Bài Học Dân Chủ
Nguồn hình Britannica + Our World in Data
Trần Công Lân
Nói đến sinh hoạt dân chủ là mọi người nghĩ đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, đi lại, tụ họp, biểu tình, bất đồng ý kiến... vì đó là những gì hiến pháp quy định, luật pháp bảo vệ qua hệ thống chính trị với tam quyền phân lập.
Nhưng đời sống chỉ cho mỗi người 24 giờ/ngày. Một khi bạn ham vui, hưởng thụ, kiếm tiền thì sẽ không còn thì giờ để tìm hiểu những vấn đề khác của đời sống quanh bạn. Đặc biệt kể từ khi có mạng toàn cầu (internet) cho phép bạn tìm hiểu tin tức khắp thế giới Đông-Tây kim cổ. Rồi đến mạng xã hội cho phép bân góp ý, chia sẻ với mọi người khắp thế giới. Tiếp theo là hình ảnh, thâu và phát hình (video, youtube, tiktok, streaming). Như vậy khoa học kỹ thuật đã giúp con người thông tin nhanh hơn để tìm hiểu lẫn nhau và phát triển đời sống dân chủ?
Kinh tế toàn cầu dẫn đến cạnh tranh, xung đột khiến chính quyền các nước phải giải quyết vì quyền lợi dân tộc hay phe phái. Người dân không theo dõi diễn biến trong nước cũng như quốc tế sẽ có nhận xét sai lầm hoặc chọn lựa đại diện dân cử theo hình thức mà không cần biết đến nội dung. Kết quả là các cơ chế chính trị đi vào hỗn loạn vì các thành phần bất hảo nắm quyền và thao túng các sinh hoạt dân chủ.
Biến cố 1/6/2021 là một bằng chứng cho thấy khi sinh hoạt chính trị suy thoái vì nạn tin giả do giới truyền thông hay chính trị gia muốn gây hỗn loạn để thao túng quyền lực. Mặt khác người dân thiếu trình độ suy xét tham dự mạng xã hội và bị lôi cuốn theo các tổ chức nặc danh hay cá nhân xách động mà không hề biết lai lịch, quá khứ của người đưa tin.
Khi vấn đề càng phức tạp thì trình độ lý luận, phân tích phải có để gạn lọc thực, hư. Người dân Mỹ sau nhiều thập niên sống trong an bình với kinh tế thịnh vượng đã bị chấn động khi kinh tế suy thoái đã có phản ứng bảo thủ (muốn trở lại như cũ) mà không biết rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Riêng đối với người Việt thì kinh nghiệm sống với cộng sản Việt Nam (CSVN) đã có. Tuy tinh thần chống cộng là điều tốt nhưng chống cộng như thế nào? Hiện nay chúng ta sống dưới chế độ dân chủ, qua sinh hoạt dân chủ thì dân trí phải có để biết phải làm gì, nên làm gì, như thế nào. Không vì những lời tuyên bố của các nhân vật chính trị mà tin là sẽ có thật (như chuyện Mỹ đánh Trung Cộng). Đánh bằng kinh tế khác chính trị (quân sự). Trừng phạt kinh tế Trung Cộng vì quyền lợi Mỹ chứ không phải vì CSVN. Tham dự sinh hoạt chính trị Mỹ phải có tổ chức, hội đoàn trên dưới (tiểu bang, liên bang). Không tìm hiểu mà tham dự hay ủng hộ tiền bạc thì tiền mất tật mang.
Vậy thì bạn tham dự sinh hoạt dân chủ tại Mỹ như thế nào? Đi bầu là một chuyện, theo dõi các ứng cử viên vận động, sinh hoạt là một việc khác. Tìm hiểu chính sách của đảng là chuyện cao cấp hơn. Theo dõi sinh hoạt của hành pháp, lập pháp, tối cao pháp viện, các biến cố xã hội có ảnh hưởng đến chính trị (phá thai, di dân...) lại càng phức tạp hơn. Sẽ có mấy ai (người Việt) quan tâm đến chính sách đối ngoại của Mỹ qua từng thập niên? Cuối cùng là bạn có cơ hội thảo luận với người khác để tìm hiểu lập trường, quan điểm của mình đúng hay sai.
Tiếc thay đa số chỉ quan tâm đến du lịch, kiếm tiền. Và khi có biến cố liên quan đến VN thì nghĩ rằng "mình" là công dân Mỹ thì có ý kiến (hay nguyện vọng) thì chính quyền phải quan tâm. Và như vậy chúng ta tập họp vào Nhà Trắng, Quốc Hội để đòi hỏi chính giới Mỹ phải ABC với CSVN mà không hề biết tới chính sách ngoại giao của Mỹ ra sao.
Cũng như mỗi kỳ bầu cử, ai cũng nói bầu cho ứng viên đảng A vì A chống cộng. Nhưng hỏi rằng nếu có chiến tranh với Trung Cộng thì con bạn (dân Mỹ) phải đi lính ra trận thì bạn nghĩ sao? Nếu đã không bỏ tiền trong sinh hoạt chính trị thì làm sao dám bỏ mạng trong chiến tranh?
Thời kỳ mới có bang giao Việt-Mỹ nhiều người đã ngụy biện chuyện về VN: "phải về VN mới hiểu tình hình để chống cộng". Hiểu hay không thì không thấy anh ta chống cộng hoặc có kẻ nói chuyện chống cộng lỗi thời. Bây giờ phải làm ăn (đấu tranh kinh tế). Nhưng kinh tế và chính trị đi đôi với nhau. Biết bao nhiêu người về VN làm ăn để rơi vào bẫy CSVN, kẻ vào tù, người bỏ của chạy lấy thân.
Khi lớp người thời 1975 dần dần phai tàn thì cộng đồng Việt nam (CĐVN), với lớp người mới, có ý thức hơn về sinh hoạt dân chủ Mỹ. Tuy mất thời gian gần 50 năm nhưng nếu đi đúng đường lối thì người Mỹ gốc Việt có cơ hội đóng góp nhiều hơn các cộng đồng bạn trong tiến trình xây dựng dân chủ tại Mỹ, không chỉ vì nước Mỹ mà vì tương lai của nước Việt và dân tộc Việt.
Nên nhớ sinh hoạt dân chủ không phải chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cộng đồng, xã hội, (tự kỷ-ỷ tha-động tha) vì sinh hoạt dân chủ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới, thiên hạ. Và tương quan giữa con người với xã hội phải đi qua thiên nhiên (tự nhiên) chứ không phải kiểu cộng sản đòi sống chung hòa bình nhưng thu tóm mọi tài nguyên, quyền lợi. Những ai đã từng sống với cộng sản đều biết chúng tồn tại nhờ nói dối (láo) và bạo lực. Đó là toàn bộ hệ thống tư tưởng của Lê Nin, Mao, Hồ. Hiến pháp của các quốc gia dân chủ đều dựa trên niềm tin qua thảo luận, luật lệ và tương nhượng, thỏa thuận. Vậy thì sự lạm dụng tự do ngôn luận để nói láo là chìa khóa để phá hoại sinh hoạt dân chủ và niềm tin. Hãy cho tôi biết bạn có thể sống, làm việc với kẻ nói láo hay không?