Xây Dựng Lại Văn Hóa Việt Nam Cộng Hòa (P1)
Bắt chước Tần Thủy Hoàng và Cách mạng văn hóa Ba Tàu, đảng cs đốt sách vở sau khi chiếm được miền nam VN - Hình Saigon Nhỏ.
Trần Công Lân
Trong suốt cuộc chiến Nam-Bắc còn gọi là cuộc chiến Quốc-Cộng, miền Nam đã không có thời giờ để xây dựng xã hội ngoài việc chống đỡ các cuộc tấn công của miền Bắc. Tuy vậy chế độ Cộng Hòa với sinh hoạt dân chủ đã để lại một di sản văn hóa độc đáo của miền Nam: văn học Việt Nam 1954-1975.
Miền Nam thua về quân sự nhưng không thua về chữ nghĩa. Những tác phẩm văn, thơ nhạc, hội họa của miền Nam nói lên tự do sáng tác, tâm sự, tình cảm của người dân trong thời chiến khác hẳn tình trạng của miền Bắc bị chỉ huy bởi đảng cộng sản, người dân bắt buộc phải tham dự cuộc xâm lăng miền Nam và giới văn nghệ sĩ phải ca tụng những gì đảng đòi hỏi. Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, văn hóa miền Bắc không còn là cho con người mà chỉ là cho đảng, cho chiến tranh "giải phóng" mà chính những người đi "giải phóng" đang bị kềm kẹp bởi bộ máy công an của đảng cộng sản.
Khi cộng sản chà đạp nhân quyền, biến con người thành máy móc, vô lương tâm, đạo đức thì Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) xây dựng và phát triển con người. Đó là khác biệt giữa Cộng Sản và Cộng Hòa. Những ai muốn xây dựng nền Cộng Hòa III cần phải chú ý về sự xây dựng con người. Chỉ vì sống dưới chế độ cộng sản con người chỉ biết ca tụng đảng. Văn chương chỉ là ca tụng Bác, Đảng và chủ nghĩa cộng sản. Người Việt ngày nay không biết gì về văn học VN tiền chiến và khi cộng sản cầm quyền thì không có sáng tác gì về con người với nhân tính mà chỉ còn là tuyên truyền cho công cuộc xâm lăng (mà đảng gọi là giải phóng) miền Nam. Nhưng đảng không thể diệt được tình cảm con người. Sau gần 50 năm cai trị, nền văn học cộng sản vẫn khô cằn.
Chúng ta không nên lật đổ cộng sản Việt Nam bằng súng đạn mà thay đổi chế độ cộng sản bằng văn học, văn hóa, ngôn ngữ để xây dựng con người. Hủy diệt con người, nhân tính, nhân quyền, làm ngu dân là thủ đoạn của đảng cộng sản. Khuyến khích người dân sống bất lương, tàn bạo để cộng sản dễ cai trị, điều khiển. Hướng dẫn con người sống lương thiện, nhân bản là cách chống Cộng hữu hiệu nhất. Đó là duy Dân, giữ người dân tránh xa đảng cộng sản. Cô lập đảng với dân là đảng tiêu tan. Với người dân lương thiện là nền tảng để xây dựng chế độ Cộng Hòa và sinh hoạt dân chủ. Còn nói láo, giả dối là còn cộng sản. Khi người dân tự bảo vệ bằng cuộc sống lương thiện, xa lánh cuộc sống giả dối của cộng sản Việt Nam là "lý thuyết cây tre" của cộng sản Việt Nam sẽ mất gốc và tự diệt.
Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, người dân VN xuất ngoại tìm đến cộng đồng Việt Nam đã thắc mắc (về bài hát "Thà như giọt mưa" thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy) "tại sao các anh, chị có những bài ca, văn chương (VNCH) với lời thơ, nhạc như vậy?"
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không
Sống chai đá dưới chế độ cộng sản, người dân Việt không thể hiểu người Việt tự do cảm nghĩ gì khi mưa gió lạnh lùng "vỡ trên tượng đá" cũng lạnh lùng "khô trên tượng đá" để rồi "có còn hơn không"?
Sống với chế độ tự do, dân chủ thì người dân tự chọn cho mình một nghề để sinh nhai. Có người theo đuổi nghệ thuật, văn chương cho dù không dư giả nhưng đó là nỗi đam mê. Thơ, nhạc, điêu khắc... đến từ cảm hứng của người nghệ sĩ không do Đảng chỉ đạo phải ca tụng Bác vĩ đại hay những thành quả giả dối của đảng cộng sản Việt Nam. Do đó lời văn, nốt nhạc mới phát xuất từ tâm sự của tác giả gửi đến người thưởng thức. Và khi dòng nhạc, lời thơ, tác phẩm đi vào lòng người vì cùng cảm xúc thì nó trở thành "bất tử". Nhạc Vàng của VNCH đã thành hình từ đó.
Cũng vì sống dưới chế độ cộng sản về ăn uống, hôn nhân, đi lại, làm việc... người dân Việt chịu sự chỉ huy của Đảng. Họ không thể hiểu giá trị của tự do cũng là tự chủ mà khi muốn chọn (ta ngoắc mòn tay) "chỉ thấy sông chập chùng":
Người từ trăm năm về ngang sông rộng
Người từ trăm năm về ngang sông rộng
Ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng.
Sự tuyệt vọng của con người sống với tự do, dân chủ khác với tuyệt vọng dưới chế độ độc tài. Đó là giá phải trả của tự do, của chọn lựa bản thân theo ý muốn. Một đàng là có tự do mà vẫn không tìm được và uẩn ức đó được đưa vào thơ, nhạc, nghệ thuật để diễn tả tâm sự của tác giả. Một đàng là bị dập tắt trước khi có mơ mộng khiến tâm hồn con người trở nên khô cằn, tê liệt. Khi chế độ cộng sản tiêu diệt tình cảm cá nhân mà đảng kết án là "lãng mạn tiểu tư sản" thì người dân với tình cảm bao la cũng vẫn chạy theo ước vọng cá nhân để bị lôi cuốn theo dòng đời:
Người từ trăm năm về khơi tình động
Người từ trăm năm về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời.
Tình yêu là điều thiêng liêng nơi con người. Đó là tình cảm, là nhân tính. Có yêu thương thì mới có hòa bình khiến con người khác thú vật. Tình cảm khơi dậy những đam mê trong cuộc đời. Chạy theo những trôi nổi của dòng đời đã vật ngã con người mà đến cuối đời vẫn không biết là thế gian đã hết hay mạng ta đã hết (đời cạn hay cạn đời)? Con người sống dưới chế độ dân chủ được tự do tìm kiếm hạnh phúc nhưng khi tận lực hết sức mình (tận kỳ sở năng), con người mới biết thế nào là số mệnh: tri thiên mệnh.
Nhưng cuộc đời đã khiến con người phải chịu đau thương
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm
Dòng máu chưa kịp tràn, dòng máu chưa chẩy đầm.
Khi người xưa trở về làm khơi dậy vết thương lòng trong tâm tư là nỗi niềm "tiểu tư sản" vì chỉ có con người tự do mới "trầm ngâm" (có thời giờ để suy nghĩ) mà không bị nhà nước bắt đi đào kinh thủy lợi hay lao động nông truờng quốc doanh. Bởi có tự do mộng tưởng nên tác giả mới so sánh dòng máu chảy từ từ (chưa chảy đầm) để diễn tả nỗi đau chầm chậm, tê tái. Vậy "người trăm năm" ám chỉ người yêu của tác giả hay bác Hồ?