VẠN TUẾ
Thiệt ra thì từ xưa lắc, chữ “vạn tuế” (diễn nôm là “muôn năm”) vốn vẫn được dùng chung cho mọi kẻ trong loài người. Để chúc nhau sống dai thành quỷ, người ta thường “vạn tuế” tuốt từ hoàng đế tới vương hầu, và cả thứ dân. Như Hán Chương đế Lưu Đát thời Đông Hán (tại vị năm 57-88 sau Công nguyên), còn đặt tên cho đứa con èo uột nhứt của mình là Lưu Vạn Tuế.
Qua tới thời Bắc Tống thì tụi hoàng đế bắt đầu giành tiếng tung hô vạn tuế riêng về phần mình. Thậm chí tên thái giám Ngụy Trung Hiền (1568-1627) một tay che trời, quyền khuynh thiên hạ lấn lướt cả vua, cũng chỉ dám xưng “Cửu thiên tuế”.
“Vạn tuế” thôi chưa đủ, hồi đời Đường, Võ Tắc Thiên (624-705) còn muốn người ta phải tung hô mình là “Vạn vạn tuế” mới đã cái nư!
Dẫu biết rõ mình chưa chắc sống được tròn tám mươi niên, nhưng vẫn khoái nghe tiếng nịnh bợ “muôn năm”, thiệt là bi kịch của tụi đế vương mà!
Thôi thì ăn theo thuở ở theo thời, có chiều lòng người ta chút đỉnh cũng vui mà! Nên nay Điền mỗ có bài thơ mừng thọ một ông chúa nọ, tuy trúng gió may vẫn sống nhăn. Thơ vầy:
Tôi nghe ông khỏe, thiệt mừng rơn,
Mới biết ông trời cũng bất nhơn!
Mặt dẫu trơ ra da vẫn mỏng,
Miệng tuy méo lại mỏ còn trơn.
Sống dai càng rợn tuồng vương bá,
Ch ết tốt mà nguôi cuộc oán hờn.
Thôi cũng chúc ông bền tuổi hạc,
Ngai vàng lê lết với giang sơn.
Lê Vĩnh Huy
Gửi ý kiến của bạn