Theo dõi Nhân quyền: Chính phủ Việt Nam đuối lý khi công kích tổ chức phi chính phủ quốc tế!
RFA
"Chính phủ Việt Nam có hai mặt về nhân quyền, nói bất cứ điều gì họ nghĩ sẽ có lợi cho họ về mặt chính trị, và công kích các nhà hoạt động ở Việt Nam, hoặc các tổ chức phi chính phủ quốc tế như tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì đi ngược lại với sự tuyên truyền không có thật của chế độ độc đảng ở Đông Nam Á."
Đó là lời nhận xét của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phản bác lại tuyên bố của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ ngày 25/1.
Trước đó, tổ chức chuyên giám sát nhân quyền của các nước trên thế giới công bố Phúc trình Toàn cầu 2024 trong đó phần về Việt Nam nói rằng, trong năm qua chính quyền "đã đè nén các quyền dân sự và chính trị cơ bản và trừng phạt nặng nề những ai dám thách thức vị thế độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục cấm thành lập công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền cũng như đặt các nhóm tôn giáo độc lập ra ngoài vòng pháp luật.”
Hai tuần sau, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo.”
Bà Hằng còn nói đây không phải là lần đầu tiên tổ chứccó trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) đưa ra “những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
Ông Phil Robertson trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 26/1 khẳng định, phát ngôn của chính Bộ Ngoại giao đúng như những gì ông tiên đoán họ sẽ nói ra, đó là "phủ nhận mọi chuyện và tấn công người đưa tin."
"Đây là biện pháp bảo vệ cuối cùng của một chính phủ đã có bước lùi xa về nhân quyền đến mức họ thực sự không còn lý do chính đáng nào để tuyên bố rằng họ tuân theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn.
Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội, đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống,” ông Phil nhấn mạnh.
Chuyên gia về nhân quyền Việt Nam của HRW cho rằng thật là lố bịch và buồn cười khi chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng, tăng trưởng kinh tế có nghĩa là Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình về nhân quyền.
Ông nhắc lại rằng trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, một phái đoàn của chính phủ Việt Nam đã đến thăm Văn phòng của HRW ở Washington, DC cùng với các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và hai bên đã có một cuộc thảo luận hiệu quả về những gì phía Việt Nam cần làm để thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.
“Điểm mấu chốt là Chính phủ Việt Nam có hồ sơ nhân quyền tồi tệ thứ hai ở ASEAN sau chính quyền quân sự tàn bạo ở Myanmar, và Hà Nội đang tiến hành triệt phá một cách có hệ thống tất cả các nhóm xã hội dân sự nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Lý do duy nhất khiến người dân Việt Nam không bày tỏ sự bất bình trước chính phủ là vì họ quá sợ phải đối mặt với hàng loạt sự giám sát, quấy rối và đàn áp dành cho bất kỳ ai chỉ trích chính phủ,” ông Phil Robertson nói.
Là người theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm và gặp gỡ nhiều nhà hoạt động địa phương, ông Phil Robertson khẳng định:
“Im lặng không có nghĩa là đồng ý, và người dân Việt Nam muốn nhân quyền của họ được tôn trọng - bất chấp những khẳng định sai lầm mà chính phủ đưa ra nhân danh người dân.”
Trong báo cáo của mình, HRW nói Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hoà. Chỉ tính riêng trong mười tháng đầu năm 2023, có ít nhất 28 người vận động cho nhân quyền đã bị kết án với những bản án tù nhiều năm, trong đó có blogger của RFA Nguyễn Lân Thắng và các ông Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Thực trạng quyền con người ở trong nước
Là người theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền Việt Nam từ Thuỵ Điển, bà Hoàng Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, phát biểu với RFA:
“Báo cáo của HRW phản ánh đúng sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023, đặc biệt là việc Chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự.”
Bà cho rằng Hà Nội cần chấm dứt việc sử dụng thành tích kinh tế để lấp liếm cho tình hình nhân quyền tệ hại trong nước. Theo bà, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05% trong năm 2023 và kém xa mục tiêu 6,5% do Quốc hội đặt ra trước đó. Do vậy, ở cả hai khía cạnh kinh tế và nhân quyền, Chính phủ Việt Nam đều “không có gì để tự hào cả!”
Bình luận về phản bác của Việt Nam đối với báo cáo của HRW, một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Nhà nước Việt Nam với luôn nói các báo cáo của quốc tế chỉ trích về tình hình nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam là bịa đặt, nói xấu, nhưng không không giải thích được là các báo cáo bịa đặt và nói xấu nhằm mục đích làm gì.
Nói về nói xấu và bịa đặt, Hà Nội là người giỏi hơn ai hết, khi vu cáo cho hơn 160 người phải vào tù vì những tội không tưởng như ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ hay ‘tuyên truyền chống nhà nước’...
Và thậm chí trơ trẽn đến mức vu cáo tội ‘trốn thuế’ cho nhiều người hoạt động môi trường đã hoạt động nhiều năm, mà trước đó không bao giờ bị chất vấn về những điều này.”
Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đưa ra những báo cáo về thực trạng nhân quyền xấu đi từng ngày ở Việt Nam.
Đầu tháng 12/2023, tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) xếp hạng Việt Nam vào nhóm 28 quốc gia trên thế giới có không gian dân sự đóng.
Cuối tháng trước, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam đứng thứ tư trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhiều nhất đối với các nhà báo trong năm nay, chỉ xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Belarus.
Trong khi đó, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm 2023 với tổng số 19 nhà báo đang bị cầm tù, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.
Trong nhiều năm gần đây, Uỷ hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tôn giáo.
“Nói theo cách của ông Nguyễn Phú Trọng, thì mình đã làm thế nào mà suốt cả thập niên không có tổ chức nào nói tốt về dân quyền, tự do ngôn luận, và tín ngưỡng ở Việt Nam,” nhà hoạt động nhân quyền ở TP HCM mỉa mai.