Quyền Hạn Của Dân Biểu Mỹ
Hình Bloomsbury Publishing
Trần Thị Lan Anh
Nhìn qua cách làm luật của Quốc Hội Mỹ, đặc biệt khi họ cần thông qua ngân sách quốc gia, thì ai cũng có thể nhét những bộ luật bỏ túi vào trong ngân sách để đem tiền về cho tiểu bang mình hoặc để trừng phạt một cá nhân nào đó mình không thích.
Theo bản tin mạng trên tờ báo USA Today, thì bà dân biểu Marjorie Taylor Greene, đã nhét được bộ luật bỏ túi để giảm tiền lương của vị lãnh đạo quân đội, ông Lloyd Austin, là 1 đô la cho một năm. Hiện tại thì tiền lương của ông Austin là 221 ngàn cho một năm.
Xem ra Quốc Hội Hoa Kỳ nằm trên luật pháp. Theo luật của liên bang thì tiền lương tối thiểu cần phải trả cho nhân viên là 7.25 cho mỗi giờ làm việc. Nếu bộ luật bỏ túi của bà Green thành sự thật thì chẳng lẽ, Quốc Hội Hoa Kỳ nằm trên luật của giá lương tối thiểu mà liên bang đã đặt ra?
Tuy nhét bộ luật bỏ túi đó vào trong ngân sách của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, bà Greene cũng tuyên bố là bà sẽ chống lại ngân sách cho bộ quốc phòng vì có tài khoản để tiếp tục viện trợ cho nước Ukraine.
Bà Greene cũng biết rằng, bộ luật bỏ túi của bà sẽ không bao giờ được thông qua tại Thượng Viện. Tuy nhiên điều đó không phải là điều bà quan tâm. Thực tế thì các dân biểu đôi khi nhét những bộ luật bỏ túi vào bất cứ ngân sách nào đó mà họ biết rằng sẽ không được thông qua, nhưng vì muốn dùng đòn tâm lý đó để chứng minh với người dân, vị dân biểu đó là “bảo thủ” hay “cấp tiến” để người dân tiếp tục bầu họ vào nhiệm kỳ tới, cho dù những điều họ làm hoàn toàn không có giá trị thực tế và đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của con người.
Trong vấn đề ngân sách quốc gia, các vị dân biểu của cả hai đảng, luôn luôn tìm đủ mọi cách để tạo ra chuyện đóng cửa sinh hoạt của bộ máy cầm quyền; để những nhân viên làm việc cho bộ máy cầm quyền nghỉ việc hoặc làm việc không lương trong khi chờ đợi các vị dân biểu, thượng nghị sĩ và tổng thống đồng ý thông qua ngân sách. Từ Quốc Hội đến Tổng Thống đều có quyền đóng cửa bộ máy chính quyền để đạt cái điều họ muốn. Hệ thống sinh hoạt chính trị của Mỹ, gọi là tam quyền phân lập nhưng thực ra đó là một hệ thống của đảng tranh để cùng nhau triệt hạ đảng khác hầu tạo ra tâm lý bất an của quần chúng để họ chọn đảng khác lên cầm quyền. Cho nên đảng nào nắm thiểu số sẽ tìm đủ mọi cách, cho dù đóng cửa chính quyền, để triệt hạ uy tín của đảng nắm đa số với hy vọng sẽ được phiếu của người dân ở tương lai.
Sự phi lý của một bộ máy cầm quyền là phải đóng cửa tạm thời vì bất đồng của những người lãnh đạo. Một người Việt ở thời điểm 1940 đã nhìn ra khuyết điểm đó cho nên ông đề nghị một hệ thống sinh hoạt chính quyền được gọi là Cơ Năng Hiến Pháp. Cái Cơ Năng đó cũng giống như những cơ năng trong thân thể của chúng ta, sẽ không có chuyện phân quyền để rồi sử dụng cái quyền đó đóng cửa bộ máy hoạt động của chính quyền.
Nếu cơ thể của chúng ta cũng sinh hoạt theo cơ chế của Mỹ thì trái tim vì muốn theo đuổi một cô gái nào đó mà bộ óc không muốn thì chẳng lẽ trái tim ngừng đập để bộ óc bắt buộc phải tương nhượng điều trái tim muốn? Nếu bộ óc không tương nhượng thì nếu trái tim ngừng đập thì liệu trái tim vẫn sống còn?
Những ai quan tâm đến một Việt Nam tương lai cần phải xét lại hệ thống sinh hoạt của Mỹ hiện giờ. Chúng ta học cái hay của người và tránh cái dở của người. Vấn đề là chúng ta có đủ trí tuệ để nhìn ra vấn đề hay để cái tinh thần đảng tranh lấy đi trí tuệ của mỗi người?