Việt Nam có là quốc gia trung lập? Trung lập là trung lập nào?
Chính sách quốc phòng 4 không của Việt Nam chỉ là chính sách của những thằng điếm thúi, trong đó bọn chúng sẵn sàng hèn mạt, quỵ lụy giặc Tàu để van xin hòa bình cho dù giặc vẫn tiếp tục lấn tới, cốt yếu giữ vững vị trí độc quyền để trường kỳ cai trị một dân tộc - QĐB
Nguyễn Khoa
Viet-studies
Có những ý kiến cho rằng, việc Ukraine nằng nặc xin vào khối Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO), là nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, vì Nga cảm thấy bất an trong cuộc đối đầu có tính quân sự với phương Tây, mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt.
Nếu ta bỏ qua những phân tích về sự tham vọng gầy dựng lại đế chế Nga (hay Liên Xô) của ông Putin, thể hiện rất rõ trong bài diễn văn rất dài, rất siêu thực (theo 1 nhà báo BBC) trước khi quân Nga tấn công, thì nguyên nhân NATO là có lý chứ không phải là không.
Nguyên nhân NATO này thấy rất rõ trong chiến tranh lạnh, với các quốc gia tuyên bố đứng ngoài, trung lập, xem như là vùng đệm giữa hai khối NATO (còn sống mạnh) và Warsaw (đã chết), như là Áo, Phần Lan, Thụy Điển.
Từ đó có một câu hỏi được nêu ra là, tại sao Ukraine không từ khước vào NATO như ba nước kể trên, trở thành một quốc gia trung lập, để tránh chiến tranh, phe nào mình cũng chơi cả?
Từ câu hỏi này với Ukraine, sẽ đi tới 1 câu hỏi tương tự với Việt Nam, hay đúng hơn là 1 lời nhận xét là Việt Nam đứng trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc là đúng rồi.
Nhưng có sự khác biệt rất lớn về thế nào là trung lập giữa các quốc gia châu Âu kể trên và Việt Nam.
Các nước Phần Lan, Thụy Điển, và Áo đều không cho quân đội nước ngoài, dù là Mỹ, Anh, Pháp, hay mồ ma Liên Xô đóng quân. Các nước này không tham gia khối quân sự nào. Họ đúng là những quốc gia trung lập về quân sự.
Về điểm này Việt Nam cũng y như họ, với chính sách bốn không nổi tiếng, không căn cứ quân sự nước ngoài, không liên minh quân sự, không theo nước này đánh nước kia, không đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam hiện nay, nước Việt Nam “cộng sản” hiện nay thực sự là một quốc gia trung lập về quân sự.
Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, thì điều quan trọng hơn cả quân sự, một loại sức mạnh cứng, là sức mạnh mềm của mô hình chính trị xã hội. Ba quốc gia Phần Lan, Thụy Điển, Áo hoàn toàn không trung lập chút nào cả về việc này, mô hình chính trị xã hội của họ là dân chủ tư bản chủ nghĩa của phương Tây. Tại các quốc gia này nền kinh tế tư bản tư nhân vẫn phát triển phồn thịnh, dân chúng có quyền bầu chọn người lãnh đạo giữa các đảng phái chính trị khác nhau, có sự phân biệt rất rõ giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Những người cộng sản đệ tam, Lenin-Stalin, thường rất coi trọng bạo lực, mà họ quên đi điều Karl Marx, thầy của họ, nói rằng “phương thức sản xuất nào làm ra được nhiều của cải sẽ thắng”. Phương thức sản xuất chính là mô hình chính trị xã hội. Thế cho nên khi được đề nghị trung lập hóa nước Áo, sau thế chiến thứ hai, hai phe phương Tây và Liên Xô cùng rút quân ra khỏi Áo, thì các nhà lãnh đạo Liên Xô đặt bút ký ngay thỏa thuận 1955, quên phắt rằng Áo trở thành một nước theo chủ nghĩa tư bản. 34 năm sau, 1989, Áo chính là nơi tham gia vào việc khơi mào cho Đông Âu cộng sản sụp đổ, khi những người Đông Đức, Hungary kéo ào sang tị nạn.
Trên cái nhìn theo mô hình xã hội chính trị, thì Việt Nam không trung lập, mà hoàn toàn theo phe Trung Quốc, với mô hình độc đảng toàn trị, cộng với một kiểu tư bản chủ nghĩa bồ bịch (crony capitalism). Mô hình này không xa là mấy so với mô hình Nga, với kiểu dân chủ đa đảng giả hiệu.
Căn cứ trên mô hình xã hội chính trị, thì khối cộng sản, hay đúng hơn là khối toàn trị, vẫn tồn tại, kéo dài từ biên giới Belarus cho đến mũi … Cà Mau.
Nhưng có phải là người Ukraine kém đến mức không hiểu được điều mà chính tôi cũng hiểu về ba nước trung lập Áo, Phần Lan, Thụy Điển? Tôi cho là họ rất hiểu điều đó, nhưng xuất phát điểm của họ khác ba nước kể trên.
Xuất phát của Ukraine là … cộng sản. Sau khi Liên Xô sụp đổ họ rơi vào tình trạng nhũng lạm tràn lan do các định chế dân chủ còn quá yếu ớt. Vì vậy họ đã nhìn sang cộng đồng châu Âu (EU) với ước ao rất cháy bỏng.
Hãy giở lại những đoạn phim thời sự về cuộc nổi dậy Maidan 2014, chúng ta thấy cờ EU khắp nơi, có khi còn nhiều hơn cả cờ Ukraine. Ước ao lớn đến mức họ lật đổ cả một vị tổng thống do chính họ bầu lên trước đó, ông Yanukovitch, vì ông này không chịu ký đơn xin gia nhập EU.
Đã có những lo ngại khi người ta quan sát thấy có rất nhiều lá cờ nửa đỏ nửa đen trong cuộc nổi dậy Maidan. Lá cờ này vốn là của nhóm những người Ukraine có khuynh hướng cực hữu, thậm chí là phát xít, có gốc gác từ trước cả thế chiến thứ hai. Tám năm sau, khi quân Nga tràn vào xâm lăng, qua những video, phim ảnh tràn ngập trên mạng xã hội, và cả truyền thông lớn của thế giới, người ta không thấy lá cờ nửa đỏ nửa đen đó nữa, và tổng thống đương nhiệm, ông Vlodimyr Zelenskyy được xem như là người có khuynh hướng chính trị trung dung và ôn hòa.
Nếu bây giờ Ukraine tuyên bố trung lập, không gia nhập NATO, thì một lần nữa, phe dân chủ tư bản vẫn thắng, như trường hợp nước Áo ngày trước, vì sự trung lập này chỉ là sự trung lập quân sự.
Ukraine được độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, 23 năm sau đó đủ tạo nên một thế hệ ước ao mô hình chính trị xã hội dân chủ tư bản, làm nên cuộc cách mạng Maidan.
Việt Nam cải cách kinh tế được 36 năm, nhưng không có cải cách chính trị và xã hội. Lớp dân chúng trẻ tuổi dù đông, dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi phương Tây, nhưng vẫn hãy còn là sự ảnh hưởng của những hời hợt tiêu dùng ở bề nổi, không có những ao ước sâu sắc như thế hệ dân chúng Ukraine lớn lên sau năm 1991. Tầng lớp cai trị chóp bu của Việt Nam vẫn là những người chịu ảnh hưởng từ thời kỳ mồ ma Liên Xô, nay thêm tinh ranh với tính cách tư bản bồ bịch kiểu Bắc Kinh.
Dù có là bốn không, hoặc cứ việc thêm bao nhiêu không tùy ý, dù lá phiếu ở Liên Hiệp quốc là lá phiếu trắng, Việt Nam không phải là quốc gia trung lập, mà nó là quốc gia đứng về phía Trung Quốc và Nga.