thải “đúng quy trình”. Thậm chí, họ còn giấu nhẹm các thông tin liên quan đến thợ lặn Lê Văn Ngày tử vong do nhiễm độc tố và nhiều thợ lặn khác đã “biệt tăm” sau khi phát hiện và tìm hiểu đường ống xả thải của Formosa dưới lòng biển. Trơ trẽ hơn, các cán bộ còn lũ lượt rủ nhau xuống tắm biển, ăn cá để chứng minh biển sạch không có độc tố, cá không chết vì nguyên nhân nhiễm độc và kêu gọi người dân xuống tắm biển, ăn cá biển… Vậy “ai” là người đã ém nhẹm và bưng bít thông tin liên quan đến Formosa xả thải độc tố ra biển? “Ai” là người đã “lừa dối” dân chúng khi công bố nước biển sạch, cá sạch và an toàn, có thể tắm và ăn cá? Giả thiết rằng, các cán bộ không biết rõ sự thật các thông tin trên, nhưng tại sao lại “thiếu trách nhiệm”, “lừa” nhân dân khi thiếu thông tin và không biết sự thật của vấn đề?
Người dân – từ già đến trẻ nhỏ – nai lưng làm lụng vất vả để đóng thuế nuôi cả một bộ máy công quyền trong đó có Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Thế nhưng, Bộ này đã “tiếp tay” dày xéo môi trường khi “đồng lõa” với Formosa thực hiện hành vi xâm phạm trực tiếp môi trường. Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã “thiếu trách nhiệm” trong việc quản lý các hoạt động của Formosa.
Formosa xả thải độc tố ra biển là do thiếu sự kiểm soát của cơ chế cầm quyền, do lãnh đạo “bao che” và cố tình “bưng bít” sự thật. Nếu nhà cầm quyền cộng sản nghiêm minh thì Formosa sẽ không ngang ngược hành động như vậy và sẽ bị “đuổi” khỏi VN như Campuchia và Đài Loan đã từng làm. Chỉ cần nghĩ thôi, có lẽ Formosa cũng không dám nghĩ đến “khả năng” đem chất thải này thải ra môi trường ở Mỹ!
“Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” đối với Formosa?
Sau khi Formosa nhận tội đã xả các độc tố ra biển Việt Nam trong cuộc họp báo vào chiều ngày 30.06, nhiều người mong muốn nhà cầm quyền “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” đối với Formosa. Tuy nhiên, tại Điều 75 BLHS 2015 quy định “điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”, và yếu tố “thời hiệu” là lá chắn vững chắc để Formosa thoát tội.
Chưa kể về “nguyên tắc xử lý” pháp nhân thương mại, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 3 BLHS 2015 quy định rằng: “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”. Điều này đã được chính bộ trưởng Mai Tiến Dũng dọn đường rằng: “Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng… Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng”.
500 triệu USD Formosa – rước giặc về nhà, mất nước
Trong một diễn biến khác sau khi Formosa thừa nhận xả thải độc tố ra biển, sau đó một ngày giới chức trách Hà Tĩnh “lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra” với mục đích “đánh giá thiệt hại mà sự cố ô nhiễm do Formosa gây ra tại địa phương” do Phó Chủ tịch tỉnh UBND Hà Tĩnh – ông Dương Tất Thắng giữ vai trò Chủ tịch hội đồng.
Các tỉnh Miền Trung bị thiệt hại nặng nề sau hơn 3 tháng mà chỉ có mỗi tỉnh Hà Tĩnh “lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra” sau khi Formosa nhận tội. Vậy thì, nhà cầm quyền cộng sản VN lấy căn cứ ở đâu, căn cứ nào để nhận 500 triệu USD của Formosa? Trước khi nhận 500 triệu USD nhà cầm quyền cs VN đã hỏi ý kiến của nhân dân, hay phải chờ đợi một sự “thỏa thuận” nào đó? Và rồi, dù tiền chưa nhận, thì đứng đầu chính phủ đã hân hoan bàn phương án sử dụng! Cái giá 500 triệu USD rẻ mạt này có đánh đổi lấy lại được môi trường biển sạch như xưa? 500 triệu USD chứng tỏ nhà cầm quyền “hèn với giặc, ác với dân” trước giặc Phương Bắc.
Tóm lại, cần truy cứu trách nhiệm hình sự tất cả “tội phạm” đã trực tiếp, tiếp tay, đồng lõa cho Formosa “tồn tại” ở VN. Và, thực hiện bằng mọi giá khát vọng của người dân VN là “Formosa cút khỏi Việt Nam”!
Huyền Trang