Sùng Bái Thần Tượng
Hình The Washington Post
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Một trong căn bệnh của Con Người là sùng bái thần tượng. Thần tượng có thể là một nhà lãnh đạo tôn giáo, tù nhân lương tâm, người làm chính trị, tài tử, những gương mặt quần chúng, những người có địa vị cao trong xã hội v.v….
Ai làm những việc vì lợi ích của xã hội, dân tộc chúng ta đều ca ngợi, khuyến khích việc làm đó tiếp tục nhưng đừng nên sùng bái bởi những hành động ở quá khứ, cho dù là tốt đẹp, sẽ không nói lên con người hiện tại của cá nhân đó. Con người hiện tại của cá nhân đó thể hiện bản tính thật của thực tế mà giá trị quá khứ có thể bị xóa bỏ toàn bộ bởi cái thực tế đi ngược lại cái giá trị của quá khứ.
Đã là con người thì ai cũng dễ bị cám dỗ của Tham-Sân-Si, Tiền-Dâm-Quyền cho nên những điều tốt đã làm trong quá khứ có thể bị những cám dỗ hiện tại làm cá nhân đó đi ngược lại những suy nghĩ tốt, hành động tốt của quá khứ. Một cá nhân mà không biết điều khiển Tham-Sân-Si hoặc Ma Tiền, Ma Quyền, Ma Dâm thì sớm hay muộn, chính cá nhân đó sẽ sẵn sàng thực hiện những chuyện sai trái để phục vụ nhu cầu của Tham-Sân-Si cho bản thân mà quên đi cái thiệt hại của xã hội.
Sự khác biệt giữa hai cá nhân hay nhiều cá nhân không phải ở vị trí địa vị xã hội, giàu hay nghèo, có học hay không có học, bằng cấp cao hay bằng cấp thấp mà là ở cá nhân đó có nhân cách, nhân tri, nhân bản, nhân tính. Những cái Nhân này không có trường sở nào dạy dỗ mà do chính bản thân tự đào luyện trong đời sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Chính tinh thần Tự Kỷ (tự xét lại mình, tự xét lại những sự kiện, nhìn trước, ngó sau, đặt câu hỏi đúng-sai, nhân bản hay phản nhân bản) để tạo ra sự tự chủ hay còn gọi là Nhân Chủ (tự mình làm chủ con người của chính mình chứ không để cái Thâm-Sân-Si làm chủ bản thân mình). Điều này số đông, gồm cả những người có địa vị cao trong xã hội, xem ra khó thực hiện. Trái lại đa số, từ thường dân đến những người có tiếng tâm trong xã hội, không ít thì nhiều bị Tham-Sân-Si điều khiển bản thân họ mà họ không hề biết.
Vậy thì cái gọi là sùng bái thần tượng xem ra cần phải xét lại nếu không thì chính sự sùng bái đó là một sự nguy hiểm cho chính bản thân nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.
Những cá nhân được người khác xem là “thần tượng” thì họ có tài ăn nói, biết lập luận và nắm rõ tâm lý của đa số quần chúng. Chính vì thế mà những người sùng bái thần tượng không hề thấy được sự ngụy biện trong lý luận của những “thần tượng” giả đó. Chính tinh thần sùng bái thần tượng làm cho người ta không nhìn ra được sự thật của thực tế về cá nhân “thần tượng” đó, từ đó những người sùng bái thần tượng điên cuồng, tin tưởng “thần tượng” của mình như một con ngựa đã bị che hai bên mắt mà chỉ đi về phía trước, không cần biết sự nguy hiểm sẽ gặp phải.
Hình ảnh bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 là thí dụ của sùng bái “thần tượng” để họ nghĩ rằng cuộc bầu cử có gian lận và họ trở thành con bài cho tham vọng quyền lực của một cá nhân vì ma quyền đã sẵn sàng làm đủ mọi cách để thay đổi kết quả bầu cử năm 2020.
Cá nhân không sùng bái thần tượng thấy được bản chất thật của cá nhân sách động bạo lực nhưng những người sùng bái thần tượng nào thấy được điều đó. Chính vì thế mà họ vô tình thực hiện chuyện “đảo chính” cho “thần tượng” của chính họ bởi họ tin vào lời nói bầu cử có gian lận mà không cần bằng chứng cho lời nói đó. Họ cũng quên trước ngày 6 tháng 1, biết bao vụ thưa kiện về sự gian lận bầu cử đã bị tòa án loại bỏ vì không có đầy đủ chứng cứ. Tuy nhiên, những sự thật này đối với họ vô nghĩa. Những sự nói dối, vô nhân cách của “thần tượng” họ cũng trở thành vô nghĩa đối với họ bởi họ đã bị tinh thần sùng bái thần tượng thôi miên chính bản thân họ, bị thần tượng của họ nắm tâm-sinh-lý của chính họ.
Cuộc bạo loạn hay gọi là cuộc “đảo chính” hụt dưới nền dân chủ Mỹ trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 có sự xuất hiện của người Việt với lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trên căn nhà Quốc Hội. Người Việt sùng bái “thần tượng”, đã cho rằng lá cờ đó chỉ là biểu tượng của báo chí đưa ra chứ hoàn toàn không có chuyện đó. Họ không dám nhìn rõ cái sự thật là lá cờ của người Việt tự do đã bị lạm dụng, sử dụng cho một cuộc “đảo chính” bởi vì họ tin vào lời nói của “thần tượng” của họ. Họ không làm chuyện so sánh “thần tượng” của họ là thầy của Hồ Chí Minh, một cá nhân mà họ cho rằng có tội với dân tộc, gian dối, xảo quyệt. Nếu Hồ Chí Minh nói dối qua sự che giấu sự thật thì “thần tượng” của họ sẵn sàng nói dối trước ống kính truyền thông của thế kỷ 21 (nói dối trên 30 ngàn lần) và vẫn có người tin, gồm cả những người đã từng là nạn nhân của chế độ cộng sản, của Hồ Chí Minh.
Có người vì sùng bái thần tượng đã sẵn sàng nghe theo lời “lãnh tụ” loại bỏ vài cá nhân trong danh sách điện thư của nhóm chỉ bởi vì vài cá nhân đó thách thức cách làm việc của “lãnh tụ”, thách thức sự hiểu biết của “lãnh tụ”. Dù rằng biết hành động đó là sai trái, đi ngược lại sinh hoạt của tư tưởng Lý Đông A trên lãnh vực tự chủ (nhân chủ), nhưng cá nhân đó sẵn sàng thực hiện lời đề nghị của “lãnh tụ” loại bỏ thành phần “phản loạn”, đi ngược lại ý muốn của “lãnh tụ”; dù rằng trong danh sách điện thư đó, có khoảng 2/3 số người hoàn toàn im hơi lặng tiếng khi nhận được thư nhưng vẫn được nằm trong danh sách nhận thư của nhóm.
Căn bệnh sùng bái thần tượng ở thế kỷ 21 xem ra càng ngày càng trầm trọng với mạng xã hội mà người ta có thể sử dụng để ăn nói vung vít hầu tạo ảnh hưởng từ số đông bởi những điều nói vung vít đó đáp ứng nhu cầu của số đông, cho dù những lời nói đó không có giá trị thực tế cũng như giá trị về mặt tri thức. Có người tự nhận là Rush Limbaugh của người Việt. Hình như những ai không có khả năng thường hay so sánh cá nhân mình với những người khác tài giỏi hơn mình để che lấp cái yếu kém của chính mình.
Xin kết thúc bài viết bằng một lời nói đáng suy nghĩ.
“Đừng tin những gì chỉ bởi bạn nghe nó. Đừng tin những gì chỉ bởi vì ai đó đã nói hoặc tiếng đồn từ nhiều người. Đừng tin vào những gì chỉ bởi vì nó được ghi trong quyển sách tôn giáo của bạn. Đừng tin vào những gì bởi đó là lời nói của người thầy giáo của bạn hay người đã lớn tuổi. Đừng tin vào những truyền thống đã được trao truyền từ nhiều thế hệ. Nhưng sau khi quan sát và phân tích những điều trên, khi bạn thấy rằng bất cứ điều gì phù hợp với lý trí và có lợi cho một và cho tất cả mọi người, thì hãy chấp nhận nó và sống theo nó”.