Trân Văn
VOA Blog
Bất kể khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn xem tăng trưởng GDP như một thứ trang sức để chứng tỏ sự “sáng suốt và tài tình” của cả cá nhân lẫn hệ thống.
Cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang sôi sùng sục vì… “còn một triệu tỉ đồng chưa được bơm vào nền kinh tế” trong khi sắp hết năm. Có nơi như TP.HCM đã tổ chức “đợt thi đua cao điểm 60 ngày nhằm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công của năm nay” nhưng đến giờ tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM chỉ đạt chừng 45% so với kế hoạch (1).
Sở dĩ giới hữu trách quay quắt với việc “thúc cho tiền chạy vào nền kinh tế” vì năm nay, Việt Nam tiếp tục không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP như dự tính (thay vì tăng trưởng GDP phải là 6,5% nhưng theo ước tính mới nhất thì chỉ đạt được khoảng 5%). Lý do khiến chính quyền Việt Nam sốt ruột, thúc ép giải ngân vốn đầu tư công vì “giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3% (5).
Bất kể khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn xem tăng trưởng GDP như một thứ trang sức để chứng tỏ sự “sáng suốt và tài tình” của cả cá nhân lẫn hệ thống. Năm 2018, khi phân tích và lặp lại khuyến cáo – đừng chạy theo GDP bằng mọi giá, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế nhắc đến điều đã từng xảy ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng: Khi nhận ra không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm, chính phủ thúc ép hút thêm một triệu tấn dầu để bán bất kể giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Tuy bán dầu trong bối cảnh đó sẽ lỗ nặng nhưng bán đi một triệu tấn đầu sẽ đẩy GDP lên. Tương tự, chính phủ bắt ngành than khai thác thêm than dù đang ứ đọng chín triệu tấn than. Chưa kể đến chuyện xào nấu dữ liệu để đạt yêu cầu (3)!
Song những phân tích và khuyến cáo của các chuyên gia vẫn như “nước đổ đầu vịt”, từ BCH TƯ đảng, đến quốc hội, chính phủ vẫn xem “tăng trưởng GDP” như mục tiêu duy nhất và sẵn sàng vét ngân khố dốc hết vào các dự án đầu tư công để đạt được… “thành tích tăng trưởng” kể cả khi “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023” và các “ủng hộ viên” như ông Nguyễn Bích Lâm – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – buộc phải thừa nhận, đó chính là bằng chứng cho thấy “quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”!
***
Suy thoái, lạm phát vốn đã và đang là vấn nạn toàn cầu nhưng không như nhiều quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào thật sự hữu ích để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh, tạo ra sự hồi phục thật sự sau những biến động do đại dịch COVID 19. Xin nhắc lại vài chuyện liên quan đến Nam Hàn để có cơ sở so sánh về bản chất việc bám đuổi “chỉ tiêu tăng trưởng GDP”…
Tháng 3/2021, song song với việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 vì duy trì các biện pháp có tính cưỡng ép (hạn chế đi lại, cấm ăn uống tại chỗ,…) sẽ gia tăng gánh nặng cho tiểu thương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, đồng thời để hỗ trợ các thành phần yếu thế và giúp nền kinh tế hồi phục, chính quyền Nam Hàn quyết định cấp gói hỗ trợ khẩn cấp lần thứ tư cho những người thuộc thành phần yếu thế. Bên cạnh đó chính quyền Nam Hàn đã chi 110 ngàn tỉ Won (tương đương 91 tỉ Mỹ kim) để giúp khoảng 900.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã mất việc và thực hiện hàng loạt biện pháp cụ thể để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, chi phí lao động, hỗ trợ đào tạo nghề nhằm đạt mục tiêu tái tạo 900.000 việc làm ngay trong quý 1/2021 (4).
Tháng 4/2022, khi giá dầu thế giới thăng thiên, chính quyền Nam Hàn công bố ba gói hỗ trợ mới để giảm bớt sức nặng do giá dầu thô leo thang vốn đang đè trên vai doanh giới và dân chúng: Thuế xăng dầu tiếp tục được giảm thêm 10%, nâng tỉ lệ thuế được giảm lên 30%. Công bố mức trợ cấp chi phí xăng dầu cho xe buýt, xe vận tải. Gia hạn việc áp dụng thuế suất là 0% đối với LPG (khí tự nhiên hóa lỏng – loại nhiên liệu đang được nhiều phương tiện vận chuyển cá nhân và vận tải công công tại Nam Hàn sử dụng thay xăng, dầu) đến tháng 7. Công bố kế hoạch trợ cấp trong ba tháng cho xe buýt, xe vận tải, tàu chở hàng ven biển vận hành bằng dầu diesel. Do nhiều taxi và xe vận tải nhẹ (phần lớn có chủ là tiểu thương) sử dụng LPG, ngoài việc gia hạn thuế suất 0%, chính phủ Nam Hàn giảm 30% thuế doanh thu đối với phương tiện giao thông – vận tải dùng LPG.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh giới, chính quyền Nam Hàn quyết định áp dụng mức thuế nhập cảng là 0% cho tới cuối 2022 đối với nhôm tấm dùng trong sản xuất pin thứ cấp và xe hơi. Tăng lượng dự trữ sáu loại kim loại khác lên mức 250.000 tấn. Do lượng ngũ cốc nhập cảng từ Ukraine khiếm hụt, chính quyền Nam Hàn tìm nhập thêm bắp từ các nguồn khác, kèm cam kết, nếu giá cả và cung cầu nông sản bất ổn sẽ mở kho dự trữ lương thực để cung cấp cho các chợ bán sỉ trên toàn quốc. Để giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt, chính quyền Nam Hàn tuyên bố dành hỗ trợ có tính cách ưu đãi cho những địa phương có biện pháp cụ thể nhằm giữ giá nước sạch, phí xử lý nước thải… ổn định. Thông qua KBS (giống như VTV), chính quyền Nam Hàn đề nghị doanh nghiệp nhanh chóng làm cho việc giảm thêm thuế xăng dầu thể hiện rõ ràng trong giá bán để dân chúng Nam Hàn có thể cảm nhận ngay được hiệu quả của các gói hỗ trợ (5).
Tháng 10 năm nay, ngay sau khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát, chính quyền Nam Hàn đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về tác động của cuộc chiến đối với hoạt động xuất cảng của Nam Hàn. Bởi lo ngại xung đột sẽ ảnh hưởng bất lợi đến xuất cảng, hoạt động sản xuất nội địa và rộng hơn là kinh tế – xã hội quốc gia nên chính quyền Nam Hàn đã quyết định thành lập “Nhóm hành động khẩn cấp” để theo dõi, dự báo và khuyến nghị điều chỉnh chính sách. Ngoài các viên chức chính phủ, nhóm còn có đại diện của Hiệp hội Thương mại quốc tế Nam Hàn (KITA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Nam Hàn (KOTRA), Tổng công ty bảo hiểm thương mại (K-Sure). Nhóm vừa phối hợp với các Tùy viên quân sự của Nam Hàn ở khu vực Trung Đông, vừa thiết lập kênh liên lạc với các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực này cũng như các doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa vào khu vực này để thu thập thông tin, khuyến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ, đồng thời sẽ tìm kiếm đối tác dự phòng cho các doanh nghiệp Nam Hàn nếu vì chiến tranh không thể duy trì quan hệ với những đối tác hiện tại. K-Sure cũng cam kết sẽ nâng hạn mức bảo lãnh tín dụng xuất khẩu lên 1,5 lần, gia hạn bảo lãnh cho các doanh nghiệp bất kể quy mô (nhỏ, vừa hay trung bình). Nếu xảy ra rủi ro, K-sure cam kết sẽ trả chi phí bảo hiểm trong vòng dưới một tháng, quá thời hạn này K-sure sẽ chi trả 80% số tiền thiệt hại. Cho dù xung đột tại Trung Đông chưa ảnh hưởng lớn tới xuất cảng của Nam Hàn nhưng vì khó dự đoán tác động của xung đột, chính quyền Nam Hàn cam kết sẽ cùng với các cơ quan hữu trách chủ động tìm giải pháp đối phó, không để xung đột tác động tiêu cực đến hoạt động xuất cảng đang được cải thiện dù kim ngạch xuất cảng sang khu vực Trung Đông chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất cảng của Nam Hàn (6).
***
Ngoài chuyện dùng những biến động trên thế giới và khó khăn của kinh tế toàn cầu như thùng rác… để trút toàn bộ trách nhiệm về thực trạng kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát vào đó, tại sao các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam không thể làm những chuyện như thiên hạ đã và đang làm mà chỉ quan tâm đến việc phải đạt “chỉ tiêu tăng trưởng GDP”?
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-thuc-cho-tien-chay-20230912091454078.htm
(3) https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/
(4) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48976
(6) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=60435