BỆNH NHƯỢC TIỂU, THÓI HỦ NHO VÀ THỦ DÂM CHÍNH TRỊ.
“Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình.”
Rồi, sau đó:
“Vấn đề ở chỗ phải đứng lên vươn mình thành một cường quốc. Làm điều đó, phải có gan chịu đụng sự va xiết trong quan hệ với cộng đông nhân loại. Thói hủ nho và thủ dâm chính trị sẽ không bao giờ tạo được những quan hệ trong sáng, lành mạnh. Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.”
Gọi là “thủ dâm chính trị” thì hơi gắt và, nếu muốn nhẹ hơn, có thể diễn đạt theo Lỗ Tấn là “thắng lợi tinh thần” tuy nhiên tất cả cũng đều là hành vi “tự sướng”, là tự huyễn hoặc lấy mình. Người phát hiện thói tật này của người Việt sớm nhất, có lẽ, là Lê Quý Đôn.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, chương “Tùng Đàm” (Truyện góp), Lê Quý Đôn vạch ra tính vô căn cứ của những câu chuyện về anh tài đất Việt ứng đối xuất sắc hay hành xử thông minh khi đi sứ khiến cả triều đình Trung Hoa thán phục: nếu không trùng lặp với chuyện ứng đối giữa người Trung Hoa với nhau thì “rất vô lý, đáng chê cười”. Lấy thí dụ câu đối lắt léo chữ nghĩa tương truyền là của Vũ Duệ khi đi sứ sang Tàu: sách Tàu thì nói là của người Tàu mà lại mâu thuẫn nhau: Thi liên hợp bích thì cho là của Giải Tấn đối với Minh Thành Tổ, còn Minh nho ký văn lại cho là của Trình Mẫn Chính khiến “Sứ thần nước Nam phải phục”. [1]
Vân vân, từ Vũ Duệ đến Nguyễn Đăng Cảo, Lương Thế Vinh, Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Trực, toàn những câu chuyện mà nếu không trùng lặp với Trung Hoa thì lại cực kỳ vô lý. Lê Quý Đôn chỉ nêu ra chứ không đưa ra kết luận nào nhưng chúng ta có thể tạm hiểu đó như là biểu hiện của trò “thủ dâm chính trị”: căm hờn Trung Hoa mà bất lực thôi thì tưởng tượng cảnh thắng nó bằng trí hay bằng mồm để phần nào xoa đi nỗi hận!
Thập niên 1970, lúc còn là học sinh tiểu học, tôi đã nghe kể câu chuyện với tinh thần “tự hào quá Việt Nam ơi” thường nghe của ngày hôm nay về khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, đại loại “không có Nguyễn Xuân Vinh vẽ đường bay, chuyến bay của phi thuyền Appollo của NASA không thể nào thành tựu”. Nhưng đâu gần cuối thập niên 1990, dự buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tại Đại học Victoria ở Melbourne do Hội sinh viên Việt Nam tiểu bang Victoria tổ chức, tôi đã nghe đích thân ông trả lời một khán giả, nói rõ là ông không làm việc cho NASA, chỉ nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Colorado và Michigan, đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu cho Không quân Mỹ, đã đào tạo nhiều chuyên viên khoa học không gian từ cấp kỹ sư đến tiến sĩ, rất nhiều học trò của ông đã và đang làm việc cho NASA, thế thôi. Hẳn nhiên ông Nguyễn Xuân Vinh là một khoa học xuất chúng nhưng câu chuyện trên lại là trò tự sướng phát sinh từ mặc cảm nhược tiểu. [2]
Nếu ở miền Nam có Nguyễn Xuân Vinh “vẽ đường bay cho phi thuyền của NASA” thì ở miền Bắc có Trần Đại Nghĩa “cải tiến SAM-2”, đẩy phi đạn địa-không này bay cao thêm mấy cây số để hạ gục B-52. Trong khi tiểu sử chính thức của Trần Đại Nghĩa không đề cập gì đến chuyện này và những người trong cuộc đã lên tiếng cải chính, khẳng định là không có, cái trò tự sướng với SAM-2 này vẫn không chết, vẫn sống dai, sống dẳng! [3]
Rồi một câu chuyện “tự hào quá..” vẫn còn ăn khách khác là cuộc tranh luận giữa triết gia Trần Đức Thảo với Jean-Paul Sartre, triết gia kiêm nhà văn, người mà tên tuổi gắn liền với triết học hiện sinh và hiện tượng luận, đã từ chối giải Nobel Văn chương 1964. Chỉ cần google câu “Trần Đức Thảo tranh luận với Sartre” thì thấy câu chuyện này xuất hiện nhan nhãn, ê hề, với rất nhiều … biến tấu khác nhau.
Khi mở đầu cho chương “Tùng Đàm” viện dẫn ở trên Lê Quý Đôn đã rào đón ngay rằng việc gì cũng phải truy nguyên xuất xứ và nguồn gốc: “Tô Tụng nhà Tống nghe ai nói việc cũ, tất bảo người ấy kiểm tra xuất xứ. Ôn Công nghe ai nói việc mới, liền ghi chép lấy và ghi rõ tên người đã nói việc này. Cho nên lúc này có câu ngạn ngữ rằng ‘Việc đời xưa đừng mách Tử Dung (Tô Tụng), việc đời nay đừng bảo Quân Thực (Ôn Công)’.” Nhưng trong câu chuyện liên quan đến ông Sartre này thì chẳng ai buồn thể hiện một chút xíu tinh thần critical thinking mà nền giáo dục Tây phương rèn luyện cho học sinh từ cấp trung học, chỉ thấy cái trò gian lận hay ngây ngô học thuật mà người Anh gọi là circular reference. Trong khi thì các tài liệu nước ngoài viết về Sartre tuyệt đối không nhắc đến cuộc tranh luận này thì các tài liệu tiếng Việt mỗi nơi mỗi vẻ, chỉ có một điểm cực kỳ nhất quán là không tài liệu nào dẫn ra một nguồn tham khảo khả tín, toàn là trích dẫn lòng vòng: A viện dẫn B, B viện dẫn C, đến lượt C lại viện dẫn A, mèo lại hoàn mèo.
Trong giao tiếp xã hội có lẽ không ai trong chúng ta mà không đôi lần tiếp xúc với những người ba hoa mà, theo tiếng lóng bây giờ, là “nổ” hay “chém gió” và, nếu để ý, sẽ nhận ra điểm nhất quán của họ là... sự thiếu nhất quán. Cũng một câu chuyện thôi mà, tùy hứng và tùy thời điểm, mỗi lúc họ “tái hiện” khác nhau, lúc thêm cái này, lúc bớt cái kia để rồi, “nổ” mãi hay “chém” mãi, sẽ có lúc biến tấu này mâu thuẫn với biến tấu kia. Câu chuyện về cuộc “tranh luận” giữa ông Thảo và ông Sartre cũng vậy với nhiều biến tấu khác nhau rồi lâm vào tình trạng trái ngược nhau. Có biến tấu nói rằng sau đó Sartre kiện Trần Đức Thảo. Có biến tấu bảo Trần Đức Thảo kiện tờ báo nào đó bênh Sartre, đăng sai lạc nội dung tranh luận. Rồi có biến tấu nói không ai nêu chuyện thắng thua nhưng bạn đời của Sartre là nhà nữ quyền Simone de Beauvoir “phải thừa nhận là Sartre thua".
Đáng nói hơn nữa là cốt cách “nhược tiểu” hay “hủ nho”, có thể gọi thế, trong câu chuyện này. Giả sử câu chuyện có thật thì cái đáng quan tâm ở đây là hai người đã tranh luận cái gì, ông Thảo đã thắng ông Sartre bằng những luận điểm nào nhưng chẳng ai mảy may quan tâm, chẳng ai đề cập, chỉ đơn giản lấy việc "ông Thảo thắng ông Sartre" làm sướng, chẳng cần biết ông ta đã thắng như thế nào!
Trong khi đó thì, theo nhà văn Trần Đĩnh, chính ông Trần Đức Thảo cũng lấy làm ngượng với chuyện này và thừa nhận “tranh luận thế nào được với Sartre”. Trong cuốn Đèn Cù, chương 36, Trần Đĩnh thuật lại cuộc trao đổi với Trần Đức Thảo:
“Sáng hôm ấy, tôi hỏi anh tranh luận với Sartre ngày ở Pháp làm sao, Thảo nhăn mặt lại:
– Tranh luận nào?… Không có đâu. Tranh luận thế nào được với Sartre?
Thấy rõ nét mặt ngượng nghịu của anh lúc bấy giờ. Chuyện là như thế này: lúc ấy có một hội thảo trên sách báo của giới triết học, trong đó có một của Thảo. Theo dự định, Sartre cũng có một tham luận – và tham luận ấy đối lại với cái của Thảo chứ không phải có tổ chức hội thảo mặt đối mặt với nhau- nhưng rồi không hiểu sao Sartre không tham luận nữa. Thảo nói chắc ông ta thấy nhảy vào cuộc này chẳng đem lại danh giá gì hơn cho ông ta.”
Cũng thành Paris ấy, của Sartre và Trần Đức Thảo, nhưng mấy thập niên sau, lại diễn ra những trận đấu khẩu theo tinh thần “tự hào quá Việt Nam ơi” như là những biến tấu từ trận đấu trí có thực giữa một Lê Đức Thọ đầy cơ mưu với một Henry Kissinger cũng rất cơ mưu nhưng lại quá nôn nóng giải pháp hòa bình cốt để Richard Nixon nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử năm 1972. Từ bàn hội nghị, cuộc đấu trí có thực này được “tự sướng hóa” thành một loạt những trận đấu khẩu hơn thua theo kiểu hủ nho.
Là một học sinh cấp II rồi cấp III ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến những ông thầy của mình, nhất là mấy ông dạy sử và chính trị, dẫn dắt học trò cùng sướng. Đó là cái sướng khi một Kissinger cao to, trịch thượng “Tôi cao hơn ngài” trước một Lê Đức Thọ thấp bé để rồi phải “cứng họng, im thin thít” khi bị con người thấp bé đốp lại: “Không, ngài dài hơn tôi chứ không cao hơn tôi!”. Hay cái sướng lúc “tên Kít-xinh-giơ” kiêu ngạo về nền văn minh của nước Mỹ bị ông Lê Đức Thọ cho đo ván trong trận đấm bốc văn hóa với cú đấm chủ bài rằng lịch sử Mỹ chỉ có 200 năm, chỉ là cái số lẻ so với cái lịch sử kéo dài những 4000 năm của Việt Nam.
Những trận đấu khẩu kiểu ấy khiến tôi nghĩ ngay đến cảnh “Khổng Minh thiệt chiến quần nho” và nếu tập hợp hết những giai thoại kia lại chúng ta cũng sẽ có ngay một “hồi” tương tự cái hồi thứ 43 đầy sôi động trong Tam Quốc Chí. Trong trận “Lê Đức Thọ thiệt chiến Kít-xinh-giơ” này thì ông Thọ cũng sẽ, y như Khổng Minh, hết sang sảng “đáp ngay” thì “cười ha hả mà rằng”, “liền cười nói rằng” và, thậm chí, còn nổi giận “quát to lên rằng” trong khi Kissinger lại, từ đầu đến cuối, chỉ biết cúi đầu trong vai những mưu sĩ của Tôn Quyền đuối lý: lúc thì “không còn thở ra được câu nào nữa”, lúc thì “chịu cứng - im ngay, không dám nói gì nữa”, lúc lại “đỏ mày xanh mặt, câm như miệng hến”, “ngồi im thin thít”, “cúi đầu tiu nghỉu ngồi im” rồi “ứ cổ”.
Trong những câu chuyện như thế mấy ông thầy của tôi đã không giấu vẻ hí hửng với con át chủ bài lý lẽ “4000 năm lịch sử” mà không hề tự hỏi mình, trong tư cách những giáo viên lịch sử, về tuổi thọ đến 130 năm của 18 vị vua Hùng. Và khi cả một tập thể hả hê cười sướng mà không tự xét mình như thế, họ đã hành lạc tinh thần y như giới hủ nho ngày trước.
Ý niệm “hủ nho”, như là những nhà nho bảo thủ, cố chấp, thiếu thức thời đã là chuyện hôm qua. Đó là những đối tượng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đả phá kịch liệt vào thập niên 1930 thế nhưng, nếu xét trên ý nghĩa bảo thủ và cố chấp, cái cốt cách “hủ nho” vẫn còn đó như là một trong yếu tố chính đã và đang trì kéo đất nước trong cái vòng kim cô nhược tiểu bởi luôn luôn đố kỵ với sự, nói theo Nguyễn Huy Thiệp ở trên, “va xiết trong quan hệ với cộng đồng nhân loại”.
Và tôi nghĩ đến sự “va xiết” giữa những trí thức hàng đầu ở miền Bắc trong thời chiến với Susan Sontag (1933 – 2004), một trí thức lỗi lạc và là một trong những nhân vật phản chiến nổi bật tại Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam.
Nếu truyền thông Mỹ làm ầm ĩ chuyến đi Hà Nội của cô đào Jane Fonda vào tháng 7 năm 1972 thì cả họ lẫn người Việt ít để ý chuyến đi của Sontag vào tháng 12 năm 1968. Cái chuyến đi được nhà trí thức thiên tả này kể lại trong cuốn sách mỏng chưa đầy trăm trang mang tên Trip to Hanoi, xuất bản tại New York năm 1969.
Sontag đến Việt Nam với “mặc cảm tự ti về đạo đức” của công dân một “đế quốc gây chiến” nhưng -- sau khi tiếp xúc với các nhân vật học thức hàng đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch -- bà chuyển sang tâm thế tự tôn của công dân một “văn hoá lớn” khi va chạm với một nền “văn hoá nhỏ”! [4]
Từ ông Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Đại học, đến ông Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Y tế, Sontag đều nhận thấy cái hàng rào không thể vượt qua khiến những cuộc đối thoại trở nên tẻ nhạt và, có lúc, bà nhận ra rằng mấy vị chủ nhà cảm thấy như mình bị xúc phạm. Thay vì trả lời thẳng câu hỏi về sự khác nhau giữa chương trình giáo dục thời Pháp và hiện tại, ông Tạ Quang Bữu lại thao thao về những thành tích giáo dục đã đạt so với thời thực dân bằng con số trường đại học đã xây và số sinh viên đã đào tạo. Thay vì giải thích chủ trương áp dụng Tây y, Đông y hay chọn lựa dung hoà, ông Phạm Ngọc Thạch say sưa những thành tích y tế so với thời thuộc địa qua số lượng những bệnh viện đã xây và số lượng bác sĩ đã đào tạo! [5]
Trong khi chủ nhà thao thao tán dương thành tích của chế độ theo chiều dọc của lịch sử thì khách lại yêu cầu nên nhìn theo chiều ngang của địa lý. Trong ngôn ngữ kinh viện thì cái nhình của bà Sontag là cái nhìn “đồng đại”, là phải đánh giá sự phát triển của một quốc gia trong mối tương quan khu vực và quốc tế bởi Việt Nam có thể khá khẩm hơn xưa nhưng hàng xóm, vốn dĩ từng thua xa Việt Nam, vẫn còn tệ hơn hay đã vươn lên, đã khá hơn? Bất cứ sự phát triển theo dấu mốc thời gian nào cũng phải lồng trong yếu tố không gian và có đặt tiến trình ấy trong phối cảnh như thế thì mới có thể đánh giá thành tựu ấy một cách đầy đủ. Bà Sontag muốn một cái nhìn “đồng đại” nhưng những vị chủ nhà thì chỉ muốn say sưa với những thành tích "lịch đại” nên đã bộc lộ sự khó chịu. Càng trao đổi với những vị chủ nhà này, bà càng cảm thấy tẻ nhạt, và khi cuộc trao đổi lạc điệu đến mức tuyệt vọng thì sự háo hức ban đầu phai đi và Sontag chợt nhận ra khoảng cách khó dung hoà giữa một “big culture” và một “little culture”.
Do đất nước nhỏ về hình thể, hình thể địa lý và hình thể kinh tế nên, để bù lại, không ít chúng ta thích nói về bề sâu và độ dày văn hóa của mình vậy mà, cả một nữ trí thức thiên tả Mỹ -- ngay giữa năm 1968 đã đặt chân đến Hà Nội vì cảm tình với phía Việt Nam đang là đối thủ của nước Mỹ -- lại tự hào về đất nước Mỹ của mình như là nền văn hóa lớn và xem đất nước chúng ta như một nền văn hóa nhỏ. Đáng nói hơn nữa, cái nhìn đó lại hình thành chỉ sau cuộc tiếp xúc với những nhân vật được xem là trí thức lớn của đất nước, những người đã hấp thụ văn hóa phương Tây nhưng lại tỏ vẻ khó chịu khi một trí thức phương Tây hướng việc đánh giá sự phát triển của quốc gia trong sự “va xiết” với thế giới bên ngoài.
Sự khó chịu ấy lại làm tôi liên tưởng đến một cảnh đối thoại khác trong “Vàng Lửa”, giữa nhân vật Phăng và vua Gia Long: “Tôi có hỏi nhà vua về các nhà tư tưởng phương Đông. Tôi nhận thấy ông không quan tâm đến họ. Ông bảo: ‘Tất cả do cay cú đời sống. Họ là quá khứ. Thời khắc đang sống mới đáng kể.’”. Phải chăng, thái độ của những trí thức chủ nhà khiến vị khách quý nhìn ra tầm mức “văn hóa nhỏ” của chúng ta cũng diễn ra theo một chiều hướng tương tự, là sự cay cú khi bị nhắc nhở rằng đừng nên bám vào quá khứ để đánh giá hiện tại?
Bám vào quá khứ là nhìn lại phía sau, là ngắm nghía lại và ve vuốt lại cái đuôi của mình, như vẫn đều đều chứng kiến trong những dấu mốc vừa vặn là một bội số trong hệ đếm thập phân, đúng ý nghĩa “năm mười”, cũng một thứ tiếng lòng của dân chơi trong trò tự sướng về thể chất. Thủ dâm chính trị, thực chất, là chứng nghiện… đuôi, nghiện nhìn lại phía sau và nghiện ve vuốt cái đuôi ấy mà không nhìn ngang hay nhìn thẳng, chỉ vì sợ nhìn thấy cái đuôi của xóm giềng đang chờn vờn phía trước.
Để vượt khỏi thân phận nhược tiểu, để thóat qua cái tầm vóc “văn hóa nhỏ” thì, trước hết, phải cai chứng nghiện đuôi, phải chấm dứt việc phung phí tài nguyên vào trò ve vuốt cái đuôi, cái trò đấy tốn kém mà chỉ có tác dụng duy nhất là khiến công chúng sa đà sâu hơn trong thói nghiện này thay vì ráng lên, cố lên, học hỏi và đầu tư nhiền hơn lên để bắt kịp những cái đuôi đang trêu ngươi trước mặt.
Nguyễn Hoàng Văn
Chú thích:
[1] “Ly mị võng lạng tứ tiểu quỷ - Cầm sắt tì bà bát đại vương”
[2] Trên thực tế thì câu chuyện tương tự đã diễn ra và nhân vật chính là bà Creola Katherine Johnson (1918-2020), nhà toán học nữ da đen mà cuộc đời đã được Hollywood tái hiện trong phim Hidden Figures.
[2] “Sau chiến thắng vang dội tháng Chạp năm 1972, có người đưa tin “Đánh được B52 là nhờ có Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa nối thêm tầng cho đạn tên lửa SAM2”, cũng có người đưa tin “do có tên lửa SAM3 đánh”. Là nhân chứng lịch sử người thực, việc thực, chúng tôi xin khẳng định rằng hai việc trên đây là không có.”
Nhưng vẫn có tài liệu tiếp tục lan truyền huyền thoại trên:
Đặc biệt, với máy bay B52- loại pháo đài bay chiến lược của Mỹ, ta đã nghiên cứu và có những biện pháp đối phó hữu hiệu, như dùng cao xạ phòng không, cải tiến nâng tầm cao của tên lửa SAM-2...
[4] Susan Sontag (1969), Trip to Hanoi, New York: Farrar, Straus and Giroux; trang 26:
“They may be nobler, more heroic, more generous than I am, but I have more on my mind than they do—probably just what precludes my ever being that virtuous. Despite my admiration for the Vietnamese and my shame over the deeds of my country, I still feel like someone from a "big" culture visiting a "little" culture. My consciousness, reared in that "big" culture, is a creature with many organs, accustomed to being fed by a stream of cultural goods, and infected by irony. While I don’t think I’m lacking in moral seriousness, I shrink from having my seriousness ironed out; I know I’d feel reduced if there were no place for its contradictions and paradoxes, not to mention its diversions and distractions. Thus, the gluttonous habits of my consciousness prevent me from being at home with what I most admire, and—for all my raging against America—firmly unite me to what I condemn. "American friend" indeed!
[5] Sontag, sđd, trang 24 – 25.
Gửi ý kiến của bạn