Cái tát vào “thế lực thù địch” hay vào mặt Trí Chính và báo Hà Nội mới?
Nguyễn Tường Thụy
RFA Blog
Ngày 12/8/2019, Hanoimoi online có bài viết với cái tít rất “đanh thép”: “Câu trả lờiđích đáng cho những luận điệu xuyên tạc”, ký tên Trí Chính.
Không biết Hanoimoi có nhà báo, hay nhà tuyên giáo nào đó tên là Trí Chính không. Nhưng thôi, cứ ghi nhận có một bút danh như thế để nhắc tới cho tiện.
Thế lực thù địch chống phá như thế nào?
Mở đầu bài viết bằng một câu đã thành quen mà ai làm công việc tuyên truyền cũng thuộc nằm lòng:
“Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước”
Thế lực thù địch ở đây là sản phẩm tưởng tượng chỉ tất cả những người phê phán, chỉ trích những yếu kém của các cấp lãnh đạo trên mọi mặt đối nội và đối ngoại, mong đem lại sự tiến bộ cho đất nước. Họ bị nhà nước cộng sản Việt Nam coi là thù địch, còn về phía ngược lại thì không.
Vì là sản phẩm tưởng tượng nên khi nói đến thế lực thù địch, ai cũng nhủ “chắc nó trừ mình ra” (câu văn của Nam Cao). Tóm lại, đã nhiều chục năm nay, một bên thì cứ chửi đổng, một bên thì không biết nó chửi ai.
Nhưng lần này thì Trí Chính đã nêu đích danh một loạt “nhân vật chống đối chính quyền có thâm niên” như Phạm Thanh Nghiên, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Đài, Lisa Nguyen, Bùi Thanh Hiếu... Cả Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) mới ra tù được mấy tháng cũng được “vinh dự” liệt vào những phần tử chống đối.
Vậy những người này chống đối như thế nào? Trí Chính nêu ra như sau:
“đã cung cấp thông tin xuyên tạc, như chính quyền “không nói rõ về tình hình tại khu vực bãi Tư Chính”, “không có giải pháp mạnh với Trung Quốc”...
Hoặc:
"hợp tác với một nước khác để giải quyết tình hình, hoặc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế...".
Ơ hay, họ nói quá đúng đấy chứ, đâu phải là xuyên tạc. Có đúng là chính quyền không thông tin kịp thời và đầy đủ tình hình ở Bãi Tư Chính cho nhân dân được biết không? Có đúng là nhà nước không có biện pháp cứng rắn với Trung Quốc không?
Hoặc ý kiến muốn hợp tác với các quốc gia trong vấn đề bảo vệ chủ quyền hay cần kiện TQ ra tòa án quốc tế có gì sai? Dù nhà cầm quyền không chấp nhận thì đấy vẫn là những ý kiến tâm huyết, sao gọi là chống đối?. Trong tư duy cổ hủ của Trí Chính, hễ cứ ai góp ý đúng nhưng trái với ý nhà cầm quyền đều là chống đối hết.
Trí Chính còn quy kết cho các đài RFA, BBC có “mục đích chống phá, lợi dụng tình hình Biển Đông để gây bất ổn bằng cách kích động, kêu gọi người dân tuần hành như đã xảy ra hồi tháng 5-2014” nhưng không dẫn ra được câu nào chứng minh lời anh ta nói.
Trí Chính vơ nhân dân về phía mình để cô lập những người mà anh ta gọi là thế lực thù địch, bất chấp lòng dân nghĩ gì trước tinh thần bạc nhược của nhà cầm quyền:
“Đặc biệt, người dân cả nước vẫn đoàn kết một lòng hướng về biển, đảo của Tổ quốc, với trái tim nóng và khối óc sáng suốt không để thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng kích động để làm mất ổn định tình hình đất nước…”
Đúng là trong thời gian hơn 1 tháng căng thẳng ở Bãi Tư Chính, có nhiều người phê phán nhà nước quá mềm mại trước kẻ thù tới mức nhu nhược. Có cả những ý kiến cần kiện TC ra tòa án quốc tế. Nhưng kích động biểu tình thì hoàn toàn không có mà ngược lại chỉ có chuyện họ bảo nhau không xuống đường nữa “vì họ cảm thấy lòng yêu nước đã từng bị chính quyền lợi dụng...”
Sơ qua như thế để thấy rằng, Trí Chính quy chụp hồ đồ như thế nào, chứ tôi không có ý đề cập tất cả những gì anh ta quy kết “thế lực thù địch” trong phạm vi một bài viết.
Sự khôn khéo sáng suốt của đảng buộc tàu Trung Cộng phải rút?
Thế còn “câu trả lời” mà Trí Chính nhắc tới ở tít bài viết là cái gì, hay nói cách khác cái gì trả lời cho “những luận điệu xuyên tạc”? Thì ra Trí Chính mượn sự kiện tàu HD8 của Trung Cộng rút ra khỏi bãi Tư Chính hôm 7/8 để làm “câu trả lời đích đáng”.
Tàu TC rút, Trí Chính được đà té nước theo mưa, nhận ngay đó là nhờ công của đảng. Anh ta khẳng định:
“Rõ ràng, việc kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh khôn khéo, cương quyết và luôn dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; cả trên lĩnh vực ngoại giao, ở các diễn đàn quốc tế, trên thực địa của nhiều lực lượng, trong đó có sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân cả nước đã trực tiếp buộc Trung Quốc phải rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam”.
Tinh thần đang phấn khích làm Trí Chính không tránh khỏi lộng ngôn:
“Thực tế này khẳng định, âm mưu của các thế lực thù địch, chống phá, hòng thông qua mạng xã hội và một số báo, đài thiếu thiện chí với Việt Nam, để xuyên tạc tình hình thực tế, kích động, lôi kéo gây rối, tiến tới bạo động như đã từng xảy ra hồi tháng 5-2014 đã hoàn toàn thất bại. Đó cũng là “cái tát” mạnh mẽ vào các thế lực thông tin lệch lạc”.
Lại còn có cả “thế lực thông tin lệch lạc” nữa. Cái tát ấy, Trí Chính nhằm vào các “thế lực” này, trong đó có những người Chính quy kết mà tôi nhắc tới ở trên. Đó là thái độ bất nhã (nếu không nói là hỗn láo). Anh ta thô lỗ, hung hãn và căm thù những người bất đồng chính kiến tới mức này ư? Đó không phải là thái độ của người có hiểu biết.
Trí Chính không quên nhân cơ hội tàu TC rút đi để ca ngợi chính sách ba không “không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại các nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác”.
Trong khi đề cao “cách hành xử mềm mỏng nhưng rất cương quyết, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế”, “những biện pháp “đúng đắn, sáng suốt, cương quyết”, hình như Trí Chính đã quên bài học mềm mỏng, nhất định không nổ súng để bảo vệ chủ quyền ở đảo Gạc Ma năm nào.
Bài viết của Trí Chính là sản phẩm của tưởng tượng về cái gọi là “thế lực thù địch”, tưởng tượng về sự khôn khéo sáng suốt của đảng.
Một bài viết tham lam, dài lê thê, khó có độc giả nào đủ kiên nhẫn đọc hết. Nó na ná như nhiều bài tuyên truyền khác.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”
Tuy nhiên, bài viết cũng có một điều đáng nói, đó là Trí Chính cho rằng, tàu TQ rút đi là nhờ sự đấu tranh khôn khéo của đảng và nhà nước.
Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Khi Trí Chính vừa ba hoa trên Hanoimoi ngày 12/8 thì ngay hôm sau 13/8, hãng Reuters và các đài BBC, RFA, RFI, VOA, báo Người Việt... đồng loạt đưa tin Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào hôm thứ Ba, 13/8, chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi khu vực, đúng như các nhà quan sát dự báo.
Và lần này các nhà quan sát cũng dự báo, tàu HD8 quay lại, tình hình có thể căng thẳng hơn so với lần trước.
Cho lúc này, gần hết ngày hôm sau, không thấy báo chí VN đả động gì đến sự kiện này. Riêng trang báo mạng Phụ nữ đưa tin nhưng sau đó đã bị gỡ.
Khi Tàu TQ rút, Trí Chính cho rằng nhờ đấu tranh khôn khéo nên buộc nó phải rút. Bây giờ nó quay trở lại thì do ai? Chắc chắn anh ta không dám nói nhờ sự sáng suốt của đảng. Liệu anh ta có bài viết khác, đổ cho thế lực thù địch kêu gọi nó quay trở lại?
Ngay sau khi tàu HD8 rút, các nhà quan sát đã cho rằng nó rút đi có thể là quay về tiếp dầu rồi nó sẽ quay trở lại. Dự đoán này thuyết phục, phù hợp với nhận định của nhiều người và quả nhiên nó diễn ra như thế.
Thế mà Trí Chính đã vội ca lên bài ca, ca ngợi đảng và nhà nước, trong khi nhiều tờ báo khác vẫn dè dặt, thận trọng. Nay tàu TC quay trở lại và không biết điều gì sẽ xảy ra, tránh sao khỏi tẽn tò. Nhưng biết xấu hổ lại là thái độ của người có liêm sỉ chứ không phải ai cũng biết. Tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho rằng, Trí Chính và báo Hanoimoi đã lâm vào thế việt vị (bài “SỦA MÀ CŨNG VIỆT VỊ”, mời bạn đọc xem Ở ĐÂY)
Xin nhắc lại, khi tàu TC rút, Trí Chính nói “Thực tế này ... là “cái tát” mạnh mẽ vào các thế lực thông tin lệch lạc”. Bây giờ nó quay trở lại, có phải đó là cái tát mạnh mẽ vào mặt Trí Chính và báo Hà Nội mới?