Dân không phải là ruồi muỗi, quan càng không được làm trâu bò, bởi suy cho cùng, một hệ thống chính quyền tốt là hệ thống mà ở đó, mọi tính chất phi con người được triệt tiêu một cách triệt để nhằm đem lại hạnh phúc cho con người, theo ý nghĩa con người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số điều kiện, dường như đời sống cùa người dân chỉ xếp ngang với ruồi muỗi và cách hành xử của giới quan lại cũng chẳng khác nào trâu bò mấy. Và không phải tự dưngmà câu nói cửa miệng “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” lại ứng với chuyện dẹp lề đường ở quận 1, Sài Gòn trong thời gian gần đây.
Ở đây, sao lại có chuyện trâu bò húc nhau? Sao lại có chuyện ruồi muỗi chết?
Bởi suy cho cùng, thân phận của cái mà người Cộng sản vẫn thường rêu rao là chủ của họ và chủ của đất nước cũng như thứ luận điệu luôn giữ vị trí đầy tớ phục vụ cho người chủ Nhân Dân của đảng Cộng sản vốn dĩ là thứ mỹ từ làm vỏ bọc cho những tham vọng và thủ đoạn của họ. Có bao giờ họ làm đầy tớ của nhân dân cho dù chỉ một giờ, thậm chí một phút? Chắc chắn là không! Đó là chưa muốn nói đến việc suốt gần một thế kỉ kể từ khi thành lập đảng đến nay, người Cộng sản chỉ làm một việc duy nhất, đó là lợi dụng, bóc lột và đàn áp nhân dân, áp dụng chính sách ngu dân và vắt nhya6n dân đến tận cốt tủy nếu điều đó có lợi cho đảng. Khi đã vắt kiệt sức nhân dân, đảng cũng sẳn sàng vứt nhân dân như một miếng vỏ chanh không hơn không kém.
Mọi động thái có tính chất tưởng như phục vụ nhân dân, vì dân đều là thứ thủ đoạn bỉ ổi nhất mà người Cộng sản sử dụng khi đồng minh, phe cánh trong nội bộ đảng bị yếu đi. Nghĩa là, hệ thống cầm quyền đảng Cộng sản là một loại tổ chức quyền lực và lợi ích khép kín. Khi có một kẻ nào đó trong nội bộ đảng đứng trước nguy cơi bị loại ra khỏi cuộc chơi hoặc muốn loại đối phương, những kẻ đó sẽ mượn tay nhân dân.
Cụ thể, khi muốn loại một đối thủ nào, nhất định nhân vật rắp tâm loại bỏi đối phương sẽ tìm cách gần với nhân dân, vờ đi thăm cái chợ, hứa nhăng hứa cuội với những người dân mua bán trong chợ và tỏ ra quan tâm đến đời sống người dân. Ví dụ như chuẩn bị bầu cử hội đồng cấp xã, chắc chắn sẽ có vài ông, vài mụ chui xuống các xóm để hỏi han tình hình đời sống bà con, tặng chút quà cho ông A, bà B, quan tấm cái mương dẫn thủy lợi, đi bứt cỏ vài đám lúa. Cấp huyện thì tranh thủ chạy xuống các xã để hỏi han, để tổ chức văn nghệ hoặc tặng quà, cấp tỉnh lại chạy xuống huyện, cấp trung ương lại chạy xuống cấp tỉnh và hứa một thứ gì đó… Thường là mượn tay kẻ thấp hơn mình, mượn đường dư luận để được việc chứ không phải là vận động lá phiếu gì cả. Bởi lá phiếu đã có sắp xếp cả rồi và thằng nào không bỏ phiếu bầu thì thằng đó bị chiếu tới gài, tới chết. Bỏ phiếu chỉ là thủ tục thôi!
Và điều này dẫn đến hệ quả là nhân dân bị lợi dụng, đồng thời cũng bị dính mảnh một khi các bên nổ bom sát hại nhau. Không phải tự dưng mà một ông Phó Chủ tịch quận hay Phó chủ tịch huyện quyền lực suy cho cùng chỉ là tép riu lại dám vung tay đập bỏ mọi thứ hai bên lề đường để lấy lại lòng lề đường trong khi cái hệ thống mà ông ta đập bỏ lại chạm đến quyền lực trung ương, đụng đến không ít các nhóm lợi ích và đặc biệt là ông đã thò gậy chạm đến nanh nọc nơi hang hùm. Thử hỏi, những công ty, tập đoàn hay doanh nghiệp nếu không có thế lực, nếu không có cái dù đủ mạnh thì họ có dám lộng hành xây dựng hàng rào lấn chiếm vỉa hè, xây dựng lô cốt bên lề đường gọi là trạm bảo vệ, rồi tự sơn vạch trên lề đường để đậu xe? Nhưng ở đây, Phó chủ tịch quận ngang nhiên cho đập, ngang tàng dằng mặt các thế lực phía sau những cái trạm gác, những vạch sơn để xe?
Chắc chắn là không đơn giản, đây là một cuộc chiến giữa các thế lực và lấy lại lòng lề đường chỉ là một tốp lính đánh trận theo ủy nhiệm của bề trên. Đánh nhau là ở cấp trên, cao hơn nhiều, cấp dưới chỉ mượn danh pháp luật để đấu với nhau, súng đạn, dao kéo và thuốc kích thích hiếu chiến đều do bề trên ban cho. Hay nói một cách cụ thể, đây là cuộc chiến giữa trâu bò giữa các phe quyền lực chí trị và các nhóm lợi ích. Và cuộc húc nhau giữa trậu bò hăng đến độ làm chết không ít ruồi muỗi.
Thử nghĩ, ngoài các tòa nhà cao tầng bị đụng chạm đến cái quyền tự cho phép mình đỗ xe trên lề đường, tự vạch mốc sơn để tạo không gian của cơ quan, người đi bộ không được bước vào… thì còn biết bao nhiêu gánh hàng rong, bao nhiêu chiếc bàn con bày ra vỉa hè để kiếm sống, mỗi chiếc bàn, mỗi cục gạch báo hiệu có bán xăng lẻ, mỗi chiếc giỏ đựng trái cây, mỗi gánh rau củ, thúng xôi, gánh chè hay xe cà phê… Tất cả đều chứa đằng sau nó cả một gia đình, cả một thân phận cũng như số phận và tương lai của gia đình đó.
Và đương nhiên, quận 1 sẽ có hàng ngàn gia đình, hàng ngàn gánh hàng rong, bà xôi, bà bún bò, bà bánh bèo bánh xèo bánh đúc bánh bao bánh chưng đậu hủ bánh mì cà phê hủ tiếu… phải trôi dạt về một phương nào đó trong cuộc đụng độ của trâu bò này. Và như vậy, cũng đồng nghĩa với hàng ngàn gia đình phải ngưng trề, chén cơm thêm vơi và nguy cơ bỏ học, nguy cơ không có tiền để thuê nhà cùng hàng triệu nguy cơ khác đang rình rập.
Vấn đề dọn dẹp lòng lề đường thì tốt thôi, cũng nên có. Nhưng dọn dẹp theo kiểu đằng đằng sát khí và làm được là làm như vậy, xét cho cùng có vẻ không mang tính khoa học mà có chút gì đó hằn học, thể hiện sự hung tợn, quyết liệt nhiều hơn là kỉ cương, pháp luật. Và ở đây trâu nào húc bò nào, có lẽ phải đợi đến vãng trận mới rõ. Tin là chẳng bao lâu nữa đâu. Chỉ tội cho nhân dân mãi sống với thân phận của ruồi muỗi, phải chịu hết nỗi khổ này sang nỗi đau nọ và cứ mỗi trận húc nhau của trâu bò, lại thêm một lần ruồi muỗi phải chết.
Một đất nước mà số đông mang danh là ông chủ, bà chủ lại bé mọn như ruồi muỗi, kẻ đóng vai đầy tớ lại hung hãn và hành xử như trâu bò. Trâu bò càng húc nhau thì ruồi muỗi càng bị bẹp dí như vậy gọi là gì nhỉ?!
nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/3744