Bộ Công an cần minh bạch tung tích của sư Thích Minh Tuệ!
Bốn ngày sau khi lực lượng công an Việt Nam bố ráp đoàn khất sĩ trong đêm và đưa sư Thích Minh Tuệ đi mất, một nhóm các nhà hoạt động đã cùng ký vào một lá đơn đề nghị minh bạch thông tin về vị tu hành này.
Đơn đề nghị được cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng soạn thảo và công bố trên trang Facebook cá nhân vào sáng ngày 07/6 để thu thập chữ ký.
Người dân quan tâm đến an nguy của sư Minh Tuệ
Lá đơn sẽ được gửi đến Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an và Công an các tỉnh có liên quan đến ông Minh Tuệ, như Thừa Thiên-Huế là nơi xảy ra sự việc, Hà Tĩnh là nơi ông sinh ra, và Gia Lai là nơi ông đăng ký thường trú trước khi xuất gia.
Dẫn lại thông tin về cuộc bố ráp trong đêm qua lời kể của các khất sĩ, những người đồng ký tên cho rằng: "Từ đó đến nay, không ai còn thấy thầy xuất hiện, cũng không ai biết rõ thầy đang ở đâu và tính mạng của thầy ra sao, cũng như không có thông báo chính thức từ chính thầy Thích Minh Tuệ phát ra, mà chỉ thấy từ các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước 'nói thay' cho thầy Thích Minh Tuệ."
Đồng thời nhấn mạnh "việc một công dân Việt Nam bị mời đi bởi nhà cầm quyền ngay trên đất Việt Nam và sau đó không xuất hiện nữa đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự minh bạch của Nhà nước."
Dẫn các quyền công dân và quyền con người trong Hiến pháp 2013 cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết, những người ký tên đề nghị nhà chức trách công bố lý do bắt ông Minh Tuệ và đồng đạo nhằm tránh suy đoán sai trong dân.
Họ cũng đề nghị các cơ quan công an công bố đoạn băng hình có âm thanh buổi làm việc với sư Minh Tuệ cũng như tình trạng an nguy hiện nay của ông.
Ông Nguyễn Viết Dũng hôm 07/6 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Mặc dù thầy Minh Tuệ đã xác định kể cả tấm thân của thầy, thầy cũng sẵn sàng buông bỏ. Nhưng đấy là suy nghĩ của thầy, còn những người yêu mến thầy bày tỏ sự lo lắng quan tâm đến sự an nguy của thầy, quan tâm đến việc bây giờ thầy ra sao.
Những gì đã xảy ra trong đồn công an là những điều mà bất kỳ người nào yêu mến thầy cũng đều muốn biết và tôi cũng không là ngoại lệ.”
Bản thân từng bị cơ quan an ninh tỉnh Nghệ An bắt cóc hai lần trong năm 2017, nhưng sau đó công an lại nói ông tự nguyện đến đồn công an làm việc, ông Dũng nghi ngờ về việc vị tu hành này "tự nguyện dừng khất thực" như tuyên bố của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tu sĩ trẻ Minh Hải ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng nhà chức trách cần cho biết về tung tích của sư Minh Tuệ. Ông nói với RFA:
“Để trấn an dư luận, để yên lòng dân chúng thì nhà cầm quyền nên đưa một số hình ảnh của ông Tuệ đang an toàn ở (đâu) đó, người ông không bị bệnh tật hay không bị đánh đập hay là xiềng trói buộc gì cả thì sẽ tốt hơn.
Nếu mà trong cái video đấy ông cũng xác nhận là ông tự nguyện dừng bước thì sẽ là tốt hơn, chứ bây giờ không hề có thông tin chính xác gì từ ông Minh Tuệ để nói rằng ông dừng bước.”
Tu sĩ này cũng cho rằng, việc chính quyền buộc sư Minh Tuệ phải ẩn tu ở một địa điểm nào đó có thể dẹp được tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi có đoàn của sư đi qua như thời gian qua và hạn chế các cá nhân dựa theo đó để trục lợi.
Tuy nhiên, theo ông “Điều không tốt là, theo hạnh nguyện của ông Minh Tuệ, ông muốn đi hành khất để gieo duyên cho chúng sinh, cũng là cách để mọi người thấy được vẻ đẹp của Phật giáo. Do vậy, bây giờ ông không được đi nữa thì đó là điều xấu cho ông ấy.”
Phóng viên gọi điện thoại cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để hỏi về lá đơn nêu trên, người trực điện thoại từ chối trả lời qua điện thoại, yêu cầu nộp văn bản trực tiếp.
Chính quyền có nghĩa vụ phải minh bạch
Một luật sư ở Sài Gòn không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh khẳng định, việc người dân quan tâm và muốn biết tình trạng hiện nay của sư Minh Tuệ, hoặc có bị cơ quan chức năng xử lý hay không là nhu cầu chính đáng. Ông nói:
"Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời chất vấn và minh bạch về tình trạng của thầy Minh Tuệ cũng như sự việc đã xảy ra, vì đó là yêu cầu chính đáng cả về mặt xã hội và pháp luật.”
Tuy nhiên, một nhà quan sát về Phật giáo ở trong nước không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho rằng chính quyền độc đảng ở Việt Nam sẽ không bao giờ phản hồi đơn đề nghị này. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Thói kiêu ngạo của kẻ cầm quyền độc tài sẽ không bao giờ nhượng bộ trên bề mặt, bất kỳ ý kiến gì thuộc về sai lầm của họ.”
Tuy nhiên, theo ông đơn đề nghị vẫn có thể gây tác động buộc nhà chức trách phải thay đổi cách hành xử trong vụ việc này.
“Nhưng về mặt xã hội, nếu như nhà cầm quyền đang giam lỏng ông Thích Minh Tuệ, họ cũng sẽ phải chột dạ và cho ông xuất hiện một lúc nào đó, tối thiểu qua hình ảnh, để cho thấy rằng ông vẫn bình yên.
Câu hỏi sau đó, là ông Tuệ ‘bình yên’ trong sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, hay là bình yên để tiếp tục con đường tu hành riêng, đúng theo như ý nguyện của ông ta?”
Như đã đưa tin, ông Thích Minh Tuệ (thế danh: Lê Anh Tú) cùng hơn 70 khất sĩ bộ hành đến thành phố Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 02/6. Khi họ gần tới trung tâm thành phố, công an chia tách đoàn ra khỏi những Phật tử đi theo và nhóm Youtuber, họ bị đưa vào một khu rừng phòng hộ thuộc xã Hương Thọ để nghỉ qua đêm.
Sáng ngày 03/6, nhiều người hoang mang khi không thấy đoàn tiếp tục bộ hành. Đến trưa cùng ngày, truyền thông nhà nước đồng loạt dẫn thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ nói thầy Minh Tuệ đã tự nguyện dừng việc khất thực sau khi làm việc với nhà chức trách.
Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 3/6, một số khất sĩ đã bất ngờ lên mạng xã hội cho biết đoàn đã bị bố ráp trong đêm ngày 2 và rạng 3/6/2024.
Theo đó, lực lượng an ninh đã xông vào khu vực đoàn khất sĩ đang ngủ và khống chế đưa họ lên xe thùng, một số người bị trói và còng. Họ bị đưa đi theo các hướng khác nhau, buộc phải ký giấy cam kết từ bỏ bộ hành và sau đó bị yêu cầu trở về bản quán.
Riêng sư Minh Tuệ bặt vô âm tín, hình ảnh cuối cùng về vị tu hành 39 tuổi trên truyền thông nhà nước là hình ảnh một viên công an đang lăn tay cho sư Minh Tuệ được cho là ở trụ sở công an tỉnh Gia Lai, trên người vẫn còn quấn y phấn tảo.