PVN thua kiện công ty của Nga, có thể bồi thường lên đến 500 triệu USD
RFA
Nhà sản xuất thiết bị điện của Nga, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov hôm 12/2 cho biết họ đã thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 11 năm ngoái.
Nhật báo RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết khoản tiền bồi thường khoảng 500 triệu USD cho Power Machines đang được thảo luận.
Theo hãng tin Reuters, vụ kiện được đệ trình tại Singapore, nhằm đòi lại số tiền đã đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, dự án đã bị tạm dừng vào năm 2018 sau khi nhà thầu Nga bị Mỹ trừng phạt.
Tuy bài viết không nêu rõ dự án nào nhưng theo truyền thông Nhà nước Việt Nam hồi tháng 8/2019 công ty của Nga thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) liên quan đến việc tạm dừng dự án Nhiệt điện Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.
Dự án trên được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án chưa đến 80% thì phải tạm dừng do liên quan đến lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/1/2018.
Đến tháng 1/2019, nhà thầu Power Machines có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) do bất khả kháng.
Các khiếu kiện chính bao gồm: Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là bất khả kháng, Power Machines khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho công ty này, và Power Machines cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Power Machines.
Một luật sư từng tham gia sáng lập một trung tâm trọng tài thương mại phi chính phủ tại Việt Nam, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Power Machines chấm dứt hợp đồng trước vì cho rằng PVN vi phạm nghĩa vụ, như vậy Power Machines cho rằng PVN có lỗi.
Tuy nhiên, theo nguồn tin đáng tin cậy, Power Machines khởi đầu vụ kiện với vị thế yếu, nhưng dường như PVN không tận dụng lợi thế để đưa ra những lập luận mạnh chống lại, nên không thành công. Trong thời gian xét xử, PVN bổ sung một luật sư rất giỏi, nhưng đã quá muộn để thay đổi tình thế.”
Về nghĩa vụ đền bù cho công ty của Nga, theo luật sư này, nếu Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam không tự nguyện thi hành án và thanh toán tiền, thì "khả năng bị kê biên tài sản ở nước ngoài sẽ rất cao."
Phóng viên gọi điện cho PVN nhưng người trực điện thoại nói doanh nghiệp này hiện đang nghỉ tết và không có lãnh đạo nào ở cơ quan. Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, và Bộ Kế hoạch & Đầu tư với đề nghị bình luận về vụ kiện này nhưng chưa nhận ngay phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về vụ kiện. Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết đang ở kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên sẽ trả lời sau.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể), bình luận về vụ kiện.
“PetroVietnam mà thua vụ kiện này thì chắc chắn là có sơ hở về hợp đồng. Điều đó có nghĩa là trong đàm phán hợp đồng, các ông ấy cũng có thể là quá tự tin về bạn hàng truyền thống Nga.
Cũng không ai biết trong hợp đồng này có lót tay gì không, mà mình nghĩ không thể không có bởi vì với các nhà thầu Nga thì thường phía Việt Nam thường hay chấm mút ở những hợp đồng như thế này.”
Theo ông, do các cơ quan chức năng như Bộ Công thương và PVN không công khai các thông tin về hợp đồng xây dựng giữa hai công ty Việt Nam-Nga nên không thể đánh giá chính xác vụ kiện.
Về bài học để các doanh nghiệp Việt Nam tránh các vụ rắc rối về pháp lý với đối tác nước ngoài, ông nói:
“Trong các dự án đầu tư như thế thì họ (chủ đầu tư- PV) phải chọn những cái nhà thầu mà đỡ bị rủi ro hơn. Các nhà đầu tư ở Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, không những là nghiên cứu rõ ràng về đối tác mà phải tính đến những rủi ro. Khi đàm phán hợp đồng thì phải thuê những luật sư giỏi để hợp đồng được chặt chẽ.”
Một cựu giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), không muốn nêu danh tính để phát biểu thoải mái hơn, cho biết khi làm ăn với quốc tế, cán bộ Việt Nam không có tầm nhìn dài hạn nhưng lại đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, chỉ nhìn vào phần hoa hồng mà đối tác mang lại mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra.
Theo báo chí Nhà nước, Power Machines thực hiện nhiều dự án công nghiệp ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước, với nhiều công trình nổi tiếng như Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, và Thuỷ điện Hòa Bình. Sau năm 2000, công ty này quay lại tham gia thực hiện các dự án thuỷ điện như Yaly, Cần Đơn, Sê San 3, và Nhiệt điện Uông Bí.
Hồ sơ tòa án Nga cũng cho thấy Power Machines đã đệ đơn kiện lên tòa án Moscow vào ngày 2/2 chống lại PVN và đại diện của công ty này tại Nga. Không có chi tiết nào về vụ kiện đó được tiết lộ.