“Báo cáo nhân quyền UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 là tuyên truyền”
RFA
Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào ngày 3 tháng 12 tuyên bố Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) vào ngày 22/01/19.
Bản báo cáo tuyên truyền
“Chính quyền Việt Nam cái gì họ cũng nói, điều gì họ cũng ký hết nhưng cách tiếp cận của họ lại là một chuyện khác. Dân gian nói ‘cả vú lấp miệng em’ là như thế. Người dân Việt Nam nói là ‘họ nói một đàng, nhưng làm một nẻo’. Về báo cáo UPR thì họ nói để làm trò cười cho thiên hạ.”
Vừa rồi là nhận xét của nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải, thành viên của tổ chức xã hội dân sự “Việt Nam Thời Báo” trước tuyên bố của Bộ Ngoại Giao rằng Việt Nam đã thực hiện xong 175 khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, chiếm 96, 2 % và cao hơn tỉ lệ 78% của chu kỳ 1 hồi năm 2009.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết Báo cáo UPR của Việt Nam chu kỳ 3 năm 2019 do 18 bộ, ngành và các tổ chức xã hội tham gia thực hiện trên tinh thần nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Báo cáo này đã được đệ trình lên UNHRC hồi ngày 22 tháng 10 và sẽ được báo cáo trước UNHRC vào ngày 22 tháng 1 tới đây.
Chính quyền Việt Nam cái gì họ cũng nói, điều gì họ cũng ký hết nhưng cách tiếp cận của họ lại là một chuyện khác. Dân gian nói ‘cả vú lấp miệng em’ là như thế. Người dân Việt Nam nói là ‘họ nói một đàng, nhưng làm một nẻo’. Về báo cáo UPR thì họ nói để làm trò cười cho thiên hạ
-Nhà báo Chu Vĩnh Hải
Bản báo cáo UPR của Việt Nam chu kỳ 3 năm 2019 được đại diện của Bộ Ngoại Giao tuyên bố cho thấy đầy đủ bằng chứng Việt Nam thực hiện các khuyến nghị về nhân quyền của LHQ qua việc sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh về quyền con người; như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
Cũng tại buổi Hội thảo diễn ra trong ngày 3 tháng 12, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, bà Hoàng Thị Thanh Nga nói rằng bà “tự hào thông tin” là Việt Nam đã thực hiện 100% khuyến nghị về các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa. Bà Hoàng Thị Thanh Nga nhấn mạnh liên quan các quyền dân sự chính trị thì Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.
Thực tế thế nào?
Đài RFA ghi nhận không chỉ mỗi một nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải mà hầu hết những cá nhân và tổ chức quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định nội dung bản Báo cáo UPR của Việt Nam chu kỳ 3 năm 2019 chỉ là tuyên truyền, như nhận định của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, có trụ sở ở Pháp:
“Báo cáo của Việt Nam về UPR thì năm nào cũng vậy, có nghĩa là tất cả những chất vấn và khuyến chỉnh tại UPR hàng năm thì năm nào họ cũng nói đã hoàn thành.”
Phản biện về quyền tự do thông tin, truyền thông của người dân Việt Nam, nhà báo Chu Vĩnh Hải khẳng định mặc dù trong báo cáo ghi rõ Việt Nam có đến 857cơ quan báo chí với gần 1200 ấn phẩm và có đến 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 54% dân số Việt Nam, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook; thế nhưng tất cả các cơ quan báo chí đó thuộc quyền quản lý và chịu sự kiểm duyệt của Nhà nước Việt Nam theo một mạng lưới vô hình và tinh vi, dưới sự điều hành của cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải còn nhắc đến truyền thông mạng xã hội, một kênh chuyển tải thông tin vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước thì mặc dù Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực nhưng hiện tượng tài khoản của rất nhiều Facebooker bị báo cáo nhằm mục đích vô hiệu hóa. Chính nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải là một nạn nhân, ông kể:
“Bản thân tôi bị Facebook vô hiệu hóa tài khoản rất nhiều lần. Rất nhiều người bị giống như thế, mà mật khẩu được bảo mật rất tốt, nhưng lại bị báo cáo. Rõ ràng những báo cáo này có sự tiếp tay của Facebook.”
Tôi cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là công cụ đàn áp nặng tay hơn và khốc liệt hơn so với Pháp lệnh về tự do tôn giáo
-Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng
Mặc dù Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, bà Hoàng Thị Thanh Nga nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, tuy nhiên nhà báo Phạm Lê Vương Các, qua trang Facebook cá nhân cho rằng có sự phân biệt đối xử khủng khiếp trong đời sống chính trị và dân sự tại Việt Nam qua vụ việc 13 trưởng ban và phó trưởng ban tại Báo Thanh Niên bị cho “thôi chức” đồng loạt vì họ không phải là đảng viên, và được thay thế bằng những người đảng viên Cộng sản. Nhà báo Phạm Lê Vương Các chia sẻ “Trong trường hợp này, bình đẳng về cơ hội thăng tiến, bình đẳng về tiếp cận việc làm được luật pháp ghi nhận đã bị xé toạt bởi sự chuyên quyền, toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc Giáo hội Mennonite độc lập, và là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam lên tiếng Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng nghiêm trọng kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đầu năm 2018. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với RFA:
“Thời điểm năm 2009 trở về trước thì còn theo pháp lệnh về tôn giáo, nghĩa là trong việc quản lý của Nhà nước đối với các tôn giáo thì trong quản lý, người ta đưa người vào cài cắm và bắt sinh hoạt theo người ta. Chỉ là theo chủ trương, đường lối thôi. Tuy nhiên, riêng Luật Tôn Giáo bây giờ thì chi tiết hơn. Tức là người ta đi sâu vào tất cả các hoạt động sinh hoạt riêng của từng tôn giáo. Chẳng hạn như trước kia khi đào tạo một chức sắc tôn giáo thì trường nào mở lớp đào tạo đối với đạo đó sẽ có quyền quyết định. Nhưng bây giờ, Nhà nước bắt nộp danh sách lên để kiểm tra và nếu Nhà nước đồng ý thì mới được tuyển sinh và đào tạo ra chức sắc tôn giáo. Thứ hai nữa, các chương trình thờ phượng hay lễ ở nhà thờ…là phải lên chương trình trước và gửi đến cơ quan Nhà nước để kiểm duyệt. Chương trình được đồng ý thì mới được tiến hành…Thành ra, tôi cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là công cụ đàn áp nặng tay hơn và khốc liệt hơn so với Pháp lệnh về tự do tôn giáo.”
Một bằng chứng cụ thể mới nhất cho thấy Chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo qua vụ việc Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam bị Công an Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gửi giấy mời làm việc với cáo buộc “có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho bên ngoài, xúc phạm dân tộc Việt Nam” sau khi ông Hứa Phi có cuộc gặp gỡ với phái đoàn của Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Một trong những vấn đề được cho là nghiêm trọng nhất mà các tổ chức nhân quyền trên thế giới cáo buộc thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam ngày càng tồi tệ là vấn đề về những người bảo vệ nhân quyền bị bức hại và bị cầm tù với những bản án nặng nề. Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, ông Võ Văn Ái nêu ra dẫn chứng về khuyến cáo của LHQ:
Hai tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, tại Pháp đã làm một bản điều trần để vạch ra những điều dối láo của nhà cầm quyền Hà Nội trong khi tuyên bố đã thực hiện những khuyến cáo, nhưng trong thực tế đã không thực hiện được cái gì gọi là quan trọng hết cả. Những khuyến cáo quan trọng nhất của các quốc gia đặt tại UPR 4 năm trước đây thì hầu như không có gì được thay đổi hết
-Ông Võ Văn Ái
“Như chương về An ninh Quốc gia và tất cả tội phạm hiện nay ghép cho những người đấu tranh bất bạo động và ôn hòa để đòi hỏi dân chủ và nhân quyền. Sự thật họ không đáp ứng điều gì hết cả. Vì lý do đó mà hai tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, một tổ chức nhân quyền rất lớn tại Pháp đã làm một bản điều trần để vạch ra những điều dối láo của nhà cầm quyền Hà Nội trong khi tuyên bố đã thực hiện những khuyến cáo, nhưng trong thực tế đã không thực hiện được cái gì gọi là quan trọng hết cả. Những khuyến cáo quan trọng nhất của các quốc gia đặt tại UPR 4 năm trước đây thì hầu như không có gì được thay đổi hết.”
Cần phải có báo cáo viên của UNDP tại Việt Nam
Ông Võ Văn Ái cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã được đọc bản báo cáo của Hà Nội giữa nhiệm kỳ gửi cho LHQ để nói rằng sau kỳ UPR 4 năm trước, Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều thành tích cho nhân quyền và tất cả đa số những lời khuyến cáo đã được sửa đổi. Tuy nhiên, đại diện của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam khẳng định sau khi xem qua tất cả lời khuyến cáo của các quốc gia LHQ thì rõ ràng Việt Nam chỉ tuyên truyền cho việc họ nói rất dân chủ và nhân quyền nhưng trong thực tế lại không hề có chuyện đó.
Trong buổi Hội thảo về Báo cáo UPR của Việt Nam năm 2019, vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen tuyên bố UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị của UNDP nhằm góp phần đảm bảo và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.
Trong khi đó, một số các cá nhân và tổ chức nhân quyền mà Đài RFA trao đổi lên tiếng kêu gọi LHQ ngay thời điểm này cần thiết gửi báo cáo viên về ngôn luận và báo cáo viên về tôn giáo cũng như báo cáo viên về vấn đề những người bảo vệ nhân quyền đến làm việc tại Việt Nam, vì như thế mới có được báo cáo độc lập và chính xác về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, một quốc gia bị các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đánh giá thuộc nhóm kém nhất ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á-Thái Bình Dương trong lãnh vực thực thi quyền con người.