Bầy lăng quăng

08 Tháng Ba 201711:15 CH(Xem: 2353)

 

Bầy lăng quăng

600px-Culex_sp_larvae

 

Một

 

 

Buổi liên hoan càng lúc càng sôi động. Những lon bia đủ mọi nhãn hiệu cứ bật nắp liên tục. Điệp khúc “Dô! Dô!” làm chấn động một góc trời. Bầu không khí càng sôi động hơn khi có sự hưởng ứng của quí bà, quí cô. Một sự hưởng ứng  nhiệt tình ngoài mong ước. Những  ống tay áo dài được xắn cao  còn vạt áo thì   buộc lại với nhau hay nhét vào cạp quần. Những cái miệng đủ hình dáng  cũng gào, cũng thét. Những đôi chân dài, chân ngắn cứ thoăn thoắt chạy hết bàn nọ sang bàn kia. Trông họ, người ta thoắt nghĩ tới đạo quân của chị Út Tịch đang xông xáo chốn trận tiền. Ở một góc phòng, bên dàn karaoke, vị thủ trưởng khả kính và tài ba đang ra sức hò hét những bản nhạc đỏ, rất đỏ trước ánh mắt thán phục vô bờ của đám nhân viên nam nữ vây quanh. Những tràng pháo tay nổi lên ròn rã và kéo dài tưởng chừng đến vô tận mỗi khi thủ trưởng hát xong một bản. Không ai dám động vào cái micro mặc dù ai cũng náo nức, cũng muốn góp giọng , khoe giọng để lấy điểm với  lãnh đạo các cấp, từ thành phố đến quận và phường đang hiện diện .

 

Người ta vui hết cỡ là phải vì hôm nay cơ quan nhận được bằng khen tiên tiến cấp thành phố. Đích thân một vị quan chức ở thành phố về trao trong một buổi lễ vô cùng trang trọng và hoành tráng. Buổi lễ này đã được chuẩn bị cả tháng trời rồi. Ngày ngày, cứ sau giờ tan tầm là tất cả mọi nhân viên phải ở lại để tập dượt các nghi thức: nào là xếp hàng chào đón quan khách, nào tập dượt các màn văn nghệ sẽ được trình diễn vào ngày đó, nào là tập phát biểu cảm nghĩ khi cơ quan nhận được danh hiệu cao quí đó… Buổi diễn tập nào cũng kéo dài hằng hai ba tiếng đồng hồ. Chẳng ai dám kêu ca , phàn nàn. Ai cũng tỏ ra hồ hởi, phấn khởi. Thế rồi, sau khi thủ trưởng  cho phép ra về thì mạnh ai nấy vắt giò lên cổ mà chạy ra bãi giữ xe, chen lấn nhau như đang ở chợ trời. Họ còn biết bao công việc phải làm: người thì đi đón con ở nhà trẻ; kẻ thì tạt  qua mấy cái chợ chồm hổm mua vội mua vàng mấy món rau hoặc thịt ươn, cá ươn.. về làm bữa cơm tối. Bổn phận làm vợ, làm mẹ. làm chồng , làm cha  đang lên tiếng gọi gấp rút. Họ quên phéng cái niềm vinh dự to lớn mà họ sắp được đón nhận nay mai. Lúc ấy, nếu có cù vào nách họ họ cũng không thể nào cười nổi. Vì họ đeo khẩu trang kín mít nên khó có thể đoán biết tâm trạng họ như thế nào.

 

Khi tất cả đã về hết, ông thủ trưởng thả mình trên ghế sô-pha, hai chân gác lên cái bàn nhỏ. Ông nới bớt cà-vạt cho dễ thở, rồi đốt một điếu thuốc. Đưa điếu thuốc lên môi, ông hít một hơi thật dài, ém khói   khá lâu trong miệng, rồi từ từ nhả từng cuộn khói tròn. Ban đầu chúng quấn quyện vào nhau, sau dần dần tan đi. Cặp mắt ông trở nên đờ đẫn. Trong khói thuốc, ông mường tượng tới cảnh cả đơn vị sẽ tưng bừng rước cái bằng khen tiên tiến cấp thành phố vào thời gian sắp tới. Đó là một trong những lá bùa hộ mệnh của ông cùng với la liệt bằng chiến sĩ thi đua từ phường, quận đến thành phố và còn biết bao nhiêu là giấy khen khác nữa như giấy chứng nhận “ gia đình văn hoá” chẳng hạn. Hễ mỗi lần ông có được một bằng khen hay giấy chứng nhận nào, ông đều lồng vào khung kính- loại khung kính sang nhất, đắt tiền nhất rồi trang trọng treo nó ở giữa phòng khách. Cho đến bây giờ, dường như bốn bức tường phòng khách nhà ông không còn chỗ trống để treo nữa. Cái bằng khen tiên tiến cấp thành phố này  sẽ làm cho cái ghế thủ trưởng cùa ông thêm vững chãi hơn. Và quan trọng hơn, nó sẽ là cái bệ phóng  để ông tiến xa xa xa. Xa thật xa để xóa tan,  để làm biến mất hình ảnh một chú  nhóc con dân quân ở phường ngày nào.

 

Ngày ấy, cái thằng bé loi choi lấc cấc chuyên làm tên sai vặt cho lãnh đạo phường lại còn kiêm cả chân ở đợ nữa chứ. Nào đi chợ, nào giặt đồ cho vợ con lãnh đạo. Cứ thế mà tiến thân từng nấc một, nấc một cho đến ngày hôm nay nghiễm nhiên là thủ trưởng một cơ quan vào hàng bậc nhất bậc nhì ở quận này. Theo voi ăn bã mía. Quả thế, ông đã được thừa hưởng nhiều miếng bã mía ngon lành của những con voi to tướng thải ra. Thế rồi, những miếng ấy dần dần trở nên những đống, những bãi, những ngọn đồi, những ngọn núi. Và cuối cùng, khi đã lên ngôi vị thủ trưởng, ông lại trở thành một con voi – con voi kếch sù. Đến lượt ông nhả ra những miếng bã mía cho lũ đầy tớ đi theo hầu hạ ông. Đôi khi ngắm nhìn lũ tay chân tranh nhau hít bã mía, giành giật  nhau  bã mía, ông lại chạnh lòng nghĩ đến cái thuở theo voi ăn bã mía của ông lúc trước. Cái phút giây chạnh lòng ấy chỉ tồn tại  trong nhấp nháy để nhường phần cho niềm kiêu hãnh vô biên trong lòng ông. Và bây giờ,  ở cái thành phố này, nhắc đến tên ông không ai là không biết.

 

          Người ta biết đến ông vì ông là sở hữu chủ của bao nhiêu là bất động sản. Chỉ riêng ngôi biệt thự của gia đình ông thôi cũng đủ để minh chứng cái tiếng tăm lừng lẫy ấy. Cái biệt thự đó chẳng thua kém gì những cung điện của các bậc vua chúa thuở xa xưa hay biệt điện của các đại gia lừng danh thế giới. Người ta biết đến ông vì ông đã tạo được một thế đứng vô cùng vững chãi; vững đến nỗi cho dù có động đất mấy chục độ Richter cũng chẳng nhằm nhò gì. Người ta biết đến ông qua  cậu ấm độc nhất của ông. Cho dù tuổi tác chưa bao nhiêu, nhưng cậu  đã khét tiếng trong giới ăn chơi suốt từ Bắc chí Nam. Có kẻ đã dám đem cậu so sánh với  công tử Bạc Liêu ngày nào. Quả vậy, hễ thế giới này sàn xuất ra một kiểu xe hơi nào mới nhất thì chắc chắn  chẳng bao lâu sau đó cậu sẽ là chủ nhân của loại xe hơi ấy. Nếu công tử Bạc Liêu có tiêu tiền  như người ta bỏ giấy lộn thì cũng còn kém xa cậu. Cậu có thể cầm trong tay một bó đô- la dày cộm rồi châm lửa đốt để mua một nụ cười của người đẹp mà vẫn chẳng mảy may biểu lộ một chút xíu càm xúc. Vì thế, chung quanh cậu lúc nào cũng nhung nhúc những hot girls. Có lần cậu đã nửa đùa nửa thật nói với ông là nếu ông muốn thì cậu sẽ chia cho ông một ít để gọi là đền đáp công sinh thành và công đã nhọc nhằn kiếm đô cho cậu tiêu sài ( Thực ra, về khoản này, cậu đâu biết rằng cậu còn kém xa ông bố của cậu đến nửa vòng trái đất lận ). Ông cũng đã lo cho cậu đi du học bên Mỹ. Nhưng hổ phụ sinh hổ tử. Cậu chẳng màng gì học hành cả, chỉ lo ăn chơi thôi. Ông hết lòng  khuyên bảo  thiếu điều năn nỉ, lạy lục câu thì cậu nói tỉnh queo: “Ba có đi học ngày nào đâu mà cũng có hai mảnh bằng đại học  đó. Có đô là có tất cả, ba à. Bởi vậy, ba cứ bám chặt cái ghế này, à không, ba cố gắng leo cao hơn nữa nghe ba. Càng ngồi chỗ  cao càng kiếm được nhiều đô. Thôi, con bái ba. Con phải chở con đào đi sắm cái nhẫn kim cương. Mai là sinh nhật nó đó. Bái bai !” Vừa nói cậu vừa tiến ra cửa. Một loáng  sau, ông nghe tiếng xe hơi chạy ra phía cổng.  Cái xe này mới mua chưa đầy nửa tháng. Cậu ấm thay xe hơi như người mẫu thay đồ lót. Ông  lắc đầu lẩm bẩm: “Đồ mất dạy!”.

 

Nói tóm lại,  ông thủ trưởng  là một cuốn trường giang tiểu thuyết, biết nói đến bao giờ mới hết. Trong các bàn tiệc, trong những bữa nhậu hay những chầu cà phê quán cóc, đề tài thường xuyên được mang ra để “tám” là chuyện ông thủ trưởng  và những người quanh ông. Ông cũng có nghe đám thủ hạ báo cáo cho ông nghe về chuyện này. Ông biết rằng những báo cáo  ấy đã được thêu gấm dệt  hoa hòng  kiếm chút ít bã mía. Ông đi guốc trong bụng lũ thủ hạ. Biết tỏng là thế, nhưng  hồn ông vẫn lâng lâng bay bổng  như thiên tử chễm chễ ngai vàng cảm thấy lỗ tai êm ái khi nghe lũ bầy tôi không ngớt miệng tung hô: “Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn vạn tuế!”

 

Chú nhóc con dân quân quèn  ngày trước không còn nữa. Bây giờ người ta chỉ trông thấy một ông thủ trưởng bệ vệ trong bộ đồ lớn, đi đến đâu cũng có kẻ hầu người hạ. Chỉ một tiếng ho của ông thôi cũng đủ làm cho kẻ yếu bóng vía phải giật mình. Chỉ một tiếng hắt xì thôi cũng lắm kẻ chen chân đến bên ông để cung kính đưa khăn cho ông lau mũi. Để được như thế, ông đã phải trả nhiều giá lắm. Ai mà biết được điều đó. Dẫu có biết thì cũng chẳng ai dám ho he. Ngay như cái bằng khen tiên tiến cấp thành phố này chẳng hạn. Để có được nó, ông đã phải len lỏi qua bao nhiêu là ngóc ngách, chui qua bao nhiêu là lỗ chó. Và lẽ tất nhiên, ông đã phải tiêu bao nhiêu là đô la. Ở thời buổi này, mỗi bước đi, mỗi khúc đường  đều phải lót bằng  đô la. Cái bằng cử nhân luật và cái bằng thạc sĩ chính trị của ông  cũng vậy. Chúng đã “nuốt” của ông đến gần một trăm  ngàn  đô. Có bằng trong tay nào đã xong! Ông lại còn phải móc hầu bao cả mấy chục ngàn đô để “ rửa” bằng nữa chứ. Nói là nói thế, chứ bấy nhiêu đối với ông có là bao. Bỏ con săn sắt bắt con cá sộp mà. Đời là một canh bạc lớn. Kẻ nào có gan thì kẻ đó thắng. Thắng đậm.

 

Là một người có nhiều tham vọng, nên ông hiểu hơn ai hết rằng để trèo cao, tiến sâu,  ông  không được phép dừng lại ở cái bằng khen này. Cái bệ phóng chắc chắn hơn phải là một cái huân chương lao động cấp nhà nước kìa. Cứ mỗi lần đến tham dự lễ đón nhận huân chương lao động cấp nhà nước của các đơn vị bạn trong quận hoặc ngoài quận, tim ông lại háo hức, lại rần rật. Đơn vị nào được đón nhận cái huân chương cao quí ấy đều làm xe hoa rước đi rong rẻo khắp các đường phố như tín đồ các tôn giáo làm kiệu rước các vị thánh của tôn giáo họ vậy. Ngắm  nhìn hình ảnh đó, ông càng rạo rực hơn. Rồi sẽ có một ngày …Hãy đợi đấy! Lúc ấy ông sẽ tổ chức thật linh đình, thật trang trọng. Ông sung sướng nở một nụ cười và thấy thấp thoáng thấp thoáng cái huân chương lao động ở xa xa…Giữa lúc ông đang chìm trong cơn khoái ngất ( mà cái bọn mất dạy gọi là tự sướng như thể cậu trai tuổi dậy thì thủ dâm vậy ) thì cái iphone reo. Đó là viên trợ lý của ông. Y gọi để nhắc ông về buổi hẹn tối nay. Ông nhớ chứ. Quên làm sao được. Tối nay ông có hẹn với phóng viên mấy tờ báo. Nhờ họ, tên tuổi của ông sẽ được sáng bóng. Họ sẽ chắp cho ông đôi cánh để ông bay tới trời xanh. Lẽ tất nhiên, hạnh phúc nào cũng có cái giá của nó. Hạnh phúc ấy của ông được định giá bàng những tờ đô- la. Mặc, miễn là con đường ta đi cứ ngày một hanh thông là tốt rồi. Nghĩ tới đó, ông bật cười thành tiếng. . Và chỉ trong nháy mắt, ông đã chễm chệ trong chiếc Volkswagen Eos êm ái, sang trọng. Nó  có cái giá không bao nhiêu, chỉ 34.350 USA thôi. Dĩ nhiên là tiền của cơ quan ông. Mua xe cho lãnh đạo mà.

 

Và giờ phút này đây, ông đang say sưa tận hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời  giữa bao con mắt thán phục và tri ân của thuộc cấp. Hồn ông bay vút theo âm thanh của tiếng nhạc và những tiếng reo hò cổ vũ ở chung quanh. Ông vươn cổ dài ra, ngoác miệng thật to và gào thật lớn:

 

Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận

Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của bác

Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người

Dâng lên tới đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…

 

Hằng trăm cái miệng cùng hát theo ông. Hằng trăm đôi tay cùng vỗ nhịp. Tiếng hát, tiếng vỗ tay vang dội tưởng chừng muốn vỡ tung hội trường. Người ta không biết bây giờ là mấy giờ nữa…

 

Hai

 

Khi đã ì ạch đẩy được  cái xe đạp thồ nguyên một sọt bự cam sành lên đến giữa cầu Bình Triệu 2, anh dựng xe và leo lên vỉa cầu ngồi nghỉ. Anh duỗi đôi chân mỏi nhừ, lưng tựa vào lan can cầu. Tháng này giáp Tết, tiết trời buỏi sáng se se lạnh, nhưng người anh đẫm mồ hôi. Anh đưa ống tay áo lên chùi những giọt mồ hôi đang túa ra trên gương mặt sạm đen.

 

Mặt trời đang dần lên. Người đi kẻ lại mỗi lúc một tấp nập.. Dòng xe nối đuôi nhau chạy  chầm chậm trên cầu. Những tiếng còi chát chúa của xe buýt và xe đò khiên cho người yếu thần kinh phải run sợ- thậm chí có người bị té xuống mặt đường. . Những chiếc xe gắn máy luồn lách qua những khe hở . Người ta đang tranh cướp nhau từng tích tắc đồng hồ, từng mili mét không gian.. Giữa sự hối hả ấy, những  chiếc xe đạp thồ phía  sau những sọt trái cây, rau quả đầy ắp đang ì ạch leo dốc. Đàn ông, đàn bà đều  như nhau. Họ cúi gầm mặt xuống, đít vồng lên, một tay giữ chặt ghi đông xe còn tay kia nắm chặt sọt trái cây hay rau củ,  hai chân cố bám chặt lấy mặt đường và lết lết. Khi đến giữa cầu, tất cả đứng lại thở, chân dạng  ra , tay giữ chặt ghi đông. Có người chống xe, lên vỉa cầu ngồi nghỉ như anh. Đoàn quân xe thồ đó vừa từ chợ nông sản Thủ Đức trở về. Sau khi đã qua cơn mệt, họ lại tiếp tục lên đường. Khi xuống được phía bên kia cầu, họ  leo lên xe và toả ra mọi nẻo đường của thành phố.

 

Dưới gầm cầu, dòng nước lặng lờ trôi. Thỉnh thoảng có chiếc xà lan chở đầy cát chạy qua làm sôi động dòng nước. và làm chòng chành những đám lục bình. Hình ảnh chiếc xà lan khiến lòng anh tê xót. Anh lim dim đôi mắt. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.( * )

 

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang…( ** )

 

Vâng, anh vốn là dân vạn chài. Quê anh ở Quảng Nam. Bức tranh an bình và hạnh phúc đó  của quê anh đã trở thành  chuyện cổ tích rồi. Bây giờ, thay vào đó là dày đặc bóng  tối  kinh hãi bao trùm. Người con làng chài không còn được an cư lạc nghiệp nữa. Mỗi lần ra khơi là một lần chết chóc. Máu họ đã nhuộm thắm biển Đông. Nước mắt họ đã cạn khô như ruộng đồng gặp hạn.  Không phải do tai trời hay ách nước. Thiên nhiên vẫn là thiên nhiên của  bao đời như thế. Vẫn những con sóng bạc đầu ngày ngày bỡn đùa cùng  đá ghềnh cát bãi.  Vẫn  hàng hàng lớp lớp  những luồng cá cuối chân trời thiết  tha mời gọi. Thế nhưng, tàu  ngại dời bến,  máy sợ không dám nổ, những đống lưới khô không khốc nằm khóc tấm tức nơi góc tối khoang tàu. Nếu bụng có quá cồn cào hay máu nghề có quá lên cao thì cũng chỉ quẩn quanh vài vòng rồi lại trở về trong nỗi uất ức, tủi hờn vô hạn. Nhìn những cánh hải âu dũng mãnh đọ sức cùng trời cao biển rộng,  người dân vạn chài  tự nhiên cảm thấy hổ thẹn, đau buồn. Nỗi lòng này biết tỏ cùng ai? Trời thì xa thẳm. Đất thì mênh mông. Còn con người ? Tất cả đã  mù  đã điếc đã câm hết rồi.

 

Bất chợt anh cảm thấy nhói đau ở lồng ngực. Anh nhăn mặt, cố gắng kìm  hãm tiếng rên. Nó vẫn nằm đó. Năm năm rồi. Anh tưởng nó đã ngủ quên. Nhưng không. Nó vẫn thức. Và nó gọi anh. Cho dù nó không lên tiếng gọi, anh vẫn nhớ sự hiện diện của nó. Mắt anh bỗng cay sè. Ngày hôm đó…

 

Hai người trầm ngâm nhìn biển. Biển mênh mông. Những ngọn sóng nhẹ liếm láp bờ cát mịn. Lâu lâu có một con sóng lớn từ xa chạy vào làm tung lên một cột nước trắng xoá.

 Bãi biển vắng tanh. Những thân tàu xác  xơ nằm phơi mình trên bãi cát trông thảm thương như những chiến binh bại trận. Lòng người vạn chài quặn đau. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

-       Sao? Dứt khoát chứ?

-       Nhất định dứt khoát. Một lần cuối.

 

Họ đã ngồi bên nhau trầm ngâm như thế này nhiều lần rồi. Bao suy tư đo đắn. Hình ảnh những ngày ra khơi đớn đau và tủi nhục luôn ám ảnh họ. Bao người thân yêu của họ đã bỏ mình chốn khơi xa dưới mũi súng “ người lạ”. Bao công lao bị cướp  trắng trợn cũng bởi bàn tay “ người lạ”. Đói nghèo từ lâu triền miên đeo đẳng làng chài do những bất công chồng chất của đất liền, bây giờ lại càng trở nên mãnh liệt hơn từ những khủng bố ngoài khơi của “ người lạ”, “ tàu lạ”. Cơm áo và tình nghề luôn thúc giục dân vạn chài. Tiến hay lui? Và hôm nay họ đã tiến tới quyết định. Ra khơi. Nhất định phải ra khơi. Thử thách một lần cuối cùng.

Bàn thờ nghi ngút khói hương. Trước vong linh tiên tổ cùng những người bạn chài đã chết tức tưởi dưới mũi súng kẻ thù, họ thầm thì khấn vái sự phù trợ cho chuyến đi lành ít dữ nhiều này. Rồi máy nổ. Tiếng máy tàu đánh thức tinh thần quật cường của dân vạn chài. Những ánh mắt lấp lánh trong đêm như những vì sao trên bầu trời cao.  Con tàu cứ lừng lững tiến…

 

Sau một đêm miệt mài trên biển cả, chiếc thuyền đã đầy tú ụ cá. Niềm vui và hãnh diện ngời sáng trong mắt mọi người. Những nụ cười hân hoan. Hình ảnh bữa cơm ngút khói cùng mùi cá thơm lựng hiện ra thấp thoáng trên  con tàu. Tàu quay mũi về bến. Mặt trời đã ló dạng ở phía đông. Những tia sáng ấm áp lòng người. Những tia hi vọng bừng lên soi tỏ dương gian.

 

Con tàu cứ ung dung chạy. Tin tức của đài khí tượng thuỷ văn làm náo nức lòng người. Một ngày mới tốt lành. Biển lặng, sóng êm. Mặt trời đã lên cao. Tất cả mọi người trên tàu, không ai bảo ai, im lặng với vẻ thành kính, ngước mắt lên trời  thầm cảm tạ sự hộ trì của tiên tổ cùng những người bạn chài quá cố. Đường về chẳng còn bao xa.

 

Thế nhưng, bỗng một tràng súng nổ ròn rã.  Đoàn người ngơ ngác nhìn nhau. Trong thoáng chốc, họ hiểu ra sự việc. Thảm hoạ đã đến với họ rồi.  Đại dương sẽ là mồ chôn của họ như bao nhiêu dân vạn chài khác trước đây. Viên tài công vội đánh tín hiệu cấp cứu về đất liền. Bức điện vừa được gửi đi thì  bốn chiếc “ tàu lạ” ập đến sát mạn tàu.  Một chiếc chăn đầu, hai chiếc kè bên hông và chiếc nữa ở phía đuôi. Có mà  chạy đàng trời. Rồi những kẻ lạ mặt nhảy bổ sang. Chúng la hét xí la xí lô toàn tiếng Tàu. Vừa la hét, chúng vừa nã súng vào các anh Những tiếng thét đau đớn tức tưởi vang lên thấu tới trời xanh. Anh cũng bị trúng đạn và ngã vùi trên sàn tàu…

 

Vợ anh nức nở. Đôi vai nàng rung lên theo từng cơn nấc. Cổ anh nghẹn lại. Nước mắt anh cũng trào ra. Nàng đã kể cho anh nghe hết sự việc. Theo đó, con tàu của anh bị tụi TQ tấn công và cướp  sạch mẻ cá mà các anh đã mỏi công kiếm được sau khi bắn giết các anh tàn nhẫn. Khi đất liền nhận được tín hiệu cấp cứu, bà con dân chài tức tốc  đánh tàu chạy ra để tiếp ứng. Tuy  nhiên,  đến nơi thì bọn chúng đã tẩu thoát. Con tàu của anh bị đánh đắm phân nửa. Nếu không tới kịp thì nó đã chìm xuống đấy biển rồi.  Bà con đưa xác các  ngư dân xấu số  về đất liền để mai táng và khám phá ra anh còn thở nên vội vã chở ngay vào bệnh viện huyện. Tại đây, các bác sĩ đã băng bó các vết thương chi chít trên người anh. Còn duy nhất một viên đạn nằm trong lồng ngực thì chưa thực hiện được vì anh còn quá yếu.  Bác sĩ nói phải đợi đến cả năm sau mới có thể giải phẩu để lấy nó ra. Nằm viện được gần nửa tháng, thấy sức khoẻ đã tương đối hồi phục, anh xin xuất viện, vì ở đây tốn kém quá.

 

Từ đó, anh trở nên lầm lì, ít nói. Mỗi lần nghĩ đến các bạn bị chết thảm, anh lại bầm gan tím ruột, răng anh nghiến kêu ken két.Đôi lúc anh muốn phát điên. Anh đấm, đá, đạp… vào bất cứ vật ghì ở trước mặt. Vợ anh chỉ im lặng nhìn và lã chã lệ rơi.

 

 Thấy cảnh nhà càng lúc càng sa sút, vợ anh lam lũ tối ngày mà vẫn không đủ sống, hai đứa con nheo nhóc, anh băn khoăn, lo lắng tự hỏi biết làm cách nào để thoát khỏi cảnh đen tối này.  Anh cảm thấy hổ thẹn vì tiếng là cột trụ gia đình mà bất lực. Cuối cùng, anh đi đến quyết định…

 

Chuyến xe Quảng Nam- Sài gòn đi vào bến xe miền Đông. Xe chưa kịp dừng bánh thì, ôi thôi, khủng khiếp quá ! Bao nhiêu là con người chạy ào ào đến vây kín hai cửa xe. Trông cảnh tượng ấy, anh hãi hùng, trống ngực đập liên hồi. Là dân chài chất phác, cho dù tuổi đời đã ngoại tứ tuần, nhưng anh vẫn cảm thấy ngây ngô giữa chốn thị tứ này.

 

Xe dừng hẳn lại. Cánh cửa xe mở. Thế nhưng, để đặt chân được xuống mặt đường thì quả là không dễ dàng gì. Phải khó khăn lắm anh mới bước được ra khỏi cái đám đông hành khách cồng kềnh hành lý. Ngay lập tức, anh bị những người đàn ông ùa tới lôi kéo. Đó là những người chạy xe ôm.

 

-       Đi đâu, anh Hai?

-       Có phòng trọ giá rẻ nè.

-       Tìm việc hả? Có ngay. Lương cao…

 

 Vừa nói họ vừa đưa tay giật cái túi xách của anh.Nhưng không được ,vì anh đã cảnh giác nên nắm rất chắc.  Anh không trả lời, chỉ lắc đầu và tìm cách thoát khỏi vòng vây của những con đỉa này. Một người bạn đã từng là nạn nhân của bến xe miền Đông truyền lại cho anh kinh nghiệm quí báu đó.

 

Rồi cuối cùng anh cũng thoát khỏi những lôi kéo kinh hãi kia. Anh rảo bước đến ngã tư Nguyễn Xí- Đinh bộ Lĩnh, đầu óc rối bời những câu hỏi về tương lai bất định sắp tới. Ở  chốn thị tứ phức tạp này, một người dân chài như anh biết làm gì để sống và để có tiền giúp đỡ vợ con nơi quê nhà?  Ngoài biển khơi, sông nước ra, anh nào có nghề ngỗng gì ? Giờ đây anh như con cá mắc cạn loay hoay trên bãi đất đầy cạm bẫy.

-       Trời đất ơi ! Đi đứng kiểu gì vậy, cha nội? Bộ mắt đui rồi hả?

 

Tiếng quát tháo làm anh giật mình. Vì mải mê suy nghĩ, anh đã đụng vào một xe đạp dựng bên lề. Chiếc xe đổ làm trái cây đựng trong cái sọt phía sau đổ rơi vung vãi trên mặt đường. Một người đàn ông cỡ tuổi anh vội vàng chạy ra nhặt lấy nhặt để, miệng luôn càu nhàu , chửi thề. Anh cũng luống cuống cuồng đi lượm. Nhờ có sự giúp đỡ của một số người đi đường và những người đứng quanh đấy, số trái cây bị rơi đã được hoàn lại chủ nhân của chúng, tuy có bị hao hụt. Mặt anh tái mét. Nếu người kia bắt anh bồi thường số trái cây bị mất thì anh đào đâu ra tiền để trả? Anh rụt rè tiến đến bên anh ta và lúng túng xin lỗi. Anh cứ tưởng là sẽ nhận được những câu chửi mắng phũ phàng( vì anh đáng phải như thế ) và đòi tiền bồi thường. Tuy nhiên, anh sửng sốt vì người đàn ông kia chẳng thốt ra một lời nào gọi là mắng nhiếc, nguyền rủa kẻ đã gây thiệt hại cho mình. Anh ta chỉ nhìn anh bằng ánh mắt thương hại và cảm thông. Rồi anh ta hỏi anh một câu mà anh không ngờ:

-       Mới vào hả ?

-       Dạ.

-       Trông bộ dạng biết ngay mà. Quê ở đâu vậy?

-       Dạ, Quảng Nam

-       Còn tui ở miền Tây

-       Có quen biết ai ở trong này không ?

-       Dạ, không.

-       Thế thì hơi kẹt đó.

-       Dạ.

-       Thế anh định làm gì để sống?

-       Dạ, tôi cũng chưa biết.

 

Người đàn ông ra dáng trầm ngâm. Anh rụt rè hỏi :

-       Buôn bán như anh chắc cũng khá ?

-       Đủ sống thôi.

-       Vậy, xin anh cho tôi được theo chân anh nghe

 

Một nụ cười hiền hậu nở trên môi người đàn ông

-       Được thôi.

 

Thế là buổi sáng hôm ấy, anh đi theo “ học nghề” với “ sư phụ”. Buổi chiều, anh theo người này về phòng trọ. May là phòng của anh ta còn một chỗ trống nên anh được ở chung để đỡ tiền phòng cho cả hai. Sau đó, anh ta dắt anh đi mua một chiếc xe đạp cùng mấy thứ cần thiết cho công việc buôn bán sắp tới. Như thế là tươm tất. Anh ngỏ lời cám ơn người bạn mới tốt bụng. Anh ta gạt phăng:

-       Có gì đâu. Mình đều là người nghèo cả, giúp nhau được cái gì hay cái đó

 

 Người bạn miền tây Nam bộ còn chỉ bảo  tận tình cho anh những điều cần thiết của nghề nghiệp cùng những nơi chốn sẽ đến bán. Anh mừng thầm vì ngay lúc chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người anh gặp được người tốt bụng. Anh thầm cảm tạ ơn trên đã phù hộ anh trên bước đường làm ăn độ nhật. Tối hôm đó anh ngủ một giấc thật ngon lành. Sáng tinh mơ, người bạn mới đã đánh thức anh dậy và anh đi theo anh ta ra chợ nông sản Thủ Đức để cất hàng.

 

Thấm thoắt mà anh xa quê đã gần một năm trời rồi. Tháng nào anh cũng gửi về cho vợ con một ít tiền mà anh  chắt chiu dành dụm được. Nghĩ đến nét mặt sung sướng của những người thân yêu nơi quê nhà, lòng anh rộn rã niềm vui. Anh hi vọng một ngày nào đó gia đình anh sẽ đoàn tụ trong hạnh phúc. Và ngày lại ngày, niềm hi vọng đó như một viên thần dược  giúp anh vượt qua bao vất vả, bao khó khăn trong cuộc sống xa quê, xa người thân thích ruột thịt

 

Lúc này đây, viên thần dược kia đang gọi anh lên đường để mang niềm vui về cho vợ con. Anh đứng dậy, nén cơn đau, từng vòng quay nặng nề đưa anh đến chỗ anh vẫn đứng bán từ khi mới vào đến nay.

 

Chợ vẫn như mọi ngày. Đây là một cái chợ tự phát. Ở VN mình hay thật. Chợ mọc lên như nấm. Ban đầu chỉ là một vài người bày bán lèo tèo vài thứ vặt vãnh. Thế rồi, dần dần số người đến góp phần tăng lên, tăng lên  và thế là ngẫu nhiên hình thành một cái chợ. Một cái chợ đúng nghĩa. Có người đi thu thuế đàng hoàng. Có bảo vệ. Có chỗ gửi xe… Thế nhưng, nó chỉ được công nhận âm thầm và có thể bị xoá sổ bất cứ lúc nào. Số phận cái chợ này cũng mong manh như vậy.

 

Anh vừa dựng xe thì mấy người khách quen đã trờ tới mua mở hàng. Anh hi vọng hôm nay sẽ bán hết sớm và sẽ ra bưu điện gửi tiền về quê. Bài tính ngắn gọn nhưng chứa chan tình cảm. Trong lúc vãn khách, anh lấy hộp cơm ra để ăn sáng. Mỗi sáng, anh thức dậy sớm, nấu nồi cơm cho cả ngày. Thức ăn rất đơn giản. Khi thì hột vịt muối, lúc vài miếng đậu hũ. Thỉnh thoảng, bán được nhiều, anh mua thêm vài lạng thịt, hoặc vài con cá, kho lên. Thế cũng đủ chất chán!

 

Anh vừa đưa muỗng cơm lên miệng thì có tiếng la: “Thanh tra giao thông tới! Dân phòng tơi! Chạy lẹ lên bà con ơi!”. Không kịp nuốt, anh vội gói hộp cơm lại, bỏ vào cái túi đeo bên hông xe, luống cuống đẩy xe đi.  Mới đi được vài bước thì một cái xe Dodge chạy trờ tới, đậu chình ình trước mặt. Năm sáu thanh niên mặt mày hung hãn nhảy xuống. Họ xúm vào giựt đứt mấy sợi dây chằng cái sọt rồi vứt lên xe. Anh cuống cuồng níu lại, miệng van xin thống thiết:

- Đừng ! Xin các anh! Đừng lấy của tôi!

 

Hai bên giằng co nhau. Cho dù yếu sức hơn hai thanh niên kia, nhưng bản năng sinh tồn khiến anh trở nên mạnh mẽ. Hai hàm răng nghiến chặt, hai tay gồng lên. Anh bị kéo lê trên mặt đường, nhưng tay vẫn bám chặt lấy tài sản của mình. Thế là họ đấm, đá anh túi. Vừa đánh họ vừa la to:

- Mày chống người thi hành công vụ hả? Chống này! Chống này!...

 

Một cú đá như trời giáng khiến anh lăn lăn mấy vòng, đầu anh đập vào một hòn đá nằm ở vệ đường, máu phun ra có vòi.

 

Chiếc xe Dodge chạy vụt đi mang theo nào rổ rá, nào rau, củ, quả… để lại phía sau những tiếng thét gào vô vọng của bọn người cùng đinh và một xác chết tơi tả

…….

 

 

# Thơ Nguyễn Du

# # Thơ Tế Hanh

 

 

SG, 2013

Uyên Sồ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Tư 2024
Bộ phim Kẻ Nằm Vùng hay Cảm tình Viên (The Sympathizer) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nguyễn Thanh Việt, được sản xuất bởi A24 và Rhombus Media, đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, với sự hiện diện của 2 tài tử nổi danh trong cộng đồng người Việt hải ngoại là bà Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đã bắt đầu công chiếu tập 1 trên HBO từ ngày 14 tháng 4 năm 2024. Phim chiếu gần 10 ngày rồi nhưng không thấy giới phê bình văn học, nghệ thuật hải ngoại có bài nào nhận xét, đánh giá tập 1 và 2. Những cây đa, cây đề nổi tiếng trong làng báo, truyền thông hải ngoại thường viết bài bình luận tác phẩm văn chương, phim ảnh… hoàn toàn im lặng.
24 Tháng Tư 2024
Vốn là đảng cướp nên tìm một người có khả năng, vừa khôn ngoan vừa hiểm độc để có thể nắm đầu trùm công an là người ngăn chặn mọi chống đối từ bên trong cũng như bên ngoài thì không dễ kiếm. Đại diện trong Quốc Hội chỉ là bù nhìn. Đại hội đảng là chiến trường thanh lọc, sắp xếp hàng ngũ trung ương, địa phương và chính trị bộ là giai đoạn cuối cùng để chọn lãnh đạo tương lai. Đừng coi thường tiến trình "dân chủ" của CSVN đi từ trên xuống dưới. Vì mục tiêu của đảng là cầm quyền. Mọi đe dọa quyền lực đảng có nghĩa đảng sẽ bị tiêu diệt. Để tìm lãnh đạo có khả năng đó đòi hỏi Khôn và Ác. Từ trên...
23 Tháng Tư 2024
Tuy nhiên lịch sử của Việt Nam đã phủ nhận sự mạo nhận này. Chưa hề có cuộc trưng cầu ý kiến nào chứng minh “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân”. Vì vậy, khi bị chống đối, ban Tuyên giáo Trung ương đã quay cuồng với giọng điệu thù nghịch: “Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến...
22 Tháng Tư 2024
Điều đáng chú ý là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cả hai lần gặp hai vị lãnh đạo công nghệ này đều mời họ xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, khác với Samsung, cả hai công ty này đều không sở hữu nhà máy sản xuất sản phẩm cho chính họ. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi là lãnh đạo Hà Nội có thực sự hiểu đối tác mình đang nói chuyện? Ai cũng thấy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để nhận được đầu tư lớn hơn về công nghệ nói riêng và kinh tế nói chung
21 Tháng Tư 2024
Cũng đáng chú ý là chuyến thăm Trung Hoa của ông Huệ đã xẩy ra chưa đầy một tháng, sau khi Đảng CSVN cách chức Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 20/03/2024. Ông Thưởng, 54 tuổi từng được coi là ngôi sao sáng trong 4 Lãnh đạo hàng đầu, và là người có nhiều triển vọng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Ông bị cách chức vì “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”. Tham nhũng cũng có vai trò trong vụ mất chức của ông Thưởng. Vì vậy, chuyến đi Bắc Kinh của ông Vương Đình Huệ càng được củng cố cho vị trí chính trị của ông trong tương lai, vì chính ông đã bảo đảm với Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo...
17 Tháng Tư 2024
Ở tấm thứ nhất, hình một viên cảnh sát mặc bộ quần áo màu kem, nón kết cũng màu kem là điều hoàn toàn sai. Đồng phục của cảnh sát VNCH là áo trắng, quần xám, áo 2 túi, nút áo trên gần sát cổ, không hở cổ hoặc phanh ngực, bên trên túi phải có bảng tên, tay áo trái có huy hiệu cảnh sát. Nón kết cũng trên trắng, viền xám ở dưới. Huy hiệu có dòng chữ Tổ Quốc, Công Minh, Liêm Chính khác với huy hiệu của quân đội là Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Cái chào tay của người trong hình cũng sai không đúng quân phong, quân kỷ. Khi chào, lòng bàn tay phải úp xuống, ngón cái hơi quặp lại, 4 ngón còn lại duỗi thẳng khép vào nhau, cánh tay...
17 Tháng Tư 2024
ngoại giao của nước VNcs tùy theo từng thời điểm, có thể khi công bố Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 thì TQ chưa có những hành vi manh động hung hăng như hôm nay, thế nhưng khi công bố lần thứ hai năm 2019 khi TQ gia tăng cường độ lấn chiếm thì chủ trương của Việt Nam vẫn không thay đổi, điều đó đặt ra một câu hỏi là liệu nhà cầm quyền csVN vẫn chấp nhận không thay đổi đường lối quốc phòng trong khi chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa nhằm đổi lấy một nền hòa bình nhu nhược, yếu ớt, và sự độc lập đang bị chỉ trích khi dân chúng nhìn thấy giới lãnh đạo TQ xem đảng csVN như thủ hạ của mình...
12 Tháng Tư 2024
Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo để kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng và cho rằng việc cấp quy chế này cho quốc gia Đông Nam Á sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng.” Kể từ năm 2002, khi Mỹ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam, Washington coi quốc gia Đông Nam Á là một “nền kinh tế phi thị trường.” Trong 21 năm qua, Mỹ đã áp thuế chống phá phá giá đối với nhiều mặt hàng...
11 Tháng Tư 2024
Suy nghĩ gần giống như Phan Châu Thành, Minh Tâm Lê: Hy vọng sắp tới, khi ngắm tượng, nhân dân Nghệ An sẽ khơi dậy được sự tự hào truyền thống, không còn ‘xin gạo cứu đói khi giáp hạt’, không còn chứng kiến những thảm cảnh đau lòng như con em chui vào container” để sang lao động ở Anh, ở châu Âu, không còn cảnh leo hàng rào ở biên giới Mexico - Mỹ để thế lực thù địch, phản động bôi nhọ. Tin tưởng vào một ngày mai tươi mới
10 Tháng Tư 2024
Chủ trương “đảng hóa các tổ chức người Việt ở nước ngoài” là một chính sách từ thập niên 80 nhưng đảng giả bộ như không biết nên đã tìm cách phủ nhận: “Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách “đảng hóa” với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”!