Hải Quân VNCH ra khơi, 1975

15 Tháng Tư 20198:45 CH(Xem: 7634)

HẢI QUÂN V.N.C.H. RA KHƠI, 1975

CUỘC ĐÀM THOẠI BẤT NGỜ

 


tqlc-thuanan-003


Điệp Mỹ Linh
 Biên khảo
Trích tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975

 



Vào cuối tháng 2 năm 1975, một phái đoàn lưỡng đảng, gồm nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa-Kỳ đến Saigon với mục đích tìm hiểu thực trạng và thành quả của vấn đề Việt-Nam Hóa chiến tranh, để duyệt xét thỉnh cầu của Tổng Thống Ford về việc xin chuẩn chi ngân khoảng 300 triệu Mỹ Kim viện trợ bổ túc cho Việt Nam Cộng-Hòa. (V.N.C.H.)

Trong phái đoàn lưỡng đảng Hoa Kỳ có nhiều nghị sĩ và dân biểu phản chiến. Nhưng đáng kể nhất là dân biểu phản chiến Bella Abzug, thuộc Dân-Chủ, New York.

Phái đoàn viếng thăm Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công Xưởng để tìm hiểu về những nỗ lực tự túc tự cường qua chương trình đóng tàu Ferro Ciment của Hải-Quân Việt-Nam.

Tư-Lệnh Hải-Quân chỉ định Hải-Quân Đại Tá Đỗ Kiểm – Tham-Mưu-Phó hành quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân - hướng dẫn phái đoàn.

Xuất thân khóa 3 Brest, Đại Tá Đỗ Kiểm là một trong những sĩ quan Hải-Quân rất uyển chuyển trên mọi vấn đề và có kiến thức sâu rộng về cả quân sự lẫn văn hóa và chính trị. Đại Tá Đỗ Kiểm được đặt vào một vị thế thiết yếu cho sự ngoại giao vốn đã khó khăn giữa phái đoàn Hoa-Kỳ và Hải Quân V.N.C.H.

Dù đã được chỉ thị của cấp trên là phải hết sức mềm mỏng, khéo léo khi tiếp xúc với phái đoàn Hoa-Kỳ, các sĩ quan cao cấp Hải-Quân V.N.C.H. được chỉ định tiếp đón phái đoàn vào bữa hôm đó cũng không thể không khỏi bất mãn khi thấy thái độ thờ ơ, thiếu lễ độ, kém thân thiện của phái đoàn. Nữ dân biểu Bella Abzug tỏ cử chỉ xem thường thuyết trình viên và cử tọa bằng cách hích mặt nhìn ngắm trần nhà trong khi miệng nhai kẹo cao-su chóp chép!

Trong khi phái đoàn lưỡng đảng đang lơ là nghe Đại Tá Đoàn Ngọc Bích – Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Quân Công Xưởng thuyết trình thì Dân Biểu Murtha kéo Đại Tá Đỗ Kiểm ra ngoài, hỏi nhỏ:

- Nếu phải chuyển binh sĩ từ Đà Nẵng về đây, Hạm-Đội Hải-Quân Việt-Nam có thể chở tối đa bao nhiêu Sư Đoàn?

Với phản ứng của một sĩ quan hành quân, Đại Tá Đỗ Kiểm nghĩ đến sự chuyển vận hành quân, cho nên Ông đáp:

- Một Sư Đoàn là tối đa, vì Hạm Đội chuyển vận của Hải Quân Việt Nam không được trang bị để chuyên chở cơ giới và vũ khí nặng.

Dân Biểu Murtha gạt ngang:

- Không! Tôi không muốn nói đến hành quân. Nếu phải rút binh khẩn cấp, bằng tất cả chiến hạm của Hạm Đội Hải Quân Việt-Nam, Đại Tá nghĩ có thể chở tối đa bao nhiêu binh sĩ – chỉ người thôi?

Vẫn chưa hiểu dụng ý của Dân Biểu Murtha, Đại Tá Đỗ Kiểm hỏi gằn:

- Kể cả những chiến hạm tuần dương?

- Vâng! Kể cả những chiến hạm tuần dương. Và, nếu cần, bỏ lại cơ giới.

Ít ai nghĩ rằng cuộc đàm thoại ngắn ngủi đó ngầm báo trước những tai biến sắp phủ chụp xuống Quân Khu I và miền Nam Việt-Nam!

     

 

VÙNG I DUYÊN-HẢI

 

Kể từ sau khi Ban Mê Thuột thất thủ – ngày 11 tháng 3 năm 1975 – sự tuần tiễu của Hải-Quân V.N.C.H. được thay đổi như sau: Các trục tuần dương được rút lại tối thiểu; các trục ngang từ bờ ra đến 150 hải lý được hủy bỏ; chỉ còn trục dọc theo duyên hải vẫn hoạt động bình thường.

Khi Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Pleiku – ngày 16 tháng 3 năm 1975 – Hải Quân được lệnh chuẩn bị tất cả chiến hạm. Hầu hết chiến hạm dồn về miền Trung, ưu tiên là Đà Nẵng, đặt dưới sự sử dụng của Tư Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải – Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.

Hải Quân cũng dồn nhiều nỗ lực để bảo vệ những đơn vị Hải Quân tại Thuận An.

Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân lập Bộ-Chỉ-Huy nhẹ ra miền Trung. Bộ Chỉ Huy Tiền-Phương Hải Quân gồm có:

  • Tư Lệnh Hạm-Đội – Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn.
  • Chỉ-Huy Trưởng Hải-Đội I Duyên-Phòng – Hải-Quân Trung Tá Võ Văn Huệ.
  • Chỉ-Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển-Vận – Hải Quân Trung Tá Lê Thuần Phong.
  • Chỉ-Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương – Hải-Quân Trung Tá Phạm Ứng Luật. Chức vụ này về sau được Hải-Quân Trung Tá Lê Thành Uyển thay thế.
  • Trưởng phòng hành quân Hạm-Đội Hải-Quân Thiếu Tá Ninh Đức Thuận.
  • Một số hạ sĩ quan phòng hành quân
  • Một số hạ sĩ quan kỹ thuật

Khi Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Hải Quân lên đường ra Trung thì Đại Tá Đỗ Kiểm cũng tháp tùng Tư Lệnh Hải-Quân bay ra Thuận An, đến Duyên-Đoàn 12, bàn định kế hoạch di tản Thủy Quân Lục Chiến từ cửa Thuận An, nếu tình thế bắt buộc.

Cho đến lúc đó cũng vẫn chưa có một Tướng lãnh nào đề nghị hoặc nghĩ tới một kế hoạch di tản bất cứ một binh chủng nào khác, trong trường hợp V.N.C.H. không giữ được miền Trung!

Lúc này vùng Trị Thiên từ đèo Hải Vân trở ra Bến Hải – được thành lập Bộ Tư Lệnh đặc biệt, gọi là  Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, do Trung Tướng Lâm Quang Thi làm Tư Lệnh; hậu cứ đặt tại Mang Cá, Huế. Bộ Tư Lệnh Tiền-Phương vẫn trực thuộc sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I, do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư-Lệnh.

Bộ Tư Lệnh Tiền Phương gồm có:

  • Sư-Đoàn I Bộ Binh
  • Sư-Đoàn I Nhảy Dù
  • Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
  • Liên Đoàn Biệt Động Quân
  • Thiết Giáp
  •  Pháo Binh
  • Tiểu Khu Quảng Trị
  • Tiểu Khu Thừa Thiên
  • Không Quân
  • Hải Quân

Hải Quân có Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm đóng tại Thuận An; do Hải Quân Trung Tá Võ Trạng Lưu chỉ huy. Về sau, Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy được chỉ định thay thế Trung Tá Lưu. Những đơn vị cơ hữu của Vùng I Duyên-Hải trực thuộc Bộ-Chỉ Huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm gồm có:

  • Giang-Đoàn 32 Xung-Phong, đóng tại Huế; do Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy chỉ huy.
  • Giang-Đoàn 92 Trục-Lôi, đóng tại Thuận An; do Hải Quân Thiếu Tá  Nguyễn Hữu Sử chỉ huy.
  • Giang-Đoàn 60 Tuần-Thám, đóng tại Thuận-An; do Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Căn chỉ huy.
  • Duyên-Đoàn 12, đóng tại Thuận-An; dưới sự chỉ huy của Đại Úy Sinh.
  • Duyên-Đoàn 13, đóng tại cửa Tư-Hiền; dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Trương Văn Phương.
  • Tiền-Doanh Yểm Trợ Thuận-An.
  • Căn-Cứ Hải Quân tại Thuận-An.
  • Đài kiểm báo 101, đóng tại La Chữ, cách Huế khoảng 30 cây số.
  • Toán đặc trách an ninh, tình báo.

 

 

 

NHỮNG BIẾN CHUYỂN QUÂN SỰ

CÁC CUỘC RÚT QUÂN BẰNG ĐƯỜNG THỦY

 

CUỘC RÚT QUÂN TẠI THUẬN-AN

 

 

 

Ngày 10 tháng 3, trở lại Đà Nẵng sau phiên họp với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tư-Lệnh Vùng I Chiến Thuật – Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng – điều động những đại đơn vị sau đây vào các vị trí chiến lược phòng thủ Đà-Nẵng:

  • Lữ Đoàn 369 Thủy Qưân Lục Chiến đóng dọc sông Bồ.
  • Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến thay thế đơn vị Nhảy Dù tại phía Bắc đèo Hải-Vân.
  • Lữ-Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến án ngữ mạn Bắc Đà Nẵng.

Đồng thời Tướng Ngô Quang Trưởng cũng ra lệnh di chuyển tất cả súng lớn 175 ly và xe tăng M48 từ Thuận An về Đà-Nẵng.

Thời gian này, một phái đoàn cao cấp Hải-Quân đến thăm các đơn vị Hải-Quân tại Thuận An. Phái đoàn gồm có:

  • Tư Lệnh Hải Quân – Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh.
  • Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải – Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
  • Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Yểm Trợ Đà Nẵng – Hải-Quân Đại Tá Vương Hữu Thiều.

Phái đoàn chỉ thị trực tiếp cho Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy: Di chuyển những quân dụng quý giá của Tiền Doanh Yểm-Trợ Thuận An về Đà Nẵng, hằng ngày rà mìn cửa Thuận An, yểm trợ các LCU quân vận di chuyển đại bác 175 ly từ Huế về Đà Nẵng. Đây là loại đại bác có tầm bắn xa nhất, từ 25 đến 27 km.

Công tác đang diễn tiến tốt đẹp, bỗng nhiên Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm được lệnh ngưng!

Ngày 15 tháng 3, Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến rời Quảng Trị.

Ngày 17 tháng 3, Lữ-Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến rút từ Quảng Trị về phía Bắc đèo Hải Vân.

Trong một thời gian ngắn, hai đại đơn vị của một binh chủng tinh nhuệ rời bỏ Quảng Trị khiến dân chúng hốt hoảng, đùm túm nhau đi theo. Vì vậy, thành phố Quảng Trị xem như bỏ ngõ.

Ngày 18 tháng 3, tin đồn Sư-Đoàn Nhảy Dù sẽ rút khỏi Vùng I càng khiến dân chúng hoang mang, lo lắng hơn.

Thời gian này có nhiều cuộc đụng độ tại Mỹ Chánh. Nhưng vì Thủy Quân Lục Chiến đã di chuyển về Nam thay thế các đơn vị Nhảy Dù cho nên lực lượng phòng thủ Mỹ Chánh không cầm cự được, đành bỏ Quảng Trị, chạy về Huế.

Ngày 19 tháng 3, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu buộc Trung Tướng Tư Lệnh Vùng I phải giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng, đến tối 19 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng lại nhận được công điện số 2238 từ Bộ Tổng Tham-Mưu, bắt phải bỏ Huế! Dường như giữ Huế hay bỏ Huế không quan trọng bằng sự an toàn cho Sư Đoàn I Bộ-Binh; vì Sư Đoàn I Bộ-Binh sẽ còn được sử dụng để chiến đấu, bảo vệ một nơi khác!

Theo tin tình báo, ba Sư-Đoàn Việt-Cộng đang sẵn sàng tấn công Huế và Đà Nẵng. Sư-Đoàn thứ tư đang vượt vĩ tuyến. Xe tăng Việt-Cộng đang vượt sông Thạch Hãn, tiến vào Quảng-Trị.

Đêm 19 tháng 3, khi Việt Cộng pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I thì tại Thuận An, những diễn tiến quân sự dồn dập xảy ra như sau:

Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy nhận chỉ thị từ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại để:

  • Di chuyển gia đình binh sĩ Hải-Quân về Đà-Nẵng.
  • Chuẩn bị một giang đỉnh có khả năng di chuyển cả trên sông lẫn trên biển và đặt hệ thống truyền tin, sẵn sàng để Tướng Tư Lệnh Tiền Phương Lâm Quang Thi xử dụng.
  • Duyên-Đoàn 12 phải nhường phòng hành quân lại cho Bộ-Tư Lệnh Tiền Phương thiết trí sơ đồ trận liệt để nếu cần, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương sẽ xuống Thuận An chỉ huy, trong trường hợp Huế bị pháo kích hoặc tấn công.

Ngày 20 tháng 3, để ngăn chận cuộc di tản chiến thuật của Sư Đoàn I Bộ-Binh và các lực lượng phòng thủ Huế có thể xảy ra và với ý đồ cô lập Huế, Sư-Đoàn 324 và 325 Việt Cộng chận đánh Sư Đoàn I Bộ Binh phía Nam Huế.

Cũng trong ngày 20 tháng 3, Tư-Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải chỉ thị Duyên Đoàn 13 đưa gia đình binh sĩ từ cửa Tư Hiền lên Thuận An để Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy xử dụng LCU  đưa họ về Đà Nẵng, càng sớm càng tốt.

Vào thời điểm này Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm.

Một giờ chiều cùng ngày, Trung-Tướng Lâm Quang Thi và toàn thể Bộ Tham Mưu của Ông dời về Thuận An bằng xe hơi.

Đến nơi, Trung Tướng Thi gọi Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy vào trình diện và hỏi:

- Giang đỉnh dành riêng cho tôi sẵn sàng chưa?

- Thưa Trung-Tướng, đã sẵn sàng. Đó là soái đỉnh Monitor Command của Giang-Đoàn 32 Xung-Phong.

- Chiến hạm từ Đà Nẵng đã đến Thuận An chưa?

- Trình Trung Tướng, khoảng chiều nay thì đến.

- Về việc di tản dân chúng thì sao?

- Trình Trung Tướng, gia đình binh sĩ Hải-Quân và một số người thân của họ đã được đưa về Đà Nẵng an toàn. Còn dân chúng, do đoàn LCU của Quân Vận từ Qui Nhơn biệt phái, đặt dưới sự điều động trực tiếp của Bộ Chỉ Huy Quân Vận, tôi chỉ yểm trợ an ninh thôi, cho nên tôi không biết.

Khoảng sau 3 giờ chiều, tại căn cứ Duyên Đoàn 12, Trung Tướng Lâm Quang Thi chủ tọa buổi họp quan trọng, gồm quý vị sau đây:

  • Đại Tá Hy – Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.
  • Đại Tá Trí – Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
  • Đại Tá Đoàn – Tỉnh Trưởng Thừa Thiên.
  • Đại Tá phụ tá hành quân của Quân Đoàn I do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đề cử.
  • Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy.
  • Một Trung-Tá Không Quân.
  • Một số trưởng phòng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.

Từ sau khi Phước Long thất thủ, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm – Tư-Lệnh Sư-Đoàn I Bộ-Binh – e ngại Huế sẽ bị cô lập, cho nên Ông cho dự trữ thực phẩm. Bây giờ Quảng Trị bỏ ngõ, Tướng Nguyễn Văn Điềm phải bay về Đà Nẵng, trình Tướng Ngô Quang Trưởng kế hoạch di chuyển Sư Đoàn I Bộ Binh về Đà Nẵng bằng cách vượt qua cửa Tư Hiền và núi Vinh Phong. Vì vậy Tướng Nguyễn Văn Điềm không thể có mặt trong cuộc họp này.

Buổi họp diễn ra rất ngắn. Không Quân xác định và chuẩn bị số trực thăng khiển dụng. Hải Quân trách nhiệm phối trí tàu bè để yểm trợ hoặc di chuyển Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên và theo dõi tình trạng những chiến hạm từ Đà Nẵng ra.

Trong buổi họp cuối cùng này cũng như những cuộc họp trước đó Bộ Tư Lệnh Tiền Phương chỉ đề cập đến kế hoạch di tản Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn I Bộ Binh về Đà Nẵng chứ chưa bao giờ đề cập đến phương cách di tản 25 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Thừa Thiên, Tiểu Khu Quảng-Trị, Liên Đoàn Biệt Động Quân, Thiết Giáp hay Pháo Binh!

Khoảng 6 giờ 30 chiều, Việt-Cộng bắn hai hỏa tiễn 130 ly vào bên kia sông, nơi cửa Thuận-An.

Mười lăm phút sau, Trung Tướng Lâm Quang Thi cùng vài sĩ quan tham mưu đi thẳng xuống cầu tàu, cho người tìm Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy và ra lệnh Thiếu Tá Hy đưa tất cả ra tàu!

Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy dùng LCM8 đưa Trung Tướng Lâm Quang Thi và đoàn tùy tùng ra Tuần-Dương-Hạm Trần Bình Trọng, HQ 5, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Hạm Đội Hải-Quân tại cửa Thuận An.

Tin Tướng Lâm Quang Thi rời căn cứ Hải-Quân Thuận-An “bay” ra rất nhanh khiến một số sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương bị bỏ lại hoảng hốt. Trong số sĩ quan bị bỏ lại có Trung Tá Thanh chánh văn phòng của Tướng Lâm Quang Thi!

Khoảng 9 giờ tối, Đại Tá Thục – Tư-Lệnh-Phó Sư-Đoàn I  Bộ-Binh – cùng Bộ-Tham-Mưu của Ông vào căn cứ Hải Quân xin gặp Tướng Lâm Quang Thi. Sau khi được biết Tướng Lâm Quang Thi đã ra chiến hạm, nhóm người này và Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp M48, người có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Hải Quân Thuận-An  cũng bỏ nhiệm sở, xin phương tiện ra tàu.

Đến 10 giờ tối, Trung Tướng Lâm Quang Thi chỉ thị Hạm Trưởng HQ 5 – Hải-Quân Trung-Tá Phạm Trọng Q. ra lệnh cho Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy di chuyển tất cả đơn vị khỏi căn cứ Hải Quân Thuận An. Trung Tá Q. trình bày: “Thưa Trung Tướng, quyền hạn của tôi chỉ vỏn vẹn trong phạm vi HQ 5 này. Tôi không có thẩm quyền để ra lệnh cho Thiếu-Tá Hy.”

Từ đài chỉ huy của HQ 5, Trung Tướng Lâm Quang Thi ra lệnh trực tiếp, bằng bạch văn, cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy: “Đây Quốc-Bảo (mật hiệu truyền tin của Trung Tướng Lâm Quang Thi), chỉ thị cho Thiếu Tá Hy điều động mọi đơn vị Hải Quân rời căn cứ Hải-Quân tức khắc và phá hủy tất cả quân dụng.”

Được lệnh, Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy liên lạc với Giang Đoàn 32 Xung Phong, bảo họ rời Huế; gọi Thiếu Tá Phương, Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 13, bảo trực chỉ Đà Nẵng, nhưng không gặp; gọi Thiếu Tá Căn, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 60 Tuần Thám, bảo đưa đơn vị rời căn cứ. Thiếu Tá Căn cho Thiếu Tá Hy hay rằng Thiếu Tá Phương nhận được chỉ thị đặc biệt cho nên không thể rời căn cứ được. Thiếu Tá Hy cũng gọi Đại Úy Sinh, Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 12; và gọi Tiền Doanh Yểm Trợ, v. v… bảo trực chỉ Đà Nẵng.

Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy ở trên một LCM của Giang-Đoàn 92 Trục-Lôi. Bộ-Chỉ-Huy chỉ có 2 Trung Sĩ truyền tin và 3 Thiếu Úy.

Lúc này 2 GMC đi tháo đài radar vừa về tới, Thiếu Tá Hy chỉ thị cả 2 GMC xuống  LCM8 của Tiền Doanh Yểm Trợ để về Đà Nẵng.

Tất cả đơn vị Hải Quân trực chỉ Đà Nẵng an toàn, chỉ bỏ lại căn cứ Thuận An một Monitor bị mắc cạn…

 

…Trong khi những sự kiện kể trên xảy ra dọc bờ biển Thuận An thì, ngoài khơi, Hạm Đội Hải Quân chỉ định PCE HQ 7 – hạm trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Trần Nam Hưng tuần tiễu từ cửa Tư Hiền đến ngang vĩ tuyến 17.

Là chiến hạm được phu nhân của Tướng Dương Văn Minh làm Mẹ đỡ đầu, HQ 7 được trang bị: 1 khẩu 76 ly, 2 giàn “bô-pho” 40 ly đôi, 6 giàn 20 ly đôi. Tất cả được bắn bằng điện.

Ngày cũng như đêm, HQ 7 bắn vào những địa điểm quanh quận Phong Điền, theo yêu cầu của Thủy-Quân Lục-Chiến đóng tại đó. Về sau, HQ 13 và HQ 8 được tăng phái để cùng HQ 7 lập thành đội hình “bán kim cương”, mục đích chống phi cơ của Việt-Cộng.

Để bảo vệ cửa Thuận An, Hạm Đội Hải Quân điều động 5 PCE trang bị súng 76 ly 2, giàn hình cánh cung phía Bắc cửa Thuận An. Mỗi chiến hạm cách nhau 50 cây số. Khoảng cách đó radar có thể kiểm soát tất cả để yểm trợ lẫn nhau trong trường hợp PT của Việt-Cộng xuất hiện, tấn công.

Phía sau 5 PCE là một số Destroyers và 2 WHEC HQ 16 và HQ 17.

WHEC có khả năng hoạt động suốt 3 tháng liền, không cần tiếp tế. Mỗi chiếc WHEC được trang bị đại bác 128 ly và đại liên 40 ly.

Một sáng mù sương, Hạm Đội Hải Quân đang theo dõi từng biến động chung quanh, bỗng một toán phản lực cơ F5 từ Đà Nẵng bay ra. Một trong mấy phi cơ đó bắn một hỏa tiễn trúng HQ 14 làm cho 14 nhân viên bị thương! Cả Hạm Đội náo loạn. Sau khi kiểm chứng, Hải-Quân mới biết Không-Quân bắn nhầm!

Sau cuộc rút quân đẫm máu từ Cao Nguyên, bây giờ tình hình chung quanh Đà Nẵng trở nên nguy ngập, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lo ngại một cuộc đảo chánh có thể xảy ra. Nhưng Tổng Thống Thiệu lại đưa lý do Việt Cộng sẽ thực hiện một cuộc tấn công quy mô vào Saigon, và Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút Sư Đoàn Nhảy Dù cùng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến từ Vùng I về phòng thủ Thủ Đô.

Ngày 23 tháng 3, để cô lập Huế, Việt Cộng đặt nhiều “chốt” trên những trục lộ dẫn vào Huế, rồi pháo kích Huế và pháo kích ngay vào làn sóng người đang “trườn” lên đèo Hải Vân để rời Huế.

Tình trạng của Sư Đoàn I Bộ Binh vô cùng bi đát; vì bị các “chốt” Việt Cộng chận đánh, nhưng vì kẹt thân nhân và đồng bào cho nên quân của Sư Đoàn I không thể chống trả được!

Ngày 24 tháng 3, vòng đai phòng thủ Huế bị pháo kích nặng nề. Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh Sư-Đoàn I Bộ Binh yểm trợ để Thủy Quân Lục Chiến và những lực lượng khác của Quân Lực V.N.C.H. tiến về Thuận An, chiến hạm Hải Quân sẽ vào đón. Ngay sau đó, Tướng Trưởng chỉ thị Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại điều động lực lượng Hải-Quân để di tản khoảng 50 ngàn quân và dân.

Chiều 24 tháng 3, những đại đơn vị của V.N.C.H. kể cả Thủy Quân Lục Chiến rút về xã Dương Đông, giữa đầm Cầu Hai và biển, kéo theo một số đông đồng bào. Việt Cộng rượt theo, bắn sập cầu khiến đoàn người không có đường tới mà cũng nghẽn đường lui! Liền đó, Việt Cộng pháo kích ngay vào làn sóng người, bất kể quân hay dân!

6 giờ chiều 25 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh bỏ Huế!

Ngày 26 tháng 3, để bao vây Đà Nẵng, Việt Cộng đưa Sư Đoàn 324 và 325 từ hướng Đông cùng Sư-Đoàn 711 và Sư Đoàn 304 từ phía Nam ra. Cả bốn đại đơn vị này đều có trọng pháo và xe tăng yểm trợ.

Chiều 26 tháng 3, trong khi Sư-Đoàn 312 Việt Cộng với nhiều xe chở nông dân cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tiến vào cố đô Huế thì Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và vài đơn vị Bộ Binh về đến Thuận An.

Hạm Đội Hải Quân bắt đầu thực hiện cuộc triệt thoái Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh. Lúc này các đơn vị Thiết Giáp của Lữ Đoàn I Thiết Kỵ và một số đơn vị Biệt Động Quân cũng về đến cửa Thuận An, từ Phá Tam Giang.

Đăc lệnh truyền tin bị Việt Cộng bắt được. Tất cả hệ thống truyền tin PC25 của Bộ-Binh đều bị Việt Cộng xâm nhập, khuấy phá; chỉ có Thủy Quân Lục Chiến liên lạc được với Hải Quân bằng tần số riêng.

Vì hệ thống truyền tin của Bộ Binh không liên lạc được cho nên cuộc đón quân của Sư Đoàn I Bộ-Binh rất gay go!

Để tránh lộ mục tiêu, ngại Việt Cộng pháo kích, hầu hết các cuộc đón quân được thực hiện ban đêm. Cũng với mục đích này, Hải Quân yêu cầu Thủy Quân Lục Chiến phối hợp với Hạm Đội, đưa Bộ Binh xuống phía Nam, cách cửa Thuận An khoảng 5 cây số để tàu vào đón.

Tuy đã nghi binh nhưng Việt Cộng vẫn biết. Việt Cộng dùng đại bác 105 ly và 81 ly của V.N.C.H. bắn xối xả ra bờ biển.

Tối 26 tháng 3, HQ 801 và HQ 502 được lệnh ủi bãi, đón Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng chiến hạm lớn quá, mực nước không đủ sâu, cả hai chiến hạm đều không vào được. Khoảng cách từ bờ ra tàu quá xa, Thủy Quân Lục Chiến không lội ra được. Trong khi lềnh bềnh, HQ 801 bị sóng đánh tạt ngang, gần bê lái tàu cho nên Hạm Trưởng – Hải-Quân Trung Tá Nguyễn Phú Bá – cố giữ thăng bằng rồi vội lui ra, lềnh bềnh ngoài xa.

Ba Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 3, 4 và 5 tách rời quân bạn, âm thầm di chuyển về phía Nam.

Khuya 26 tháng 3, Tiểu-Đoàn 7 Thủy Quân Lục-Chiến về đến Thuận-An. Cũng thời điểm này, Việt Cộng nã đại bác vào nơi tập trung Thủy Quân Lục Chiến, gây tử thương cho một vị Tiểu Đoàn-Phó.

Hải Quân Trung Tá Trần Đình Hòa và Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy được lệnh điều động toán LCU – 10 LCU trong toán này được biệt phái từ Saigon – và một số LCM của Giang-Đoàn 32 Xung-Phong, ủi vào bờ, đón Thủy Quân Lục Chiến, đưa ra chiến hạm.

Kế hoạch này thực hiện an toàn được đợt đầu. Phần lớn quân nhân trong đợt này là thương binh. Đặc biệt trong chuyến tản thương này có một vị Tiểu-Đoàn-Trưởng bị thương, nhưng, không những Ông nhất quyết không chịu lên tàu mà Ông còn điều động binh sĩ còn vũ khí chống trả, tiêu diệt các “chốt” của Việt-Cộng. Và cũng chính Ông liên lạc trực tiếp với Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần-Dương, yêu cầu Hải-Quân vớt hết lính của Ông thì Ông mới lên tàu!

Đến đợt đón quân thứ hai, Việt Cộng dùng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 bắn thẳng vào các LCU. Bốn LCU bị trúng đạn, một số nhân viên bị thương. Một LCU do Chuẩn Úy T. làm thuyền trưởng bị sóng đánh dạt vào bờ.

Chuẩn Úy T. là một đoàn viên thâm niên, giàu kinh nghiệm. Ông không phải là nhân viên cơ hữu của Bộ Tư Lệnh Hải-Quân vùng I. Ông được biệt phái từ Saigon khi tình hình Đà Nẵng trở nên nghiêm trọng. Chuẩn Úy T. là người rất nặng tinh thần kỹ luật, không bao giờ từ nan bất cứ công tác nào; đôi khi công tác vượt quá khả năng của Ông, nhưng Ông vẫn xoay sở và chu toàn một cách tốt đẹp.

Khi biết tàu bị mắc cạn, Chuẩn-Úy T. báo cáo lên thẩm quyền và xin tàu vào kéo. Nhưng hỏa tiễn tầm nhiệt của Việt Cộng bắn rát quá, chiến hạm không thể vào.

Trong bờ, không ai biết chiếc LCU của Chuẩn Úy T. đang lâm nguy. Mọi người ùa ra, tràn lên tàu, bao quanh tàu. Trong khi thủy thủy đoàn cố vận dụng tất cả khả năng và mọi phương cách để đem chiếc LCU ra thì chân vịt xoắn tít vào đám người lố nhố phía sau tàu và thân tàu rướn trên “biển người”, tạo nên một vùng nước đỏ tươi và ngổn ngang xác người! Vì thủy triều đang rút nhanh và cũng vì số người trên tàu vượt quá khả năng trọng tải, cho nên, sau nhiều lần xoay trở, chiếc LCU nằm im!

Trong khi những LCU khác sợ mắc cạn, không dám vào nữa, chỉ ủi vào những cồn cát phía ngoài, chờ quân bạn bơi ra thì Trung-Tá Trần Đình Hòa điều khiển một LCU, cố cập vào chiếc LCU mắc cạn để cứu thủy thủ đoàn. Nhưng cả 3 lần cố gắng, Trung Tá Hòa cũng vẫn không thể cập sát vào chiếc LCU của Chuẩn Úy T. được; vì bị sóng đẩy dạt ra và cũng vì AT3 của Việt Cộng từ bờ bắn ra liên tục!

Một LCU khác vào, với ý định dùng giây cáp để kéo chiếc LCU của Chuẩn Úy T.; nhưng LCU đó vào chưa đến nơi thì LCU của Chuẩn Úy T. bị Việt Cộng bắn ngay đài chỉ huy, cắt đứt niềm hy vọng của mọi người!

Sáng 27 tháng 3, khoảng 6 giờ, biển động dữ dội, không tàu nào có thể vào được nữa. Trên bờ còn M113 lội nước, rất nhiều Thủy Quân Lục Chiến, một số quân nhân thuộc những đơn vị khác và đồng bào.

Hải Quân tận dụng tất cả PCF, chạy dọc theo bãi biển từ đèo Hải Vân đến cửa Thuận An, thả rất nhiều phao nổi, với hy vọng quân bạn có thể dùng phao bơi ra tàu.

Khi đoàn LCU lui ra dần, Việt Cộng lại pháo kích ngay vào chỗ lính tập trung! Bắt được mấy tên Việt Cộng mặc quân phục Bộ Binh và Biệt Động Quân đang dùng máy truyền tin cho tọa độ để Việt Cộng pháo kích vào toán quân, Thủy Quân Lục Chiến bắn hết. Bộ Binh và các binh chủng khác hoảng sợ, ngại bị Thủy Quân Lục Chiến nhận diện nhầm, vội lấy ghe dân, ào ra biển hoặc là liều, chạy bộ về cửa Tư Hiền, chỉ còn Thủy Quân Lục Chiến ở lại trên bãi!

Số Thủy Quân Lục Chiến ở lại lập tuyến phòng thủ. Việt Cộng tấn công, Thủy Quân Lục Chiến chống trả cầm chừng, vì không còn đạn!

 

*       *

*

 

Vì tình hình đột biến quá nhanh, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ thị HQ 13 tách rời đội “bán kim cương”, tăng phái về Thuận An tuần tiễu, giữ an ninh cho HQ 5; vì Tướng Lâm Quang Thi đang xử dụng HQ 5 làm Bộ Chỉ Huy lưu động.

Chiều 23 tháng 3, khoảng 4 giờ, HQ 13 chạy ra khơi, cách bờ khoảng 25 cây số.

Gần 5 giờ, Hạm Trưởng HQ 13 Hải Quân Thiếu Tá Phạm Trọng Th.  hét lên trong máy liên lạc với Hạm Trưởng HQ 7:

- Trình thẩm quyền, máy bay ta dội bom tàu tôi.

Hạm Trưởng HQ 7 – sĩ quan thâm niên hiện diện ra lệnh:

- Nó dội bom bạn thì bạn bắn nó.

- Máy bay A37 của ta đó, thẩm quyền.

- Có thể địch cướp máy bay A37 của ta. Bạn bắn nó không thôi bạn chết.

Thấy súng từ chiến hạm bắn lên, A37 không dám xuống thấp thả bom mà ở trên cao dội rockets xuống. Một rocket lọt vào hầm tạm trú khiến 20 thủy thủ chết và bị thương. HQ 13 được lệnh tức tốc rời vùng hành quân.

Trong khi HQ 13 về Đà Nẵng sửa chữa tạm rồi về Saigon đại kỳ, HQ 7 vẫn tiếp tục tuần tiễu nhưng phải im lặng vô tuyến và không được nã trọng pháo vào những điểm nghi ngờ có Việt Cộng nữa.

Tối 27 tháng 3, Tư Lệnh Hạm Đội chỉ thị HQ 7 yểm trợ Trung Tá Trần Đình Hòa và Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy đưa đoàn LCU trở lại phía Nam Thuận An, tiếp tục đón Thủy Quân Lục Chiến; đồng thời Hải Quân Trung Tá Lê Thuần Phong – Chỉ-Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển Vận – cũng được lệnh xử dụng HQ 801, vài LCM8 và một số Người Nhái, trở lại Thuận An với mục đích cứu vớt thủy thủ đoàn trên chiếc LCU của Chuẩn Úy T.

Biển vẫn còn động mạnh. Quá nửa khuya, toán cứu vớt đến Thuận An, nhưng HQ 801 không thể vào được. Trung Tá Lê Thuần Phong xử dụng vài LCM8 và Người Nhái tiến vào.

Mờ sáng 28 tháng 3, lúc đến gần LCU mắc cạn, mọi người thấy phần mũi của LCU chìm xuống, phần lái nhô lên. Người Nhái lặn xuống lục soát: Không một bóng người! Trên mặt nước, ngoài sự cuồn nộ của biển cả, không ai thấy được dấu vết của sự sống!

Riêng toán LCU do Trung Tá Trần Đình Hòa gặp trở ngại, vì lúc ủi bãi một LCU trúng B40, bốc cháy. Một LCU khác vớt được Đại Tá Trí cùng Bộ Chỉ Huy nhẹ; số Thủy Quân Lục Chiến còn lại nhất định không đi, trừ phi Hải Quân vớt tất cả. Những sĩ quan trẻ nhất quyết không bỏ Tiểu Đoàn hay Đại Đội của họ. Binh lính cũng cương quyết không bỏ cấp chỉ huy. Tất cả Thủy Quân Lục Chiến đồng lòng ở lại, cố thủ, chờ và hy vọng tàu lớn sẽ ủi vào, vớt họ!

Gần sáng, Hải Quân Trung Tá Trần Đình Hòa và Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy được lệnh đưa đoàn LCU về lại Đà Nẵng.

*       *

*

Trong khi những kinh hoàng đang xảy ra tại bãi cát phía ngoài đầm Cầu Hai thì tại cửa Tư Hiền, Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 13 – Hải Quân Thiếu Tá Trương Văn Phương – nhận lệnh trực tiếp từ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: Phải ở lại căn cứ để đưa Sư-Đoàn I Bộ-Binh qua sông. Thiếu Tá Phương được chỉ thị cho nhân viên cột những chiếc ghe của Duyên-Đoàn 13 từ bên này sông qua bên kia sông; đồng thời kéo ponton, đánh chìm ngay tại cửa Tư Hiền để làm đầu cầu cho Sư-Đoàn I Bộ-Binh băng qua sông, lên đèo Hải Vân, về Đà-Nẵng bằng đường bộ.

Thì ra đây là kế hoạch rút Sư-Đoàn I Bộ Binh mà Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm đã vào Đà Nẵng trình lên Tướng Ngô Quang Trưởng trong vài ngày trước. Và đây cũng là lý do đơn vị trưởng Duyên Đoàn 13 không thể đưa đơn vị rời căn cứ lúc Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy gọi!

Cửa Tư Hiền tuy hẹp nhưng nước chảy xiết, không thể nối ghe làm cầu được. Hơn nữa, các giàn đại liên 50 của Việt Cộng từ mé núi bắn xuống xối xả. Không một đoàn quân nào không có khí giới tự vệ, không được yểm trợ, không được bảo vệ mà có thể vượt qua đoạn cầu tử thần này cả! Còn chiếc ponton được tàu kéo, kéo từ Đà-Nẵng ra, dự trù đánh chìm ngay cửa Tư-Hiền, thì lại không đưa vào được, vì lạch nước quá nhỏ và cạn!

Mặc dù địa thế quá khó khăn, Thiếu Tá Phương vẫn đôn đốc nhân viên thực hiện kế hoạch đã được giao phó. Nhưng, bất ngờ, một Thiếu Tá thuộc Trung-Đoàn 54 Bộ-Binh chụp cổ áo Thiếu Tá Phương (Thiếu-Tá Phương không mang cấp bậc) gằn giọng: “Đơn vị trưởng của mày đâu? Tìm tới đây, lẹ lên để đưa Trung Đoàn của tao qua sông”.Thiếu-Tá Phương “dạ, dạ” rồi xuống ghe, ra HQ 7!

Được báo cáo đầy đủ, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị Hải-Quân đón Sư-Đoàn I Bộ-Binh; nhưng Sư-Đoàn I Bộ Binh đang tự túc rút về Đà Nẵng bằng đường bộ. Dọc đường, binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình, vũ khí vất đầy hai bên quốc lộ. Sư Đoàn I Bộ Binh – một trong những đại đơn vị ưu tú của Quân Lực V.N.C.H. tan rã từ đây!

Thành phố Huế không còn quân trú đóng. Nhưng số binh sĩ và đồng bào không vào Đà Nẵng được, đành phải đi ngược ra Thuận An, chờ tại Phá Tam Giang.

Ngoài biển, chiến hạm Hải-Quân vẫn giàn từ cửa Thuận An đến Cấp Chân Mây, cố vớt Thủy Quân Lục Chiến. Nhiều Thủy Quân Lục Chiến liều lĩnh, nhào xuống biển, bơi ra tàu.

HQ 7 vẫn tuần tiễu từ cửa Tư Hiền đến cửa Thuận An. Trong khi tuần tiễu, HQ 7 thấy một ghe nhỏ nhấp nhô, sắp chìm. Hạm Trưởng HQ 7 đặt ống dòm và thấy rõ trên ghe là một toán Bộ-Binh. Thiếu Tá Hưng điều động chiến hạm đến vớt thì mới biết trong toán quân nhân trên ghe có Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm – Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ-Binh – cùng Đại Tá Lợi và một số sĩ quan khác.

Sau khi gọi một WHEC đến đưa Tướng Nguyễn Văn Điềm về Đà-Nẵng, HQ 7 tiếp tục tuần tiễu trong vùng đã được ấn định.

Chiều 25 tháng 3, lúc 5 giờ, trong khi bay điều động cuộc rút quân, trực thăng chở Tướng Nguyễn Văn Điềm và Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn – Tư Lệnh Hạm Đội – bị trục trặc kỹ thuật, phải đáp khẩn cấp phía Bắc đèo Hải-Vân.

Lúc đó, Đại Tá Lê Đình Quế – Tham Mưu Trưởng Thủy Quân Lục Chiến – đang bay thám sát cuộc triệt thoái Thủy Quân Lục Chiến tại bãi cát bên kia đầm Cầu Hai. Đang thả cơm sấy và thịt hộp tiếp tế quân nhân Thủy Quân Lục Chiến dưới đất, Đại-Tá Lê Đình Quế nghe tiếng kêu cứu trên máy truyền tin, vội rời vùng Cầu Hai, đến cứu Tướng Nguyễn Văn Điềm, Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn và những nhân sự tháp tùng.

Thời gian này HQ 17 đang tuần tiễu và yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bạn tại Vùng II Duyên-Hải thì được lệnh ra Vùng I Duyên-Hải.

Ngày 26 tháng 3, HQ 17 đến Vùng I Duyên-Hải, nhận lệnh trực chỉ ra phía Nam vĩ tuyến 17. Sau khi vớt rất nhiều đồng bào và quân bạn, HQ 17 lềnh bềnh từ cửa Thuận An đến Cấp Cân Mây, cố vớt hết Thủy Quân Lục Chiến, đưa về Đà Nẵng.

Ngày 27 tháng 3, HQ 7 vớt được 10 Thủy Quân Lục Chiến trên một ghe chài. Nhóm quân nhân này cho Hạm Trưởng HQ 7 biết rằng: Số Thủy Quân Lục Chiến kẹt lại trên bờ, đa số đã tự tử tập thể vì không còn đạn để chống trả với Việt Cộng; phần còn lại bị Việt Cộng bắt khi họ chạy theo đoàn người di tản về phía cửa Tư Hiền! Sở dĩ 10 quân nhân này không tự tử là vì họ được lệnh phải sống để đem tin tức về cho gia đình và vợ con của những người đã chết!

Sau khi được ủy thác sứ mệnh đó, những quân nhân này vào nhà dân, lấy một ghe máy, uy hiếp chủ ghe, buộc chủ ghe đưa họ về Đà Nẵng. Vì suốt thời gian qua, những quân nhân này chiến đấu trong tuyệt vọng và đói khát, cho nên, sau khi lên ghe, tất cả đều lã đi vì kiệt sức. Người chủ ghe tàn nhẫn đã lợi dụng cơ hội này, đưa toán quân nhân này ra hướng Bắc – thay vì hướng Nam, về Đà Nẵng – rồi phá hư máy ghe. Khi tỉnh lại, biết mình bị lừa, nhóm Thủy Quân Lục Chiến này lấy một ghe khác và chèo về hướng Nam, gặp HQ 7.

Tối 28 tháng 3, HQ 17 đến Đà-Nẵng, nhận thêm Thủy Quân Lục Chiến và đồng bào. Sau đó HQ 17 được chỉ thị yểm trợ HQ 405 đưa Tiểu-Đoàn Nhảy Dù về Vùng II Duyên-Hải.

Tối 30 tháng 3, HQ 17 rời Tiên-Sa trong khi Đà-Nẵng bị pháo kích nặng nề. Đoàn thương thuyền của Mỹ cũng rời Đà-Nẵng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Năm 20248:58 CH(Xem: 151)
“Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong Chỉ số, với 19 nhà văn bị cầm tù, khi Chính phủ ngày càng siết chặt quyền tự do ngôn luận vào năm 2023. Việt Nam đã sử dụng nhiều luật bao gồm Bộ luật hình sự năm 2015, Luật An ninh mạng và các nghị định khác để bỏ tù các nhà văn và nhà bất đồng chính kiến cũng như trấn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng,” báo cáo viết. Báo cáo cũng chỉ trích việc Chính phủ Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự như Điều 117- tuyên truyền chống nhà nước, Điều 109- hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, hay Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ, để bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
01 Tháng Năm 20247:29 CH(Xem: 536)
USCIRF nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm 2022 trong khi chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng Tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được Chính phủ thừa nhận. Báo cáo có đoạn viết: “Các giới chức tiếp tục đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo như những người Thượng theo Tin Lành, những người Khmer Krom theo Phật giáo, những người Hmong theo đạo Dương Văn Mình. Giới chức chính quyền hạn chế các hoạt động tự do của người Thượng theo Tin Lành, bắt họ phải từ bỏ đạo, bắt giam và kết án họ với cáo buộc phá hoại đoàn kết dân tộc và lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
29 Tháng Tư 20249:05 CH(Xem: 730)
Nhiệm vụ thứ hai là giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà thì CS làm hỏng sự việc do vượt quá chỉ tiêu dự tính. Ngày 30/4/1975 miền Nam bị chiếm cứ, thôn tính, sáp nhập thay vì giải phóng và cán bộ miền Bắc đông đảo kéo tràn vào quản lý (cai trị) thuộc địa mới (??) thay vì thống nhất. CS miền Bắc dù muốn dù không cũng gánh chịu, không rửa sạch tai tiếng cướp nước, cướp nhà, hôi của. Hoài bão “giải phóng miền Nam” còn là để miền Nam “tâm phục khẩu phục”, nhớ ơn, phục tòng. Cơ hội lại đến, mùa thu năm 2021 virus SARS-CoV-2 tác nhân đại dịch Covid-19 tràn ngập tàn phá miền Nam chưa được vắc-xin bảo vệ, đặc biệt TP HCM có số nhiễm và tử vong cao ngất. Nắm thời cơ Đảng điều động quân đội khí giới tối tân, tức tốc vào đánh đuổi con virus Covid ác ôn, giải phóng được miền Nam, tương tự Đảng đuổi sạch Mỹ, Ngụy ngày 30/4/1975 năm xưa.
26 Tháng Tư 20248:05 CH(Xem: 664)
Ngày 30/4 năm nay, má đang nằm ép bụng vào tấm vạt giường cho đỡ đói, thì đứa con gái, lúc này mắt nó gần mù rồi, lần mò lại giường má kiếm chuyện: -Bữa nay mừng ngày giải phóng nè, sao bà không dậy sửa soạn đi coi bắn pháo bông cho no bụng rồi về kể tui nghe. -Giải phóng cái thằng cha mày. Hồi trào ông Thiệu, tao nghèo chứ chưa đói bữa nào. Còn dư cơm gạo nuôi mấy thằng chó đẻ ăn, ai dè gặp toàn thứ vắt chanh bỏ vỏ. -Thì bà cũng vậy thôi. Tui thấy bà mỗi lần làm nước mắm, vắt chanh xong bà cũng liệng vô thùng rác, chớ có giữ lại đâu…
25 Tháng Tư 20249:33 CH(Xem: 615)
Ngày 30-4-1975, QĐND làm chủ Sài Gòn. Hai ngày sau, các cán binh QĐND xua đuổi tất cả thương binh VNCH ra khỏi Tổng y viện Cộng Hòa để giành chổ cho thương binh QĐND. Các quân y viện do quân đội VNCH xây dựng thuộc về chủ mới, từ giải phóng biến thành cướp đoạt. Khi ta thấy một người bị thương, ta đem người ấy vào bệnh viện cứu chữa. Ở đây, người bị thương đang nằm trên giường bệnh lại bị đuổi ra khỏi bệnh viện, đó là một hành động tàn ác. Đảng cộng sản kêu gọi người Việt ở nước ngoài khép lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng đảng cộng sản có khép lại quá khứ hướng tới tương lai với thương binh VNCH đang...
25 Tháng Tư 20249:30 CH(Xem: 534)
Bại trận oan khiên khổ nhục nấm mộ hoang Chí cả bốn phương vẫy vùng cơn sóng lớn Trùng dương chìm đắm trôi lạc triệu linh hồn Đất nước hòa bình sao còn nhiều nghiệt ngã Con người sống rệu rã bất mãn vô hồn Bốn mươi sáu năm chiến công khoe hổ lốn Gây nợ công đùn dân cõng khổ tơi bời Tiền trao nơi xứ "giãy hoài sao không chết" Bán nước đợ dân đem Cả Nước Xuống Hang Tư bản xe ôm xây lâu đài khôn hết biết Xếp Hàng Chó Ngựa chật kín cổng thiên đàng
25 Tháng Tư 20249:29 CH(Xem: 929)
Ân xá Quốc tế cho biết một nghiên cứu của tổ chức này phát hiện: từ tháng hai đến tháng sáu năm 2023, một chiến dịch có liên quan đến cơ sở hạ tầng của phần mềm gián điệp tấn công có tên Predator do nhà cung cấp Intellexa phát triển đưa ít nhất 50 tài khoản mạng xã hội vào tầm ngắm. Những tài khoản mạng xã hội này thuộc 27 cá nhân và 23 tổ chức; một vài trong số đó là người Việt Nam. Bên cạnh đó, các công cụ của Intellexa còn được bán cho những công ty Việt Nam có liên quan đến Bộ Công an.
24 Tháng Tư 20248:36 CH(Xem: 962)
Bà Thu được chồng cho biết thức ăn mà trại giam cung cấp không hợp vệ sinh khiến ông Phương vài lần ăn vào bị đau bụng và tiêu chảy, do vậy, ông chỉ ăn cơm trắng của trại cung cấp. Nước sinh hoạt dường như được bơm trực tiếp từ sông lên và không qua lọc nên rất đục và nhiều khi có cả cá con và nòng nọc chết, khiến đa số người tù ở đây bị viêm da triền miên, ông Phương kể lại với vợ. “Hiện nay thì phía Trại giam An Điềm đang đối xử một cách vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm, rất mong cộng đồng và quốc tế có thể lên tiếng để phía Trại giam An Điềm ngừng ngược đãi các tù nhân lương tâm,” bà Thu chia sẻ.
23 Tháng Tư 20247:57 CH(Xem: 669)
Việt Nam được báo cáo đáng tin cậy như tình trạng chính phủ cho giết hại người dân một cách phi pháp, tùy tiện; tình trạng giới chức chính phủ tra tấn, đối xử vô nhân đạo, độc ác; hoạt động cưỡng bức điều trị tâm lý, y tế; bắt giữ, giam cầm tùy tiện; hệ thống tư pháp không độc lập; đàn áp xuyên biên giới đối với những cá nhân tại nước khác; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tự do Internet; quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo - tín ngưỡng, quyền tự do đi lại; người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do tham gia các đảng phái chính trị...
23 Tháng Tư 20247:56 CH(Xem: 792)
Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 23/4 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 người bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là những người theo tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời do ông Đào Minh Quân đứng đầu tại Mỹ và đã bị Chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố. Mười bị cáo có độ tuổi từ 37 đến 67 tuổi và phải chịu mức án tù tổng cộng là 88 năm. Người có án thấp nhất là tám năm tù, người có án cao nhất là 13 năm tù.
30 Tháng Tư 2024
Với sự ra đi “bất ngờ” của ông Vương Đình Huệ, đảng CSVN đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ trước tới nay. Những người thay thế ông Huệ và ông Thưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm Bà Trương Thị Mai, 66 tuổi, quê Qủang Bình, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Thủ tướng Phạm Minh Chính, 66 tuổi, quê Thanh Hóa và Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, 67 tuổi, quê Hưng Yên. Tuy nhiên ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư để lãnh đạo Đảng khóa XIV càng mù mịt hơn, vì những người có điều kiện nhất đã bị loại.
29 Tháng Tư 2024
Trong trại, dù Kẻ Nằm Vùng có lời khuyên trước là không nên – nhưng tướng Trọng, thay vì mặc quần áo dân sự như mọi người tị nạn khác – tiếp tục diện bộ quân phục đại lễ với đầy đủ phụ tùng, dây biểu chương, huy chương, nón kết…đi vào nhà ăn tập thể. Tướng Trọng được 4 người đàn ông đang ngồi ăn, đứng dậy đón chào nghiêm chỉnh đúng tác phong thuộc cấp. Tuy nhiên ngay sau đó bị một số người, có khá nhiều phụ nữ chửi bới, ném thức ăn vào người, khiến ông tối tăm mặt mũi, được Kẻ Nằm Vùng kéo chạy ra ngoài nhưng rồi phải trốn vào một nhà cầu công cộng.
24 Tháng Tư 2024
Bộ phim Kẻ Nằm Vùng hay Cảm tình Viên (The Sympathizer) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nguyễn Thanh Việt, được sản xuất bởi A24 và Rhombus Media, đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, với sự hiện diện của 2 tài tử nổi danh trong cộng đồng người Việt hải ngoại là bà Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đã bắt đầu công chiếu tập 1 trên HBO từ ngày 14 tháng 4 năm 2024. Phim chiếu gần 10 ngày rồi nhưng không thấy giới phê bình văn học, nghệ thuật hải ngoại có bài nào nhận xét, đánh giá tập 1 và 2. Những cây đa, cây đề nổi tiếng trong làng báo, truyền thông hải ngoại thường viết bài bình luận tác phẩm văn chương, phim ảnh… hoàn toàn im lặng.
24 Tháng Tư 2024
Vốn là đảng cướp nên tìm một người có khả năng, vừa khôn ngoan vừa hiểm độc để có thể nắm đầu trùm công an là người ngăn chặn mọi chống đối từ bên trong cũng như bên ngoài thì không dễ kiếm. Đại diện trong Quốc Hội chỉ là bù nhìn. Đại hội đảng là chiến trường thanh lọc, sắp xếp hàng ngũ trung ương, địa phương và chính trị bộ là giai đoạn cuối cùng để chọn lãnh đạo tương lai. Đừng coi thường tiến trình "dân chủ" của CSVN đi từ trên xuống dưới. Vì mục tiêu của đảng là cầm quyền. Mọi đe dọa quyền lực đảng có nghĩa đảng sẽ bị tiêu diệt. Để tìm lãnh đạo có khả năng đó đòi hỏi Khôn và Ác. Từ trên...
23 Tháng Tư 2024
Tuy nhiên lịch sử của Việt Nam đã phủ nhận sự mạo nhận này. Chưa hề có cuộc trưng cầu ý kiến nào chứng minh “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân”. Vì vậy, khi bị chống đối, ban Tuyên giáo Trung ương đã quay cuồng với giọng điệu thù nghịch: “Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến...
22 Tháng Tư 2024
Điều đáng chú ý là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cả hai lần gặp hai vị lãnh đạo công nghệ này đều mời họ xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, khác với Samsung, cả hai công ty này đều không sở hữu nhà máy sản xuất sản phẩm cho chính họ. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi là lãnh đạo Hà Nội có thực sự hiểu đối tác mình đang nói chuyện? Ai cũng thấy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để nhận được đầu tư lớn hơn về công nghệ nói riêng và kinh tế nói chung
21 Tháng Tư 2024
Cũng đáng chú ý là chuyến thăm Trung Hoa của ông Huệ đã xẩy ra chưa đầy một tháng, sau khi Đảng CSVN cách chức Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 20/03/2024. Ông Thưởng, 54 tuổi từng được coi là ngôi sao sáng trong 4 Lãnh đạo hàng đầu, và là người có nhiều triển vọng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Ông bị cách chức vì “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”. Tham nhũng cũng có vai trò trong vụ mất chức của ông Thưởng. Vì vậy, chuyến đi Bắc Kinh của ông Vương Đình Huệ càng được củng cố cho vị trí chính trị của ông trong tương lai, vì chính ông đã bảo đảm với Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo...
17 Tháng Tư 2024
Ở tấm thứ nhất, hình một viên cảnh sát mặc bộ quần áo màu kem, nón kết cũng màu kem là điều hoàn toàn sai. Đồng phục của cảnh sát VNCH là áo trắng, quần xám, áo 2 túi, nút áo trên gần sát cổ, không hở cổ hoặc phanh ngực, bên trên túi phải có bảng tên, tay áo trái có huy hiệu cảnh sát. Nón kết cũng trên trắng, viền xám ở dưới. Huy hiệu có dòng chữ Tổ Quốc, Công Minh, Liêm Chính khác với huy hiệu của quân đội là Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Cái chào tay của người trong hình cũng sai không đúng quân phong, quân kỷ. Khi chào, lòng bàn tay phải úp xuống, ngón cái hơi quặp lại, 4 ngón còn lại duỗi thẳng khép vào nhau, cánh tay...
17 Tháng Tư 2024
ngoại giao của nước VNcs tùy theo từng thời điểm, có thể khi công bố Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 thì TQ chưa có những hành vi manh động hung hăng như hôm nay, thế nhưng khi công bố lần thứ hai năm 2019 khi TQ gia tăng cường độ lấn chiếm thì chủ trương của Việt Nam vẫn không thay đổi, điều đó đặt ra một câu hỏi là liệu nhà cầm quyền csVN vẫn chấp nhận không thay đổi đường lối quốc phòng trong khi chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa nhằm đổi lấy một nền hòa bình nhu nhược, yếu ớt, và sự độc lập đang bị chỉ trích khi dân chúng nhìn thấy giới lãnh đạo TQ xem đảng csVN như thủ hạ của mình...
12 Tháng Tư 2024
Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo để kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng và cho rằng việc cấp quy chế này cho quốc gia Đông Nam Á sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng.” Kể từ năm 2002, khi Mỹ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam, Washington coi quốc gia Đông Nam Á là một “nền kinh tế phi thị trường.” Trong 21 năm qua, Mỹ đã áp thuế chống phá phá giá đối với nhiều mặt hàng...