Cái Lý của Lý Đông A
Trần Công Lân
Tại sao Lý Đông A (LĐA) đưa ra chủ nghĩa Duy Dân? Phải chăng để chống lại chủ nghĩa Duy Vật?
Thực sự Duy Vật chỉ là một chủ nghĩa nửa vời, không hoàn thiện của Karl-Marx mà Lenin đã mượn để xúi giục công nhân Nga nổi loạn (gọi là cách mạng) mà mục đích là chiếm chính quyền. Chuyện chủ nghĩa Duy Vật xây dựng xã hội tiến lên thiên đường cộng sản chẳng bao giờ xảy ra cho các nước theo Cộng Sản Chủ Nghĩa. Sau hơn 70 năm xây dựng và sụp đổ 1989, cuối cùng nước Nga vẫn què quặt về kinh tế với hệ thống chính trị độc tài không lối thoát.
Trung Hoa là quốc gia thứ hai theo Duy Vật chủ nghĩa để rồi lột xác thành Tư Bản Đỏ sau biến cố Thiên An Môn 1989. Nhưng Mao cũng chỉ là vay mượn Duy Vật để cướp chính quyền mà thực tâm vẫn là giấc mộng của Tần Thủy Hoàng: thống trị thế giới. Các nước Âu-Mỹ chạy theo giấc mơ thuộc địa để làm giàu (Tư Bản) để rồi ý thức trào lưu đã lỗi thời và phải trả lại độc lập cho các dân tộc nhược tiểu nhưng sự bóc lột qua kinh tế, thương mại vẫn tiếp tục.
Sự chênh lệch về chính trị, kinh tế, xã hội giữa Đông-Tây đã gây nên các cuộc xung đột khắp thế giới vì Tây phương chỉ nhắm lợi nhuận kinh tế và Đông phương chỉ mượn màu sắc chính trị để cầm quyền. Con người (người dân) đã bị tha hóa vì giới lãnh đạo chẳng bao giờ thực tâm xây dựng xã hội và cộng đồng thế giới để sống hoà bình vì họ nắm được tâm lý con người: lòng tham vô tận.
Đó là lý do tại sao LĐA đưa ra Duy Dân để đặt lại nền tảng con người: Tu Dưỡng và Sinh Mệnh Tâm Lý. Có đào tạo con người Nhân cách mới có xã hội, có dân chủ để sống chung hòa bình. Muốn được như vậy phải chận Lòng Tham (tự kỷ) và xã hội loài người phải chấp nhận "bình sản kinh tế".
Tại sao phải là "bình sản kinh tế"?
Trước khi tìm hiểu "Bình sản kinh tế" là gì, chúng ta hãy nhìn lại thế giới hôm nay:
Loài người sống nhờ thiên nhiên (trái đất) mà LĐA đã đưa ra công thức: Nhiên-Nhân-Dân. Tài nguyên của trái đất có giới hạn. Sự phát triển khoa học, kỹ thuật của Tây phương đã đưa đến sự cạn kiệt về môi trường: rừng, biển, quặng mỏ, đất trồng hoa màu, nước sông, hồ và các loài sinh vật. Sinh hoạt chính trị chỉ mượn danh nghĩa dân chủ (cho dù là Tư Bản hay Cộng Sản) vì giới cầm quyền chẳng bao giờ chú tâm đến giáo dục con người thành NGƯỜI. Một con người tự chủ, nắm vững sinh mệnh tâm lý để không còn bị mê hoặc bởi quyền lợi kinh tế hay chính trị. Giới cầm quyền Tư Bản hay Cộng Sản đều dùng tâm lý để khống chế con người. Cho tới khi nào nền giáo dục thay đổi để có con người thực sự có nhân quyền, nhân cách, nhân đạo thì mới có dân chủ.
Cùng với tiến bộ của loài người là sự ô nhiễm môi sinh. Các chất hóa học, cao su (plastic) đã làm ô nhiễm không khí, đất và nước -- ảnh hưởng tới đời sống của các sinh vật và con người. Một môi trường sống bị hủy diệt thì cho dù các chính quyền chạy theo bất kỳ chủ nghĩa hay sức mạnh quân sự siêu cường nào cũng không thể tồn tại.
Vậy thì con người phải xét lại cách sống hiện nay.
Nếu một dân tộc dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế một cách khôn ngoan để bóc lột các nước khác thì cũng không thể sống yên khi các nước nghèo đói, dân đông sẽ di dân lan tràn để kiếm đất sống. Các nước giàu không thể tiêu diệt các nước nghèo để bảo vệ quyền lợi mà cũng không thể mở cửa chấp nhận di dân. Sự nghèo đói là thất bại kinh tế, chính trị, xã hội của đa số nước nhược tiểu sẽ gây chiến tranh, bệnh tật... lan tràn khắp thế giới.
Nước uống, thực phẩm và không khí trong sạch trở thành vũ khí trong tương lai.
Các tài nguyên thiên nhiên sẽ phải được duy trì và quản trị như các loài sinh vật có nguy cơ diệt chủng. Như vậy, cho dù tình hình chính trị thế giới vẫn còn trong tình trạng phân cực (chiến tranh lạnh) hay đa cực thì các thế lực chính trị vẫn phải bảo vệ môi trường sống của mình. Nhưng nếu một (hay nhiều) quốc gia thất bại trong việc bảo vệ môi trường sống thì sự hủy diệt của một vùng (quốc gia) cũng sẽ đe dọa sự tồn tại của toàn thể nhân loại. Vũ khí (sức mạnh quân sự) và biên giới không ngăn chặn được bệnh tật và ô nhiễm môi sinh.
Trong tình trạng đó thì đời sống của loài người sẽ ra sao?
Cũng tương tự như trường hợp đại dịch (pandemic): giàu nghèo như nhau. Phòng bệnh đúng thì sống. Phòng bệnh sai thì chết. Vấn đề sống còn là chống hiểm họa tiêu diệt loài người, bất kể giàu, nghèo, khôn, ngu.... Tình trạng khẩn trương sẽ đặt con người vào vị trí căn bản: sống còn trong điều kiện tối thiểu.
Như vậy vai trò của chính quyền sẽ như thế nào?
Giới nhà giàu, trí thức sẽ đòi hỏi điều kiện sống cao hơn quần chúng lao động?
Kẻ có quyền lực, vũ khí sẽ chiếm đoạt các cơ sở, điều kiện có thể giúp họ sống còn?
Dân đen sẽ nổi loạn vì bất mãn, không được giúp đỡ về thực phẩm, việc làm, y tế.... Dân nhà giàu bất mãn vì không được tiêu xài hưởng thụ trong khi chính quyền không có biện pháp giải quyết lối thoát cho khủng hoảng xã hội.
Những ai yêu mến và tin tưởng một nền kinh tế tư bản, thịnh vượng sẽ không muốn và không bao giờ muốn nhìn tới viễn tượng này vì đó là kết thúc của giấc mơ kinh tế thị trường: chạy theo lợi nhuận, tham muốn, đam mê của con người phải được điều trị. Tài năng làm giàu hay cướp chính quyền không phải là khả năng làm cách mạng để cải tổ và kiến thiết con người, xã hội.
Vậy thì muốn tránh ngõ cụt đó (nếu ai còn hy vọng có lối thoát thì xin đóng góp) thì trước hết phải ngưng giấc mơ tư bản. Làm sao ngưng được?
Hãy trở lại cội gốc của "tư bản": làm giàu cho bản thân trước, đất nước sau.
Vậy thì làm giàu bao nhiêu, bao giờ cho đủ? Bất tận!
Ở đây không nói tới chuyện Cấm làm giàu mà muốn nhấn mạnh "Làm giàu để làm gì?". Vì kinh tế thị trường chỉ khuyến khích con người làm giàu. Còn khi giàu rồi sẽ làm gì thì không có ai dạy ai cả. Tinh thần làm giàu khiến con người khai thác vật chất mà tiền và tài sản tượng trưng cho sự giàu. Khi bạn có vài chục căn nhà bạc triệu với vài chục phòng ngủ, du thuyền, máy bay riêng, hồ tắm, phòng tập thể dục riêng, sở thú riêng, rạp xi nê riêng... để làm gì? Trong khi bạn cũng chỉ có 24 giờ một ngày để sống mà giấc ngủ đã mất 8 giờ/ngày. Tất cả chúng ta đã quên đi số lượng vật chất, nhân lực đã tiêu hao cho sự làm giàu đó là để lại sự hủy hoại, ô nhiễm môi sinh. Nền văn minh nhân loại cũng là nền tảng hủy diệt nhân loại.
Nếu bảo là kinh tế thị trường tạo công ăn việc làm thì cũng có thể nói tới những công ăn việc làm mà không hủy hoại thiên nhiên, môi sinh.
Từ giai đoạn con người sống với thiên nhiên để kiếm ăn từng ngày cho tới nay: con người có khả năng sản xuất thức ăn dư thừa để dự trữ và điều kiện sống lâu dài. Vậy như thế nào là đủ để đừng làm cạn kiệt môi sinh? Tại sao vẫn có nơi dư thừa thực phẩm (khô, đông lạnh, đóng hộp, tươi...) và có nơi không có giọt nước, cọng cỏ?
Không thể gọi là hòa bình, hạnh phúc, nhân quyền khi sự chênh lệch đó vẫn còn xảy ra trong đời sống con người cho dù được quản trị bởi nền kinh tế thị trường hay quốc doanh (nhà nước chỉ đạo) bởi vì nền kinh tế tư bản thúc đẩy chính quyền chạy theo tổng sản lượng (GDP) trong khi kinh tế chỉ huy chạy theo chính sách của đảng độc tài. Họ (những nhà lãnh đạo) là sản phẩm của chế độ (tư bản hay cộng sản). Đó cũng là lý do tại sao nhân quyền vẫn không được thực hiện mà chỉ là món hàng rao bán.
Chỉ khi nào những con người có tu dưỡng để có ý thức tự kỷ, thực hiện lý tắc Nhiên-Nhân-Dân (Con người-Xã hội-Thiên nhiên) để có Nhân đạo, Nhân cách, Nhân bản thì mới đem lại Nhân quyền cho con người. Sự thực hiện đó đến từ đáy tầng chứ không do từ chính quyền quy định cho người dân.
Khi đất nước của bạn giàu thì bạn nghĩ sao về những đất nước nghèo (hay kém hơn)? Tình trạng di dân, chiến tranh, thiên tai, bệnh tật sẽ xảy ra như trên đã nói.
Như chúng ta thấy hiện giờ các nhà đại tư bản (sau khi đã đạt tới mức quá giàu, giàu thừa thải, giàu không thể bị phá sản) sẽ làm:
(1) làm từ thiện, nhân đạo (philanthropist).
(2) làm chuyện không tưởng: du hành liên hành tinh. Đầu tư vào các dịch vụ khoa học, kỹ thuật cao cấp... để cung ứng cho nhu cầu hưởng thụ, đòi hỏi của con người; đầu tư các cơ sở, đất, sông, biển...làm tài sản riêng.
(3) trường hợp các nhà "tư bản đỏ" (cộng sản Nga- Hoa) vẫn còn giấc mơ thống trị thế giới. Nhưng giả sử họ thành công thì sau đó sẽ là gì? Họ vẫn không thể cải tạo hay thay đổi sự suy nghĩ tự nhiên của con người là tự do, là độc lập (tự kỷ, tự phát chứ không do người khác áp đặt) mà tình yêu giữa con người không thể là sản phẩm của một chính quyền bạo lực. Và bất ổn xã hội vẫn còn khi con người không có hạnh phúc.
Do đó quyền lực và tài lực không thể dẫn đến giải pháp của con người, xã hội và thiên nhiên (vật chất hay tinh thần). Để giải quyết vấn nạn đó, loài người phải có một khởi điểm (điểm xuất phát) mở ra lối thoát mà trong mọi biến động đều mở ra lối thoát. Nhưng con người có đủ can đảm để nhìn ra lối thoát chính là đời sống căn bản.
Vậy "đời sống căn bản" là gì? Là vừa đủ sống để dồn hết năng lực trí óc, vật lực, nhân lực xác định con đường sống (gọi là nhân đạo) cho nhân loại và chúng sinh (mọi sinh vật = sentient being). Nhưng nếu một dân tộc cố gắng tìm lối thoát trong khi các dân tộc khác lại đang đi vào con đường chết, hủy diệt trái đất (qua bệnh tật, chiến tranh tàn phá môi sinh...) thì vẫn chưa giải quyết vấn nạn.
Chỉ khi nào nhân loại, các chính quyền ý thức được sự chạy đua về kinh tế, quân sự (hay chính trị) chỉ dẫn tới bế tắc và khủng hoảng thì mới có thể thỏa thuận về một cuộc đối thoại cho "tương lai nhân loại" .
Đối với LĐA thì "đời sống căn bản" và "tương lai nhân loại" = bình sản kinh tế.
Vậy bình sản kinh tế là gì? Suy nghĩ kỹ đi các bạn.
TCL