NGƯỜI VIỆT “MỚI”
Điệp Mỹ Linh
Truyện ngắn
Vừa đóng cửa Tín vừa quay sang phòng ăn, nói tiếng Anh với nhóm người ngoại quốc cùng xóm:
- Kính thưa quý vị, đây là bà Hân. Có lẽ quý vị biết bà.
Vài người nhìn bà Hân, cười; vài người nói “Hi, Han”. Bà Hân vừa trao gói quà “tân gia” cho Tín vừa chào các bạn cùng xóm:
- Chào mọi người.
Nhìn quanh phòng ăn, thấy không còn ghế trống, Tín mời bà Hân sang phòng khách:
- Mời cô ngồi đây. Cháu sẽ tiếp cô. Còn vài người nữa sẽ đến, cô không bị lẻ loi đâu.
- Cảm ơn. Tín lo tiếp khách đi, đừng bận tâm về tôi.
Ông Fred Coper bưng hai dĩa trái cây và bánh ngọt đến, ân cần hỏi thăm:
- Khỏe không, Hân?
- Cảm ơn Fred, tôi khỏe. Còn ông?
- Cảm ơn. Tôi bình an.
Ông Coperđưa dĩa thức ăn, mời:
- Qua cửa số, thấy bà đi vào, tôi lấy sẵn thức ăn để mời bà.
- Cảm ơn Fred.
Vừa ngồi vào xa-lông ông Coper vừa than:
- Dạo này nóng quá, tôi ít ngồi trên ghế xích-đu trước hiên nhà cho nên không thấy bà đi bộ ngang qua nhà.
- Vì trời nóng quá, con tôi ghi danh cho tôi tập thể dục ở “gym”.
- Thế thì tốt cho bà nhưng buồn cho tôi; vì không được thấy bà thường xuyên.
Trong những buổi chiều thường xuyên chào hỏi nhau, ông Coper biết bà Hân là một góa phụ; bà Hân biết ông Coper ly dị vợ từ lâu và ông có vẻ rất cô đơn. Đôi khi bà Hân cảm nhận dường như ông Coperthích nói chuyện nhiều với bà; nhưng lúc nào bà cũng cố tình không kéo dài câu chuyện.
Hôm nay thấy bà Hân phục sức lịch sự, trên khuôn mặt phúc hậu của bà còn thoáng tý kem thoa mặt, môi son và viền mắt, ông Coper cảm thấy vui vui, chưa kịp khen thì chuông cửa reng. Tín mở cửa. Ông Steve Perez xuất hiện. Ông Coper đứng lên, bắt tay ông Perez rồi giới thiệu với bà Hân:
- Đây là Hân Nguyễn và đây là Steve Perez – người láng giềng mới của tôi.
Sau khi bà Hân và ông Perez bắt tay, nói lời xã giao, Tín đến, trao cho ông Perez một dĩa trái cây và bánh ngọt rồi mời ông ngồi vào xa-lông. Vừa ăn ông Coper vừa hỏi:
- Steve! Daisy đâu?
- Bà ấy đang ngâm mình trong hồ bơi.
Đáp lời ông Coper xong, ông Perez xoay sang bà Hân:
- Tôi mới dời vào cạnh nhà Fred cách nay vài tuần, chưa quen ai trong khu vực này cả. Bà cũng ở trong khu vực này, phải không, thưa bà?
- Nhà tôi đối diện với nhà của Tín.
- Thế thì tốt quá. Khu vực này yên tĩnh, xe an ninh chạy thường xuyên.
Ngưng một chốc, ông Perez tiếp:
- Làm ơn cho tôi hỏi một câu, được không, thưa bà?
- Làm ơn gọi tôi là Hân. Chúng ta là xóm giềng,nói chuyện thân mật đi.
- Vâng. Cảm ơn bà đã cho phép.
- Ông muốn hỏi tôi điều gì?
- Bà là người Trung Hoa hay là người Nhật, Đại Hàn?
- Xin lỗi Steve, ông có thể nhầm tôi với bất cứ dân tộc nào; nhưng xin đừng nhầm tôi với người Tàu!
- Xin lỗi. Tôi không cố tình xúc phạm bà.
Ông Coperchen vào:
- Hân là người Việt Nam; sang Mỹ năm 1975, sau khi cộng sản Việt Nam (csVN) cưỡng chiếm miền Nam.
Ông Perez vội để dĩa trái cây xuống bàn, quay sang bà Hân với thái độ niềm nở như vừa nhận ra người bạn thân:
- Bà là người Việt, sang Mỹ năm 1975 thì chắc chắn bà không thể đến từ Bắc Việt. Thế bà có biết các địa danh như Quảng Trị, Đông Hà, Nha Trang hay không?
Bà Hân tròn mắt nhìn ông Perez:
- Làm thế nào ông biết được những địa danh đó?
- Tôi là Thủy Quân Lục Chiến, từng tham chiến tại Việt Nam.
Vội để dĩa thức ăn xuống bàn, bà Hân đứng lên, dang tay:
-Steve! Ông là một trong những người hùng của tôi. Cho tôi “hug” ông để tạ ơn.
Ông Perez “hugs” bà Hân. Lúc này ông Perez mới nhận ra vài người láng giềng bên phòng ăn. Ông Perez cảm ơn bà Hân rồi bước sang phòng ăn để chào hỏi. Ông Copernói với bà Hân:
- Xin lỗi. Để tôi giới thiệu Steve với vài người mà Steve chưa biết; chúng tôi sẽ trở lại ngay.
Bà Hân đùa:
- Vâng! Tôi không chạy trốn đâu.
- Bà không thể trốn khỏi tôi; vì tôi biết nhà của bà chỗ nào.
Từ nhà bếp đem thêm trái cây cho khách, thấy bà Hân ngồi một mình, Tín đến, ngồi xuống, hỏi thăm:
- Cô và ông Perez quen nhau từ trước à, cô?
- Không. Ông Perez là cưu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam.Tôi muốn tạ ơn ông ấy.
- Chiến tranh “chiến triết” gì nữa, cô! Đất nước đang trên đà phát triển toàn diện để hòa nhập vào sự tiến hóa của các cường quốc mà cô nhắc lại chuyện chiến tranh làm gì?
- Nếu Việt Nam đang trên đà phát triển toàn diện thì tại sao Tín và vợ con của Tín không ở lại Việt Nam để sống trong sự tiến hóa đó mà Tín lại đưa vợ con sang đây?
- Vợ chồng cháu sang đây chỉ vì tương lai của con chúng cháu chứ không phải chúng cháu sang đây để tìm sự sống.
- Tại sao Tín không đưa vợ con sang Trung cộng hoặc Nga để tìm tương lai cho con của Tín mà Tín lại đem vợ con của Tín sang “đế quốc” Mỹ – xứ tư bản giãy chết này?
Tín không tìm được câu trả lời.
Tín và gia đình dời vào ngôi nhà này chỉ khoảng hơn một tháng. Thấy bà Hân làm vườn, Tín sang làm quen. Nhờ vậy, bà Hân biết Tín cùng gia đình từ Việt Nam sang, ở tạm nhà người bà con được vài tháng Tín mới tìm được khu vực an ninh để mua nhà gần trường học tốt cho con đi học. Bà Hân không tò mò tìm hiểu xem Tín và gia đình sang Mỹ theo “diện” nào; nhưng khi thấy Tín và vợ thay phiên nhau lái chiếc Cadillac và chiếc Mercedes thì bà hiểu. Bà Hân tiếp:
- Tôi nghĩ, Tín và gia đình sang đây theo diện đầu tư EB-5; mà diện đầu tư EB-5 thì chỉ có những “đại gia” bên Việt Nam mới có thể đủ điều kiện “bôi trơn” hồ sơ để được csVN cho xuất cảnh và “đại gia” đó phải đem vào Mỹ số tiền lớn thì mới hội đủ điều kiện nhập cư của Mỹ. Đúng không?
- Nếu đúng thì sao và nếu không thì sao?
- Không sao cả. Tôi cũng chỉ là người “ăn nhờ ở đậu” trên mảnh đất này – giống như Tín – chứ tôi chẳng có quyền hạn gì.
- Giả thử như cô có quyền hạn thì cô sẽ hành xử như thế nào?
- Nếu có quyền hạn, tôi sẽ không cho phép dân của các nước cộng sản – ngoại trừ những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền mà bị cộng sản đàn áp, bắt nhốt tù – được định cư tại Hoa Kỳ.
- Di dân đến đây họ cũng đem theo văn hóa tốt đẹp của đất nước họ nữa, cô quên rồi sao?
- Tôi không quên; vì tôi là một di dân. Nhưng khi Tín bảo rằng di dân cũng đem theo văn hóa tốt đẹp thì… sorry, văn hóa tốt đẹp của người Tàu như thế nào, Tín biết rồi: Xả rác, lớn tiếng nơi công cộng; ăn cắp tài liệu quân sự, tài liệu khoa học, tài liệu y tế, v.v…Còn văn hóa tốt đẹp của Việt Nam sau 1975 là gì? Tôi rất thẳng tính, Tín muốn tôi nói ra hay không?
- Cô cứ nói.
-Văn hóa của người Việt Nam sau 1975 – mà tôi gọi là người Việt “mới” – dễ nhận biết lắm.
- Tỷ dụ?
- Người Việt “mới” mua nhà đắt tiền và đi xe sang hơn chúng tôi. Điều này không có nghĩa là chúng tôi nghèo hay là chúng tôi tỵ hiềm về bản tính thích khoe khoang của người Việt “mới”– mà chúng tôi chỉ cảm thấy bất bình vì thái độ của người Việt “mới” thôi. Còn vấn đề giàu nghèo, sống ở đây lâu Tín sẽ nhận ra: Người càng giàu bao nhiêu thì cuộc sống của họ càng đơn giản bấy nhiêu.
- Người Việt “mới” làm gì mà người cô bất bình?
- Vì lái xe sang, khi đến bãi đậu, người Việt “mới” đậu ngay giữa lằn ranh của hai chỗ đậu xe để xe khác không thể đậu cạnh, khỏi bị “quẹt”. Người Việt “mới” không sắp hàng mà chỉ chen vào giữa hàng; đôi khi chen “cái rẹt”, đôi khi chen từ từ từng bước – như Trung cộng lấn chiếm biển Đông – trong khi người ta bận xem iPhone, không để ý; đi ăn “buffet”, thấy rau, giá hoặc đậu thì đưa tay bốc.
Tín thoáng giật mình; vì chính vợ chồng Tín cũng thường hành động theo kiểu như bà Hân diễn tả. Tín hỏi:
- Làm thế nào cô biết được những thành phần như cô kể là người Việt “mới”?
- Từ năm 75 cho đến cuối thế kỷ XX, nhiều đợt di dân từ Việt Nam sang Mỹ theo “diện”đoàn tụ, thuyền nhân, hoặc tù nhân chính trị; nhưng những sự việc như tôi kể không hề xảy ra. Đầu thế kỷ XXI, nhiều du học sinh sang; người Việt di tản trước 75 về Việt Nam kiếm vợ cho con, kiếm vợ, kiếm chồng cho chính họ; gia đình “đại gia”, cán bộ cao cấp sang, thì sinh hoạt thường ngày trong cộng đồng không còn như trước nữa.
- Căn cứ vào đâu cô có thể phân biệt người nào sang Mỹ thời gian nào?
- Dễ lắm! Khi thấy bất cứ người Á đông nào có hành động như tôi vừa kể thì cứ cười thân thiện, giả vờ làm quen, hỏi bằng tiếng Việt: “Mới qua, phải không?” hoặc nói tiếng Anh, khuyên họ đừng nên làm như vậy. Nếu họ im lặng, quay đi hoặc sừng sộ muốn gây sự thì đúng họ là người Việt “mới”; còn nếu họ đáp bằng tiếng Anh: “Sorry, tôi không hiểu anh nói gì?” hoặc “I’m sorry!” thì họ là người Châu Á, khác chủng tộc.
- Những thành phần cô kể có thể chỉ là một số người Việt thiếu văn hóa.
- Có thể là như vậy. Vả lại, tôi chỉ đề cập đến một số người Việt “mới” thiếu lịch sự chứ tôi không hề nói tất cả người Việt “mới” đều thiếu lịch sự.
- Nhưng cô phải công nhận là người Việt “mới”cũng góp được nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng chứ?
- Điều gì tốt đẹp?
- Chẳng hạn như “văn hóa ẩm thực”.
- Tôi chưa thấy được điều tốt đẹp hoặc thức ăn ngon mà tôi chỉ thấy nhiều điều rất khôi hài.
- Tại sao?
Nhận thấy cách đặt câu của Tín không những không được lễ độ mà còn ra vẻ xấc xược, bà Hân, đáp:
- Có lẽ tôi nên đi về.
- Tại sao? Cô bận việc à?
- Không. Tôi chỉ ngại sự ngay thẳng và tính thành thật của tôi sẽ làm phiền lòng Tín.
- Không sao. Cháu sẵn sàng nghe.
- Tín có nhận thấy chủ hoặc quản lý nhà hàng người Việt “mới” không những không thân thiện với khách mà họ còn nghếch mặt tỏ vẻ “ta đây” là chủ, là “sếp” hay không?
- Bà chủ, ông quản lý “chảnh” thì mặc họ.
- Tín nghĩ như thế nào khi một người giúp việc cho nhà hàng mời Tín ngồi, lấy tập giấy, cây bút ra rồi hỏi: “ ‘Mình’ muốn gọi món gì ạ?”
- Người bồi bàn dùng “từ” “mình” là chỉ tỏ vẻ thân thiện thôi.
- Dù không phải là một nhà ngôn ngữ học tôi cũng hiểu được rằng tiếng Việt sau 1975 biến thái và bị lạm dụng quá nhiều. Sự thân thiện giữa con người với con người rất cần thiết; nhưng khi sự thân thiện đó đặt không đúng chỗ thì sự thân thiện đó trở nên khôi hài, lố bịch và thiếu lễ độ. Tiếng “mình” chỉ dùng giữa những người thân thiết mà người ta có thể tin tưởng, như vợ chồng; còn một người nhỏ tuổi – tôi không đề cập đến địa vị xã hội – gọi một người cỡ tuổi bà Nội, ông Ngoại của cô, cậu ấy là “mình” thì không thể chấp nhận được!
Im lặng. Bà Hân nhìn Tín rất nhanh để “đo lường” phản ứng của Tín, rồi tiếp:
- Người miền Nam Việt Nam gọi thức ăn là đồ ăn; người Việt trong nước gọi là “văn hóa ẩm thực”. Nếu đã gọi là “văn hóa” thì tại sao họ đặt cho nhà hàng của họ những bảng hiệu rất phản văn hóa và nhân viên phục vụ cũng thiếu lễ độ mà thực khách vẫn đến ăn, trả tiền để chấp nhận hành động thiếu văn hóa của chủ và nhân viên của tiệm đó? Thử vào một tiệm “Hamburger”, “order” một “hamburger” bốn năm đô la thôi, sẽ nhận được mấy nụ cười “toe toét” và bao nhiêu tiếng “cảm ơn”.
- Hành động mà cô cho là thiếu văn hóa chỉ là một cách lập dị để “câu” khách thôi.
- Ông Bà mình thường nói “cách cho hơn của cho”. Khi “cho” mà Ông Bà của mình cũng khéo léo, lịch sự để người nhận khỏi tủi thân; đằng này họ “bán”, thu tiền vào cho họ bằng thái độ, ngôn ngữ trịch thượng đối với những người trả tiền cho họ– mà vẫn có người trả tiền để ăn, nghe và thấy những điều khó chấp nhận – thì tôi không hiểu!
- Nếu cô không thích thì đó là quyền của cô.
- Dĩ nhiên. Nhưng đừng đem hai chữ “văn hóa” gắn vào những hành động và ngôn từ thiếu văn hóa.
- Cháu nghĩ, đó không phải là lỗi của những người thiếu văn hóa mà đó là lỗi của khách hàng – những người chịu bỏ tiền ra để chấp nhận những thái độ, lời nói thiếu văn hóa.
- Tôi đồng ý với Tín.
Vừa khi đó, vợ của Tín – từ phòng ăn – ra dấu cho Tín. Tín nói với bà Hân:
- Tý nữa cháu trở lại.
Bà Hân cười, “okay”. Thấy Tín rời phòng khách, ông Coper và ông Perez trở lại, ngồi vào vị trí cũ. Ông Coper hỏi:
- Hân! Có người Việt sống trong khu vực này, bà vui lắm, phải không?
- Dĩ nhiên.
Ông Perez ngạc nhiên:
- Hân là người Việt duy nhất ngụ trong “xóm” của chúng ta à?
Bà Hân nhìn ông Perez, cười thay cho câu trả lời. Ông Perez tiếp:
- Thế thì tôi sẽ kể cho bà nghe chuyện tôi bị thương một cách rất … ly kỳ!
- Bị thương mà ly kỳ?
Ông Perez nghiêm giọng:
- Chuyện tôi bị thương như thế này: Theo tin tình báo cho biết,Việt Cộng (V.C.) đang khuấy phá vùng đó. Nhưng khi chúng tôi đến mục tiêu,lục soát và càn quét thì không thấy V.C..Chiều, đoàn quân của chúng tôi đang đi đến điểm hẹn để được trực thăng “bốc”, đưa về hậu cứ, bất ngờ một tiếng nổ vang lên, tôi quỵ xuống. Nhìn những mái tranh hiền hòa cạnh khóm cây chuối hoặc mấy hàng dừa, chúng tôi chỉ thấy người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi không thể biết, không thể suy luận là viên đạn đến từ đâu.
- Ông bị thương nặng không?
- Nặng chứ! Nhưng điều ray rứt tôi là viên đạn đó từ đâu đến?
- Có thể từ dưới hầm của những mái tranh hay là từ một trong mấy đứa trẻ quanh đó.
- Bà nói sao, V.C. đưa trẻ em vào chiến trận?
- V.C. – sau 1975 hiện nguyên hình là csVN – luôn luôn chiêu dụ và ca ngợi các cô cậu bé chăn trâu, chăn bò như là người hùng, rồi tập cho các cô cậu bé này cách bắn súng và thảy lựu đạn chứ V.C. không bao giờ huấn luyện các cô cậu bé này như các quân trường trên thế giới huấn luyện quân nhân.
- Thật không? Ai cho phép csVN đưa trẻ em vào chiến trận?
- Đảng và người csVN là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Lúc nào họ cũng “ì mặt” ra chịu nhục chứ không bao giờ tuân thủ luật lệ– ngay cả luật lệ do họ ban hành hay ký kết trước sự giám sát của quốc tế.
- Tôi đã nghe điều đó; nhưng việc csVN đưa trẻ em ra chiến trận tôi chưa hề biết.
Bà Hân lấy iPhone, tìm vài bài mà bà đã đọc, rồi chỉ cho ông Perez đọc những con số – số tuổi của các “dân quân gái” – và nói:
- Đây, theo tác giả Hà Bắc của báo Cảnh Sát Toàn Cầu online: “Bà Phạm thị Cái – sau khi theo V.C. được đổi tên thành Nguyễn Thị Ngọc Loan – 13 tuổi được đưa về Đồng Tháp Mười, gia nhập đoàn giao liên. Năm 15 tuổi bé Loan được nhận vào lực lượng Thanh Niên Xung Phong. Năm 16 tuổi bé Loan ‘nhận chức’ Tiểu Đội Trưởng”. Và đây là tác giả Cẩm Hoàng của báo Thanh Hóa: “Trung đội ‘dân quân gái’ Hoa Lộc được thành lập với tổng số 14 thiếu nữ đang độ tuổi 15/16. Trong trận Đông Ngàn, các thiếu nữ này bắn hạ 02 máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.”
Ông Perez đưa hai tay lên:
- Chúa ơi! Chuyện thần thoại! Tại sao csVN lại tàn ác và vô nhân đạo đến như vậy?
- Nếu hai ông không tin tôi, tôi sẽ nhờ Tín dịch giùm.
Ông Perez khoát tay:
- Tôi hoàn toàn tin bà. Chính trong cuộc hành quân đó, chúng tôi lục soát kỹ lắm mà cũng vẫn không thấy người đàn ông, thanh niên nào cả.
- Cái hèn của csVN là xúi trẻ em “chọc giận” đối phương; còn đàn ông, thanh niên thì trốn chui, trốn nhủi dưới hầm, trên nắp hầm được ngụy trang bằng rơm, rạ, phân trâu, phân bò chứ không dám ra mặt để bảo vệ Cha Mẹ, vợ con. Nếu xảy ra điều đáng tiếc, csVN sẽ được dịp tuyên truyền bịp – như đã tuyên truyền một cách phiến diện về sự việc xảy ra tại Mỹ Lai.
- Dù gì thì tôi cũng vui là chiến tranh Việt Nam không còn nữa.
- Vâng. Chiến tranh không còn. Mỹ rút quân để Trung cộng vào “tung hoành” trên đất nước tôi.
- Người Tàu vào Việt Nam nhiều lắm à? Nếu đúng thì đó là âm mưu thâm độc của Trung cộng từ cuộc chiến vừa qua. Trung cộng viện trợ cho scVN tối đa và huấn luyện bộ đội csVN thực hiện chiến thuật biển người để người Việt Bắc, Nam giết nhau càng nhiều càng tốt!
- Từ nhỏ, tôi cứ nghĩ rằng chỉ người miền Nam mới thù hận Trung cộng; nhưng, sau vụ csVN muốn cho Trung cộng thuê ba đặc khu, tôi mới biết người Việt trong nước cũng đã nhận ra mưu đồ của Trung cộng và sự bán nước một cách đê hèn của csVN. Để tôi tìm bản tin tôi đọc cách nay vài hôm, dịch cho ông nghe thì ông sẽ hiểu.
Mở iPhone, thấy Việt Nam Thời Báo ngày 02 tháng 08, bà Hân tìm bài của Minh Châu. Tìm ra rồi, bà Hân dịch thoáng những lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Oanh – Hội Tư Vấn thuế – “Tôi nghĩ Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề trong vụ áp thuế này, vì ở Hải Phòng, các doanh nghiệp Trung quốc ‘đông như quân Nguyên’ vậy!...và nhà cầm quyền Bắc Kinh đã yêu cầu những nhà đầu tư Trung quốc tại Hải Phòng phải biến khu công nghiệp này thành nơi trưng bày sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung quốc đến Việt Nam. Như vậy, dù là ‘quân Nguyên’ sao đi nữa thì thiệt hại lớn nhất, tôi nghĩ, vẫn thuộc về Việt Nam…”
Ông Perez lắc đầu, chán nản:
- Thôi, thế là hết!
Ông Coper tò mò:
- Hân! Hải Phòng cách Nha Trang xa không?
- Xa lắm.
Ông Perez nói:
- Hồi đó tôi nghe ai cũng khen bãi biển Nha Trang đẹp, nhưng tôi chưa bao giờ đến.
Ông Coper cười:
- Hân! Hãy diễn tả vẻ đẹp quê Nội của bà cho Steve nghe đi.
Bà Hân vừa đáp vừa mở iPhone:
- Cảm ơn Fred. Nhưng tôi diễn tả không thể nào bằng những tấm hình của Google đâu. Để tôi mở ra, khoe với Steve.
Bà Hân vào Zing.vn. Bãi biển Nha Trang chờn vờn trên màn hình iPhonecũng là lúc bà Hân tưởng như dòng nhạc thiết tha, dịu dàng cùng lời ca ướt lệ đang ngân lên trong hồn bà: “Nha Trang là miền Quê hương cát trắng, ai qua không quên để lại một vài luyến tiếc xa xôi. Nha Trang, người về cho ta nhắn với Nha Trang Quê Hương dịu hiền ngàn đời lòng tôi mến yêu…”(1)Tiếng hát đến đây, tấm hình bãi biển biến mất; thay vào đó là ảnh một ngọn đồi xơ xác như vừa qua cơn địa chấn tàn ác, kinh hoàng! Không thể nào bà Hân nhận ra được nơi mà bà cùng các bạn thường đạp xe đạp đến, chỉ để đứng bên gốc cây, nhìn bao quát vùng không gian tươi đẹp, hiền hòa của Quê Nội thân yêu. Khi thấy hàng chữ nhỏ dưới tấm ảnh: “Di tích lầu Bảo Đại bị phá tan hoang trước khi được bảo tồn” bà Hân há hóc mồm như vừa thấy điều gì kinh tỡm lắm, rồi môi bà run và trệ xuống! Vừa quẹt nước mắt bà Hân vừa thì thầm: “Đã ‘phá tan hoang’ thì còn gì nữa mà ‘bảo tồn’, Trời!”
Thấy bà Hân khóc, cả ông Coper và ông Perez cùng chồm về phía bà:
- Hân! Cái gì xảy ra?
- Hân! Bình tĩnh! Hãy nói cho chúng tôi nghe xem chúng tôi có giúp được gì hay không?
Bà Hân vừa đưa iPhone cho ông Perez và ông Coper vừa giải thích:
- Cách nay vài hôm, trên báo Người Việt, tác giả Tr.N. đã đăng bản tin như thế này: “Ngày 01-08-2019, ông Võ Bình Tân – phó giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh, Xã Hội tỉnh Khánh Hòa – xác nhận với báo Người Lao Động rằng: Trường Trung Cấp Nghề Nha Trang, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, đã trở thành địa điểm phục vụ khách Trung quốc”. Bây giờ tôi thấy trên Zing.vn câu này: “Cạo trọc di tích lầu Bảo Đại để xây biệt thự, nhà hàng”!
Ông Perez than:
- Trung cộng chiếm Việt Nam thật rồi!
Ông Coper đáp:
- Steve! Trung cộng đã vào Việt Nam từ lâu rồi. Gần đây tôi đọc được một tweet của Ryan Martinson – phụ tá giáo sư tại U.S. Naval War College – viết rằng: Ngày 03-07-2019 Trung cộng đã đưa tàu Marine Geology vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam để thực hiện khảo sát địa chấn.
Bà Hân chỉ vào iPhone, tiếp lời ông Coper:
- Đây, báo Người Việt online ngày 05-08-2019 thông báo: “Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc cho hay Trung Quốc đưa tới 80 chiếc tàu để cản trở hoạt động khoan tìm dầu khí của phía Việt Nam tại bãi Tư Chính”.
Ông Perez chửi thề nho nhỏ, nhưng vội che miệng “xin lỗi”. Ba người lúng túng nhìn nhau. Ông Perez hỏi:
- Việt Nam phản ứng như thế nào?
Ông Coper nhún vai. Ông Perez nhìn bà Hân. Bà Hân đáp:
- Bên Việt Nam im lặng; mãi đến gần cuối tháng Bảy, Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới dám lên tiếng, gửi công hàm phản đối Trung cộng.
Giọng của ông Perez buồn buồn:
- Thời gian phục vụ tại Việt Nam, tôi thấy thanh niên, thiếu nữ Việt Nam biểu tình hoài mà tại sao bây giờ người trẻ Việt Nam trong nước lại im lặng?
Bà Hân nghẹn ngào:
- Đó là nỗi đau quá lớn cho thế hệ của chúng tôi!...
Nói ngang đây, bà Hân chợt nhớ, vội tiếp:
- Ô, tôi quên cho hai ông hay rằng: Trước những hành động đầy thách thức, đầy đe dọa của Trung cộng, người trẻ Việt Nam trong nước im lặng. Nhưng – theo sự loan tải của Việt Báo và báo Người Việt – người già tỵ nạn thuộc “Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California đã tổ chức cuộc biểu tình vào lúc 11 giờ trưa thứ Sáu ngày 2 tháng 8 năm 2019, trước Tòa Lãnh Sự Trung cộng tại số 443 Shatto Place, Los Angeles, để phản đối Trung cộng xâm chiếm Đảo Tư Chính, vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam”.
Ông Perez reo lên:
- Tốt! Phải như thế mới được!
Bất ngờ, điện thoại của ông Perez “rung”.Chỉ vài giây lắng nghe, ôngPerez nói “okay” rồi tắt điện thoại, cáo từ mọi người. Ông Coper và mấy người bên phòng ăn cũng ra về. Bà Hân nán lại sau cùng, với dụng ý tìm vợ của Tín để tạ từ. Bất ngờ bà Hân nghe giọng giận dữ của phụ nữ từ phòng ăn:
- Ôi, Giời! Mời “tân gia” mà chúng nó chỉ cho bánh kẹo thì “nàm” cái “.éo” gì! Biết thế “.éo” mời!
Tín thoáng giật mình. Bà Hân vờ như không nghe, cố bước nhanh cho kịp ông Coper. Ông Coper quay lại, khen:
- Hôm nay vui quá, được nghe mấy câu chuyện khá thú vị!
- Cảm ơn Fred.
Nhìn sang nhà bà Hân, thấy hoa bông bụp nở rộ, ông Coper nói:
- Hôm nào tôi đến nhà bà, bà vui lòng chỉ cho tôi cách trồng hoa bông bụp, nha!
- Tôi không biết lúc nào tôi ở nhà; vì đôi khi tôi phải đón cháu của tôi đi học về.
Biết bà Hân từ chối khéo, ông Coper nói “bye, Hân” rồi đi đến xe.
Vừa cho xe chạy từ từ ông Coper vừa mở radio. Tiếng hát của Paul Anka vang lên: “…I'm just a lonely boy, lonely and blue. I'm all alone with nothin' to do.
I've got everything you could think of. But all I want is someone to love…”(2) Ông Coper thở dài, cảm nhận được niềm cô đơn vô tận đang gậm nhấm tâm hồn ông đến rã rời!
1.- Nha Trang của Minh Kỳ.
2.- Lonely Boy của Paul Anka.