Tuấn Khanh
Đêm trước đó, ngày 16, tôi ghé lên Đà Lạt và gọi nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ ra tán gẫu. Anh Cứ uống bia, còn tôi ăn phở và uống cafe. Mọi thứ thật bình an và tẻ nhạt vì khắp nơi lúc đó - hiện trên facebook - là những lời kêu gọi và tuyên bố sẽ tham gia tuần hành kỷ niệm ngày Cộng sản Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam. Một cuộc chiến tranh đẫm máu dân lành từ chủ trương giết tất diệt tận của "người anh em" Bắc Kinh.
Thời sự sôi động lan sang cuộc trò chuyện văn nghệ của chúng tôi. Ở đâu, lúc nào, người ta cũng có thể nghĩ về quê hương mình và cái ác của chế độ cộng sản, phải không?
Trước khi chia tay, chúng tôi chụp tấm ảnh lưu niệm. Hẹn nhau mai gặp lại, để cùng xem tin tức, để biết ngày 17-2 đó là chỉ riêng của nhân dân hay may mắn là của chính quyền và nhân dân.
Anh Cứ post tấm ảnh kỷ niệm đó trước giờ đi về, nhà ai nấy về ngủ, mà anh Cứ gọi đùa là giờ G. Anh viết trên facebook "ngồi với nhau trước giờ G".
Sáng sớm hôm sau, ngày 17-2, khi trời còn mờ sương. Nhà của anh Cứ có tiếng đập cửa dồn dập. Hơn chục người, cả công an, mật vụ, dân phòng, uỷ ban, tổ dân phố... đứng đầy trước cửa nhà anh Cứ và đòi kiểm tra hộ khẩu. Nhà chức trách nghĩ tôi ngủ lại nhà anh Cứ nên muốn "bắt tận tay, day tận mặt".
Phần mình, tôi dạo sớm ở chợ Đà Lạt và bất ngờ thấy xe môtô 113, công an, dân phòng rãi rác một cách bất thường. Khi gặp nhau cafe sáng, tôi và anh Cứ kể lại cho nhau nghe, và bật cười - cười khẩy.
Hoá ra an ninh theo dõi Facebook của anh Cứ và lo rằng anh ấy và tôi sẽ làm một cái gì đó, cam kết cùng nhau trước giờ G nào đó. Có thể là một giờ G, mà tất cà người dân đều mang trong mình lời nguyện cầu bí ẩn khiến mọi thế lực bạo ác khi đối diện thật sự, chỉ còn là tro bụi.
Ngày 17-2 năm nay. Chúng tôi lại chụp bức ảnh mô phỏng ngày ấy. Và cùng cười.
Chúng tôi - dù có mỏi mòn - nhưng vẫn còn đó. Sự rình rập của bộ máy toàn trị thì cũng vẫn còn đó. Nhưng hôm nay, con người Việt Nam và nhận thức đã khác, đã mới mẻ và quyết liệt hơn. Bạn có nhận ra sự đổi thay đó?