Lý Xã
Việt Báo
Bản tin “Muốn người dân nói, lãnh đạo phải biết lắng nghe” của Lê Thoa trên Báo Pháp Luật Tp HCM.
- Xúi cho người ta chết à?
- Muốn dân nói thì phải cam kết trên giấy trắng mực đen, phải đem cả “sinh mạng chính trị” ra mà bảo đảm rằng họ sẽ không bị hãm hại, trả thù, không phải là diễn kịch lắng nghe!
- Cuối thập niên 1970 “văn học dân gian” ta có câu “Lao động vinh quang -- lang thang chết đói -- hay nói ở tù -- lù khù đi kinh tế mới”. Nói nhiều thì thể nào cũng động chạm đến đảng và nhà nước.
- Nhưng thực ra thì người dân không nhất thiết là phải nói vào lỗ tai của nhà cầm quyền. Hãy bảo đảm quyền tự do ngôn luận, cho phép ra báo tư nhân thì họ tha hồ trình bày chính kiến của mình, mấy ông không cần giả bộ “lắng nghe” mà bị đẩy vào tình thế phải nghe và phải làm.
“Chiều 18-1, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024. Chuyên đề năm 2024 của Thành uỷ TP.HCM là "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết trong xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
- Tưởng học theo đạo đức của ai, hóa ra cũng là đạo đức của lão ta, hậu quả nhãn tiền đã rành rành ra kìa: con người ngày càng tha hóa, đạo đức ngày càng suy đồi.
- Nói chuyện đạo đức thì phải nói chuyện phép tắc, tôn ti thượng hạ. Mà cái lão già mà cả nước phải học này thì thôi; năm 1945 lão mới có 55 tuổi mà đã bắt cả nước gọi mình là bác, trong đó có những ông già bà lão 80, 90, đáng cha, đáng bác của mình!
“Triển khai nội dung chuyên đề năm 2024, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, cho rằng để thực hành dân chủ, cán bộ, công chức cần có kỹ năng lắng nghe.”
- Đầu tiên là chữ “nguyên”, chữ này hoàn toàn sai. Bà Phạm Phương Thảo là cựu chủ tịch, cựu phó bí thư. Nếu nhắc lại chuyện năm xưa, tả cảnh bả làm gì đó khi còn đương chức, xem như là “hiện tại trong quá khứ”, mới dùng từ “nguyên”, cũng tương tự chữ “then” trong tiếng Anh.
- Mà để lắng nghe dân thì chỉ cần cái tâm thôi. Còn “kỹ năng lắng nghe” thì hoặc là dành cho người học ngoại ngữ, hoặc dành cho bọn quan chức không hề muốn nghe, nhưng giả bộ quan tâm, biết lắng nghe dân!
- Nhưng cái chính là “thực hành dân chủ”. Để thực hành dân chủ thì phải trao quyền làm chủ cho dân, cho họ quyền tự do ứng cử, quyền giám sát việc bầu cử, và trao quyền lực thực sự cho người đắc cử.
- Dân chủ gì mà chỉ là “cán bộ, công chức cần có kỹ năng lắng nghe”? Dân chủ phường tuồng à?
“Bác Hồ nói nôm na dân chủ là làm cho người dân mở miệng, dân nói thì phải có người nghe, làm lãnh đạo phải nghe dân nói chứ” – bà Thảo nói và khẳng định lãnh đạo muốn lắng nghe thì phải có sức chịu đựng, nghe được tiếng nói phê bình, phản biện của người dân.”
- Dân chủ thì lão “nói nôm na”, còn cách mạng thì lão “làm nôm na” theo cách nghĩ trong đầu nhân vật như AQ của Lỗ Tấn: “Cách mạng là… cách mẹ cái mạng của bọn địa chủ!”, không biết trong đời lão, lão đã “cách” bao nhiêu cái “mạng” như vậy rồi!
- Mà xem, “tư tưởng” của lão về “thực hành dân chủ” chỉ là thế thôi sao? Dân chủ phải là chấp nhận tiếng nói của người dân, cho dân bỏ ý nguyện của mình vào thùng phiếu. Dân chủ đâu chỉ là phun nước bọt vô lỗ tai mấy ông quan lãnh đạo?
“Đồng thời, cán bộ phải lắng nghe bằng tất cả giác quan, trí tuệ, để hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng, nghe bằng trái tim, bằng sự cảm thông, bao dung, tình thương yêu của mình, từ đó hoá giải mọi thành kiến.”
- Nghe y như là ca cải lương nhưng coi chừng cán bộ đảng viên tin bà mà bị tội sách nhiễu tình dục hay cưỡng dâm đấy!
- Bà bảo họ lắng nghe bằng “tất cả giác qua”, tức vận dụng năm bộ phận đảm nhiệm vai trò thị giác, thính giác, vị giác đến khứu giác và xúc giác.
- Gặp một cô trẻ, hơ hớ xuân tình, họ áo vào da thịt cô mà “nghe” bằng lưỡi hay bằng da tay, nếu bị kiện mang ra tòa, họ bảo ơ hay, bà cựu phó bí thư chả dạy chúng tôi là phải nghe bằng năm giác quan là gì? Thì muốn nghe bằng “vị giác” tất phải thè lưỡi ra mà…dí vào, còn nghe bằng “xúc giác” thì có phải miết tay hay cái gì đó khác vào hay không?
- Nhưng đã gọi là “dân chủ”, là “pháp chế” thì dân chả cần phải nhờ cậy đến sự “cảm thông, bao dung, tình thương yêu” của thằng nào con nào cả. Vì đã hiến pháp, có pháp luật bảo vệ!
“Bà dẫn chứng khi làm con đường Nguyễn Văn Linh, lãnh đạo TP.HCM được cơ quan chuyên môn đề nghị làm đường này rộng 18 m nhưng lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe dân, quyết định làm 120 m. “Dù thế, bây giờ cũng có chỗ kẹt xe, nếu khi xưa không lắng nghe mà quyết định làm đường 18 m thì bây giờ không biết kẹt xe mức nào” – bà Thảo nói.”
- Ôi, hết chuyện để tự hào rồi hay sao ma cái việc cực kỳ bình thường kia cũng mang ra khoe được!
- Cũng giống như bà hàng rong khoe con “Ối giời ơi, con trai tôi nó ngoan lắm, không ruọu chè hút xách hay bồ bịch, cũng chả bao giờ đi chơi khuya”, nhưng hỏi ra thì cậu con trai quý hóa của bà mới có… ba tuổi!
- Anh là lãnh đạo thì anh lèo lái hướng đi, nhưng trong công việc kỹ thuật thì phải để giới chuyên môn giải quyết, đó là chuyện bình thường, chuyện dĩ nhiên. Cũng như đứa bé ba tuổi thì biết gì chuyện bồ bịch và hút sách hay chơi khuya?
“Theo bà Phạm Phương Thảo, thực hành dân chủ trong Đảng phải tăng cường sự mạnh dạn, thẳng thắn góp ý, phê bình, tự phê bình thật tốt; thực hiện tập trung dân chủ và tránh bệnh hình thức, độc đoán, chuyên quyền.”
- Cái gọi là “tập trung dân chủ” chỉ là một hình thức của sự “độc đoán, chuyên quyền”.
- “Dân chủ” ở cơ sở thì tập trung vào chi bộ, lên cao thì “tập trung” và đảng ủy, đảng đoàn, rồi Trung ương đảng. Rồi quyền lực của trung ương lại tập trung vào cái thiểu số bé tý ty gọi là Bộ chính trị.
- Mà để “tập trung” như thế lại phải sử dụng hàng loạt các vụ tố cáo để gây sức ép hay bôi bẩn đối thủ, thậm chí thanh toán nhau, càng lên cao càng dữ dội, ác liệt!
“Trong thu hút người tài, bà Phạm Phương Thảo dẫn chứng những tướng lĩnh tài ba từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thu phục, trọng dụng. Trong đó, Chính phủ liên hiệp kháng chiến tháng 3-1946 từng có hai bộ là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng quy tụ những người tài ngoài Đảng nắm giữ.”
- Không giấu đi thì thôi, còn khui ra, còn mang đi khoe, bộ không biết xấu hổ à?
- Đó không phải là “thu phục, trọng dụng” mà là “dụ dỗ, lợi dụng”! Lúc kháng chiến chưa có gì thì mời mọc họ, khi khai thông với “hậu phương lớn Trung Quốc” sau chiến dịch Biên Giới thì mang họ ra đấu tố, thậm chí bức tử như Tổng đốc Đặng Văn Hướng, cha ông Đặng Văn Việt, người khét danh là con hùm xám đường số 4.
- Nhưng hơi đâu đi nói chuyện “biết xấu hổ” với bọn lận lưng thẻ đảng này? Chúng mà biết xấu hổ, chúng đã không theo cái đảng thất nhơn ác đức kia!
“Để thực hiện chuyên đề năm 2024, Thành uỷ TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.”
- Đã là dân chủ thì có hiến pháp, có luật, cứ thế mà nói, mà làm, mà cho ý kiến, mà giám sát kiểm tra. Đâu cầu phải đợi thành ủy “chỉ đạo”?
“…Thành uỷ TP.HCM cũng chỉ đạo khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của người dân trở thành động lực quan trọng trong xây dựng TP. Bởi đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, quý báu một TP có truyền thống năng động sáng tạo. Đặc biệt phải phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, người tài đức trong và ngoài TP.”
- Tối ngày chỉ nhai đi nhai lại mấy ý tưởng cũ mèm thì lấy tư cách nào mà “chỉ đạo khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của người dân”?
- Thử hỏi nghe đi nghe lại mấy sáo ngữ trên, nào là “ tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm”, nào là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nào là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, có người bình thường nào mà nhịn nổi, không mượn lời Vũ Trọng Phụng để gầm lên: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi.”?
“Đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết là định hướng lớn, có tính cấp bách, mang tầm chiến lược trong xây dựng TP” – Thành uỷ TP.HCM định hướng và khẳng định sẽ tăng cường thu hút, trọng dụng, sử dụng hiệu quả, đãi ngộ xứng đáng, chế độ lương, thu nhập công bằng, hợp lý, thỏa đáng.”
- Nói trớt quớt!
- Đã là việc “có tính cấp bách” thì khó mà bảo là điều “tâm huyết” hay “mang tầm chiến lược”. Mà đã gọi là “tâm huyết” thì phải là cái gì đó rất thành thực, xuất phát từ tận đáy lòng, đau đáu trong người một thời gian dài, có khi cả đời.
- Còn “cấp bách” là chuyện khẩn thiết trước mắt, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Và chuyện “cấp bách” thuộc về phạm vi “chiến thuật”, giải quyết tình thực tế trước mắt, còn chuyện “chiến lược” là những tính toàn đường dài, cho tương lai xa!
“Qua đó, tăng cường thu hút người tài giỏi, người có trình độ cao, doanh nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động chất xám trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc tại TP.”
- Nói như thế này thì “người tài giỏi” là hạng người riêng, khác với “người có trình độ cao”, khác “nhân lực chất lượng cao” chắc? Và, do đó, “đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc tại thành phố” cũng không hề là “người tài giỏi”?
- Phàm đã là “trí thức” thì không ai có thể làm việc chung với bọn nhai lại này quá một tuần lễ.
- Để là “trí thức” thì phải có tinh thần phê phán, do đó làm sao mà ngửi nổi cái “tư tưởng” không hề tồn tại? Làm sao chấp nhận nổi cái phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” chỉ có tác dụng tiêu hao tiền thuế của dân và thúc đẩy cán bộ viên chức nhúng tay vào con đường khai gian, báo cáo láo?
- Những kẻ bằng cấp ngất trời mà để mấy đám bần cố nông hay “bổ túc văn hóa” hoặc “chuyên tu – tại chức” kia cưỡi đầu cưỡi cổ, nó gì cũng dạ, không dám phê phán thì không xứng đáng với danh hiệu “trí thức”.
Gửi ý kiến của bạn