TikTok – ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, cho phép người dùng phổ biến rộng rãi những videoclip dài từ 3 giây đến 10 phút – là ứng dụng video được sử dụng nhiều nhất thế giới với hơn 2 tỷ người dùng, khoảng 170 triệu người cài đặt ở Mỹ đã chính thức bị hạ viện Mỹ - thông qua một dự luật - cấm sử dụng trong toàn quốc, trên tất cả các máy tính, laptop, smartphone... vì có nguy cơ tiềm ẩn là đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Vào ngày thứ năm tuần trước, 07.03.2024 hạ viện Mỹ đệ trình một đạo luật nêu rõ nguy cơ chưa thể giải quyết được là những dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok có thể đã được chuyển về Bắc Kinh cho chính quyền Trung Quốc.
Biện pháp - được Ủy Ban Thương Mại và Năng Lượng của Hạ viện thông qua dễ dàng với đa số tuyệt đối – cấm cài đặt TikTok từ các cửa hàng ứng dụng (Apple Store, Google Play) nếu TikTok không nhanh chóng tách khỏi công ty mẹ (Holding Company) ByteDance có liên quan với chính quyền Trung Quốc. Nếu được Thượng Viện thông qua, Tổng Thống Biden chuẩn thuận, ứng dụng này sẽ không còn xuất hiện trên Google Play, Apple Store. Dự luật này cũng có hiệu lực tương tự với các ứng dụng khác của các công ty đối nghịch nước ngoài.
Vấn đề được đặt ra. Từ bao giờ Mỹ nhận ra nguy cơ tiềm ẩn dữ liệu cá nhân người dùng ở Mỹ (có thể) được chuyển cho chính phủ Trung Quốc? TikTok ra đời từ tháng 10 năm 2000 và trong năm 2023, sở cảnh sát liên bang FBI đã lên tiếng báo động cho người dùng về nguy cơ thông tin cá nhân của họ có thể bị tiết lộ khi sử dụng TikTok.
Trong thời gian chờ đợi thượng viện biểu quyết, Tổng Thống Biden ký thành đạo luật, chính phủ Mỹ có thể dùng biện pháp nào để ngăn chận, đối phó nếu nguy cơ dữ liệu cá nhân của các viên chức chính quyền Mỹ – đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan tình báo CIA hoặc FBI...- đã bị Trung Quốc thu thập?
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến sự bất an của chính phủ Mỹ về những nguy cơ thông tin cá nhân bị tiết lộ qua ứng dụng TikTok. Năm 2020, cựu Tổng Thống Donald Trump đã tìm cách gây áp lực buộc chủ sở hữu TikTok phải bán ứng dụng này cho người Mỹ nhưng thất bại. Bắc Kinh đã dùng luật hạn chế xuất khẩu công nghệ để ngăn chận việc chuyển giao sở hữu cho người Mỹ (1).
Năm 2023, chính quyền Motana cũng đã ban hành một đạo luật nhằm ngăn chận việc cài đặt TikTok trong tiểu bang nhưng bị một chánh án liên bang vô hiệu hóa trước khi đạo luật được thi hành. Tuần trước, vấn đề đã được hâm nóng trở lại khi hạ viện biểu quyết với tỉ lệ 352 phiếu thuận, 65 phiếu chống - buộc ByteDance – chuyển giao quyền sở hữu cho người Mỹ hoặc bị cấm vĩnh viễn.
Dự luật đương nhiên gặp sự phản đối của Trung Quốc, tuy nhiên sự phản đối không quá ồn ào hoặc gây căng thẳng, cũng không có những lời hăm dọa sẽ trả đũa đối với các công ty Mỹ. Thay vào đó, giới chức lãnh đạo Trung Quốc chỉ lên án chung chung là Mỹ không đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
Theo các chuyên gia quốc tế, có một số lý do khiến Trung Quốc phản ứng chừng mực. Mặc dù dự luật nhận được sự ủng hộ tối đa của lưỡng đảng ở Hạ Viện, không chắc nó sẽ được Thượng Viện thông qua. Ông Donald Trump - ứng viên Tổng Thống dự kiến của đảng Cộng Hòa – cho biết sẽ chống lại dự luật dù trong năm 2020, chính ông đã ký lệnh gây áp lực TikTok chuyển giao ứng dụng lại cho người Mỹ. Hơn thế nữa, chính phủ Trung Quốc cũng có đầy đủ vũ khí để ngăn chận bất kỳ một cuộc mua bán hay chuyển giao quyền sở hữu nào.
Trái ngược với Donald Trump, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ dự luật, nếu được quốc hội thông qua, ông không có lý do gì để từ chối không ký.
Cuộc chiến thu thập dữ liệu về thói quen tiêu dùng, sở thích cá nhân, tài khoản, chương mục ngân hàng, tình trạng sức khỏe... của các tổ hợp, đại công ty, ngân hàng đang diễn ra hàng ngày. Đó là nguyên nhân, bên cạnh TikTok, Trung Quốc vừa mở thêm một mặt trận nhằm thu thập dữ liệu cá nhân của người dân các nước Âu Mỹ qua một chiến thuật mới. Đó là bán hàng online như Amazon ở thị trường với thương hiệu TEMU.
Khoan nói tới những sản phẩm được TEMU chào hàng, quảng cáo qua video có chất lượng ra sao, chỉ riêng hình thức quảng cáo qua smartphone với giá bán rẻ không thể tượng tượng, cùng với việc không tính phí gửi hàng đủ khiến một người bình thường phải đặt câu hỏi “Làm cách nào để có thể kinh doanh như vậy?” Giới chức an ninh của Đức đã lên tiếng báo động về dịch vụ kinh doanh của TEMU rằng “mục đích của TEMU không phải là lợi nhuận mà là dữ liệu cá nhân của khách hàng”.
Không biết tình báo CIA, sở cảnh sát liên bang FBI của Mỹ đã tìm hiểu, thâu thập được tin tức, đường hướng, phương thức hoạt động ra sao từ TEMU chưa.
Gửi ý kiến của bạn