Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động môi trường thứ sáu,
bà Ngô Thị Tố Nhiên của VIETSE
RFA
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE) – vừa bị bắt giữ hôm 15/9 vừa qua, hiện không rõ lý do bắt giữ. Tổ chức chuyên theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam – Project 88 – loan tin này hôm 20/9.
Theo Project 88, công an đã khám xét văn phòng của VIET và thẩm vấn các nhân viên của văn phòng này nhưng không công bố lý do bắt giữ.
Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ một người biết tin này nhưng không thể nêu danh tính vì lý do an toàn xác nhận vụ bắt giữ.
Theo Project 88, bà Nhiên "có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp".
AP dẫn lời ông Ben Swanton – đồng Giám đốc Project 88 – nhận định: “Việc bắt giữ bà Nhiên là dấu hiệu quan trọng cho thấy việc nghiên cứu chính sách năng lượng tại Việt Nam hiện nay là không được phép.”
Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ hai bị bắt giữ trong năm nay tại Việt Nam sau trường hợp bà Hoàng Thị Minh Hồng của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE bị bắt vào ngày 30/5 vừa qua với cáo buộc tội “Trốn thuế”.
Đây cũng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bắt giữ trong vòng hơn hai năm qua. Năm người bị bắt trước đó đều bị cáo buộc tội “Trốn thuế”. Các tổ chức quốc tế đã lên án các vụ bắt giữ và kết án tù những nhà hoạt động này là có động cơ chính trị.
VIETSE là môt tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập vào cuối năm 2018 với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao.
Theo AP, khi bị bắt giữ, bà Nhiên đang làm việc với tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc để giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) mà Việt Nam vừa đạt được hồi cuối năm ngoái với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy.
Theo thỏa thuận này, các đối tác sẽ giúp Việt Nam hơn 15 tỷ đô la để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng bền vững từ sử dụng than sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Hôm 10/9 vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, Hà Nội đã trả tự do cho một trong số năm nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ là nhà báo Mai Phan Lợi 18 tháng trước thời hạn tù bốn năm với cáo buộc tội “Trốn thuế”. Ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).