Báo Nhà nước cho phép biểu quyết “ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ ” trong khi im lặng về bầu cử Việt Nam
RFA
Khi truy cập vào các bài viết về bầu cử Tổng thống Mỹ trên trang báo VnExpress, người đọc sẽ thấy một thăm dò về việc "ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ", với hai lựa chọn là Donald Trump và Kamala Harris.
Thăm dò trên trang báo có cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu từ ngày 23/8, đến sáng 29/10 khi phóng viên RFA truy cập vào mục kết quả nhận thấy hơn 200.000 người đã tham gia biểu quyết, với 77% số đó chọn ông Trump và còn lại chọn bà Harris.
Một số trang báo khác và các kênh Youtube của các tờ báo cũng đưa tin dồn dập như Sài Gòn Giải Phóng, VTV24... thậm chí có chuyên mục riêng về "Bầu cử Tổng thống Mỹ" như của Vietnamnet.
Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng nhận định về việc này với RFA qua tin nhắn:
"Việc được nói thoải mái về bầu cử nước ngoài, ngoài việc vừa tạo ra cảm giác của một đất nước có tự do ngôn luận, còn nhằm mục đích chính là chứng minh cho người dân Việt Nam thấy chính trị nước ngoài bất ổn, và họ thường đánh đồng điều này với việc mất ổn định đất nước. Từ đó, người dân Việt Nam không còn muốn có đa đảng cạnh tranh vì không muốn sống trong một đất nước bất ổn."
Trong khi đó, thông tin về việc các Đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn người kế vị Chủ tịch nước Việt Nam thay ông Tô Lâm chỉ xuất hiện một ngày trước khi bỏ phiếu và thậm chí người dân còn không biết ứng cử viên là ai.
Các tờ báo Nhà nước cũng hoàn toàn không có các bài viết bình luận xung quanh việc lựa chọn ứng cử viên Chủ tịch nước, chương trình nghị sự, lời hứa với cử tri...
Ông Nguyễn Viết Dũng, người từng bị tuyên án 6 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" nhận định thêm rằng, do Việt Nam không có bầu cử tự do nên việc hạn chế thông tin bầu cử trong nước như một biện pháp để duy trì sự đồng thuận của dân chúng và sự ổn định của xã hội, theo định nghĩa của nhà nước Việt Nam.
Một luật sư ở Hà Nội muốn ẩn danh vì lý do an ninh cho hay, việc đưa tin về bầu cử Mỹ của các tờ báo cũng có chừng mực, và "nên được xem là động thái tích cực, hơn Triều Tiên hay Trung Quốc, những nước Cộng sản khác có xu hướng đóng cửa, cực đoan hơn." Ông nhận định:
"Và như mọi người hay nói, để giải toả bớt bức xúc của người dân, thay vì để họ ấm ức thì cho họ xả vào những chỗ khác, vô thưởng vô phạt; nó hữu ích về mặt tinh thần cho người dân và giảm bớt sự chú ý vào những khiếm khuyết hiện tại về thể chế chính trị, cách thức tiến hành ứng cử, bầu cử ở Việt Nam."