Nhà máy điện xả thải gây hại cho dân
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nhìn từ bên này sông.-RFA
Phóng viên RFA
Vụ việc Bộ Tài nguyên Môi trường đồng ý cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ‘dìm’ gần 1 triệu mét khối vật chất nạo vét luồng vào cảng xuống biển tiếp tục gây xôn xao công luận.
Thực tế lâu nay sau khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm đã tác động mạnh đến cuộc sống người dân địa phương. Phóng viên RFA ghi nhận từ Việt Nam.
Cảnh đập vào mắt chúng tôi là tình trạng đìu hiu của làng chài sát bên cạnh nhà máy nhiệt điện.
Dân chúng địa phương than phiền thu nhập của họ ngày càng đi xuống bởi đánh bắt cá không còn thuận lợi, nuôi hải sản như tôm giống cũng lâm cảnh khó khăn.
Dân biển thì chỉ biết bám biển như là cái nghiệp. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào biển, những người đàn ông ra khơi đánh bắt, phụ nữ đa số ở nhà đan lưới, cũng tiện đường chăm sóc con cái.
Tuy nhiên biển bị ô nhiễm khiến cho kế mưu sinh của họ bị tác động nặng nề. Người dân nơi đây cho biết:
Bây giờ phải xuống tuốt dưới đảo Phú Quốc quýnh từ nửa tháng đổ lên mới về tới nhà. Gặp sóng to gió lớn kẹt ở dưới là vợ con trên này chết đói.
- Một người dân
"Mấy người đi biển họ thấy đổ ngoài đó, biết bao nhiêu người họ thấy. Lưới vô đen thui, nó làm kiểu yêu vậy thôi chớ lấy gì mà mình làm. Đổ mà bây giờ làm gì nó đâu. Nghe dưới kia kiện nó mà được gì đâu."
"Người chịu không nổi lấy chi cá?"
"Có khi cá nó chết luôn kìa, gần cái bờ kè kia cá nó chết luôn đó. Nó nhiễm chất độc ra đó. Mấy khi biển ở đây làm có tiền nghen, bây giờ ít lắm. Bây giờ giống như nó tiêu diệt chết lần chết lần hết rồi.
"Hồi kia đi 5-7 trăm, triệu thì dễ, đợt này đi vài ba trăm thôi. Nay còn cá đâu nữa mà quýnh, mà cũng phải đi. Cũng phải ráng đi chớ ở nhà làm lấy gì ăn?"
"Mấy năm nay từ hồi nhà máy lên tới giờ là mình làm ăn gay à, hồi nhà máy lên tới giờ mấy người đi không bằng hồi kia. Đi càng ngày càng đói à".
"Cá tôm bị dịch chết, biển giờ đánh khơi chứ đánh gần là không có. Kinh tế là hơi thất thu."
"Hồi kia ở đây quýnh một ngày sáng vô. Còn bây giờ là xuống dưới ở 10 ngày nửa tháng mới lên, mới có dư được. Hồi kia chiều đi sáng vô, giờ không có đi như vậy nữa. Đi như vậy nữa là lỗ dầu, về không có chia cho bạn mà chủ ghe cũng đói theo. Bây giờ phải xuống tuốt dưới đảo Phú Quốc quýnh từ nửa tháng đổ lên mới về tới nhà. Gặp sóng to gió lớn kẹt ở dưới là vợ con trên này chết đói. Tiền đâu mà ăn.
Người phụ nữ này làm nghề buôn bán hải sản, tranh thủ đan lưới làm thêm. Dạo mấy năm gần đây, việc buôn bán của bà cũng bị ảnh hưởng.
Dân chúng địa phương cho biết họ từ nơi khác đến lập nghiệp lâu nay và gắn bó với mảnh đất này; mọi thay đổi bất lợi sau khi nhà máy nhiệt điện ra đời được họ chứng kiến rất rõ ràng. Trước tình trạng như hiện nay đôi khi thấy không thể nào chịu đựng nổi phải ‘bỏ xứ’ ra đi lần nữa nhưng họ không biết phải đi đâu, về đâu!
"Tài sản mình có nhiêu đó để nuôi vợ nuôi con. Bỏ xuống cái là trắng tay, sau này mình lên núi mình ở sống với mấy con vượn. Thấy không? Nước mà nó ô nhiễm thì dàn bè chiu gì nổi? Giống bỏ xuống biết bao nhiêu tiền mà kể, thức ăn nữa."
Kinh tế của ngư dân đi xuống, chủ bè tôm cũng không ngoại lê, thậm chí còn nặng nề hơn vì tôm là giống rất nhạy với vấn đề ô nhiễm, rất dễ nhiễm bệnh.
"Rỉ ra như nước sét, không lấy được nước ngoài biển vô để mà họ nuôi. Họ nuôi không được, nuôi đâu lỗ đó. Tôm nuôi đâu chết đó, có người bán nhà trả nợ luôn."
Người dân địa phương thừa nhận có một số người được thu nhận vào làm cho các dự án xây dựng cụm nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân; tuy nhiên công việc chỉ mang tính thời vụ, sau khi công trình hoàn tất thì chủ dự án cho công nhân nghỉ việc.
Dự án xây dựng cụm nhiệt điện tại Vĩnh Tân vừa hoàn thành một nhà máy số 2 và ba nhà máy còn lại đang được triển khai; tuy nhiên những đổi thay bất lợi mà người dân tại vùng này phải đối mặt đang ngày càng nhiều. Nguyện vọng được cơ quan chức năng địa phương cũng như chính phủ trung ương giải quyết vẫn chưa được quan tâm và số những người dân tay ‘làm hàm nhai’ cứ phải cố sống cho qua ngày.