VN - THÀNH VIÊN UB NHÂN QUYỀN LHQ: THÚI! HOANG TÀN NƠI CỬA CHÙA
Hình từ bài chủ
Huỳnh Thị Tố Nga
HNNCBCĐ
Có dịp ghé nhà người quen, một dân oan ở Bà Rịa Vũng Tàu, chú Trần Văn Thường, người viết được chú kể cho nghe và dẫn đi xem một ngôi chùa do chú và các Phật tử thân thiết khác cùng nhau thành lập để tu tập. Chùa Pháp Biên được thành lập từ tháng 2/2000 trên một mảnh đất do chú Thường hiến tặng, được biết miếng đất này hiện tại có trị giá khoảng 30 tỷ vnđ, tọa lạc tại ấp Hồ Tràm - xã Phước Thuận - huyện Xuyên Mộc - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, chú cùng những người bạn Phật tử thân thiết góp tiền cùng nhau xây dựng chùa.
Sau khi xây dựng xong, chùa bắt đầu hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của ban hộ tự của chùa theo tôn chỉ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong thời gian này, rất nhiều lần nhà cầm quyền gây khó khăn, sách nhiễu và cấm cản các hoạt động tôn giáo của chùa, lý do là không chịu giao đất và chùa cho nhà cầm quyền quản lý, và những hoạt động tôn giáo phải thông qua đại diện là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quản lý đồng thời.
Ngày 1/11/ 2011, sau hơn mười năm cầm cự, một nhóm đông đảo người hành vi như côn đồ, ngang nhiên đến chùa la hét, đập phá và cướp tài sản làm náo động cả một vùng lân cận, chú Thường và Ban hộ tự kêu cứu nhưng nhà cầm quyền làm lơ, trả lời rằng việc nội bộ của chùa, tự giải quyết. Những ngày sau đó, nhóm người này tiếp tục đến phá chùa, đem cả xe múc phá nát nền móng, cả ngôi chùa chỉ còn đống gạch vụn.
Sau đó, chú và các anh chị em Phật tử lại tiếp tục làm đỡ một gian nhà tạm bằng tre, gỗ, lá để thờ cúng. Ngày 25/8/2011, một lực lượng đông đảo khoảng 150 người kéo đến gồm công an xã, dân phòng, cảnh sát cơ động, 113,... ngoài đường thì cảnh sát giao thông chặn đường không cho người dân vào chùa. Họ bắt chú Trần Văn Thường cam kết không được xây dựng lại chùa, sau một thời gian dọa dẫm không có kết quả, phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Sinh đã cho phá chùa. Sau đó xảy ra sự xô xát, họ đánh đập những người chống trả, cướp và đập phá điện thoại, máy chụp hình và những phương tiện có thể ghi âm, ghi hình. Chú Thường và những Phật tử không thể chống trả vì đã bị thương, họ đã phá nát gian nhà tạm.
Sự việc được đông đảo dư luận biết đến, các đài truyền thông nước ngoài cũng đã phỏng vấn và tìm hiểu vụ việc.
Sau đó, Chú Thường và các Phật tử lại tiếp xây dựng một gian nhà tạm để có chỗ để tượng Phật và Kinh sách. Căn nhà ngăn thành hai gian nhỏ, để có thể tiếp tục hoạt động tôn giáo.
Khi tôi bước chân vào nơi đã từng hiện diện một ngôi chùa, nay đã thành hoang phế, lòng cảm thấy chùng xuống. Ngôi nhà tạm hiện tại quả thực không thể gọi là chùa, nó chỉ như một căn phòng đơn giản để thờ Phật. Ngoài sân, vẫn còn dấu tích tàn phá ngày trước, tượng Phật nằm chơ vơ dưới sương gió, khung cảnh làm lòng người thấy xót xa. Tôi chợt nghĩ, hơn hai ngàn năm trước, Phật Thích Ca đã gian nan như thế nào mới tìm thấy chánh pháp, ngày nay, dưới sự vô minh, tàn ác của con người, chánh pháp lại tiếp tục phải chịu đựng phong ba, bão táp.
Ngay cả Phật đã chứng ngộ, đã nắm quyền năng trong lòng bàn tay, nhưng ngài chưa bao giờ kiểm soát tâm thức chúng sinh, ngài luôn khuyến khích chúng sinh phải tự mình chứng ngộ như ngài, muốn như vậy, tâm thức phải được tự do phóng khoáng khai mở. Chính vì trí huệ đã đạt đến giới hạn mới hành sự và dẫn dắt chúng sinh như vậy. Chỉ có những con người ngu muội, tự cho mình đã hiểu biết, tự cho mình có quyền định đoạt số phận của chúng sinh khác mà làm nên những việc thương thiên bại lý. Điều đó chỉ thể hiện sự vô minh ngu muội sâu dày mà thôi.
Sinh hoạt tôn giáo cần phải được độc lập với chính trị, miễn là tôn giáo đó hoạt động theo quy chuẩn đạo đức được con người trong xã hội chấp nhận, không làm những việc thương thiên bại lý gây tổn hại cho xã hội. Tôn giáo là tâm linh, đã là tâm linh thì không thể ràng buộc vào những vụn vặt thế gian, tôn giáo phải làm được việc quan trọng khai phóng tâm thức con người, giúp con người tìm được đến Đạo.
Việc kiểm soát những sinh hoạt tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại gây bức xúc, căm ghét đối với người dân, bởi vì những sinh hoạt của họ không gây tổn hại cho xã hội thì hà cớ gì phải tìm cách kiểm soát?!
Gửi ý kiến của bạn