Tu Dưỡng Thắng Nhân: Cách Mạng Bản Thân
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Nếu ai đó kêu gọi bạn làm cách mạng thì bạn phải hỏi người đó cách mạng là gì và bản thân của người đó đã làm cuộc cách mạng bản thân chưa.
Cách mạng nếu hiểu theo đúng nghĩa là sự thay đổi toàn diện và triệt để. Thực tế các cuộc cách mạng xảy ra ở tại Việt Nam chỉ là thay đổi giới lãnh đạo. Họ lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kêu gọi sự hợp tác của người dân giúp họ chống lại chế độ hiện tại. Khi thành công thì họ tệ hại hơn chế độ hiện tại và sẵn sàng đàn áp người dân bằng mọi hình thức, thủ đoạn mà đảng cộng sản Việt Nam là thí dụ điển hình.
Ở một vài quốc gia khác, cuộc cách mạng tuy không đổ máu nhưng cũng chỉ là thay đổi giới lãnh đạo và giới lãnh đạo mới không làm cho cuộc sống của người dân, của xã hội được tốt hơn so với giới lãnh đạo cũ. Cuộc cách mạng ở Ai Cập lật đổ nhà độc tài Mubarak để giao quyền lại cho lực lượng Người Anh Em Hồi Giáo và cuối cùng thì người dân Ai Cập phải sống dưới một chế độ độc tài khác với sự lãnh đạo của người tướng Sisi.
Tại Tunisia năm 2011 cũng chẳng đạt được kết quả gì tốt đẹp cho người dân. Sau 10 năm cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều trở ngại mà chính quyền mới sau cuộc cách mạng vẫn chưa giải quyết được. Chưa kể sự thay đổi giới lãnh đạo xảy ra thường xuyên sau cuộc cách mạng 2011 để không có một chính sách lâu dài áp dụng hầu tạo cuộc sống của người dân trong xã hội khá hơn. Bất cứ chính sách nào, nếu thực sự có chính sách thực tế, cũng cần thời gian chứng minh chính sách đó đúng hay sai. Cho nên sự thay đổi lãnh đạo trong vòng một năm thì khó mà tạo cơ hội để cho một chính sách canh tân nào đó hình thành và đạt kết quả mong muốn.
Ông Lý Đông A, nhà tư tưởng Việt, có nhắc đến Cách Mạng Gốc. Cách Mạng Gốc là gì?
Cần phải hiểu Cách Mạng Gốc ở một nghĩa rộng lớn. Đó là cuộc cách mạng bùng phát từ đáy tầng, tức là từ những người dân. Đồng thời nó cũng là một cuộc cách mạng từ ngay chính bản thân của mỗi người, đặc biệt người lãnh đạo cuộc cách mạng. Nếu người lãnh đạo chưa đạt được cuộc cách mạng bản thân thì sau khi cầm quyền, họ sẽ bị ma quyền, ma tiền, ma danh điều khiển họ để họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, tổ chức (đảng) thay vì quyền lợi của xã hội, đất nước, dân tộc.
Cách mạng bản thân là gì? Đó là một cuộc cách mạng khơi mầm từ lúc nhỏ. Đó là cuộc cách mạng mà ngay từ tuổi chưa trưởng thành đã có những suy nghĩ quan tâm về con người, về xã hội và những suy nghĩ đó luôn luôn bám vào tri thức, tâm thức trong suốt cuộc đời trưởng thành cũng như trong sinh hoạt của xã hội.
Đó là cuộc cách mạng mà bản thân tự làm chủ lấy mình. Tự mình thực hiện chuyện tu dưỡng ở chính bản thân để “thắng” tham-sân-si trong chính bản thân. Tự mình chọn thái độ sống thật, sống đúng, sống biết, sống thiện, sống nhân bản, sống để phục vụ con người và xã hội.
Đó là cuộc cách mạng tự giác để vượt lên được bản ngã của bản thân; biết quý trọng mọi người không phải ở cái bằng cấp, địa vị xã hội, quá khứ mà ở ứng xử hiện tại của cá nhân đó đối với người khác trong xã hội.
Cuộc cách mạng tự giác để biết dù mình có tài giỏi cách mấy thì tự bản thân mình cũng chỉ là một phần tử nhỏ trong bộ máy xã hội; nếu bộ máy xã hội không có thì chính bản thân của mình sẽ chẳng làm được gì với cái tài giỏi đó.
Cuộc cách mạng tự giác luôn luôn làm việc trên tinh thần khoa học, đặt hiệu quả làm mục tiêu cho nên những lời nói, việc làm, dự án đều được quan sát, suy nghĩ kỹ trước khi đưa vào thực tế đời sống.
Cuộc cách mạng tự giác là cuộc cách mạng tạo điều kiện cho mọi người cùng tiến. Trong tiến trình đó, người làm cuộc cách mạng tự giác luôn luôn mở để tạo mọi cơ hội học hỏi từ người khác hầu tự mình gia tăng tri thức của chính mình cho phù hợp với thực tế của thời đại. Trong sự mở đó, người làm cách mạng tự giác đã tạo cơ hội để người khác học hỏi từ mình và mình học hỏi từ người khác. Sự học hỏi ở người có tinh thần tự giác là học hỏi hai chiều: mình học hỏi từ khác và người khác học hỏi từ mình.
Cá nhân nào đã thực hiện được cuộc cách mạng bản thân và nếu có khả năng lãnh đạo có thể thành lập một đảng cách mạng từ ngay đáy tầng với những thành viên đã thực hiện được cách mạng bản thân. Đảng cách mạng đó mục tiêu đầu tiên và quan trọng là giáo dưỡng đáy tầng thành những con người đạt được cách mạng bản thân với tinh thần tự giác cao.
Đảng cách mạng đó âm thầm làm việc xây dựng con người từ đáy tầng ở nhiều thành phần khác nhau; đồng thời xây dựng hệ thống kinh tế để giúp đỡ đáy tầng và thành viên trong đảng -- nhằm mục đích sống sát thực với đáy tầng, nâng đỡ lẫn nhau, giúp mỗi người sống trong phương châm tận kỳ sở năng (cố gắng trong khả năng), toại kỳ sở nhu (sống đơn giản, phù hợp với nhu cầu kinh tế và không hoang phí), và chính kỳ sở mệnh (chấp nhận khả năng hiện có để biết đặt mình vào đúng vị trí của bộ máy xã hội).
Đảng cách mạng đó phải có những chương trình, dự án trong việc giải quyết những khó khăn trong đời sống của người dân mà chính người dân không hề biết đó là một đảng cách mạng. Đảng cách mạng đó phải có cái nhìn tổng thể trên mọi lãnh vực và chuẩn bị nhân lực, tài lực để phát triển tinh thần của đảng cách mạng từ dòng sống của đáy tầng mà người dân hoàn toàn không hề biết tác động từ đảng cách mạng.
Muốn làm được điều trên cần phải có những con người có tu dưỡng. Đề tài Tu Dưỡng Thắng Nhân đã được trình bày trong ba năm qua để những ai quan tâm về con người và muốn làm cách mạng thay đổi xã hội thì chính bản thân của người làm cách mạng đó phải đạt được những tu dưỡng đã được trình bày trong ba năm qua.
Một điều khẳng định rằng nếu một đảng cách mạng không có những con người tu dưỡng, không có những con người đạt được cách mạng bản thân với tinh thần tự giác cao thì đó là một đảng phản cách mạng. Một đảng cách mạng mà không sống trong quần chúng, không quan tâm đến đời sống quần chúng, không tìm cách giúp đỡ, nâng cao đời sống quần chúng trên lãnh vực kinh tế, tinh thần thì đó chỉ là một đảng phản cách mạng.
Người Việt có một đảng cách mạng hay không? Nếu có chỉ là trong quá khứ chứ hiện tại người Việt chỉ có đảng chính trị chứ không có đảng cách mạng. Mà đảng chính trị chỉ quan tâm đến việc giành quyền lãnh đạo trong khi đảng cách mạng quan tâm đến chuyện “thiết kế và chấp hành nhân sinh”.
Nên nhớ không phải chỉ vì xã hội (quốc gia, dân tộc) xuống dốc nên mới cần có cách mạng để thay đổi và tái thiết toàn bộ. Cho dù là một xã hội yên bình thì sự tiến hóa của con người vẫn tiếp tục xảy ra. Trước một tương lai vô định của sự phát triển khoa học kỹ thuật (Chat GPT) thì con người vẫn cần phải có tu dưỡng vì "khoa học, đạo học, sử học thống nhất", không thể thiếu một trong 3 yếu tố đó. Thiếu đạo học thì khoa học có thể biến loài người thành xã hội của người máy vì thiếu tình cảm. Nếu tình cảm quá đáng thì dễ đi đến hủy diệt vì thiếu chính xác. Nhìn lại lịch sử của các nền văn minh Ai Cập, Maya, Atlantic... thì sự tu dưỡng của con người rất cần thiết cho dù có cần cách mạng hay không.
Nếu cách mạng trong quá khứ thường là đổ máu, bạo lực vì con người thiếu tu dưỡng thì bài học lịch sử có giúp chúng ta hôm nay tu dưỡng trước khi thực hiện cách mạng, một cuộc cách mạng ôn hòa (không tránh được đổ máu nhưng có thể hạn chế tối đa). Chúng ta đã thấy người xưa tranh hùng, xưng bá đồ vương rồi về già, đi tu. Vậy sao chúng ta không thể đi tu rồi hãy giúp nước (Lý Công Uẩn)? Hay vì đi tu thì khó thành đạo, mà không thành đạo thì làm sao ra giúp đời? Có khi thành đạo thì lại bỏ thế gian đi luôn không trở lại?
Chúng ta đã sinh ra để sống. Một khi đi vào cuộc sống để biết sống như thế nào cho phải đạo thì con đường trước mặt là tu dưỡng bản thân. Chúng ta có sẵn sàng tham dự chăng?