BỊ BÓC LỘT SỨC LAO ĐỘNG, HƠN 1.000 CÔNG NHÂN ĐÌNH CÔNG

Lao Động Việt
Nhiều công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn May Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phản ánh, họ bị ép tăng ca vượt mức quy định theo luật Lao động. Cụ thể, các tổ nhóm đều phải tăng ca từ 50 tiếng/tháng trở lên, có tổ tăng ca đến gần 80 tiếng/tháng. Không chỉ vậy, Công ty đã không thực hiện đúng quyền lợi cho người lao động như lương quá thấp, tiền tăng ca không được thanh toán đủ, công việc vất vả, quyền lợi bảo hiểm không được đảm bảo…
“Chúng tôi một tháng không được nghỉ trọn vẹn 4 ngày Chủ nhật mà phải đi làm mất 3 ngày Chủ nhật. Từ ngày thứ 2 đến thứ 6 trong tuần phải tăng ca thêm 4 tiếng, từ 16h30 đến 20h30. Ai không làm tăng ca, sẽ không được tính lương chuyên cần, và có nguy cơ bị đuổi việc”, công nhân Lê Như Cương cho biết.
Rất nhiều những trường hợp công nhân khác tại đây đều bị vi phạm Luật Lao động, các quy định BHXH, chế độ đãi ngộ, quyền lợi người lao động. Công ty May Vạn Hà có 25 tổ may, với 1.340 công nhân.
Trước tình trạng trên, ngày 15/4/2017, công nhân của công ty đã tổ chức đình công để đòi quyền lợi nhưng không thành. Đến ngày 17/4, công nhân tiếp tục đình công để đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Trước đó, vào tháng 10/2015, hàng trăm công nhân của công ty này cũng đã từng tổ chức đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, hỗ trợ thêm tiền ăn ca do lãnh đạo công ty không thực hiện đúng cam kết.
Việc đình công này được chính quyền địa phương cho rằng gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, nên Liên đoàn Lao động và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phải về phối hợp giải quyết.
Nguồn: http://www.phapluatplus.vn/thanh-hoa-cong-ty-may-khong-thuc…
Lao Động Việt: Công nhân bị bóc lột chẳng khác gì thời trung cổ, cả thế giới lấy ngày chủ nhật làm ngày nghỉ nhưng những công nhân tại công ty May Vạn Hà vẫn phải đi làm. Thế nhưng, sự đi làm của họ lại là hành động bóc lột mà nói đúng hơn là đã bị lãnh đạo công ty này trấn lột sức lao động.
Đau xót và trớ trêu thay khi nguyên nhân mà Liên đoàn Lao động và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xuống giải quyết vụ việc là “công nhân gây ách tắc giao thông”. Đáng lẽ ra, khi công nhân bị trấn lột sức lao động như trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa phải phối hợp với công đoàn để thay mặt công nhân yêu cầu công ty phải chấm dứt tình trạng trấn lột trên, trả lương cho công nhân tương xứng với sức lao động họ bỏ ra. Thậm chí có thể kiện lãnh đạo công ty ra tòa để đòi lại quyền lợi cho công nhân. Bởi, hàng tháng, công nhân phải đóng thuế để nuôi 2 đơn vị này, và mục đích sự ra đời của Liên đoàn Lao động và Công đoàn là bảo vệ quyền lợi cho công nhân, được công nhân trả lương để phục vụ công nhân. Tuy nhiên, 2 đơn vị này lại luôn thờ ơ với công nhân, để cho tình trạng lãnh đạo công ty trấn lột sức lao động của công nhân kéo dài mà không vào cuộc ngăn chặn ngay từ đầu, và khi công nhân đình công thì họ lại có mặt như là khách mời.
Đã đến lúc, các công nhân Việt Nam nên có những nghiệp đoàn Lao động độc lập cùng với những luật sư thông hiểu luật lệ, để có thể vào cuộc kịp thời khi mình bị mất quyền lợi.
Điểm Tin số 37 của Lao Động Việt
Gửi ý kiến của bạn