Ngày 7/5 trên Báo Điện Tử ĐCS Việt Nam có bài viết “Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định trong 4 tháng đầu năm”. Bài báo cho biết trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu Việt Nam đạt con số là 103,9 tỷ đô la, tăng 28,3% so với năm 2020. Con số tăng 28,3% lớn không? Rất lớn.
Mục tiêu kép là bài tuyên truyền của ĐCS trong suốt năm 2020 và sang 2021. Mục tiêu kép là “vừa chống dịch thành công vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Trong suốt năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 xem như ĐCS đã chống dịch thành công. Việc xuất khẩu tăng đến 28,3% theo thống kê là con số đẹp, ĐCS đã không bỏ lỡ cơ hội vơ lấy để tự sướng rằng, “đảng đang thực hiện tốt mục tiêu kép”. Việc chống dịch thì quá rõ không bàn làm gì, nhưng mục tiêu kinh tế thực sự có phải như vậy không thì cần phải phân tích sâu hơn.
Theo Báo Đầu Tư thì 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 208,35 tỷ đô la. Trong đó xuất khẩu là 104,9 tỷ đô la, nhập khẩu là 103,31 tỷ đô la. Tính ra nền kinh tế Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ đô la trong 4 tháng (cứ hiểu đơn giản rằng, xuất siêu là ngoại tệ rót vào, còn nhập siêu là ngoại tệ chảy ra khỏi Việt Nam theo ngả thương mại). Nhìn con số thì đẹp đấy, nhưng nếu tách khối doanh Nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài – FDI ra thì mới thấy nền kinh tế Việt Nam nó rỗng như thế nào?! Trong 104,9 tỷ đô la xuất khẩu ấy thì FDI chiếm 78,35 tỷ đô la bằng 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng nói là FDI xuất nhiều nhưng nhập ít, họ nhập chỉ có 67,61 tỷ đô la. Tính ra sau 4 tháng đầu năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đã có mức thặng dư lên tới 10,74 tỷ đô.
Cả nước xuất siêu chỉ có 1,63 tỷ đô la mà riêng khối FDI đã xuất siêu đến 10,74 tỷ đô, tính ra khối doanh nghiệp trong nước phải nhập siêu đến 9,11 tỷ đô. Như vậy rõ ràng khối doanh nghiệp trong nước không đủ sức gánh vác nền kinh tế Việt Nam. Với 9,11 tỷ đô nhập siêu trong 4 tháng, khối doanh nghiệp trong nước đã làm “chảy máu ngoại tệ” một lượng rất lớn. Đã 35 năm “đổi mới” mà khối doanh nghiệp trong nước còn làm chảy ngoại tệ ra nước ngoài thì làm sao họ làm trụ cột cho nền kinh tế đây?
Ai cũng biết, khối tiền thặng dư 10,74 tỷ đô của FDI đấy là số tiền không thuộc về người Việt Nam, nó thuộc về những ông chủ nước ngoài. Con số 10,74 tỷ đô đó chỉ đóng góp vào con số tăng trưởng để ĐCS khoe với dân mà thôi, hết. Được biết cả năm 2020 Việt Nam nhận được 17,2 tỷ đô la kiều hối thì trong 4 tháng khối doanh nghiệp trong nước nó làm đô la chảy ra ngoài hết 9,11 tỷ rồi. Không khéo đến hết năm 2021, các doanh nghiệp trong nước làm cho đô la chảy ra nước ngoài còn nhiều hơn lượng kiều hối đổ về.
Sau năm 1975, CS hành hạ những đồng bào mà họ gọi là “ngụy quân ngụy quyền” tạo ra làn sóng tị nạn CS thương tâm. Trong số những người bỏ chạy đó họ phải đánh cược mạng sống với biển cả để tìm đến bến bờ tự do. Điều trớ trêu là lớp người bỏ chạy đó giờ đây họ rót về Việt Nam hàng chục tỷ đô la mỗi năm, trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước thì làm chảy ngoại tệ ra nước ngoài hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Cuối cùng kẻ nuôi nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là “bọn ăn bơ thừa sữa cặn” (từ mà CS miệt thị đồng bào tị nạn CS). Nếu không có kiều hối e ĐCS không đủ ngoại tệ dự trữ để phòng rủi ro cho nền kinh tế.
Đã 35 năm “đổi mới” nhưng sao khối doanh nghiệp trong nước vẫn không là trụ cột chính để gánh đỡ nền kinh tế đất nước? Nó có nguyên nhân hết.
Theo báo Vneconomy thì trong năm 2020, chỉ với 77 vụ án tham nhũng thì cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã và đang tổ chức thu hồi được số tiền hơn 23.757 tỷ đồng. Nếu tính ra toàn ngành thì Bộ tư pháp cho biết con số phải thu hồi là 53.000 tỷ đồng. Kinh khủng! Chưa hết, năm 2020 tổng số tiền mà ngành tư pháp cần phải thu hồi cao hơn năm trước là 1.000 tỷ đồng. Không biết ông Trọng “đốt lò” kiểu gì mà tham nhũng năm sau cao hơn năm trước vậy? Đấy là bức tranh tham nhũng của Việt Nam, mà tham nhũng càng tăng thì sức khỏe nền kinh tế càng yếu. Đó là lý do tại sao đã 35 năm đổi mới mà khối doanh nghiệp trong nước vẫn lép vế so với khối FDI rất nhiều.
Gửi ý kiến của bạn