CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI - 1979
Cuộc chiến biên giới phía bắc - nguồn TTV+
Đặng Xuân Xuyến
Tổng hợp
Rạng sáng ngày 17 tháng 02 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điều động một lượng lớn quân đội và vũ khí hiện đại nhất mà chúng có lúc đó, ngang nhiên tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới của 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam.
Để tấn công xâm lược Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân (chưa kể dân công hỏa tuyến phục vụ), sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không... với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Ngoài ra, quân Trung Quốc còn mang theo mấy trăm máy bay, và một số tàu chiến thuộc hạm đội Nam hải sẵn sàng tham chiến khi cần thiết.
Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Cộng Sản Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Về phía quân dân Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt - Trung là Sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa), ngoài ra còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều...
CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC VIỆT NAM CỦA BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC
Cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ ngày 17 tháng 02 năm 1979 và kết thúc ngày 16 tháng 03 năm 1979, có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn xâm lược và giai đoạn rút lui.
Giai đoạn xâm lược:
*. Thời gian 17 ngày (từ 17/2 đến 5/3/1979):
Ngày 17/2-19/2: Trung Quốc đột kích trên toàn tuyến biên giới dài trên 1.000 km chiếm một số vị trí tiền duyên của Việt Nam.
Ngày 20/2: Trung Quốc chiếm thị xã Lào Cai, thị trấn Đồng Đăng của Việt Nam.
Ngày 21/2: Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng của Việt Nam.
Ngày 22/2: Trung Quốc chiếm thị trấn Bảo Lộc của Việt Nam.
Ngày 23/2: Trung Quốc chiếm thị xã Hà Giang của Việt Nam.
Ngày 24/2: Trung Quốc chiếm thị trấn Cam Đường của Việt Nam.
Những ngày này, quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Chiến sự đặc biệt dữ dội tại vùng gần Lạng Sơn, Sapa.
Ngày 5/3: Trung Quốc chiếm Sapa và một phần thị xã Lạng Sơn của Việt Nam.
Ngay trong ngày hôm đó (5/3), Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích, bắt đầu rút quân khỏi (cuộc chiến xâm lược) Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố tổng động viên toàn quốc.
Giai đoạn rút lui:
* Thời gian 10 ngày (từ 6/3 đến 16/3/1979):
Kể từ lúc quân Trung Quốc rút lui, bộ đội Việt Nam không tổ chức tấn công, truy kích địch.
- Ngày 5 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu rút khỏi một phần của thị xã Lạng Sơn, đến 12/3 rút hết khỏi Đồng Đăng.
- Ngày 7 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu rút khỏi vùng Lào Cai, đến 13/3 thì rút hết
- Ngày 7 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu rút khỏi vùng Cao Bằng, đến 14/3 thì rút hết.
Ngày 7 tháng 3, Việt Nam tuyên bố để thể hiện "thiện chí hòa bình", Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.
Mặc dù tuyên bố rút lui, quân Trung Quốc vẫn thảm sát dã man người dân Việt Nam, như vụ thảm sát ngày 9/3 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Chúng, quân Trung Quốc, đã dùng búa và dao giết 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối.
Trong thời gian rút lui, quân Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã, thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn...
Ngày 16/3/1979 nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố hoàn thành việc rút quân, chiến tranh xâm lược Việt Nam kết thúc.
THỐNG KÊ THƯƠNG VONG:
*. Số liệu từ Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy:
Một thống kê chính thức của Đài Loan phản ánh, số người chết của phía Trung Quốc là 26.000; của phía Việt Nam là 30.000 người.
Số bị thương: Phía Trung Quốc là 37.000 người. Số thương vong phía Việt Nam là 32.000 người.
Về số bị bắt sống, phía Trung Quốc là 260 người. Phía Việt Nam là 1.600 người.
*. Số liệu từ các nguồn khác:
- Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự nhưng thấp hơn một chút.
- Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000, một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc.
- Nguồn của King Chen nói rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc.
- Theo tạp chí Time thì phía Việt Nam có khoảng dưới 10.000 lính thiệt mạng và hàng nghìn dân thường bị lính Trung Quốc giết.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, quân Trung Quốc đã phá hoại hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị trấn, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa… của nhân dân Việt Nam tại những nơi chúng đi qua.
NHỮNG TIẾNG NÓI HẬU CHIẾN:
Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG:
Tưởng niệm cuộc chiến 1979: Không có gì nhạy cảm!
“Theo tôi, không có gì nhạy cảm ở đây, khi tưởng niệm một chiến công oanh liệt đến thế của dân tộc. Nó hoàn toàn khác và không liên quan gì đến kích động chủ nghĩa dân tộc cả.
Nước nào trên thế giới cũng tổ chức những ngày kỷ niệm tương tự như vậy. Nhật Bản và Mỹ hiện là đồng minh chặt chẽ. Nhưng chẳng hạn với sự kiện Trân Châu Cảng 7/12/1941, hàng năm nước Mỹ vẫn kỷ niệm và thế hệ sau vẫn hiểu rất sâu sắc thảm họa. Còn thanh niên Nhật vẫn tỏ tường tội ác của Mỹ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật ghi rõ sự kiện này trong SGK và cũng tưởng niệm hàng năm.
Ở châu Âu, thanh niên Anh, Pháp… vẫn hiểu tường tận tội ác của phát-xít Đức giai đoạn 1940-1945. Tất cả hệ thống sách giáo khoa sử của Mỹ, Nhật, Anh… đều có những trang đen tối như vậy cả, trong khi hiện họ là đồng minh của nhau.
Đối với Việt Nam, việc kỷ niệm những sự kiện như chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, chiến thắng Điện Biên Phủ, thống nhất đất nước 1975, Chiến tranh Biên Giới 1979… chính là để các thế hệ hiện tại khắc cốt ghi tâm, tưởng nhớ đến những người đã chiến đấu bảo vệ đất thiêng. Và cũng là để hun đúc cho họ ý chí quật cường yêu nước.”
Nguyên Phó Chủ tịch nước NGUYỄN THỊ BÌNH:
Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù:
“Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.
Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17.2.1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra; ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước cũng phải hiểu đúng: đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là bài học. Không thể quên lãng nó.”
Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT:
Cần phải sòng phẳng với lịch sử:
“Chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc oanh liệt. Cũng như mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khác, cuộc kháng chiến này cần phải được đưa vào sách giáo khoa, trước hết là sách giáo khoa môn lịch sử, bởi đây là một phần của lịch sử, có tác dụng giáo dục cho thanh thiếu niên lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Giáo trình “Đại cương lịch sử Việt Nam” dành cho bậc đại học đã có phần viết về cuộc chiến tranh biên giới này rồi. Nhưng sách giáo khoa phổ thông thì chưa có.
Đưa nội dung này vào sách giáo khoa không phải để khắc sâu hận thù hay kích động tâm lý bài Trung. Sách giáo khoa không chỉ viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà còn phải viết về những trận chiến tại Hoàng Sa, Trường Sa. Cần phải sòng phẳng với lịch sử. Chúng ta lên án những kẻ gây ra chiến tranh và những hành vi tàn bạo, đê hèn trong chiến tranh biên giới và các cuộc chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa… nhưng chúng ta không chống nhân dân Trung Quốc.”
Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN THÀNH:
Phải đưa chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa:
“Trong khi Việt Nam kiềm chế không đưa những sự kiện chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử, giáo khoa, phim ảnh, báo chí, tuyên truyền... thì Trung Quốc đơn phương thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc sự thật về bản chất cuộc chiến tranh này khi coi đó là cuộc chiến chính nghĩa, là phản kích tự vệ của Trung Quốc. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Chúng ta không cắt xén, bịa đặt, cũng không tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc vào sách lịch sử và giáo khoa phải được coi là hành động làm rõ sự thật lịch sử, nói rõ với nhân dân và các thế hệ sau sự thật về bản chất của cuộc chiến tranh này.”