Ghi chép từ tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ
Tuấn Khanh
RFA
Buổi tối 24 Tháng Mười Một, không khí trong chùa đã bắt đầu xôn xao đón những người khách đầu tiên đến chờ viếng. Những người thân quen của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ tề tựu chung quanh ngài, thảo luận về công việc cho ngày mai: Lễ nhập kim quan, lễ giác linh an vị, thọ tang… Nhiều Gia đình Phật tử từ Bình Thuận, Huế, Nha Trang, Đồng Nai… bắt đầu tập họp nhận công việc từ các huynh trưởng Gia Đình Phật tử Khánh Ân, tức nhóm sinh hoạt ngay tại chùa Phật Ân.
Ở ngoài cổng và trong chùa, đã xuất hiện các an ninh mặc thường phục tới lui, nhin ngó và thỉnh thoảng lấy máy ra chụp hình, quay phim. Trước nay thì những chuyện như vậy thường gây khó chịu và căng thẳng nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên bình thường và mọi người cũng học cách đi lại và không quan tâm những người như vậy, ngoại trừ như trường hợp bất thường cần phải can thiệp.
Sáng 25 Tháng Mười Một, Con đường bên ngoài chùa Phật Ân đã đầy các xe hơi 4,7,16 chỗ từ các nơi đổ về. Con đường Khu 14, An Phước, Long Thành, Đồng Nai trước chùa vốn xưa nay vắng lặng, nay chợt đông đúc bất thường, nhiều người qua lại.
Sáng sớm, gần 7 giờ, phái đoàn đầu tiên trịnh trọng xuất hiện là của hoà thượng Thích Chân Quang, nhân vật nổi tiếng của Phật giáo nhà nước. Một vị sư trẻ kể lại, phái đoàn xin gặp thầy Trụ trì Thích Minh Tâm nhưng bị từ chối vì đang lo chuẩn bị lễ. Nhưng theo mô tả, các tang lễ hay các dịp trọng đại của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất, các tăng ni hay phái đoàn của Phật giáo nhà nước vẫn hay xuất hiện, đòi đứng chung ban tổ chức… mục đích là tạo hình ảnh lẫn lộn khó phân biệt đâu là giáo hội nhà nước, đâu là giáo hội độc lập. Nhưng với các vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thì cách thức này quá dễ đối phó. Dù mặc áo gì, danh thế nào, họ được tiếp đón như khách.
Sự kiện hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trở thành tin tức lớn nhất của những ngày cuối tháng Mười Một của cả nước, nhưng là chỉ có báo Tuổi Trẻ, Một Thế Giới và báo Giác Ngộ của Giáo hội nhà nước đưa tin. Đáng chú ý, Trong cách đưa tin của báo Giác Ngộ là kiểu ăn theo hết sức trơ trẽn và cố ý chỉ đưa tên của hoà thượng Thích Phước Trí, nguyên Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội nhà nước - Một cách lập lờ với đại chúng như kiểu hòa thượng Thích Tuệ sỹ là người của Giáo hội nhà nước. Trên thực tế là ngay khi đau yếu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã tính toàn việc đám tang có thể bị gây khó, nên chọn hoà thượng Thích Phước Trí làm chủ nghi lễ để nhằm hoá giải mọi chuyện. Bài viết trên báo Giác Ngộ ký tên nặc danh là “nhóm phóng viên” đã không dám nhắc gì đến các vị cao tăng khác có mặt, vốn là người của GHPGVNTN, và cũng lờ đi thời gian tù tội, và cả án tử hình đã áp vào thầy Tuệ Sỹ.
Ăn theo, thao túng và mưu tính đồng hoá GHPGVNTN vào hệ thống tăng ni nhà nước đã là vệt đáng xấu hổ của những người mặc áo cà sa, xưng là học Phật. Còn nhớ đám tang của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vào năm 2020, hoà thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, cùng với số đệ tử trà trộn vào chùa Từ Hiếu, mưu tính cướp tro cốt đem đi về thờ trong hệ thống chùa nhà nước, nhằm đồng hoá hình ảnh GHPGVNTN. Chuyện diễn ra gay gắt với sự phản đối của hoà thượng Thích Nguyễn Lý (trụ trì chùa Từ Hiếu) và chúng tăng, nên âm mưu bất thành.
Gần 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Mười Một, một phái đoàn của bên an ninh, ban tôn giáo, chính quyền địa phương đến tìm thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tên của một giáo hội hình thành từ năm 1964, nay bỗng trở thành nhạy cảm ghê gớm. Báo Giáo Ngộ với nhóm phóng viên viết bài, quay hình, theo dõi sự kiện đến 4-5 người, cũng hoàn toàn như không biết gì về chuyện này. Dĩ nhiên, việc đòi hỏi đó không được đáp ứng. Một tăng sĩ kể lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi “tại sao?”, đã có người nói GHPGVNTN là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy ở chùa Phật Ân là “khi nào GHPGVNTN có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này”.
Vào lúc 12g, đúng ngọ, lễ nhập kim quan bắt đầu. Mọi chuyện diễn ra trang nghiêm và không ồn ào, bởi đã loại bỏ các hình thức phóng thanh. Sân chùa Phật Ân đầy người đến dự lễ. Nhìn quy cũ và hàng hàng lớp lớp tăng ni, các Gia đình Phật tử, tín đồ lẫn giới mộ tín, khó ai tưởng được đây là một nghi lễ của GHPGVNTN đang trải qua vô cùng những khó khăn, kể từ khi nhà nước dựng lên giáo hội mới, nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, từ năm 1981. Sự có mặt đông đảo các thành phần tham dự, các lứa tuổi, từ những cụ già cho đến những thiếu nhi, thật sự đem lại một cảm giác lạ lùng và xúc động.
Đây là lúc các nhân viên an ninh xuất hiện dày đặc hơn, ngoài cửa đã có thêm xe cảnh sát giao thông và dân quân địa phương. Những chiếc máy quay liên tục chĩa và người và sự kiện. Một thành viên nữ, thuộc ban truyền thông của gia đình Phật tử kể, cô bị một nhân viên an ninh đến, yêu cầu giao nộp những gì cô đã quay, chụp. “Tại sao?”, cô này kể đã hỏi dứt khoát, và bỏ đi quay nhìn lại.
Thầy Thích Nguyên Lý chưa khoẻ lại sau một vụ đụng xe lạ lùng, sau lễ ngài phải về sớm để làm lễ ở chùa quận 8, Sài Gòn. Thầy kể khi ra cửa, gặp ngay một sĩ quan an ninh của TP.HCM đang đi vào.
-
“Sao chuyện ở Đồng Nai mà công an Sài Gòn cũng phải chạy xuống vậy?”, thầy cười hỏi.
-
“Công việc phải vậy mà thầy”, viên công an đáp.
-
“Hôm nay không có gì đâu, mai mốt có đại hội tui báo cho”, thầy Thích Nguyên Lý vừa cười vừa nói.
-
“Chắc không có đại hội được đâu”, viên công an đáp nhanh.
Hoá ra, theo nhận định của thầy Thích Thiện Minh, phía công an căng thẳng là vì dự đoán có thể trong tang lễ của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, các thầy lớn trong GHPGVNTN tụ về, sẽ có việc tiến hành bầu Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo mới của GHPGVNTN. Nhưng ngay cả việc này, cũng không nằm ngoài dự đoán của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ lúc sinh thời.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do