Ông Nguyễn Minh Trung, giáo viên Trường THPT Gia Định, người dẫn đoàn thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi Genius Olympiad 2023 tại Mỹ. Ảnh trên mạng
Thái Hạo
Báo Tiếng Dân
Thầy giáo Nguyễn Minh Trung (người dẫn đoàn Việt Nam) và nhà trường THPT Gia Định (nơi ông Trung làm giáo viên) đã ăn cắp bài thi Genius Olympiad 2023 của một nữ sinh trường khác để “giao” cho một nam sinh trường mình. Bài thi này trúng giải, sự việc bùng nổ.
Không dừng lại, cả thầy giáo Trung, cô hiệu trưởng Gia Định và gia đình của thí sinh “ăn cắp” bài không những không nhận lỗi mà còn lớn tiếng kêu oan, trơ tráo bịa đặt và đe dọa nạn nhân.
Bây giờ thì ban tổ chức Genius Olympiad 2023 của Mỹ đã chính thức lên tiếng, xác nhận đây là một vụ gian lận nghiêm trọng, và hủy kết quả đối với thí sinh trúng giải, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết đối với giáo viên hướng dẫn (ông Trung). Như vậy, sự việc đã rõ.
Vụ việc không chỉ là điều nhục nhã đối với các cá nhân “vừa ăn cắp, vừa la làng”, mà còn xấu hổ thêm cho cả ngành giáo dục lẫn thể diện của hai chữ Việt Nam trong mắt thế giới. Nhưng sự ăn cắp này có phải là cá biệt để khiến cộng đồng phải thảng thốt?
– Không.
Nền giáo dục từ lâu đã vận hành trên một sự dối trá được chấp nhận như một lẽ thường. Hãy hỏi giáo viên cả nước xem được bao nhiêu người tự soạn giáo án, hay là chỉ lên mạng tải về và thay tên đổi họ? Hãy hỏi giáo viên xem những cái “Sáng kiến kinh nghiệm” suốt vài chục năm nay họ lấy từ đâu? Rồi nội dung các bài học thực chất là gì nếu không phải là học thuộc và cho học sinh chép lại, đi thi thì ra rả viết lại thứ văn mẫu ấy với những cảm xúc giả tạo? Rồi những giờ dạy “diễn” mỗi khi có người dự giờ kiểm tra mà trước đó học sinh đã được công khai bày cho sự sắp đặt giả dối. Bao nhiêu những giấy tờ vô bổ mà ai cũng biết là chẳng hơn gì mớ giấy lộn nhưng tất cả đều “thật lòng” làm láo, cốt để đủ hồ sơ. Những kỳ thi học sinh giỏi và điển hình là cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật, phần lớn là sản phẩm của thầy (đấy là chưa nói đến việc thầy đã lấy chúng từ đâu), thế mà cứ đến hẹn lại lên, bày ra những sản phẩm “siêu trí tuệ” chỉ cốt làm cho đẹp bộ mặt của trường, của sở, của ngành GD.
Đối phó và đối phó, đó là hai chữ có thể khái quát tính chất của giáo dục hiện nay.
Tất cả đều đồng lòng nói dối. Nói dối riết thì “lộng giả thành chân”, họ tin luôn rằng đó là sự thật, là điều tốt đẹp cần duy trì. Nói dối từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, quanh năm suốt tháng miệt mài diễn với nhau như những diễn viên hạng A.
Như thế, một vụ ăn cắp bài thi và trâng tráo đáp trả đến cùng, nào đâu phải là cái gì cá biệt, phải không? Nó chỉ là sản phẩm tất yếu của một môi trường giáo dục mắc bệnh thành tích giả dối đã di căn vào xương tủy. Những người làm giáo dục như ông thầy Trung và cô hiệu trưởng kia, họ chỉ xấu xa vì bị phát hiện; còn ngày ngày ở mọi nơi, người ta vẫn đang down bài giảng, down sáng kiến kinh nghiệm cùng bao nhiêu những kế hoạch giảng dạy và đủ thứ hồ sơ về làm của riêng bên cạnh những tiết dự giờ “biểu diễn” giả trân không chớp mắt; người quản lý biết, cấp trên biết, tất cả đều biết, nhưng chấp nhận, miễn sao đủ và đẹp là thành “lao động tiên tiến”, thành “chiến sĩ thi đua”…
Những kẻ như ông thầy Trung và bà hiệu trưởng Vân của THPT Gia Định tất nhiên là không xứng đáng có mặt trong môi trường giáo dục nữa, nhưng thử hỏi: đang có bao nhiêu những thầy cô như thế trong nền giáo dục Việt Nam với vô vàn biểu hiện và cách thức khác nhau? Giáo dục Việt Nam cần làm một cuộc thay máu chứ không phải chữa triệu chứng ngoài da.
Nam sinh lớp 10 “ăn cắp” bài thi là nạn nhân của người lớn, nạn nhân của giáo dục mắc bệnh thành tích giả dối; còn em nữ sinh bị cướp công cũng là nạn nhân, theo một cách khác. Nhưng trong nền giáo dục giả dối như đã nói, không chỉ 2 em, mà đau đớn thay, phần lớn đang bị làm hỏng, bị hủy hoại một cách vô cảm và tàn nhẫn. Cứ đọc những bài văn “nói dối leo lẻo” để được điểm theo quy định thì rõ mức độ tàn phá.
Khi giáo dục không khai phóng mà chỉ nhằm đào tạo con người công cụ thì nó không cách gì tự nắm tóc mình mà nhấc lên được. Ở đó, cả đến những người ngay thật cũng khó mà sống cho thẳng ngay.
Lại nhớ lời của bà Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình, nói giữa phiên tòa năm 2020: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Đây là một sự thật cay đắng, tất nhiên không thể dùng để chạy tội, nhưng nó phản ánh cái khuyết tật của cả một hệ thống mà trong đó ngành giáo dục chỉ là một hợp phần. Ở đây, chẳng ai có thể vỗ ngực được, vì mỗi người vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân, trừ khi anh đã hành động thiết thực để chống lại sự hủ bại ấy.
Viết đến đây lại thấy xấu hổ quá, không dám nói to nữa…