Người H'mong đòi tự do tôn giáo chứ không "thành lập nhà nước riêng" như Nhà nước vu cáo
RFA
Công an tỉnh Điện Biên nói rằng các nhóm tôn giáo của người H’mong muốn ly khai và thành lập vương quốc riêng ở khu vực miền núi phía Bắc, tuy nhiên một số người hoạt động nhân quyền phản bác luận điệu này.
Trong bài viết “Không để tái diễn âm mưu thành lập ‘Nhà nước riêng’ ở Điện Biên” ngày 26/2, báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết rằng Công an tỉnh Điện Biên đã làm tan rã ba tổ chức phản động tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng” của người H’mong, bắt giữ 107 người đứng đầu; tuyên truyền vận động, cảm hóa 683 đối tượng...
Dẫn thông tin từ công an, VOV viết rằng trong những năm qua, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, tổ chức người H’mong lưu vong đã kích động tư tưởng ly khai tự trị dựa vào tuyên truyền dối trá, những lời hứa hão huyền về “Vua Mông.”
Báo còn viết “…các đối tượng dàn dựng kịch bản ‘đón Vua’ một cách rất huyễn hoặc. Chúng tuyên truyền người Mông cứ đến quả núi ở bản Huổi Khon, nếu thấy đám mây từ trên trời sà vào ai thì người đó được chọn làm ‘Vua’. Người Mông đi theo ‘Vua’ thì không cần làm mà vẫn có rượu thịt ăn.”
Tuy nhiên, một người H'mong ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết thông tin trên của chính quyền đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.
Ông Giàng A Chín mới phải chạy sang Thái Lan khoảng hai tháng nay để tìm kiếm quy chế tị nạn. Sở dĩ ông và một số thành viên trong gia đình phải bỏ nước ra đi vì có nguy cơ bị công an bắt giữ sau khi ông thu thập thông tin và viết báo cáo về đàn áp tự do tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/2:
“Vấn đề chính của người H’mong thứ nhất là quyền tự do tôn giáo, thứ hai là đất đai của người H’mong bị thu hồi. Dân tộc H’mong đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, người H’mong đoàn kết đứng lên đòi đất. Về sau Nhà nước kết tội cho người H’mong là có ý định thành lập vương quốc H’mong và cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp người H’mong.”
Tuy VOV không nêu tên ba tổ chức bị coi là “phản động” nhưng trong nhiều năm qua, truyền thông nhà nước thường đưa tin về các hoạt động của các cơ quan chức năng ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc triệt phá các nhóm tôn giáo như Hội Thánh Giê Sùa và Hội Thánh Chúa Thương Chúng Ta (chính quyền thường gọi là tà đạo Bà Cô Dợ).
Ông Chín thường thu thập thông tin về các vụ đàn áp tự do tôn giáo rồi gửi cho tổ chức Liên minh Nhân quyền người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), do một số cá nhân người H'mong đang xin tị nạn ở Thái Lan lập ra. Ông cho biết "Bà Cô Dợ" là nhóm tôn giáo bị đàn áp khốc liệt nhất ở khu vực.
Trong một bài viết hồi năm 2022, RFA đưa tin về việc Công an huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và Công an huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đàn áp và sách nhiễu tín đồ của nhóm đạo "Bà Cô Dợ." Chính quyền địa phương buộc tín đồ phải bỏ đạo, nếu không sẽ hứng chịu nhiều hậu quả như bị cấm không được đi trên đường thôn, cấm sử dụng nguồn nước...
Hàng trăm tín đồ theo đạo này ở nhiều tỉnh bị buộc phải bỏ đạo, theo báo cáo của một số nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo.
Bà Cô Dợ là một nhóm tôn giáo theo Kito giáo, được sáng lập bởi bà Vừ Thị Dợ (tiếng Hmong: Nkauj Ntxawm), người H’mong gốc Lào và hiện đang sinh sống ở Wisconsin (Hoa Kỳ). Chính quyền Việt Nam gọi là tà giáo và quyết tâm triệt phá.
Trong email gửi RFA một năm trước, bà Dợ (tên tiếng anh: Klao Jer Vue) cho biết báo chí nhà nước Việt Nam đưa thông tin sai sự thật về nhóm đạo này, khẳng định họ hoàn toàn hoạt động về tôn giáo và không có ý định hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam.
Ông Giàng A Chín, sinh năm 1994, cho biết mặc dù gia đình ông theo Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, một tổ chức tôn giáo được Chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động nhưng vẫn bị truy bức trong những năm đầu của thập niên 1990.
Bản thân ông, để được đi học trường cấp 3, cũng như Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc ở tỉnh Hoà Bình, ông Chín cũng phải làm theo yêu cầu của công an phải khai “không tôn giáo” khi làm giấy Chứng minh Nhân dân.
Bài viết của VOV cho rằng, bên cạnh việc xử lý nhóm đối tượng cầm đầu, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cũng có những biện pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân tộc để họ ổn định cuộc sống, tập trung làm ăn phát triển kinh tế như hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ làm nhà cho các trường hợp bị lầm lỡ trở về địa phương để trở thành công dân tốt...
Tuy nhiên, ông Chín cho biết chính quyền địa phương chỉ trợ giúp các gia đình ký vào cam kết bỏ đạo. Gia đình ông không nhận được trợ giúp gì vì không ký giấy bỏ đạo. Tuy nhiên, việc trợ giúp kinh tế không hoàn toàn đúng như ông Minh nói.
“Những gia đình viết cam kết không theo bất cứ tôn giáo nào thì Nhà nước cũng cung cấp một ít tiền để mua trâu bò ngựa. Họ cho vay chứ họ không cho không, khi nào mình làm có tiền thì phải trả lại Nhà nước.”