Nguồn hình TTV+.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Sinh hoạt của loài người, từ thời nguyên thủy cho đến hôm nay, đã có sự tiến bộ trên nhiều lãnh vực. Con Người đối xử với Con Người tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên sinh hoạt giữa các quốc gia, giữa các dân tộc vẫn dựa trên tinh thần mạnh được yếu thua.
Sự hình thành Liên Hiệp Quốc sau thế chiến thứ hai với mục đích (1) bảo đảm an ninh, hòa bình của thế giới mà Liên Hiệp Quốc là cơ quan trung gian để hóa giải những bất đồng giữa các quốc gia hầu tránh chiến tranh xảy ra; (2) tạo điều kiện để các quốc gia có thể hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau hầu có thể bảo đảm nền hòa bình chung cho mọi quốc gia; (3) cùng các quốc gia hợp tác để giải quyết khó khăn mà quốc tế đối diện trên lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân quyền; (4) tạo ra một sân chơi để các quốc gia có thể cùng nhau hợp tác hầu đạt ba mục tiêu bên trên.
Trên mặt giấy tờ thì mục đích của Liên Hiệp Quốc đáp ứng được nhu cầu của loài người là cùng nhau hợp tác để bảo đảm nền an ninh của mọi quốc gia trên trái đất này. Tuy nhiên nếu dựa vào những chi tiết thủ tục giấy tờ cũng như luật lệ trong việc điều hành Liên Hiệp Quốc, năm quốc gia duy nhất có quyền phủ quyết các quyết định của Liên Hiệp Quốc là Tàu, Nga, Mỹ, Anh, Pháp; và những phủ quyết hoàn toàn dựa trên tinh thần quyền lợi của các quốc gia thay vì là quyền lợi của toàn thế giới. Khi một trong 5 quốc gia đó dùng quyền phủ quyết thì quyết định của Liên Hiệp Quốc chỉ là cho có chứ hoàn toàn thiếu vắng hành động kèm theo quyết định.
Chưa kể bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, tuy được các quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận, các quốc gia mặc tình hiểu Nhân Quyền theo cái nhìn của riêng mình chứ không nhìn nhân quyền trên lãnh vực là con người. Những nước gọi là dân chủ như Mỹ, dùng nhân quyền là cái gậy hay củ cà rốt để thực hiện quyền lợi kinh tế, quân sự của Mỹ chứ hoàn toàn không quan tâm đến nhân quyền, chủ quyền của các quốc gia khác.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc hoàn toàn thụ động trước những biến cố lớn của quốc tế hoặc nếu không thụ động thì đều có sức ép từ các nước lớn mà vụ Iraq đánh Kuwait trong năm 1990 mà Mỹ đã vận động Liên Hiệp Quốc để danh chính, ngôn thuận đưa quân đội liên minh vào trận chiến, đuổi quân đội Iraq ra lãnh thổ Kuwait. Thái độ này không phải vì dân Kuwait mà vì mục đích quân sự và dầu hỏa của Mỹ trong vùng Trung Đông.
Nếu Kuwait bị Iraq tấn công và quốc tế đứng lên chống lại Iraq thì cuộc chiến Ukraine mà Nga là nước tấn công Ukraine -- hoàn toàn không có sự vận động để chống lại Nga như vụ Kuwait. Đơn giản là Ukraine không đem lại quyền lợi kinh tế, quân sự cho các nước khác. Đồng thời quyền phủ quyết của Tàu và Nga đã trói tay Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết chiến tranh tại Ukraine bằng vũ lực của liên minh quân sự từ các quốc gia đã được sử dụng ở cuộc chiến Kuwait trong quá khứ.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc giải quyết những vấn đề tranh chấp quốc tế chứ hoàn toàn không có lực để thực hiện mục đích quan trọng là bảo vệ an ninh và hòa bình của thế giới. Cho nên sự hiện hữu của tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng chỉ là hình thức để các quốc gia mạnh dùng nơi đó đạt mục đích riêng tư của từng quốc gia. Sinh hoạt của quốc tế, trước hay sau khi hình thành tổ chức Liên Hiệp Quốc, vẫn là cá lớn nuốt cá bé vì tổ chức Liên Hiệp Quốc hoàn toàn không có thực lực; chưa kể nguồn tài chính được các quốc gia giàu có cung cấp để hoạt động và bị ảnh hưởng từ chính sách của các quốc gia giàu có trong chính sách, chủ trương, quyết định của Liên Hiệp Quốc.
Phải chăng cần phải xét lại hiệu quả của Liên Hiệp Quốc để có một cái nhìn chung về Con Người hầu có lối ứng xử để phục vụ Con Người thay vì phục vụ quyền lợi quốc gia?