Vladimir Putin cùng một giuộc với Polpot?
Hình gettyimages.com
Trần Đông A
VOA Blog
Đáng tiếc, chính phủ VN, với các lá phiếu vừa qua ở LHQ, đã hoàn toàn đi ngược lại ý nguyện đa số của người dân Việt Nam thể hiện qua các mạng xã hội.
Nga xâm lăng Ukraine, nhưng cuộc chiến không còn chỉ giới hạn giữa Nga và Ukraine nữa, mà đã trở thành cuộc chiến của thế giới giữa một bên là các quốc gia độc tài – chuyên chế và bên kia dân chủ – tự do, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Qua thảm cảnh quân đội Nga tàn sát thường dân vô tội ở thị trấn Bucha của Ukraine cả thế giới đều phẫn nộ và muốn Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) tố cáo Nga như là một tội phạm chiến tranh.
Việt Nam lại “tự bắn vào chân mình”
Ngày 7/4/2022, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine. Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó Hà Nội đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga – Ukraine. Dư luận ngạc nhiên là tại sao VN không nghĩ đến lợi ích dài hạn của mình.
Theo giới chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025. Giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, nhận xét, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay vấn đề gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó.
Không chỉ Tổng Thư ký LHQ
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hôm thứ Ba 5/4 đã kêu gọi mở một cuộc điều tra tội ác chiến tranh về việc giết hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh kinh hoàng về những thường dân bị giết ở Bucha… Tôi cũng vô cùng sốc trước những lời khai cá nhân về các vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục đang đưa ra… Cao ủy Nhân quyền đã nói về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra, vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế”. “Cho đến nay, cuộc tấn công của Nga đã khiến hơn 10 triệu người phải bỏ chạy chỉ trong một tháng, đây là đợt di chuyển dân số cưỡng bức nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, đây là đợt di chuyển dân số cưỡng bức nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, ông Guterres nói.
Hôm 7/4, các Ngoại trưởng nhóm G-7 lên án sự việc mà họ gọi là “hành động tàn bạo” của các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng những người liên quan tới vụ này sẽ phải chịu trách nhiệm. Thông cáo của nhóm G-7 cho biết: “Chúng tôi, các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G-7 và các Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu, lên án mạnh mẽ đối với các hành động tàn bạo mà lực lượng vũ trang Nga đã gây ra ở thị trấn Bucha và một số thị trấn khác của Ukraine”.
Theo tờ Der Spiegel, cơ quan tình báo Đức đã chặn được các tin nhắn vô tuyến điện từ các nguồn tin quân sự Nga thảo luận về vụ giết hại dân thường ở Bucha. Nguồn tin cho biết: “Chính phủ liên bang Đức có nhận được dấu hiệu về sự xâm phạm của Nga ở Bucha.” Các quan chức địa phương cho biết chỉ riêng ở Bucha có hơn 300 người đã bị Nga giết hại, 50 người trong số họ đã bị hành quyết.
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ cũng trong ngày ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Zelensky đã liệt kê những hành vi tàn bạo của quân xâm lược Nga tại Bucha như cắt lưỡi, tứ chi, hãm hiếp phụ nữ ngay trước mặt con của họ. Ông Zelensky nói “Những gì diễn ra ở Bucha chưa phải là tồi tệ nhất”. “Không may thay, cuộc thảm sát ở Bucha chỉ là một trong số những điều mà quân xâm lược đã làm trên đất nước chúng tôi trong 41 ngày qua. Một số thành phố như Mariupol, Kharkiv, Chernihiv…hàng chục cộng đồng khác, mỗi nơi giống như Bucha…”
Trong diễn văn, ông Zelensky nêu câu hỏi: “Tại sao Nga đến Ukraine, hãy nói cho tôi biết?” Và ông đưa ra câu trả lời: “Ban lãnh đạo của Nga giống như kẻ thực dân thời cổ đại. Họ cần sự giàu có của chúng tôi và con người của chúng tôi. Nga đã ép hàng chục nghìn công dân của chúng tôi đưa vào lãnh thổ của họ. Sau đó sẽ có hàng trăm ngàn người khác. Họ đã bắt cóc hơn hai nghìn trẻ em. Đơn giản là bắt cóc hàng ngàn trẻ em. Và tiếp tục làm như vậy. Nga muốn biến người Ukraine thành nô lệ thầm lặng”.
Bucha gợi lại thảm sát Ba Chúc 1978
Trong cuộc tranh luận sau đó tại LHQ, Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố, Hoa Kỳ đã đánh giá các lực lượng Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Bà nói, Hoa Kỳ đang tìm cách đưa LB Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền. Hãng AP, ngoài báo cáo về vụ việc xảy ra tại Bucha, còn dẫn chứng thêm một loạt câu chuyện khác tương tự tại khu vực Motyzhyn, cách Kyiv 50 km về phía Tây. Theo tường thuật của AP, người dân và nhân chứng tại đây cho biết rằng quân Nga đã bắt giữ và giết hại thị trưởng, chồng của bà và cả con trai của hai người. Xác của các nạn nhân bị vứt vào một hố chôn gần khu vực quân Nga đóng quân trước đó. Phóng viên AP đã tìm được hố và xác nhận sự kiện này.
Cuộc hành quyết ở Bucha khiến dư luận ở Việt Nam nhớ lại vụ thảm sát ở làng Ba Chúc, tỉnh An Giang năm 1978. Vụ thảm sát ấy từng bị tố cáo là tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ, do tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ là Đặng Tiểu Bình cầm đầu, chống lưng. Vụ việc xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Trung Quốc mắc kẹt và lươn lẹo
Trong khi đó, Trung Quốc ngày nay của Tập Cận Bình đang bị mắc kẹt vào một tình thế khó xử so với một tháng trước đây. Vì gắn bó quá chặt chẽ với Putin, nên Tập Cận Bình đã bị dư luận quốc tế lên án. Gắn vào cỗ xe của Putin là quyết định sai lầm của ông Tập, làm tổn thương đến danh dự và uy tín của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng rủi ro, vì Trung Quốc có thể bị trừng phạt tiếp theo.
Việc Trung Quốc liên kết với Nga đã phản tác dụng, làm mất lòng Tây Âu, và làm cho Mỹ có chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Đó là cái giá mà Trung quốc phải trả nếu có ý định tấn công chiếm Đài Loan. Liệu Tập Cận Bình có suy nghĩ lại về đối tác “không giới hạn” với Nga như trong Tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Putin tại cuộc gặp cấp cao nhân dịp khai mạc Thế vận Hội Olympics tại Bắc Kinh?
Quan điểm bao che cho Nga đã được thể hiện trong một bài xã luận được đăng trên “bản sao” của tờ Nhân Dân Nhật báo (Thời báo Hoàn cầu) hôm 7/4, dường như đặt câu hỏi về tính xác thực của điều mà tờ báo gọi là ‘sự cố Bucha’ và miễn trách nhiệm cho Nga. Chưa hết, Trung Quốc còn “đánh bùn sang ao” khi bình luận: “Điều đáng tiếc là sau khi ‘sự cố Bucha’ bị phanh phui, Mỹ, người khơi mào cuộc khủng hoảng Ukraine, không hề có dấu hiệu thúc giục hòa bình và thúc đẩy đàm phán, mà còn tìm cách làm trầm trọng thêm căng thẳng Nga – Ukraine”, xã luận cho biết. Trong khi đó, bất kể ‘sự cố Bucha’ diễn ra như thế nào, không ai có thể phủ nhận ít nhất một điều: chính việc Nga gây ra chiến tranh là thủ phạm trực tiếp của thảm họa nhân đạo hiện nay.
Tòa án quốc tế (ICJ) phán quyết
Le Monde ngày 6/4/2022 dành bài xã luận cho “Bucha, bước ngoặt chiến tranh tại Ukraina”. Đối với đòi hỏi từ dư luận quốc tế, sau các phát hiện hàng trăm thi thể thường dân Ukraina tại các vùng ngoại ô Kiev, ưu tiên hiện nay là Tòa án quốc tế (ICJ) cần phải nhanh chóng đưa ra các phán quyết, không để cho các thủ phạm được thoát tội.
Theo Le Monde, việc tuyệt đại đa số lãnh đạo các nước phương Tây – trừ thủ tướng Hungary vừa tái đắc cử – chỉ lên án hành động tàn ác của quân đội Nga thôi là chưa đủ. Điều chính yếu giờ đây là các nước, trước hết là các nước châu Âu phải “tăng cường hỗ trợ phương tiện, đặc biệt về nhân sự, cho các hoạt động điều tra và thu thập bằng chứng”.
Xã luận Le Monde cũng nhắc đến “loạt trừng phạt thứ năm” EU đang chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh: “Liệu có cần chờ phát hiện thêm những hố chôn người mới ở Mariupol (thành phố miền nam nơi khoảng 130 nghìn dân thường đang bị kẹt trong vòng vây của quân Nga) để EU quyết định không mua khí đốt của Nga?” Vụ thảm sát ở Bucha phải là một bước ngoặt đối với châu Âu: châu Âu phải “từ bỏ lối phản công chống lại cuộc tấn công tàn bạo của Putin, từ từ từng nấc một đáng thương, để thay bằng một cuộc phản công tổng lực, trong tình đoàn kết với Kiev”.
Những trái tim VN có lương tri…
Nhà báo Đoàn Bảo Châu viết trên FB của mình ngày 7/4: “Một lần nữa, xin được chia sẻ những mất mát, đau khổ đang diễn ra trên đất nước Ukraine. Những trái tim của những người Việt có lương tri luôn đập cùng các bạn. Tôi ước rằng chúng tôi có thể làm được nhiều hơn để giảm đi những đau khổ và mất mát các bạn đang phải gánh chịu. Sự nỗ lực của tôi cũng là với hy vọng để những người cuồng Putin thay đổi cái nhìn của họ về cuộc chiến này”.
Đáp lại tình cảm của nhà báo Đoàn Bảo Châu và những bạn của Ukraine ở VN, Nataliya Zhynkina, phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam đã viết trên Facebook của mình về những hành động tàn bạo của Nga ở Bucha, Irpin và các thành phố khác. Hình ảnh từ Borodianka, Bucha, Gostomel, Dmytrivka, Irpin và các thành phố nhỏ khác của Ukraine, mà quân đội Nga đã chiếm đóng trong tháng và sau đó rời đi vào đầu tháng 4 cho toàn thế giới thấy hàng trăm thường dân bị tra tấn và giết hại nằm trên đường phố, trong nhà của họ, đàn ông, phụ nữ, trẻ em.
Đáng tiếc, chính phủ VN, với các lá phiếu vừa qua ở LHQ, đã hoàn toàn đi ngược lại ý nguyện đa số của người dân Việt Nam thể hiện qua các mạng xã hội. Nếu rồi đây, Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như vừa qua, thì theo giới chuyên gia, VN sẽ mất đi sự ủng hộ của thế giới. Hoa Kỳ và toàn bộ các nước Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì ủng hộ Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam đứng về phe Nga và hành động theo Trung Quốc.
Không chỉ hành động sai lạc tại diễn đàn LHQ, chính phủ VN còn chỉ đạo cho báo chí thể hiện một lập trường không thừa nhận “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine là cuộc chiến tranh xâm lược. Báo Nhà nước, cũng giống như hai lần phiếu trắng trước đây, lần này cũng không dám đưa tin VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Còn đối với các hành động mang tính diệt chủng của Nga thì báo chí giữ thái độ nước đôi một cách phản cảm và không thể nào chấp nhận.