Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
FB. Ngô Nhật Đăng
Hôm rồi café Sài Gòn. Bạn bảo: Công nhận các anh ngoài đó chống cộng thật nhiệt huyết, nhưng dù sao vẫn cứ gợn gợn trong lòng. Các anh vẫn có nguồn gốc cộng sản nòi, hoặc sống chung nhiều năm với cộng sản.
Chạnh lòng nhớ tới những người quen biết, như Cù Huy Hà Vũ hay anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (người bị xử án hôm qua)… Những tráng sỹ đang đứng giữa hai làn đạn, sự cố gắng của các anh phải gấp đôi bình thường cũng như phải chịu một áp lực gấp đôi. Mà thôi, cắt nghĩa chuyện này phải tốn rất nhiều giấy mực, chỉ thấy thì ra cái nọc độc tư tưởng (cs) ấy ghê gớm thật. Hỏi bạn vì sao lại có cảm giác ấy, bạn nói rất nghiêm trang:
– Các anh không hiểu được cái cảm giác bị nhục mạ như chúng tôi phải chịu từ sau 75.
Ra vậy, người ta có thể chịu đựng được đau đớn, nghèo đói, bệnh tật v.v… Nhưng cảm giác bị hạ nhục, phải cúi đầu nuốt cái nhục để thấy mình hèn nhát, nó thật khó chịu đựng. Khó mà quên trong suốt cuộc đời. Nhớ một lần xuống miệt vườn chơi, anh Năm tay cầm ly rượu, nước mắt giàn rụa:
– Em Đăng. Anh Năm có bằng tú tài từ trước 75. “Giải phóng” về, tay trung úy công an đập bàn trước mặt anh: “Thứ mày thì tú tài gì, không bằng lớp 2 của tụi tao”. Anh nhớ mãi.
Nhưng chúng tôi có bị hạ nhục không?
Tôi ra đời khi bà nội đã mất nhiều năm (trong cải cách ruộng đất) nên tôi không biết bà nghĩ gì khi tự sát vì bị đấu tố. Có lẽ vì bà quá thất vọng khi hôm qua những người mà bà phải cưu mang, cho ruộng đất, thậm chí mang về nhà nuôi nấng khi họ bị mồ côi…thì hôm nay họ bỗng đổi khác, xắn váy, quai cồng, mặt đỏ tía tai, miệng xùi bọt, xỉa xói vào mặt bà xưng mày tao, gọi bà là tên hút máu nông dân (Nhà tôi có khu ruộng từ hàng trăm năm trước, hoa lợi chỉ cần đủ dùng cho việc cúng tế hàng năm ở nhà thờ cụ tổ của chi họ, người đã khai phá vùng đất này. Quy định, phải luân phiên có một người con trai về coi sóc, nên ông nội tôi đang ở Pháp phải trở về).
Nhưng tôi hiểu cảm giác của bác tôi khi ông kể: Nghe tin bà, bác vội chạy về (Lúc đó ông đang dạy tiếng Pháp, văn học và triết học cho mấy tay lãnh đạo Việt Minh, kiến thức lộ cộ muốn khoác cho mình cái vẻ học thức. Bác tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm thời Pháp, từng là học sinh giỏi nhất xứ Trung, Bắc kỳ), đến đầu làng du kích chặn lại: “Anh là cán bộ không được phép gặp con mụ địa chủ”. Ông nói thêm: “Chúng nó gọi mình bằng anh và gọi mẹ mình là con mụ”.
Tôi hiểu cảm giác của ông anh họ, khi đó lên 10. Đội (cán bộ cải cách) hỏi:
– Mày là cậu ấm (bố anh ấy làm quan) có ăn được trái mít non?
– Dạ được.
– Bây giờ phải tập ăn thêm cục cứt bò này. Lũ chúng mày từ nay phải ăn cứt.
Và đêm đó anh trốn đi khỏi làng.
Nhưng tôi không hiểu, tại sao bố tôi không bao giờ nhắc chuyện này, cho đến năm tôi 20 tuổi ông mới nói: “Con phải nhớ, bà nội con bị chết trong CCRĐ”. Và, mãi sau khi ông chết, chú tôi mới kể:
“…Bố mày về, câu đầu tiên: ‘Mẹ đâu?’, chú khóc chỉ lên bàn thờ. Ông ấy đổ vật xuống, nằm lỳ trong nhà 7 ngày không ra khỏi cửa, ngày thứ 8 lôi trong ba lô ra cái áo bông và cái áo len mua về cho mẹ, chặt nhỏ, châm lửa đốt rồi đi thẳng, mấy chục năm không thấy quay trở về”.
Chúng tôi có bị hạ nhục không?
“Anh là cộng sản nòi” – Câu đó đúng là sỉ nhục thật, nhưng tôi không thanh minh. Một ông tướng QĐND, nguồn gốc bần cố nông, có câu nói nổi tiếng:
– Tiểu tư sản 10 năm lên 1 cấp là nhanh. Bần cố nông 1 năm lên một cấp là chậm.
Bố tôi, học xong Lục quân năm 1950 (pháo binh), khi phong quân hàm là trung úy, sau 30 năm quân ngũ đúng là lên được 3 cấp. Vẫn nhanh.
Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
Chắc những thế hệ này vẫn còn nhớ, bị ghi lý lịch “con cái ngụy quân, ngụy quyền”, bị gọi là bọn “xỏ nhầm giầy”, đừng mơ học đại học ngoài 2 trường bị coi rẻ là Nông nghiệp và Sư phạm. Một người chị tôi quen, con gái phố Hàng, xinh đẹp, dịu dàng. Chị học Sư phạm, ra trường phải đi miền núi, tay cán bộ phòng giáo dục (bần nông quê Nghệ An) hứa lo cho chị ở lại Hà Nội với điều kiện… lấy hắn. Chị ở nhà đan len, phụ cha, một nhạc sỹ tiền chiến dạy nhạc lý cho chúng tôi mỗi mùa hè khi chúng tôi đến học guitare ở nhà ông.
Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
Khi vào lính để “bảo vệ Tổ quốc”, chúng tôi vẫn nằm trong diện “25 đối tượng cần sưu tra”. Số phận chắc chắn sẽ là nằm trên chốt tuyến đầu nơi hòn tên mũi đạn.
… còn nhiều lắm.
Vì thế bạn ơi, khi miền Nam “được giải phóng”, chúng tôi ngoài kia đã biết các bạn sẽ phải chịu đựng những gì. Thông cảm và thương thầm vì biết sẽ khó hơn chúng tôi, các bạn đã được sống qua một thời có nền dân chủ.
Rồi chúng tôi cũng có chút ghen tị, các bạn còn được thế giới biết đến và lên tiếng, các bạn còn có con đường thoát đó là vượt biển với giá đắt, còn được những bàn tay giơ ra giúp đỡ.
Còn chúng tôi, lúc đó chúng tôi biết kêu ai? Và ai nghe thấy? Những người vượt bức màn tre đến được với chúng tôi hóa ra lại là những kẻ như cô minh tinh Mỹ có biệt danh “Jane Hà Nội”. Và chúng tôi biết vượt đi đâu? Một người bạn tôi, mới hơn 2 tuổi, ngồi bên xác mẹ bên bờ sông giới tuyến. Bà ôm con định trốn vào Nam, bị bắn chỉ vì trong người mang nhiều vàng bạc. Sau thời hạn di cư năm 54, vẫn còn nhiều người tìm cách trốn vào Nam nhưng số phận của họ đều như vậy. Đến bây giờ, tóc đã hoa râm, bạn tôi vẫn đau đáu nỗi niềm không biết mẹ của cô hiện nằm ở nơi nào.
…..
Vì thế chúng tôi chống cộng, không oán thù cá nhân mà căm thù cái nọc độc tư tưởng ấy. Chúng tôi chống một cách tuyệt vọng, đôi lúc cô đơn nhưng không khi nào hết kiên nhẫn. Chúng tôi chống nó chỉ biết bằng cách trục cái nọc độc đó ra khỏi tâm hồn mình, ra khỏi những người thân yêu của mình và hy vọng biết đâu trục nó ra khỏi tâm hồn người khác. Từ bé tôi đã thề: “Không vào đội, vào đoàn, vào đảng, không đi làm cho nhà nước”. Bây giờ, gần hết cuộc đời, kiểm điểm lại tôi tự hào là mình đã làm được và càng tự hào khi con mình cũng đang làm được.
Hôm qua trước phiên tòa anh Vinh Ba Sàm cũng nói: “Tôi tự hào…”
Chắc bạn đã hiểu vì sao, người bạn Sài Gòn.