Khác biệt giữa dân chủ pháp trị và độc tài toàn trị
Thiện Ý
Có quan niệm cho rằng chính trị và đạo đức là hai phạm trù khó có sự dung hợp, “chính trị đi vào thì đạo đức đi ra”. Vì nói đến chính trị là người ta hay nghĩ đến các thủ đoạn, âm mưu giành chính quyền để thực hiện những chủ trương chính sách cai trị; người hay đảng cầm quyền có thể vận dụng mọi phương cách dù gian trá, bất chính, vô nhân đạo, phản đạo đức, vô luân để đạt mục tiêu cá nhân hay tập thể.
Quan niệm này có thể phản ánh phần nào sinh hoạt chính trị thực tế, nhưng chỉ đúng về mặt tiêu cực của chính trị, mà không đúng về mặt tích cực và chính mặt tích cực này của chính trị mới phản ánh trung thực nội dung và ý nghĩa cao đẹp của chính trị, phù hợp với nhân đạo, đạo đức xã hội. Theo đó từ ngữ chính trị bao gồm hai cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành chính quyền để thực hiện chủ trương, chính sách cai trị sao cho có hiệu quả thực tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi tầng lớp nhân dân được sống trong độc lập, tự do, công bình, ấm no và hạnh phúc.
Một chính đảng, muốn nắm được chính quyền theo vương đạo, phải chứng tỏ trước nhân dân là một đảng chân chính, vững mạnh về tổ chức, đưa ra được các chủ trương, chính sách ích quốc, lợi dân có tính thuyết phục và khả thi. Người làm chính trị chuyên nghiệp, muốn nắm được chính quyền, trước hết phải chứng tỏ tài năng và đạo đức cá nhân trước chính đảng của mình (nếu muốn nắm chính quyền thông qua chính đảng), hay trước nhân dân (nếu muốn nắm chính quyền với tư cách cá nhân). Như vậy, chính trị và đạo đức dù ở hai phạm trù vẫn có sự dung hợp và là một sự kết hợp phải có theo ý nghĩa chính danh, cao đẹp của từ ngữ chính trị. Chẳng qua, quan niệm cho rằng giữa chính trị và đạo đức không thể dung hợp, xuất phát từ những biểu hiện tiêu cực của các hoạt động chính trị thực tiễn của các chính đảng và các chính trị gia bất chính, bất lương, làm chính trị theo trường phái bá đạo, chỉ vì lợi ích cá nhân hay chính đảng của mình. Thế nhưng, thực tế với các biểu hiện tích cực của các chính đảng và các chính trị gia chân chính, lương hảo, đã xác tín nội dung và ý nghĩa cao đẹp của từ chính trị. Đồng thời cũng chính thực tế thể hiện mặt tiêu cực của các chính đảng và các chính trị gia bất chính, bất lương, đã làm mất niềm tin của nhân dân, khiến chính trị có bản chất trái đạo đức, vô nhân đạo.
Vì vậy, dưới mắt quần chúng và công luận xã hội, đạo đức chính trị đã là chuẩn mực xét định, tín nhiệm, tuyển chọn, đánh giá các chính đảng và các chính trị gia chuyên nghiệp. Trên thực tế, quần chúng và công luận luôn giữ vững các chuẩn mực này và không bỏ qua những vi phạm chuẩn mực đạo đức đối với các chính đảng hay các chính trị gia tham chính.
Trên thực thế cho thấy ý nghĩa tích cực, cao đẹp của chính trị thường thể hiện mức độ cao trong các chế độ chính trị “dân chủ pháp trị”; còn ý nghĩa tiêu cực xấu xa của chính trị hầu như chỉ thể hiện trong các “chế độ độc tài” các kiểu (quân chủ chuyên chế, tôn giáo chuyên chế, độc tài quân phiệt, cộng sản chuyên chính hay cộng sản độc tài toàn trị…). Thực tế ai cũng có thể thấy rõ sự khác biệt vế ý nghĩa chính trị tốt hay xấu nơi các nước theo chế độ dân chủ và các nước theo chế độ độc tài.
Tại Hoa Kỳ, như quý độc giả quan tâm đều biết qua các cuộc tranh cử vào các chức vụ dân cử hay công cử, tiêu chuẩn đạo đức cá nhân chính trị gia là một tiêu chuẩn hàng đầu gắn liền với tài năng các ứng viên độc lập cũng như do chính đảng đưa ra. Trong các cuộc bầu cử vào các chức vụ dân cử các cấp liên bang hay tiểu bang và địa phương nói chung, một số ứng viên đã phải bỏ cuộc sau khi công bố ý định ra tranh cử hay mới bước vào tranh cử một thời gian, do bị cử tri hay truyền thông báo chí đưa ra trước công luận những vi phạm đạo đức cá nhân. Thông thường, các ứng viên biết tự trọng phải bỏ cuộc, vì những vi phạm pháp luật liên quan đến ái tình bất chính (vi phạm luật hôn nhân gia đình) hay trốn thuế, thể hiện một phẩm chất thiếu trung thực, bất xứng với nhân cách một người đại diện làm việc cho dân cho nước. Vì vậy, trong cuộc bầu cử vừa qua những người chống ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã cố đưa ra những quan hệ bừa bãi trong đời thường của ông Trump với phụ nữ và cố buộc ông phải công khai hồ sơ khai thuế. Nhưng rốt cuộc ứng cử viên Trump đã không hề hấn gì, có lẽ ông đã không vi luật (hôn nhân gia đình và thuế vụ) mà vợ con của ông và sở thuế đã biết rõ thực chất các vụ tố cáo này chăng? Do đó, trong các cuộc bầu cử tranh cử tự do ở Hoa Kỳ, mọi người đều có quyền bóc trần đời tư cá nhân của một ứng viên mà không sợ bị kết tội vi phạm đời tư cá nhân là như vậy.
Đối với các chức vụ công cử cũng vậy, ngoài tài năng, phẩm chất đạo đức của các ứng viên cũng được xét đến. Vì vậy những người sau khi được tân Tổng thống Donald Trump (cũng như các vị tiền nhiệm) mời tham gia nội các còn phải được sự chuẩn thuận của Quốc hội để được xét nhiều mặt trong đó có phẩm chất đạo đức cá nhân. Một điển hình dưới thời Tổng thống Barrack Obama nhiệm kỳ đầu, đã có ba nhân vật được ông đề cử vào các chức vụ công quyền, nhưng hai trong ba vị này đã phải từ chối sự đề cử sau khi bị phanh phui thiếu thuế. Đó là cựu Thượng Nghị sĩ Tom Dashle, từng là lãnh tụ đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, tuyên bố không nhận chức Bộ trưởng Y tế đặc trách chương tình cải tổ y tế đầy tham vọng của Tổng thống Obama, vì đã quên trả tiền thuế $130,000. Khi loan báo quyết định rút lui, ông Dashle nói rằng ông không thể nào thi hành công vụ với niềm tin không trọn vẹn của Quốc hội và người dân Mỹ”. Từ chối của ông Dashle được đưa ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bà Nancy Killefer, người được Tổng thống Obama để cử làm người quản trị ngân sách Tòa Bạch Ốc, một chức vụ mới nhằm theo dõi sự chi tiêu tránh lãng phí của chính phủ, phải từ nhiệm cũng vì vướng mắc với tiền thiếu thuế trong quá khứ. Riêng ông Tim Geithner được đề cử giữ chức Bộ trưởng Tài chánh thì khỏi phải từ nhiệm, vì đã kịp sửa sai sự thiếu thuế. Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình NBC, Tổng thống Obama nói ông rất buồn, hối tiếc và có lỗi trong việc giải quyết vụ việc này. Ông nói: “Tôi nhìn nhận mình đã sơ suất, lầm lỗi này quan trọng cho cả nội các, vì chúng ta muốn gửi đi thông điệp rằng nước Mỹ không có hai bộ luật riêng rẽ, một dành cho người có chức quyền, và một dành cho dân nghèo”.
Trong khi đó, chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam, chẳng cần nói ra thì nhân dân Việt Nam ai cũng biết chính trị không có đạo đức và không cần đạo đức. Vì vậy khác với chế độc dân chủ, các chức vụ công cử đều do sự chọn lựa duy nhất của đảng CSVN. Tiêu chuẩn hàng đầu để được lựa chọn không phải là nhân cách, tác phong và đời sống đạo đức mà là lòng trung thành được thể hiện trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách. Tiêu chuẩn tài năng cũng cần, nhưng chỉ là để làm tốt nhiệm vụ đảng giao phó, vì lợi ích của đảng chứ không phải lợi ích của dân. Trong các cuộc bầu cử, đảng CSVN chọn ứng cử viên để dân bầu. Các cử tri cũng được quyền phê phán có mức độ, nhưng nghiêm cấm bới móc đời tư cá nhân ảnh hưởng không tốt cho đảng. Truyền thông, báo chí thì nhà nước nắm độc quyền nên lý lịch các ứng cử viên đảng cho biết đến đâu thì dân biết đến đó. Tội trốn thuế chỉ áp dụng cho nhân dân, cũng như quan hệ bất chính dù vi phạm luật hôn nhân gia đình là không có hay có cũng không được áp dụng với các ứng cử viên được đảng chọn và các quan chức nhà nước cao cấp. Đó là thực trạng phổ biến dưới chế độ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hiện nay.
Như vậy có thể nói, chính trị phải có đạo đức, sự vi phạm đạo đức chính trị là do các hành vi của các chính đảng và những người làm chính trị. Có khác chăng là cách xử lý các vi phạm đạo đức chính trị trong chế độ dân chủ có khác chế độ độc tài. Sự khác biệt này được thể hiện qua cách xử lý của Tổng thống Obama và sự tự giác, tự xử những vi phạm đạo đức chính trị của những người được đề cử vào các chức vụ công quyền ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, dưới chế độ cộng sản Việt Nam, những ứng cử viên được đảng chọn không tự giác từ chối sự đề cử của đảng khi thấy mình bất xứng về đạo đức đã đành, mà chính đảng CSVN còn coi nhẹ tiêu chuẩn đạo đức và tìm cách bao che những vi phạm pháp luật của các viên chức cầm quyền vì lợi ích cao nhất của đảng.
Tựu trung, trong chế độ độc tài toàn trị như ở Việt Nam hiện nay, có hai thứ luật pháp, một cho nhân dân và một cho những kẻ cầm quyền. Như thế, nó tiêu biểu cho mặt tiêu cực của chính trị, làm mất ý nghĩa cao đẹp của chính trị, khiến nhiều người lầm tưởng hai phạm trù chính trị và đạo đức không thể dung hợp, trong khi thực chất và thực tế chính trị và đạo đức có tính chất song hợp, góp phần chủ yếu vào sự ổn định, phát triển và thăng hoa xã hội lòai người. Vì chính trị mà không có đạo đức, không chỉ phá hủy niềm tin con người mà còn phá hủy cả sự tiến bộ và nền đạo đức xã hội.
nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/15/11-656-khac-biet-giua-dan-chu-phap-tri-va-doc-tai-toan-tri/