Chuyện Mạng Xã Hội
Trần Công Lân
Kể từ khi có mạng xã hội xuất hiện, con người trên thế giới càng trở nên điên hơn bao giờ. Mối nguy hiểm không phải cơn điên mà là không biết mình đang điên, cứ cho là mình đúng trong khi những ai chống mới là điên.
Các môi trường của mạng xã hội (facebook, tik-tok, snapchat...) chỉ là phương tiện kỹ thuật để con người thông tin với nhau. Nhưng trong thời đại kinh tế toàn cầu thì tin tức có giá trị kinh tế nghĩa là .... làm giàu. Các công ty tài chính, thương mại tung tiền đi săn tin tức của mỗi cá nhân để thăm dò thị hiếu khách hàng qua kỹ thuật quảng cáo có trả tiền cho người tham dự mạng xã hội.
Và cơn điên bắt đầu.
Lúc đầu chuyện tìm bạn qua Internet chỉ là mượn hình ảnh của ai đó coi đẹp mã rồi nhận là của mình để lừa tình, tiền. Rồi đến kỹ nghệ phim ảnh Hollywood làm phim truyện (Avatar) về các nhà khoa học tạo nên thế giới ảo mà con người có thể làm ra một hình nhân thay thế mình sống trong thế giới đó để làm những gì mà trong thế giới đang sống mình không có hay không đạt được.
Khi điện thư (email) được dùng để thay thế bưu điện giao thư từ quá chậm vẫn không thỏa mãn nhu cầu con người và Facebook ra đời.
Trong khi Text message chỉ dùng để gửi điện văn ngắn gọn và không nhất thiết đòi hỏi người nhận phải trả lời hay đối thoại. Thế nhưng thiên hạ cứ cắm đầu gửi và trả lời quên cả lái xe, đi đường hay người trước mặt.
Cũng vậy, Twitter là điện văn được dùng để chia xẻ một ý kiến ngắn gọn cho nhiều người trong cùng một vấn đề. Vì đây không phải là cách đối thoại hữu hiệu, chỉ một chiều nên kẻ xấu thường dùng để xúi giục người ngây thơ, hay phao tin thất thiệt, mà không chịu trách nhiệm.
Riêng Facebook thì đặc biệt hơn vì có kèm hình ảnh. Mục đích là giúp người dùng chia xẻ với thân nhân, bạn bè nhưng không nhắc tới vấn đề an toàn, bảo vệ tin tức bạn phơi bày trên mạng. Khi người sáng lập tạo ra Facebook, ông ta tin rằng mọi người toàn là người tử tế, lương thiện và sẽ cư xử tốt đẹp trên môi trường ông ta tạo ra. Thế là địa ngục ảo xuất hiện.
Chỉ vì con người không phải ai cũng đều thánh thiện. Khi người nghèo muốn làm giàu nhanh chóng. Khi kẻ xấu/ác lợi dụng cơ hội để lừa gạt, chụp giựt thu lợi trên môi trường mới mà luật pháp luôn luôn là kẻ tới sau.
Internet cho phép cá nhân lập một trang Web để viết, trình bày, thu thập hình ảnh tin tức hay ý kiến mà cá nhân muốn phổ biến công chúng như một tờ báo. Công ty quản lý mạng thu thập tin tức cá nhân đem bán. Tùy theo con số người viếng thăm trang web của bạn thì các công ty sẽ chọn để gửi quảng cáo các mặt hàng trên trang web của bạn và trả ít tiền. Thế là mộng ngồi không làm giàu lan nhanh như cỏ dại. Thiên hạ làm đủ mọi chuyện để có "khách" viếng thăm từ sạch đến bẩn, từ lương thiện đến xảo trá...
Mọi người hầu như quên thế giới hiện tại, quên cái tôi tầm thường, dở dang, văn dốt vũ nhát... để nhảy vào thế giới ảo với giấc mộng làm giàu, thay trắng đổi đen hay là trở thành nhân vật nổi tiếng (celebrity) nhưng tất cả đều quên một điều: trong cuộc sống con người có hai mặt (trái- phải; tốt -xấu). Và thường lệ, mọi người chỉ nhìn một mặt mà quên mặt kia.
Trong đời sống thực tế, họ đã mất cân bằng. Đi vào thế giới ảo, họ cũng mất cân bằng. Và khi họ bị đảo lộn 2,3 vòng thì tìm đâu ra sự thật?
Đi vào thế giới ảo của mạng xã hội, họ tự phơi bày những dữ kiện của bản thân, gia đình, bạn bè... và kẻ xấu lợi dụng để lường gạt, làm chuyện phi pháp và hậu quả là họ rước họa vào thân thay vì tìm vui, giải trí thì chỉ gặp chuyện nhức đầu.
Khi thu nhận tin tức qua mạng xã hội, họ không biết kẻ đưa tin là ai mà chỉ đọc bản tin và phản ứng theo sở thích. Họ quên rằng báo chí, đài phát thanh, truyền hình có trách nhiệm truyền thông, nếu sai trái sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn trên mạng xã hội? Tự do ngôn luận, kể cả nói láo. Ai tin ráng chịu. Đó là hiện tượng Trump.
Thật là nguy hiểm khi sống dưới chế độ dân chủ mà người dân không làm chủ được tâm hồn. Họ lạm dụng tự do ngôn luận để nói láo, đe dọa kẻ khác không đồng ý với họ, ngay cả với giới chức đại diện dân mà họ đã chọn qua bầu cử. Khi pháp luật không đứng về phía họ thì với vũ khí trong tay họ kêu gọi lòng ái quốc, "tự do hay chết", bảo vệ quyền do Hiến Pháp quy định .... Họ quên trong Hiến Pháp đã nói gì. Họ quên luôn cả luật đa số- thiểu số trong sinh hoạt dân chủ. Họ tin rằng khi thiểu số vùng lên làm dữ sẽ đạt được điều họ muốn và đa số thầm lặng sẽ tiếp tục im lặng?
Đó là hậu quả những gì thế giới ảo của mạng xã hội đã đem lại cho người dân "thơ ngây" tin vào thế giới "thần tiên" đã cung cấp tin tức theo ý muốn của họ. Họ không chấp nhận là bị lừa gạt, xúi giục cho đến khi ra tòa, bị kết án thì họ kêu gọi xã hội thực tế cứu giúp họ vì đã phạm tội theo lời xúi giục của thế giới ảo?
Có ba hạng người tham dự mạng xã hội.
Loại thứ nhất là làm bất cứ điều gì để thu hút số người tham dự, khen chê mong các công ty thương mại sẽ chú ý và ban phát cho ít quảng cáo để có chút đỉnh lợi nhuận. Hoặc họ dựng lên một profile giả tạo để mục đích lừa gạt người khác về tiền lẫn tình.
Loại thứ hai là ăn không, rảnh rỗi nên lên mạng làm chuyện ruồi bu. Đa số là dân cù lần, chẳng mơ mộng gì cao xa bỗng dưng gặp sân khấu "mạng xã hội" cho phép tha hồ vung vít, múa gậy vườn hoang thì tại sao không...múa? Nhất là trên mạng chẳng ai biết gốc tích nên tha hồ vung vít, phê phán, nói thánh nói tướng để thỏa mãn tự ti mặc cảm. Họ hiên ngang phê phán từ chính trị, kinh tế... như một nhà chuyên môn lâu năm kinh nghiệm.
Loại thứ ba là những người vào mạng xã hội để giữ liên lạc với những người thân. Những điều viết của họ để người thân đọc chứ không để công chúng đọc. Hoặc họ là những người tham dự mạng xã hội để quan sát, học hỏi và biết im lặng bởi càng im lặng trước những tranh cãi trên mạng xã hội tâm hồn sẽ bớt bị khuấy động. Những người này vào mạng xã hội rất giới hạn bởi họ quý trọng thời gian của chính họ. Loại người thứ ba này đôi khi thấy được sự phiền toái của mạng xã hội và họ dứt khoát không tham gia vào bất cứ mạng xã hội nào sau một thời gian rút ra được bài học của bản thân là mạng xã hội là nơi cần tránh để tâm được yên tĩnh. Hoặc mạng xã hội là một đại diện của công ty, của trang mạng để trao đổi với khách hàng hoặc độc giả.
Khi mà dân Mỹ tỉnh lẻ còn lên mạng ủng hộ Trump thì có ai biết kiến thức của họ ra sao? Cho nên dân Mỹ gốc Việt có phất cờ theo đuôi là chuyện nhỏ. Quý vị mong mỏi Trump đánh Tàu cứu Việt mới là chuyện lớn bởi đó là dấu hiệu bệnh mất trí (Alzheimer).
Nước Mỹ dẫn đầu về các phát minh khoa học, kỹ thuật. Nhưng nhà phát minh cứ nghĩ và làm. Còn người sử dụng sẽ nhận hậu quả tốt hay xấu là do trình độ nhân chủ của mỗi người. Cứ lấy chuyện điện thoại cá nhân làm thí dụ: gọi là điện thoại thông minh nhưng không phải ai dùng cũng là người ... thông minh.
Nếu bạn chỉ làm lương 3 cọc, 3 đồng thì điện thoại thông minh sẽ giúp gì cho bạn (ngoài chuyện bị cướp giựt)?
Nếu bạn chỉ là thường dân, không phải nhân vật quan trọng, chủ hãng, nhà đầu tư... để có những quyết định giờ thứ 24 hay ý kiến trị giá bạc triệu... thì cũng chẳng cần tới Iphone.
Nhưng đa số vẫn có Iphone. Vậy thì họ làm gì với những chức năng đa dụng của Iphone? Hàng đầu là xem điểm cá độ các môn thể thao. Kế đến là chơi các trò chơi miễn phí (games). Thứ ba là lên mạng xem các trò khỉ, hình ảnh bậy bạ, coi phim, truyện.... Cuối cùng là ngồi hí hoáy gửi điện văn (texting) cho có vẻ là "nhân vật quan trọng".
Vậy thì có gì hại?
Hại ở chỗ họ đã phí thời gian “du hành” thế giới ảo trong khi đời thường đã không quản lý nổi nay lại phiêu lưu thế giới khác. Đến khi về hưu (hay không còn phải kiếm cơm) thì không những họ bị lạc trong thế giới đang sống mà đi lạc luôn cả trong thế giới ảo của mạng xã hội.
Có ai nghe tiếng họ đang kêu cứu không?
TCL
(Việt lịch 4900)