Người Việt Nam và hội chứng Stockholm – Tân Biên
Nguyễn Tiến Cường
Cách đây hơn một tuần, tôi có làm bài thơ, bỏ vào một status bằng hình để chế diễu, châm biếm việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam xuất sang nước Mỹ 999 xe Vinfast VF8 với hy vọng là sẽ đánh bại xe Tesla của Elon Musk, chiếm lĩnh đa phần thị trường xe điện ở Mỹ, Âu Châu...
Nói trước luôn để quý vị cuồng Vượng, cuồng Hồ, cuồng cộng sản, cuồng Trump khỏi bắt bẻ. Tôi chưa chạy chiếc Tesla nào, cũng chưa thử VF8 nên bài thơ của tôi không hề nói đến chuyện kỹ thuật, giá cả, độ bền của xe...Tôi chỉ phê bình, bỡn cợt tật nổ banh càng của Phạm Nhật Vượng, công ty Vinfast…
Thế mà lập tức có một số người ở hải ngoại – những người bản thân hoặc cha anh họ đã từng bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn chế độ cộng sản trối chết, nhẩy lên đông đổng như đỉa phải vôi, nước sôi...đảng hố chụp hình bài thơ của tôi đem về, treo lên tường nhà họ rồi rủ nhau nhao nhao vào sỉ vả, nhục mạ…, so sánh tôi với ông tổ thơ nâng bi Tố Hữu của CSVN.
Ngộ thiệt (là) tình. Tôi không hiểu lý do nào mà họ phản ứng như thế? Bài thơ không hề đụng chạm, công kích cá nhân hay gia đình, không hề xúc phạm, mỉa mai cha ông họ. Suy nghĩ, „động não“ cả ngày trời mới sực nhớ rằng đó là một dạng của "hội chứng Stockholm".
Xin nói sơ qua về Hội Chứng này. Khái niệm về Hội chứng Stockholme (Stockholm syndrome) được hiểu như một trạng thái tâm lý, không phải là một căn bệnh về tinh thần hay thể chất rõ rệt với những triệu chứng khác thường. Hội chứng này lần đầu tiên được biết đến vào năm 1973, nơi xẩy ra vụ bắt giữ con tin tại một nhà băng chuyên về tín dụng ( Credit Bank ) ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
Sự việc bắt đầu khi Jan Erik Olsson, một tù nhân đang trốn thoát đã xâm nhập vào nhà băng Norrmalmstorg ở Stockholm. Cảnh sát được gọi tới và sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi, một trong hai cảnh sát chạy đến đầu tiên đã bị thương.
Olsson sau đó bắt giữ 4 con tin là Birgitta Lundblad, Elisabeth Oldgren, Kristin Enmark và Sven Säfström và đưa ra những yêu cầu như sau:
1. Chính phủ Sweden phải thả tội phạm đang bị giam trong tù, nổi tiếng khắp Thụy Điển là Clark Olofsson, đưa đến nhà băng gặp Olsson-
2. Trả cho Olsson 3.000.000 Krone ( 300.000 USD )
3. Đem đến 2 khẩu súng, áo giáp chống đạn, nón an toàn và một xe hơi để di chuyển.
Sau khi Clark Olofsson được đưa đến nhà băng thì Olsson cùng với Olofsson lập một hàng rào phòng thủ với 4 con tin trong tay.
Vụ bắt giữ con tin kéo dài 5 ngày, từ 23 tới 28.08.1973. Trong lúc điều đình câu giờ, cảnh sát khoan được một lỗ trên mái của nhà băng, đưa camera đến theo dõi được mọi diễn tiến bên trong vào ngày 26.08. Sau đó họ quyết định dùng hơi ngạt làm bất tỉnh 2 tên tội phạm cũng như con tin qua lỗ hổng khoan trên mái.
Việc giải thoát con tin chấm dứt một cách êm thắm, không có thiệt hại nhân mạng. Olsson bị kết án 10 năm tù, nhưng chỉ ở có 8 năm thì được ân xá. Clark Olofsson lúc đầu bị kết án 6 năm nhưng sau đó tha bổng vì hoàn toàn thụ động trong vụ bắt giữ tù nhân ngoài ý muốn.
Điều cần nói ở đây là thái độ của con tin trong thời gian 5 ngày bị bắt giữ. Qua những giao tiếp với kẻ bắt giữ mình như xin phép đi vệ sinh, tiếp tế thực phẩm, ăn uống… các con tin đã không sợ hãi Olsson, Olofsson bằng sợ cảnh sát tấn công vào nhà băng giải thoát họ.
Những giao tiếp đó đã khiến cho các con tin sau đó đã bày tỏ nhiều thiện cảm với kẻ bắt giữ, cám ơn Olsson, Olofsson đã buông tha họ, đến thăm hai người này trong nhà giam, kêu gọi chính quyền khoan dung 2 tội phạm trên…
Nhưng sự thật như thế nào? Phải chăng vì thời gian án binh bất động, kéo dài thương thuyết, đã khiến cho những nhượng bộ nhỏ nhoi của kẻ bắt giữ đối với con tin như nới lỏng dây trói, cho đi làm vệ sinh, cho thêm một ít thức ăn, nước uống... trở thành những ân huệ to lớn, đáng quý, khiến cho các con tin cảm thấy gần gũi, thân cận với kẻ bắt giữ hơn là với cảnh sát?
Lý do nào các con tin quên đi sự hành hạ thể xác, kềm kẹp tinh thần, không khí trấn áp trong những ngày bị giam giữ để trở nên thân thiện với kẻ tội phạm?
Các nhà tâm lý học đã gọi đó là hội chứng Stockholm. Thay vì cám ơn cảnh sát đã làm đủ mọi cách để giải cứu họ, các con tin đã cám ơn, bày tỏ cảm tình với kẻ bắt giữ, đầy đọa mình hơn 5 ngày.
Trở lại vấn đề. Khi chế độ CSVN mở cửa giao thương, buôn bán, hợp tác với thế giới tự do…,một số biện pháp về an ninh, kinh tế với các công ty ngoại quốc, người Việt hải ngoại đã được nới lỏng. Người Việt hải ngoại (nếu) mang quốc tịch Mỹ, Âu, Úc...và (nếu) có tiền được tự do về thăm quê hương, đất nước, gặp gỡ thân nhân, thậm chí mua nhà dưỡng già, làm từ thiện...các cái, rất được mở rộng vòng tay, đón chào.
Một đất nước bế quan tỏa cảng với thế giới suốt 25 năm, thu nhập bình quân của người dân 1.000 -1.200$/năm, đến khi mở cửa hơn 20 năm, thu nhập gia tăng lên khoảng 4.000$/năm, một số người Việt hải ngoại chóa mắt với những chung cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng, ăn chơi 5 sao, các trung tâm mua bán đủ các mặt hàng xa xỉ, khách sạn, nhà hàng sang trọng mọc lên như nấm…
Thế là họ đồng ca... Ôi! Đất nước phát triển tuyệt vời, hạnh phúc rất đơn sơ. Đời tôi đâu có ngờ… qua những gì họ thấy ở các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao... rồi kết luận đa số người Việt hiện nay đều là dân trung lưu, chỉ còn 15% người dân nghèo phải chạy ăn từng ngày. Họ cám ơn, ca ngợi, bênh vực thành quả làm kinh tế, ổn định chính trị của chế độ CSVN.
Họ có thấy những quan chức lãnh đạo lên tới cả cấp bộ trưởng, thứ trưởng.., những doanh nhân thành đạt, tài sản hàng tỉ $ lũ lượt vào tù như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng... trong các đại án FLC, Tân Hoàng Minh hay những cái chết mờ ám, bất ngờ trong vụ Vạn Thịnh Phát?
Thấy chứ sao không? Họ thấy hết, biết hết những vấn nạn, bất an của chế độ CS nhưng họ không cho ai được quyền lên án chế độ nếu họ chưa lên tiếng. Về VN ăn chơi, hưởng thụ, họ tự cho mình cái quyền duy nhất phê phán, chỉ trích chế độ vì là những người “đã tận mục sở thị”. Nhưng có cho vàng thì họ cũng chẳng dám mở miệng.
Vị tự ái, vì muốn che lấp cảm giác phạm tội, họ đánh đồng việc lên án, chỉ trích chế độ với người dân. Cái hèn của những người Việt Nam ở hải ngoại mắc hội chứng Stockholm là ở chỗ đó.