Kiên định Mác-Lênin làm gì
Tượng tên cs Lê Nin ngày nay - nguồn Internet
Phạm Trần
Việt Báo
Đảng CSVN đang bối rối về câu hỏi: Tại sao phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước? Lý do đơn giản, vì đảng sợ “dân chủ”, nhát “tự do” và lo phải đối phó với tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng, đe dọa sự sống còn của chế độ.
Ba cái sợ này đã khiến đảng phải dè dặt trong công tác chọn người vào khóa đảng XIV, bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm từ tháng 01.2026. Vì vậy, tiêu chuẩn hàng đầu là phải “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng” (Diễn văn Nguyễn Phú Trọng, ngày 13/03/2024, báo ĐCSVN)
NÁT TỪ TRONG RA NGOÀI
Ông Trọng kiên quyết như thế vì, theo lời ông, hiện nay có “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Nhưng tại sao họ đã “phai nhạt lý tưởng”? Bởi vì đảng tiếp tục chũi đầu xuống cát đi sai đường, chọn nhầm chủ nghĩa. Ông Nguyễn Phú Trọng và hàng ngũ lãnh đạo CSVN vẫn chưa “tỉnh ngủ” sau sự tan rã của Liên bang Sô Viết và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu từ 1988 đến 1992. Sau biến cố này, Việt Nam còn lại là một trong 4 nước Cộng sản riêng lẻ gồm Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba. Thế giới không còn khối Cộng sản như thời chiến tranh lạnh nữa.
Tình trạng này cũng xẩy ra trong nội bộ đảng CSVN khi có đa số cán bộ đảng viên không còn tha thiết gì với Chủ nghĩa Cộng sản. Đã có những yêu cầu đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và chỉ duy trì “chủ nghĩa dân tộc” của ông Hồ Chí Minh, nhưng đảng bác bỏ với lập luận bịa đặt rằng “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
Cương lĩnh còn bao biện thêm: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”
Toàn là những câu chữ “kêu to nhưng trống rỗng”. Thực tế Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia chậm tiến và lạc hậu trên Thế giới. Bằng chứng đã được ông Nguyễn Phú Trọng tái xác nhận trong Diễn văn ngày 13/03/2024, theo đó: “Bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hoà bình") mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn.”
PHAI NHẠT LÝ TƯỞNG
Từ những chứng bệnh trầm kha này, ông Trọng nhìn nhận: “Đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt chỉ tiêu mong muốn. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.”
Về thành phần trẻ, ông Trọng phê bình: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.”
Nhưng “tham nhũng quyền lực” và “tham nhũng vật chất” là con đẻ của tình trạng “tiêu cực”. Vì vậy, ông Nguyên Phú Trọng phải nhìn vào sự thật khi nói: “Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi.”
CHÍNH TRỊ NỘI BỘ
Vì tình trạng “suy thoái tư tưởng, bài bác Mác-Lênin và hoài nghi về “tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” mỗi ngày một lên cao nên đảng đã ra lệnh tăng cường công tác “Bảo vệ chính trị nội bộ” để bảo vệ đảng. Đảng nói: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; có ý nghĩa sống còn đối với sinh mệnh của Đảng, sự sống còn của chế độ và lợi ích quốc gia-dân tộc.”
Thật ra “bảo vệ chính trị nội bộ” chỉ nhằm bảo vệ cho quyền cai trị độc tôn của đảng. Nhân dân không có lợi ích nào hết. Bởi vì đảng đã khẳng định: “Bảo vệ chính trị nội bộ chính là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.” (báo Quân đội Nhân dân, ngày 09/08/2022).
VẪN HOÀI NGHI
Tuy nhiên tình hình suy sụp trong cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội đảng XIV vẫn tiếp tục khiến đảng lo “vắt giò lên cổ”. Theo báo Nhân Dân ngày 21/05/024 thì tuy: “Đảng ngày càng vững mạnh thì bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận tỏ ra hoài nghi, thiếu tin tưởng, có thái độ chỉ trích cách điều hành, hoạt động của các tổ chức đảng cũng như của cả hệ thống chính trị.”
Bằng chứng “quay lưng của đảng viên” đã được Nhân Dân nhìn nhận: “Hậu quả là xuất hiện một số cá nhân tùy tiện bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội, thể hiện những cái nhìn cực đoan, méo mó, sai trái về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, cho rằng đó là vì “lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích của đất nước”.
Báo này oán trách: “Thay vì tìm hiểu các thông tin, sự việc được quan tâm từ các nguồn chính thống, tin cậy, các cá nhân này đưa ra những suy đoán vô căn cứ, hồ đồ, ác ý, hoặc đưa ra những dự báo về những thay đổi nhân sự trong thời gian tới kèm theo những phân tích mang mầu sắc chủ quan, thiếu căn cứ. Ma trận tin thật-tin giả ít nhiều gây hoang mang, dao động trong cộng đồng đang ngày càng lây lan với tốc độ chóng mặt, đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường. Đã xuất hiện tình trạng “làm nhân sự” tại bàn trà, quán nhậu. Đã có những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, nguy cơ làm lung lay niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đây hình thành tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội.”
Trước sức tấn công vào công tác Nhân sự khóa XIV của thành phần tiến bộ trong nội bộ đảng, Nhân Dân kêu gọi: “Trước tình hình chống phá ác liệt của các thế lực thù địch đối với công tác nhân sự của Đảng nhất là trên không gian mạng, yêu cầu đặt ra đối với cả hệ thống chính trị đó là phải giữ vững thế trận lòng dân, làm chủ trận địa thông tin, làm tốt công tác định hướng dư luận. Kịp thời thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, cũng như thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm để nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng. Cần chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.”
Báo của Trung ương Đảng còn kêu gọi: “Đồng thời các tầng lớp nhân dân cần tỉnh táo, nâng cao sức đề kháng, không để bản thân bị lôi kéo hoặc tiếp tay cho đối tượng xấu, không lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng, tin bịa đặt sai sự thật xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước. Khi bị đề cao cảnh giác, tẩy chay, không ai đọc, không ai quan tâm phát tán, lan truyền thì các thông tin xấu độc sẽ không còn cơ hội để phát tán, gieo rắc mầm độc hại trong cộng đồng.”
Đảng kêu gọi thì cứ kêu gọi, căn cứ theo các mạng báo cá nhân thì các bài viết chống Mác-Lênin và phê bình đảng vẫn lan rộng và sâu trên “mạng xã hội dân sự”.