Tôn Giáo và Chính Quyền (P2) Hình minh họa: Đạo Bà La Môn - Nguồn Internet
Trần Công Lân
Chính quyền
Nếu đời sống là trường học thì con người sống để học hỏi. Thuở xa xưa con người thiếu kiến thức nên dựa vào tôn giáo. Khi tôn giáo và chính quyền xung đột thì dân theo ai? Nếu tôn giáo có phẩm hạnh thì đã không tranh chấp với chính quyền. Chính quyền do người xấu cai trị thì sẽ đi đến sụp đổ. Vấn đề là tôn giáo có đào tạo được người tốt để điều hành việc nước mà không áp đặt tôn giáo lên người khác.
Tại các nước dân chủ, khi tranh cử thì các ứng viên phải đưa ra các chương trình thích hợp với người dân, tình trạng xã hội. Nhưng vì tham vọng, ứng viên đã hứa hẹn quá nhiều, lại còn dùng xảo thuật để triệt hạ đối thủ có tài năng hơn mình.
Mặt khác, người dân vì "ích kỷ, thờ ơ, ngu tối" (Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện) nên lơ là sinh hoạt chính trị, chỉ chọn những ai hứa hẹn trúng ý muốn, nhu cầu của mình mà không quan tâm đến việc chung. Khi những kẻ ác, xấu nắm chính quyền thì quốc gia trở thành độc tài, chuyên chính và người dân tỉnh ngộ đã quá muộn.
Chiến tranh tâm lý giữa chính quyền và tôn giáo luôn luôn xảy ra. Tôn giáo dựa vào uy tín của đấng sáng lập những hứa hẹn tốt đẹp về một thế giới của đấng tối cao sẽ nắm ưu thế so với những gì chính quyền có thể (hay không thể) làm cho dân.
Chế độ dân chủ là "dân" làm "chủ" có nghĩa là người dân phải tham dự sinh hoạt chính trị. Nhưng trình độ dân đã không đồng đều lại còn ham chơi, lười biếng, ỷ lại... cho nên dù chính quyền có nỗ lực cũng không thể thỏa mãn đòi hỏi của dân khi so với thiên đường của tôn giáo vẽ ra.
Vấn nạn của chính quyền là giới lãnh đạo cũng từ dân mà ra. Mà dân cũng là tín đồ. Vậy khi ông A còn là dân thì tôn giáo X ông theo là chuyện cá nhân nhưng khi ông làm chính trị, đắc cử chức vụ W. Chức vụ càng cao thì ảnh hưởng tới xã hội càng sâu và rộng. Qua một chính sách Z (phá thai, di dân, đồng tính, tội ác...) ông A là ông Tòa (hay dân biểu, nghị sĩ, tổng thống) quyết định Y vì ảnh hưởng bởi tôn giáo X thì đồng viện nghĩ sao? Người dân khác tôn giáo nghĩ sao?
Trên mặt chính trị thì đảng của ông A là đa số nhưng trên mặt tôn giáo thì X là thiểu số. Khi dân chống ông A là chống tôn giáo X. Nước láng giềng đa số theo đạo X sẽ mang quân xâm chiếm để bênh vực ông A và đạo X. Cho dù hiến pháp quy định thế nào đi chăng nữa thì chiến tranh vẫn xảy ra. Vì "tín" là tin mà đã tin thì không còn phải hay trái nữa. Tôn giáo có thể sinh hoạt dân chủ được không?
Thời xa xưa khi người thợ săn trao đổi sản phẩm với người nông dân thì niềm tin giữa hai người là chính. Đó là khi chưa có chính quyền và tôn giáo xen vào. Vậy thì tại sao có sự xuất hiện của "chúng ta tin nơi Thượng đế" (in the God we trust) và lời thề trên kinh sách? Nếu một quốc gia có nhiều tôn giáo thì lời thề với thượng đế sẽ thay đổi tùy theo ứng cử viên đắc cử theo tôn giáo nào.
Tại sao không thể là lời thề: nếu tôi làm sai, thất bại, tôi sẽ từ chức (hay tự sát như võ sĩ đạo Nhật)?
Nếu nhà tu tự giáo dục bản thân để không còn mê hoặc, sân si, tham vọng thì ông ta có thể nắm chức vụ chính quyền nhưng chưa chắc ông ta làm được việc nhưng nhất định ông ta không tham nhũng, bè phái, thiên vị hay muốn làm hại xã hội vì bất cứ lý do gì. Tuy nhà tu có thể công bằng, chí công vô tư nhưng dân chúng không có trình độ như vậy và đối thủ của nhà tu có thể thuyết phục quần chúng để thay thế vai trò chính trị (trường hợp Carter và Reagan).
Tôn giáo là lãnh vực huyền hoặc vì không thể chứng minh thượng đế, thiên đàng hay cõi chết và khi đã tin thì khó thay đổi, nếu thay đổi có thể bị tội chết (Hồi giáo). Trong khi chính trị là thử thách, thể nghiệm, điều chỉnh hay lật đổ (cách mạng) để làm cái mới vì nếu không thì cả nền văn minh bị tiêu diệt mà không hiểu tại sao (Ai Cập, Atlantis, Machu Picchu).
Vậy nếu cả tôn giáo lẫn chính quyền đều không giáo dục được người dân vì chính người dân tham dự cả tôn giáo lẫn chính quyền thì làm sao sửa đổi hai cái sai cùng một lúc mà không thể sửa từng cái một vì tuy hai là một?
Giải pháp cuối cùng là người dân phải tự sửa.
Nhưng nếu từ học tập, sửa sai từ lúc trẻ thì khó mà chống lại dư luận đương thời của người lớn. Mà nếu để thành người lớn thì tánh nết khó sửa vì thời gian đã trôi qua. Trường hợp mạng xã hội cho thấy người nói lăng nhăng thì nhiều mà người suy nghĩ, lý luận thì ít. Đã ít, họ lại không lên tiếng thành thử kẻ nói trăng cuội lại tưởng mình đúng, múa tiếp cho tới khi gặp sự thật thì quá trễ. Vì là số ít họ chẳng buồn tham dự chính trị hay tôn giáo vì khó mà sửa số đông kẻ đã "tà" gần hết cuộc đời.
Thế nhưng chính trị, chính đạo vẫn còn đó, ai thấy thì tham dự. Nhưng để thấy thì bạn phải bỏ du lịch, ăn nhậu, các trò chơi giải trí... từ thuở ấu thơ nhờ trải qua hoàn cảnh, sách vở hay tôn giáo?
Khi các tổ chức chính trị tranh luận về chọn đại diện (chủ tịch đảng, tổng thống) già hay trẻ thì là trò hề vì không nói tới "kinh nghiệm": già mới có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thành công hay thất bại? Kinh nghiệm từ đâu có nếu không làm chức vụ đó? Có kinh nghiệm mà không có tư cách, đạo đức thì sao? Già mà cỡ 70-80 lỡ nửa đường đứt gánh trong lúc cần thiết thì lỗi tại ai?
Nếu trẻ thì nợ đời (tửu-sắc-khí-tài) đã vượt qua chưa? Làm sao biết được người trẻ đã "chính kỳ sở mệnh" (biết và chấp nhận tài năng của mình để đóng góp hữu hiệu cho xã hội). Bởi vì nắm vận mệnh quốc gia không thể vì giận vợ con, hay thất tình mà bỏ đảng, bỏ quốc gia đi tu hay theo tiếng gọi con tim.
Nếu cao điểm của chính trị là chiến tranh thì lãnh đạo sẽ đối diện cái chết như thế nào? Lính còn sợ chết thì chỉ huy tối cao quan niệm về chết ra sao? Lãnh đạo tôn giáo chắc chắn đã có quan niệm về cửa tử nhưng tại sao vẫn còn mê lầm vật chất? Chết không mang theo được gì thì tại sao còn mê đắm tài vật? Như vậy đâu còn là chân tu.
Kết
Bạn muốn đi làm cách mạng cứu dân, cứu nước mà không muốn bàn chuyện vặt vãnh (cá nhân, gia đình...) thì hãy thử giải quyết vấn đề tôn giáo-chính trị xem có thuyết phục được bạn bè hay không. Có người cho rằng đảng chính trị không cần thiết nữa trong thời đại mạng toàn cầu. Có người cho rằng tôn giáo không còn thực tiễn trong xã hội hiện nay. Có người đề nghị giao cho người máy (robots) với thế giới ảo (AI) phụ trách. Người khác lại cho rằng trở về thuở xưa với lối giải quyết tức thì (instantaneously): có chuyện xảy ra thì mọi người trong cộng đồng địa phương tự họp giải quyết từ hành pháp, lập pháp, tư pháp đến kinh tế, giáo dục, giao thông xong rồi thì giải tán. Còn nếu bạn không làm tức là mất quyền làm chủ. Người khác làm chủ, bạn ráng chịu.