"Người Việt làm thế nào để chống Cộng"? (P1)
Trần Công Lân
Đó là tựa đề một cuốn sách xuất bản thời 1980s. Đó là tựa đề nóng bỏng thời đó nhưng nội dung như thế nào, và kết quả như thế nào thì chúng ta đều đã thấy. Cho đến nay thì hình như câu hỏi đó vẫn còn trong tim óc của nhiều người quan tâm về đất nước.
Có gì sai lầm trong cuộc đấu tranh của người Việt tự do tại hải ngoại?
Tất nhiên có nhiều lý do nhưng phát xuất từ cùng một gốc là chúng ta đã không thành thực ngồi xuống để kiểm điểm vì sao chúng ta thất bại. Cho đến chừng nào chúng ta còn che giấu khuyết điểm thì khuyết điểm vẫn còn. Tuy bạn có thể tránh nhưng người khác (hay lớp người sau) không biết thì vẫn vấp phải. Có những nhân vật (hay tổ chức) coi những thất bại (hay khuyết điểm) là những kinh nghiệm giá trị (bí mật) của đấu tranh và lấy đó để đánh giá thành tích hoạt động của họ. Có khi những kinh nghiệm xương máu này được bảo mật vì sợ bị đánh cắp và trở thành kinh nghiệm của những kẻ chưa trả giá đúng mức trong đấu tranh.
Nói cách khác là chủ trương, phương pháp đấu tranh của các tổ chức này đã không hữu hiệu cho dù phải trả một giá rất đắt khi đương đầu với CSVN. Nhưng theo thời gian thì họ vẫn không thay đổi. Vậy là thế nào?
1. Đảng hay dân tộc
Mục tiêu của bất cứ đảng (không cộng sản) nào là cứu dân tộc và đất nước ra khỏi hiểm họa cộng sản. Nhưng theo thời gian đấu tranh thì hình như họ chạy theo mối thù đảng tranh (từ thời 1920s) hơn là mục đích đã vạch ra lúc ban đầu. Vì mỗi tổ chức có mối thù riêng với CSVN nên "thù nhà, nợ nước" lấy làm một. Phải chăng đó là lý do khiến các tổ chức này không thể kết hợp là một để chống kẻ thù CSVN? Hay vì đảng A có lý thuyết hay hơn đảng B nên phải "lãnh đạo". Hay vì đảng B đông nhân sự, có tiền nên "phải" nắm vai trò lãnh đạo. Vậy "lãnh đạo" là gì?
2. Lãnh đạo
Nếu cách mạng là một công trình khó khăn thì tìm kiếm lãnh đạo không phải dễ. Người có lòng, nhiệt huyết thì nhiều nhưng để kiếm người có tất năng, kiến thức thì không dễ tìm. Lãnh đạo một tổ chức cách mạng không phải là quản trị (administration) một cơ quan hay công ty, hãng xưởng. Có bằng cấp, thông minh, kiến thức... thì cũng chỉ thực hiện được cách mạng Mỹ 1776 khi điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị chín mùi và gặp thời điểm có nhân sự, lý thuyết để thực hiện. Có người mà không có lý thuyết hay lý thuyết dở dang như Marx sẽ bị lợi dụng bởi những nhân vật như Lenin, Stalin, Mao... vì thiếu tính Nhân bản, Nhân chủ. Cách mạng thường được hiểu là cuộc chiến lật đổ chế độ cũ để thiết lập chế độ mới. Do đó bạo lực là yếu tố tất yếu cũng như hủy diệt, tàn phá không thể tránh và sinh mạng con người bị phí phạm cho một tương lai chưa thành hình.
Để thực hiện cuộc cách mạng Nhân bản thì những người đi thực hiện cuộc cách mạng đó có tính Người hay không? Nếu chưa đủ trưởng thành để làm người, làm lính, làm công nhân, làm nông dân thì làm sao gọi là cán bộ? Chưa đủ tư cách làm cán bộ mà đòi làm lãnh đạo là thế nào? Nếu người lãnh đạo thực hiện có Nhân tính thì lý thuyết có dựa trên căn bản "con người" để xây dựng xã hội? Và hệ thống chính trị (cơ cấu chính quyền) có được cấu trúc để người dân tham dự sinh hoạt dân chủ đúng nghĩa và thường trực để kiểm soát những người cầm quyền không trở thành độc tài, chuyên chế?
Các nhân vật lãnh đạo không thể sống mãi mãi để cầm quyền. Lãnh đạo sẽ thay đổi thường xuyên vì dựa trên sinh hoạt dân chủ, dân cử. Do đó mục tiêu của cách mạng có tồn tại lâu dài hay không là nhờ lý thuyết. Lý thuyết hướng dẫn con người và con người dựa trên lý thuyết để phát triển. Nếu lý thuyết đòi hỏi con người có tu dưỡng, cương thường thì phải là người có điều kiện mới thực hiện được. Những kẻ giả danh, mượn tiếng chỉ là kẻ gian lận và phá hoại công cuộc cách mạng. Con người đi tìm lý thuyết và lý thuyết thách đố con người khi thực hiện. Tiếc thay đa số những ai muốn đi vào chính trị để làm cách mạng đã bỏ qua giai đoạn tu dưỡng để có thể nắm lý thuyết (khi cơ hội đến). Và đó là định mệnh của mỗi người và cũng là của dân tộc. Còn lý thuyết?