Hãy là “minh dân” và đừng đợi “minh quân” !

GNsP (01.04.2017) – “Minh dân” là một từ sáng tạo vì trong từ điển Việt Nam chỉ có từ “minh quân”, “minh chủ”. Tuy vậy, tôi rất tâm đắc với sự sáng tạo này vì nó đặc biệt có ý nghĩa và rất phù hợp với hoàn cảnh dân tộc, đất nước Việt Nam hiện nay.
Có thể hiểu “minh dân” nghĩa là những người dân sáng suốt, minh mẫn, khôn ngoan, nhận thức được những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống, trong xã hội và trong đất nước của mình. Đây chính là lực lượng để tạo nên sự thay đổi, chấn hưng quốc gia, xây dựng ấm no hạnh phúc và công bằng xã hội.
Không ai phủ nhận vai trò của một lãnh đạo có tài đức và sáng suốt. Họ chính là người nhạc trưởng chỉ huy và có vai trò tiên quyết cho sự phát triển của tập thể mà họ có trách nhiệm hướng dẫn. Tuy nhiên, “minh quân” chỉ là điều kiện CẦN, và “minh dân” chính là điều kiện ĐỦ để tạo nên thành công hay thất bại trong lộ trình phát triển bền vững của một tổ chức, một cộng đoàn, một đất nước. Bởi lẽ nếu trong trường hợp “minh quân” trở thành “hôn quân” thì chính lực lượng “minh dân” sẽ đứng lên quyết định vận mệnh của mình cũng như của cả dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, người phụ nữ trí tuệ, kiên cường và bản lĩnh, người dân Myanma đã thoát khỏi chế độ độc tài và bắt tay xây dựng một nền dân chủ văn minh. Tuy nhiên, nếu đất nước Myanma không có những “minh dân” thì người phụ nữ vĩ đại này cũng khó lòng thực hiện cuộc cách mạng dân chủ đánh thức Myanma tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài.
Người dân Myanma phải là những “minh dân” thì họ mới nhận thức được thân phận mất tự do dân chủ của mình dưới chế độ độc tài. Phải là những “minh dân” họ mới nhận ra đường lối đấu tranh đúng đắn của bà Aung San Suu Kyi và từ đó có sự ủng hộ. Phải là những “minh dân” họ mới hiểu ra rằng tự do vốn là món quà quý giá Thượng Đế đã ban tặng cho con người và không một ai, không một thể chế nào có quyền cướp đi. Và nếu bị cướp mất thì phải kiên quyết đấu tranh đòi lại, cho dù phải trả giá bằng máu vì “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Nhắc một chút về Myanma, một sự kiện lịch sử còn rất mới và đặc biệt là khá gần gũi với hoàn cảnh đất nước Việt Nam hôm nay để thấy phải chăng Việt Nam đang thiếu, rất thiếu những “minh dân” và đó là lý do vì sao nước Việt rơi vào thảm cảnh như hôm nay: Chủ quyền quốc gia như sợi chỉ treo mành, giặc Trung Quốc tràn ngập ngoài biên cương hải đảo cho đến đất liền. Chúng ung dung xây dựng khu định cư, hiên ngang đi lại khắp dãi đất hình cong như chữ S này một cách tự nhiên như “người trong nhà”. Non song gấm vóc thì bị tàn phá, cá không còn biển, sông để lội, chim chẳng còn rừng để làm nơi trú ẩn.
Ngày xưa người ta ví thân phận người phụ nữ có chồng như “ván đã đóng thuyền”, phải cam chịu trong nhờ đục chịu cho đến chết. Bây giờ thì không. Ván đóng nhầm thuyền thì cứ nhổ đinh ra đi đóng thuyền khác rồi đi tiếp. Việc gì phải ngồi trên chiếc thuyền mục nát mà than thân trách phận?
Cũng vậy, ai cũng hiểu sở dĩ “ đất nước có bao giờ ‘đẹp’ như thế này chăng” là do người dân chịu sự lãnh đạo bởi một nhóm người bất tài, thiếu đức. Thế nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ai là những người bầu lên họ trong khi người dân có quyền từ chối bỏ phiếu? Và nếu đã lỡ “trao niềm tin lầm địa chỉ” thế thì tại sao không mạnh dạn có sự thay đổi?
Phần lớn dân chúng Việt Nam hờ hững, mất cảnh giác trước những hiểm hoạ đến từ Trung Quốc cũng như thực trạng tồi tệ của thiên nhiên, con người của nước Việt hôm nay. Điều này có nguyên nhân do một thời gian dài họ bị tiếp thu một nền giáo dục nhồi sọ, tuyên truyền và dối trá. Tuy nhiên, với thời đại thế giới phẳng hôm nay, không ai được phép và được quyền là những “ngu dân” nếu chính bản thân họ muốn trở thành như thế.
Được biết, có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ “lang thang” trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Thế nhưng trong hơn 1/3 dân số Việt đang sử dụng Facebook, có được bao nhiêu phần trăm biết dùng nó để quan tâm đến chính trị-là quan tâm đến chính cuộc sống của mình và con cháu của mình trong hiện tại cũng như tương lai?.
“Trong lịch sử Hy Lạp cổ đại, từ “idiot” (người dần độn) được dùng để chỉ người không quan tâm gì đến chính trị.” Thế nhưng ngay tại nước Việt Nam vào thế kỷ thứ 21 này người ta lại cho rằng không quan tâm đến chính trị mới là người “ khôn ngoan” vì tránh được vạ vào thân và hơn thế nữa đó không phải là trách nhiệm của mình.
“Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh: Nếu một dân tộc dốt thì dân tộc đó hay đất nước đó không thể phát triển và bền vững. Mà từ từ họ sẽ bị những dân tộc khác cai trị rồi dẫn đến nguy cơ diệt vong”.
Đừng chỉ ngồi đợi “minh quân”, đừng đợi ai đó tạo nên sự thay đổi nhưng là chính mỗi người dân Việt hãy là những “minh dân” và tạo nên sự thay đổi cho chính vận mệnh đất nước của mình. You are the changes you need. You need something? Change it! Hãy là “minh dân” và đừng đợi “minh quân”.
Điền Phương Thảo
Link tham khảo:
http://thoi-nay.com/tnm/10-su-that-ve-hy-lap-co-dai/
http://cafekubua.com/2015/11/15/viet-nam-dan-toc-tieu-nhuoc/