Tôn Giáo và Chính Quyền (P1)
Hình minh họa: Đạo Bà La Môn - nguồn Internet
Trần Công Lân
Thuở xưa vương quyền cấu kết với giáo quyền tạo ra chế độ thuộc địa: vua có thêm đất, lợi ích kinh tế. Giáo hội có thêm tín đồ gây ảnh hưởng với vương triều. Nhưng một rừng không thể có hai cọp. Quốc gia có biên giới mà tôn giáo thì không biên giới. Tham vọng của lãnh đạo vương quyền đụng phải tham vọng của tôn giáo gây nên những cuộc chiến tại Âu Châu và các xứ thuộc địa Á Phi. Các nhà truyền giáo đi theo các nhà thám hiểm đến các vùng đất lạ, với sức mạnh quân sự, các nước Âu Châu xâm chiếm thuộc địa, mang tiếng khai hóa nước nhược tiểu nhưng cũng là hủy diệt văn hóa, tôn giáo địa phương.
Người dân xứ nhược tiểu phải đối phó với hai mặt trận: chính trị với sự xâm lăng, độ hộ của nước ngoài và tôn giáo dưới hình thức truyền đạo, khai hóa nhưng giam giữ con người trong niềm tin về một ảo tưởng thánh thiện. Văn hóa, tôn giáo địa phương bị coi là mê tín, tà đạo. Khoa học kỹ thuật Tây phương đã góp phần vào sự chinh phục thế giới và cũng góp phần vào sự thay đổi chế độ quân chủ sang dân chủ khi giai cấp quý tộc được thay thế bởi tầng lớp trung lưu xuất hiện với khoa học kỹ thuật.
Nhưng đó chỉ là bề mặt của vấn đề, bên trong là sự thành hình của các nhà triết học, tư tưởng về dân chủ tiếp nối các quan niệm về dân chủ từ thời cổ Hy Lạp. Các nhà tư tưởng đã tìm hiểu, lý luận để đi đến cơ chế dân chủ qua cách mạng Pháp, Mỹ. Sau cách mạng Pháp các phe nhóm đã tàn sát lẫn nhau trong nội bộ giữa các phe cách mạng, phe ủng hộ chế độ cũ, giai cấp thượng lưu, nông dân, tôn giáo, đánh thuế nhà giàu dẫn đến chiến tranh với lân bang. Cách mạng Mỹ bùng nổ cũng vì thuế nhưng qua bài học cách mạnh Pháp, các nhà lập quốc Mỹ đã tách giáo quyền ra khỏi chính quyền.
Nhưng vì là xứ của những người di dân từ Châu Âu nên ảnh hưởng của tôn giáo còn sót lại khi mọi người tìm đến nhau qua niềm tin Thượng đế (in the God we trust) và khi nhậm chức phục vụ cho chính quyền 3 ngành thì đều tuyên thệ trên thánh kinh.
Đất rộng, dân thưa, khoa học kỹ thuật tiến nhanh kể từ khi cơ quan phát minh thành lập (USPTO 1871). Kinh tế tiến nhanh thì cần nhân công. Mỹ mở cửa cho di dân, tỵ nạn khắp thế giới. Người di dân Á-Phi đến đem theo tôn giáo của họ vào đất Mỹ.
Tôn giáo
Mục đích của tôn giáo ngoài việc giải thích các hiện tượng trong đời sống mà khoa học chưa thể trả lời thì tôn giáo còn có nhiệm vụ duy trì đạo đức con người trong đời sống xã hội. Các nhà sáng lập tôn giáo đều kêu gọi yêu thương, từ bi, bác ái... giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau. Nhưng đó chỉ là lý thuyết và lý thuyết thì không do chính tay tác giả ghi lại mà phần nhiều là người đi sau ghi chép nên sự chính xác còn là câu hỏi. Khi ngôn ngữ không được chính xác, rõ ràng thì sự diễn dịch về ý sẽ có sai lệch theo ý người thuyết giảng cũng như dịch thuật từ ngôn ngữ A sang ngôn ngữ B.
Vùng đất Trung Đông phát sinh đạo Hồi và Thiên Chúa giáo. Đất Ấn Độ phát sinh ra Ấn giáo (Hindu) và Phật giáo. Đó là tôn giáo chính của nhân loại. Một vùng đất có hai tôn giáo tất sẽ đi đến tranh chấp, xung đột. Ngoại trừ Phật giáo chủ trương xuất thế, bỏ đời đi tu thì không tranh chấp với tôn giáo khác và thường bị uy hiếp, tiêu diệt (Indonesia, Afghanistan, Ấn). Các tôn giáo khác đi vào xã hội để phát huy ảnh hưởng và Thánh chiến đã từng xảy ra.
Khi đời sống con người còn sơ khai thì sự hiện diện của tôn giáo và các nhà truyền đạo rất có ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội. Niềm tin nơi đấng tối cao có thể khiến tín đồ nổi loạn chống chính quyền và đó là lực lượng đáng sợ.
Các tôn giáo theo lịch sử tác động theo từng khu vực địa lý. Thiên Chúa giáo phát triển ở Âu Châu và theo phong trào chiếm thuộc địa lan đi các nơi trên thế giới dựa trên Thánh kinh (Bible) có trung tâm là Vatican thuộc nước Ý. Đạo Hồi phát triển vùng Trung Đông, Bắc Phi Châu dựa trên kinh Koran. Đạo Ấn phát triển khắp lục địa Ấn dựa trên kinh Vệ Đà (Vedas). Đạo Phật xuất hiện từ Ấn, phát triển tại Trung Hoa, Tây Tạng, Nepal và các nước Đông Nam Á, Nhật, Hàn, VN với nhiều hệ phái và kinh điển.
Khi giao thông, thương mại chưa phát triển thì sự va chạm tôn giáo chỉ có tính cách địa phương, lân bang, khu vực. Nhưng kể từ khi Mông Cổ xâm chiếm Âu Châu đến phong trào chiếm thuộc địa thì tôn giáo lan tràn khắp nơi và chiến tranh xảy ra vì lý do chính trị (quyền lợi kinh tế) lẫn tôn giáo.
Câu hỏi căn bản đặt ra là tôn giáo có mục đích đem lại yêu thương, hòa bình cho con người mà khi truyền bá, phổ biến chỉ đưa đến chiến tranh?
Trong một tôn giáo cũng đã có xung đột: Thiên Chúa giáo - Tin Lành, Sunni-Shiite, các giai cấp trong Ấn Độ giáo. Vậy thì sai lầm do nơi kinh điển, người truyền đạo hay người theo đạo? Khi ngôn ngữ có giới hạn và mọi điều trong kinh điển được gán cho đấng Tối cao (người sáng lập) để ngăn chận mọi nghi ngờ từ tín đồ nhưng người truyền đạo vẫn có thể xuyên tạc theo ý nghĩa họ muốn và nếu tín đồ phản đối có nghĩa là chống lại đấng Tối cao. Đó là quyền bất khả xâm phạm của lãnh đạo tôn giáo. Có kinh điển nào nói tín đồ phải nhìn vào đời sống của vị lãnh đạo: vì sao họ giàu có, no đủ trong khi tín đồ đói khát, nghèo khổ. Vì sao lãnh đạo có quyền lực để điều hành giáo hội trong khi nhìn lại thời đấng sáng lập chỉ đơn thương độc mã sống qua ngày? Ai tạo ra kinh điển, lãnh đạo tôn giáo có sống với những gì người sáng lập theo đuổi, hay theo kinh điển, hay giả vờ? Nếu lãnh đạo tôn giáo không sống thực như người sáng lập hay theo sống kinh điển đã dạy thì tín đồ có thể làm gì?
Mỗi tôn giáo đều có Thánh địa. Địa danh đó có giá trị gì cho giới lãnh đạo tôn giáo, cho chính quyền, cho tín đồ hay chỉ là thủ thuật nhồi sọ đức tin (faith)? Ai tạo ra thánh địa? Tại sao phải viếng thánh địa (ít nhất một lần trong đời hay mỗi năm) thì sẽ được lên cõi trên. Như vậy phải là nhà giàu mới đi hoài còn nhà nghèo thì đừng mơ lên thiên đường. Tôn giáo gì kỳ cục vậy. Phải chăng đó là do lớp lãnh đạo bất tài sau này chỉ lo tài sản, tiền bạc nên mới bày ra như vậy. Và đó là công bằng xã hội do tôn giáo thiết lập? Hay chỉ làm tăng uy thế của giáo hội và giới lãnh đạo.
Bạn tin là niềm tin của bạn, ai phê phán là chuyện của họ. Tại sao phải gây chiến, biểu tình, bạo động, kết án người bất đồng ý kiến hay đốt sách? Phải chăng các vị lãnh đạo tôn giáo đang đi vào cuồng tín để tạo sức mạnh tuyệt đối? Hay thực hiện "quốc giáo" để có thiên đường hạ giới?
Cũng như việc tín đồ đến tham dự rồi không thích bỏ đi thì họ mất cơ hội lên cõi trên hoặc là bạn truyền đạo quá dở. Tại sao phải ngăn cấm người bỏ đạo với tội chết? Tôn giáo là dùng tình thương để chuyển hóa con người từ đó con người tin theo chứ đâu phải dùng sự trừng phạt để giữ người trong đạo, bỏ đạo là gây tội ác?
Có tôn giáo tìm giải thoát. Để giải thoát phải từ bỏ đời sống vật chất để luyện tinh thần. Người xưa lên núi, vào rừng sống đơn độc, giản dị để luyện tâm. Họ phải chống chọi với thiên nhiên bên ngoài và xung đột nội tâm. Nhiều người cả đời cũng chưa đạt được nhưng không có nghĩa là không cố gắng. Ngày nay lãnh đạo tôn giáo lo tu chưa xong lại dây dưa vào chính trị thì đường đạo là tà đạo mà chính trị trở thành tà trị.
Tất cả là dân trong một quốc gia, vậy chính quyền sẽ giải quyết như thế nào khi cùng tôn giáo? Khi khác tôn giáo với hiến pháp quy định tự do tôn giáo?
Chính quyền xây dựng xã hội trên nhân quyền. Tôn giáo có công nhận nhân quyền hay chỉ có giáo quyền Thượng đế? Đó là người sáng lập hay do giáo hội sau này bày vẽ ra? Con người không có nhân quyền nên sẽ theo tôn giáo như một bầy cừu, lãnh đạo tôn giáo muốn lợi dụng ra sao cũng được?
Nếu chính quyền tạo nhân quyền cho mọi công dân mà giáo quyền không chấp nhận thì tôn giáo và chính quyền sống chung khi người dân có nhân quyền nơi xã hội nhưng bước vào đất tôn giáo thì mất nhân quyền (tạm thời)?
Như vậy con người sống trong xã hội dân chủ được làm chủ, đi bầu nhưng bước vào địa phận tôn giáo phải theo lời Đấng tối cao và vì niềm tin bỏ mất dân chủ?
Các vị lãnh đạo tôn giáo có là người hay thần tiên? Nếu là người thì quý vị có thích/muốn bị người khác cai trị, điều khiển hay muốn tự do, dân chủ?
Thời xưa thiếu sách vở, truyền thông, thông tin thì quý vị có việc làm. Ngày nay có đầy đủ phương tiện mà con người không theo đạo là vì sao? Tôn giáo không thể dùng các thủ thuật chính trị để lôi kéo tín đồ như chính trị gia kiếm phiếu cử tri. Quý vị cứ tu, nếu thành đạt thì dân sẽ tin theo. Tin thì phải tự thực hành chứ không phải bán cái cho quý vị cầu nguyện là đủ. Dùng niềm tin để cột tín đồ theo đạo là phá hoại đạo pháp, tạo sự ỷ lại không những đánh mất nhân quyền mà còn mất tự chủ, dân chủ.
Vậy thì tôn giáo hay chính quyền, cái nào xuất hiện trước?
Nếu một cá nhân sống đơn độc sẽ không thể giải thích các hiện tượng thiên nhiên (hoặc như có biết cũng không thể trình bày với ai để nói là thượng đế tạo ra). Một khi kết thành bộ lạc, sẽ phát sinh lãnh đạo. Lãnh đạo bị hỏi mà không có câu trả lời thì mát uy tín. Mượn thần thánh, thượng đế qua tôn giáo là hình thức duy trì quyền lực của tầng lớp lãnh đạo.
Nếu lãnh đạo tôn giáo phải thi hành các nghi lễ tôn giáo thì sẽ không có thời giờ điều hành công việc quốc gia (và ngược lại). Các nhà sáng lập tôn giáo đều kêu gọi mọi người sống đơn giản, hòa thuận không nói chuyện bảo vệ biên giới vì tình thương không có biên giới và như vậy đi ngược với chủ trương của chính quyền, quốc gia. Đó là khác biệt giữa tôn giáo và chính quyền.
Nhìn lại những quốc gia đặt tôn giáo lên trên chính quyền như Iran, Afghanistan và gần đây Do Thái. Khi tôn giáo vượt lên trên tòa án, luật pháp có nghĩa là sự quyết định của lãnh đạo tôn giáo là trên hết. Con người không còn tự chủ hay dân chủ và trở thành nô lệ bởi các nhà tu không lo tu mà đi làm chính trị.
Tôn giáo là đạo đức, làm gương cho kẻ khác theo. Đó là sự tự nguyện, ý thức từ mỗi cá nhân. Tôn giáo mà dụ hoặc (tiền bạc, phẩm vật, hứa hẹn...) là tà giáo. Nhà truyền giáo phải là người đạt (đắc) đạo. Chưa hoàn thành cho chính bản thân mình mà đi kêu gọi người khác theo là tà phái.
Khi những nhà lãnh đạo tôn giáo có nhà cao cửa rộng, quần áo tươm tất, béo tốt phương phi, đi ra ngoài có xe đưa người rước thì hãy nhìn lại tín đồ, giáo dân, quần chúng sống như thế nào?
Các lãnh đạo chính trị mà cũng như thế còn không được chấp nhận huống hồ gì nhà tu. Đánh giá trình độ dân trí không phải nhìn vào sinh hoạt chính trị, văn hóa, giáo dục... mà nhìn tôn giáo.
Có tôn giáo nào ngăn chận được xả rác, trộm cắp, vô gia cư, ăn xin...? Hay đó là việc của nhà nước? Hay từ tâm mỗi người? Tôn giáo là lãnh vực tinh thần (tâm) nếu không chuyển tâm của con người thì tôn giáo để xin tiền hay để cho tiền? Nếu tôn giáo theo đúng những gì đấng sáng lập đã làm thì cứ âm thầm hoạt động, đừng xen vào chính trị, đừng ôm mộng bành trướng lãnh thổ và tín đồ. Tôn giáo không điều hành sinh hoạt xã hội vì đó là việc của nhà nước. Nhà nước làm sai thì dân sẽ phản đối. Lãnh đạo tôn giáo không phải xúi dân hành động hay bỏ phiếu cho đại diện của giáo hội. Tu hành là việc riêng của mỗi người. Sinh hoạt chính trị là trách nhiệm của mỗi công dân.
Nếu tôn giáo A kêu gọi dân thực hiện X. Tôn giáo B làm ngược lại sẽ gây chiến tranh. Phải chăng đó là mục đích của tôn giáo? Loài người sai lầm thì xã hội bị tiêu diệt như các nền văn minh trước đây. Nhân loại diệt chủng có gì phải hoảng sợ nếu sự thực của bạn không được chấp nhận, có gì để tiếc nuối thế giới sa đọa?